Từ cổng trường giáo dưỡng nhìn ra bên ngoài, con đường rộng và thẳng tắp chạy miết về phía cuối dốc, trườn mình rồi ngã nhào xuống như một dòng thác khô. Hai bên đường là hai hàng cây cao nằm kề bên những ngôi nhà cổ kính, đồ sộ đan xen trong sự bao phủ của các mảng nắng sáng. Những hàng cây đã chờ đợi mùa xuân, để rồi vừa mới đến xuân lại đi qua mau, làm chúng chưa kịp đón hết hương vị giao mùa. Ánh nắng dát vàng lên sống lưng những chiếc lá, thả vài tia le lói qua những kẻ lá rọi xuống mặt đường. Đã sắp đến rằm tháng Giêng, vậy mà mấy chậu mai đặt ở phía trước trường giáo dưỡng vẫn chưa tàn, thỉnh thoảng chỉ có vài cánh mỏng rơi xuống đất, nghiêng nghiêng. Bên ngoài, dù con đường trước nay vắng vẻ, nhưng trong những ngày đầu năm nầy vài đôi nam nữ vẫn rảo bước chuyện trò. Còn trong trường giáo dưỡng, không khí mấy ngày Tết vừa mới qua hẳn còn âm vang đâu đây.
Thằng Tâm
thẫn thờ ngồi trên chiếc ghế đá đặt trước sân, gương mặt đăm chiêu. Đâu đó, vài
ba cơn gió se se lạnh phớt qua chậm rãi, thổi hai vạt áo Tâm khẽ run run nhẹ
nhàng. Hơi lạnh buổi sớm mang một hương vị ngọt ngào phả vào môi, vào má Tâm.
Đôi mắt nặng vẻ u buồn của nó căng tròn, dõi về phía xa như cố ngóng chờ, hy
vọng một điều gì đó, đôi chân mày đen mỏng chau lại…
Tội nghiệp.
Mới mười lăm tuổi đầu mà bao cay đắng, tủi cực đã đến với Tâm. Nó là kết quả
của một cuộc tình không có hôn nhân. Cả ba và mẹ nó đều là dân nghiện hút. Mẹ
qua đời khi nó mới được mấy tháng tuổi. Sau đó ba cũng bỏ đi bụi đời, lang thang
khắp nơi. Từ nhỏ, Tâm chưa một lần thấy mặt mẹ và cũng không biết ba mình là
ai. Một đứa trẻ khát sữa, thiếu tình thương lúc chưa chập chững đi bước chân
đầu tiên trong đời phải sống trong vòng tay yêu thương của bà ngoại đã già yếu.
Có lẽ trong cuộc đời nầy, người thân duy nhứt của nó chỉ có bà.
Bà của Tâm,
quanh năm nghèo khó, khốn khổ, bịnh không có tiền mua thuốc. Lắm khi còn không
có tiền mua gạo nấu cơm, hai bà cháu phải ra đồng hái rau về luộc ăn cho đỡ
đói. Sống trong hoàn cảnh nầy thì làm gì Tâm được học hành đến nơi đến chốn.
Khi được hơn mười tuổi, thấy bà đã già yếu, nó đi kiếm việc làm để phụ giúp bà.
Bàn tay mềm mại của trẻ con dần đen nhẻm và chai sạn dần theo những công việc
mà Tâm làm. Ai thuê gì nó cũng làm, nặng nhọc gì cũng phải cố gắng cho xong. Nó
biết rằng mình phải làm, làm hết sức để đỡ đần bà. Sự cố gắng của nó, mớ tiền
nhỏ của nó là sự cứu rỗi duy nhứt trong lúc nầy. Tội nghiệp thằng nhỏ, mỗi ngày
cắc củm năm mười ngàn đem về, nhưng có thấm vào đâu.
“Thằng Tâm
một lát qua rửa chén cho bà Bẩy nghe con!”
“Tâm, mày
qua đây khiêng hàng vô kho với tao coi!”
Từ phụ hồ,
khuân vác, rửa chén, giặt đồ, quét dọn, phục vụ quán ăn… chẳng có việc nào Tâm
chưa từng trải qua. Và, không lúc nào nó không bị người ta chửi bới, chà đạp.
Khi rửa bể một cái chén hay làm vỡ một món hàng, người chủ mắng chửi nó bằng
những lời thậm tệ. Khi phụ hồ bị mấy thằng lớn tuổi hơn chọc ghẹo, đánh đập. Nó
chỉ biết để mặc cho nước mắt lăn. Những lần như thế nó ước gì có ba mẹ kề bên.
Mẹ sẽ ôm nó vào lòng dỗ dành cho nín. Ba sẽ đến quát vào mặt những người ấy
rằng sao dám chạm đến con tôi… Nhưng những ước mơ đó đối với Tâm thật xa vời.
Mọi người xung quanh không cần thiết phải quan tâm thằng nhỏ nầy từ đâu đến,
con nhà ai? Trong mắt họ nó chỉ là một thằng mạc hạng đầu đường xó chợ. Hững
hờ. Bỏ mặc. Họ thuê thằng Tâm và trả tiền với giá rẻ mạt cho những gì nó đã
làm, vậy là xong.
Cũng từ dạo
ấy, Tâm cảm nhận rằng trên cuộc đời nào không có cay đắng nào nó chưa từng trải
qua, không có tủi cực nào nó chưa từng nếm. Từ lúc nào đó, nó đã không còn có
thể khóc khi đau!
Thằng Tâm
mười ba tuổi, bà nằm xuống dưới ba tất đất, để lại một mình nó bơ vơ, trơ trọi
giữa cuộc đời nghiệt ngã nầy. Những lúc buồn nó sẽ dựa vào ai, những khi vui nó
chia sẻ cùng ai, những lúc nó tủi cực nhứt lấy ai để chở che? Tất cả, tất cả
niềm hy vọng đã theo bà bay đi mất, tất cả đã hết rồi.
Cái nghèo,
cái đói cứ đeo đẳng nó và bụi bẩn cuộc đời hằng sâu vào từng nếp gấp tâm hồn
như không thể nào gội rửa sạch. Thằng Tâm bắt đầu đi lưu lạc đầu đường xó chợ
cùng mấy đứa bụi đời để “hành nghề”… ăn cắp. Đôi lúc nó tự hỏi rằng cuộc sống
đối với nó lúc nầy có còn là cuộc sống nữa không? Không! Là nơi tận cùng của
khốn khổ. Là chốn chỉ có căm thù và thèm khát. Xung quanh nó toàn mùi tanh hôi
của xã hội tiền. Kể từ đó, Tâm trở thành một người khác, một con người vô cảm.
Nó lạnh nhạt với mọi người, hững hờ với mọi thứ. Trong mắt nó, chỉ có nó là tồn
tại, duy nhất giữa cuộc đời tăm tối nầy.
Sau mấy “phi
vụ lớn”, thằng Tâm bị công an bắt. Cứ ngỡ là mình bị ở tù, vào trại cải tạo
hoặc giả bị tra tấn, đánh đập… nhưng rồi nó được cho đưa vào trường giáo dưỡng
nầy. Cũng từ đây cuộc đời Tâm đã thay đổi. Nó khỏi lo cái ăn cái mặc, lại có
chỗ ngủ, không phải ngủ ở vỉa hè. Nó không còn là một thằng bẩn thỉu đầu đường xó
chợ, không còn bị coi là côn đồ du đãng nữa. Chẳng những thế, nó còn được học
hành…
Tuy vậy, nó
vẫn buồn. Buồn vì cuộc đời, vì số phận?
“Tâm! Con
đang suy nghĩ gì vậy?”
Nó quay lại
thì gặp cô Thủy đi đến. Cô Thủy là mẹ thứ hai của Tâm, vì chính cô đã cưu mang
nó về trường giáo dưỡng nầy. Trong trường ai cũng yêu quý cô, các em còn rất
nghe lời cô nữa. Đối với Tâm, nó rất biết ơn cô vì nếu không có cô thì ngày hôm
nay không biết nó đang ở gầm cầu hay một xó tối tăm nào đó rồi.
“Dạ… con…
con buồn quá cô ơi!”
“Sao lại
buồn? Có bạn nào chọc ghẹo con hả?”
“Không đâu
cô, các bạn đối xử tốt với con lắm. Con buồn vì… con không biết ba mẹ mình là
ai.”
Ngừng một
chút, nó nhìn cô - một cái nhìn sâu lắm. Cô thấy cái nhìn đó hiền ghê. Nó nói
tiếp:
“Con thiệt
thòi hơn mấy đứa trẻ khác quá hả cô?”
Nghe Tâm nói
đền đó cô Thủy sững sờ. Cô nhìn thấy đôi mắt nó đỏ hoe. Từ trước đến giờ cô
biết thằng Tâm là một đứa láu lỉnh, nhanh nhẹn, nhưng đâu ngờ nó cũng đa cảm
vậy. Cứ tưởng rằng vô đây rồi chắc nó sẽ quên cái thời tối tăm xa xôi ấy.
“Con vẫn
thường nhớ về ba mẹ con hả?”
“Dạ, tuy con
không biết ba mẹ mình mặt mũi ra sao nhưng lúc nào con buồn là con nhớ về ba
mẹ. Hồi đó con sống bụi đời, lúc nào bị người ta chửi mắng, chà đạp là con lại
khát khao có ba mẹ ở đây để chở che cho con… con…”
Nó không nói
hết câu. Nó khóc. Cô Thủy cũng sụt sùi. Nước mắt cô rơi xuống vai Tâm, nó nghe
ấm lắm!
“Con đâu có lỗi khi con mồ côi. Với cô, mỗi đứa trẻ mồ
côi là một con chim bé nhỏ, đáng thương.”
* * *
Thời gian
trôi qua không chờ đợi điều gì. Mùa xuân lại đến, tức là đã thêm một năm Tâm ở
trường giáo dưỡng nầy. Và, một năm kỷ niệm ngày Tâm gặp Chánh. Đó cũng là một
buổi sáng đầu xuân của năm trước, Chánh đã đến trường giáo dưỡng nầy. Hôm
đó, một thằng cỡ bằng tuổi Tâm rón rén bước sau lưng cô Thủy. Nó có nước da
hơi ngăm đen, trên má có vết sẹo dài nhưng nhỏ, nếu không để ý kỹ sẽ không phát
hiện ra. Trán nó cao mà mũi lại thấp, gương mặt bè bè nhìn ngộ ngộ làm sao. Cô
đến chỗ đám đông các bạn, chỉ thằng nhỏ đó rồi nói:
“Đây là bạn
Chánh, bạn mới của các em, từ hôm nay bạn sẽ vào ở đây chung với chúng ta. Các
em làm quen với nhau đi!”
Vậy đó, nó
nhanh chóng đến bắt chuyện với Chánh. Dần dần, hai đứa trở nên thân thiết với
nhau.
Một ngày mưa, Tâm đã hỏi Chánh một cách rụt rè:
“À… mà…
Chánh ơi, sao bạn vô đây vậy?”
Thằng Chánh
giựt mình. Nó nhìn Tâm rồi lặng người, cúi đầu không đáp. Nó cứ nghĩ là sẽ
không nói cho ai nghe về quãng đời trước đây của mình. Có ích gì chứ? Chỉ là
những hoài vọng mơ hồ, xa xôi mà không ai còn nhớ. Nhưng không hiểu sao khi gặp
Tâm, ánh mắt đó làm nó cảm thấy thân thuộc, tin tưởng. Bỗng dưng nó lại thèm
chia sẻ quá chừng! Một lúc sau nó nói, thật chậm, thật nhỏ, như chỉ muốn một
mình thằng Tâm nghe thấy:
“Mẹ mình đi
làm ăn xa từ năm mình bảy tuổi. Mình sống với ba, nhưng ba thường hay la mắng
nên sau đó mình bỏ nhà đi tìm mẹ. Dĩ nhiên là không tìm được rồi, năm ấy mình
mới có bẩy tuổi mà. Mình quên đường về nhà, gặp một anh làm nghề đánh giày cho
đi theo làm chung với anh ấy. Sau đó anh về quê không làm nữa, mình tự kiếm
sống một mình, bị người ta chọc gẹo rồi đánh lộn, vết sẹo nầy là của đánh lộn
nè”, vừa nói nó vừa chỉ lên mặt.
Tâm thấy
“hấp dẫn” như một truyện kiếm hiệp, nó giục:
“Sao nữa?”
“Rồi thì
riết quen, cứ đánh lộn hoài, bị công an bắt, được đưa về đây… À, mà… còn Tâm
thì sao?”
Thằng Tâm
trầm tư hơn, nó cũng buồn lắm:
“Cũng gần
giống Chánh. Mình bị ba mẹ bỏ rơi, sống với bà, đi làm mướn kiếm tiền. Sau khi
bà mất, mình đi bụi đời, cướp giựt rồi bị công an bắt, sau đó được đưa về đây.”
Bỗng dưng
Tâm thấy nao lòng, nó thở dài rồi đứng phắt dậy. Nắng vẫn trải nhẹ nhàng nhưng
tại lòng Tâm lại nặng nề u uất. Nó nói, giọng run run:
“Nhưng mà,
bạn còn có mẹ để hy vọng một ngày nào đó sẽ được gặp lại, còn mình thì…”
Hai đứa lặng
người, cúi đầu, không ai nói với ai một lời nào nữa. Tâm nhìn ra ngoài đường,
vẫn đôi mắt vô cảm ấy, như trông chờ, hy vọng, nó hỏi Chánh mà như đang nói với
hư vô:
“Sao ba mẹ lại
bỏ chúng ta như vậy hả Chánh?”
Chánh vẫn
ngồi yên và bất ngờ trước câu hỏi của Tâm. Nó nhìn Tâm, đôi mắt của Tâm to,
tròn xoe, ra vẻ trí thức, nhưng trong đó ẩn chứa một cái gì đó sâu xa lắm.
Chánh muốn nói: “Tâm ơi, sao mình biết được chứ. Câu hỏi nầy phải dành cho
những người cha, người mẹ đã bỏ rơi con cái của họ trả lời kìa”, nhưng nó lại
thôi không nói.
Rồi thằng
Chánh cũng bỏ đi. Nghe đâu mẹ nó làm ăn xa gì đó giờ khá giả lắm, bà trở về tìm
nó để rước ra thành phố sống. Tự dưng Tâm nghe như có cái gì mênh mang lắm,
trải lên dầy cộm trong lòng mình. Chánh phải đi rồi, cái thằng bạn thân thuở
nào còn ngồi nhìn mưa, kể cho nhau nghe những chuyện đi “giang hồ”, cùng ngồi
cạnh nhau trong những bữa ăn ở trường giáo dưỡng, vậy mà giờ đây…
“Mẹ mình sắp
về rồi! Mẹ sẽ rước mình ra thành phố sống, từ nay mình lại có mẹ rồi!”
“Ừm, chúc
mừng Chánh nghe!”
“Ủa, hình
như Tâm không vui hả? Sao, có chuyện gì vậy?”
Tâm ú ớ…
Vui! Nó vui chứ. Vui vì bạn thân tìm được mẹ. Nhưng nó cũng buồn. Buồn một phần
vì phải xa Chánh, người bạn chỉ mới quen chưa đầy một năm, dễ thương, biết chia
sẻ. Buồn một phần vì tủi thân cho mình.
“Đâu, mình
vui chứ!”
Chánh cứ
huyên thuyên kể làm Tâm càng đau hơn:
“Mai mốt
mình về thành phố không biết ở đó ra sao nữa. Mình nghe nói ở đó vui lắm mà
đường sá thì nhóc hết, lạng quạng là lạc đường như chơi đó…”
Tâm nghe rồi
ừ hử cho xong chứ thật sự nó cũng không để ý Chánh nói gì. Nó không muốn xa
thằng bạn thân như Chánh. Nhưng con người ai cũng cần có cha mẹ mà, phải không
Chánh? Mấy ngày sau đó, mẹ Chánh về, cô Thủy tổ chức một buổi tiệc nhỏ cho
Chánh chia tay với các cô và bạn bè trong trường. Chánh và Tâm ngậm ngùi nói
lời chào từ biệt nhau, không biết bao giờ mới được gặp lại.
Chánh đã đi,
nó đã về với mẹ, với những ước mơ của nó. Tâm vui lắm, nó cũng ganh tỵ và ước
ao được giống như Chánh, được về bên gia đình. Nhưng nó biết rằng chỉ là vô
vọng, vì gia đình nó còn đâu. Tâm ngồi một mình, nó muốn kêu lên thật lớn: “Mẹ
ơi… mẹ về với con!” Im lặng nặng nề. Vẫn không có ai lên tiếng, cây cỏ thờ ơ,
con đường trước của trường giáo dưỡng vắng hoe, nắng vẫn trải một màu vàng lên
những hàng cây. Không gian như chật hơn, những thứ ngột ngạt đang dần bó sát
cái khoảng rỗng trong tâm hồn Tâm. Nó thèm được có thể khóc lên thật lớn ngay
lúc nầy.
Vậy là một
đứa trẻ mồ côi nữa lại được trở về mái ấm gia đình. Còn Tâm thì sao?
Đang miên
mang với những hồi ức, chợt ngoài cổng trường có tiếng lao xao. Chắc có người
đến. Tâm không buồn nhìn ra, cứ ngồi thừ ở đó. Chợt thằng Hải chạy tới, vừa thở
hổn hển nó vừa nói:
“Tâm! Sao
mày ngồi ở đó hoài vậy? Thằng Chánh về thăm mình kìa!”
“Cái gì?
Thằng Chánh?”
Tâm như
không tin nổi vào tai mình, thằng bạn thân thuở nào mà nãy giờ nó đang nghĩ đến
lại xuất hiện ở đây, ngay giờ phút nầy ư?
“Ừ, thằng
Chánh kìa, ra gặp nó đi, ngồi đó hoài.”
Nói rồi Hải
vụt đi, Tâm cũng đứng dậy, lật đật bước đi mà như chạy…
Thằng Chánh!
Đúng là thằng Chánh! Nó từ thành phố xa xôi đi hơn hai trăm cây số về đây để
chung vui mấy ngày Tết với bạn bè. Nó đi thăm cô Thủy - người mẹ thứ hai của
nó, thăm những đứa bạn, những đứa em trong trường và… thằng Tâm.
Hôm nay,
trường giáo dưỡng ấm lên, mặc dù trời se lạnh nhưng dường như một ngọn lửa đã
thắp sáng và sưởi ấm cho những đứa trẻ lạc loài. Một ngày vui, ngày mà Tâm và
Chánh gặp nhau, ngày của tình bạn. Chúng biết rằng trong tuổi thơ mênh mông
buồn tủi, một niềm vui - dù nhỏ nhoi - cũng đủ ghi dấu suốt cuộc đời. Sáng nay,
mai vàng rụng đầy mặt sân trường giáo dưỡng, hai thằng bạn ngồi nói chuyện với
nhau, chúng chợt nhận ra rằng Trái đất lúc nầy thật bình yên. Bình yên như chưa
từng có chiến tranh thù hận, chưa từng có nghèo đói. Bình yên như chưa từng có
những cuộc chia ly, chưa từng có nước mắt…
Gió vẫn
thổi, mang theo bao tình thương của những tâm hồn trẻ dại bay thật xa.
Anh thật sự bất ngờ khi vô tình đọc được truyện ngắn Nắng Xuân của em và càng bất ngờ hơn khi biết em là một "nhà văn" ở tuổi 15!
Trả lờiXóaCó thể nói những đề tài, những nghĩ suy, trăn trở của em đã gởi gắm trong các tác phẩm của mình dường như nó lớn hơn gấp nhiều lần so với tuổi tác của em. Chính điều này đã làm anh từ tò mò rồi đến thích thú khi "khám phá" em qua một số tác phẩm thơ, và truyện ngắn này.Có lẽ sẽ không quá lời khi gọi em là một "hiện tượng" văn học của tỉnh An Giang mà anh vừa biết. Chúc em tiếp tục học tốt, đọc nhiều và có điều kiện đi nhiều để ghi chép, suy ngẫm,có thêm nhiều "vốn" cho sự nghiệp văn chương của mình.
Rất vui khi được biết em qua tác phẩm. Hy vọng có dịp nào đó được gặp em. Chúc em thành công và có thêm nhiều tác phẩm thơ, văn mới.
Địa chỉ liên hệ của anh:Thanh Sử - Email:thanhsuatv@gmail.com
0989.9798545
Cám ơn anh Thanh Sử đã vào đọc bài của em và ghi lại vài dòng cảm nhận. Em cũng là người mới tập tành viết lách, chỉ là "ghi chuyện" thôi chứ chưa hay lắm, hihi... nên không dám nghĩ mình là hiện tượng gì cả, ở AG vẫn có nhiều tác giả trẻ viết tốt lắm đấy!
Trả lờiXóaCám ơn anh đã có lời chúc, em sẽ cố gắng. Em cũng xin chúc anh sức khỏe và thành đạt nhé!