Tính đến nay, khi nhà thơ Trịnh Bửu Hoài gần bước sang tuổi 60, ông đã xuất bản tròm trèm 50 đầu sách với nhiều thể loại như thơ, tiểu thuyết, du ký, sưu khảo… Tuy nhiên, điều đáng khâm phục ở ông không phải là số lượng tác phẩm, mà là độ “sống” của tác phẩm với thời gian. Có lẽ, đối với người sáng tác, không gì hạnh phúc hơn khi những tác phẩm của mình được bạn đọc thường xuyên nhắc đến. Độc giả An Giang không quên những tác phẩm đã từng một thời được các cô cậu học trò chuyền tay nhau như Vụ án vườn Tao Ngộ, Nửa tuần trăng mật, Lẽo đẽo bụi hồng, Ngan ngát mùa xưa, Màu tím học trò… Và nhiều tác phẩm khác nữa đã làm nên một Trịnh Bửu Hoài riêng và rất riêng trong lòng bạn đọc miền sông nước, đặc biệt là giới trẻ.
Gần đây, tập
thơ Ký ức (Văn nghệ An Giang, 2002) là
một tác phẩm khá ấn tượng trong “gia tài” văn chương của Trịnh Bửu Hoài tính
đến nay. Ấn tượng bởi tập thơ đầy tâm sự và hoài niệm với quê hương, với bạn
bè, với những vùng đất mà tác giả đã đi qua trong hơn nửa đời người - đúng như
tên của nó: Ký ức. Dù đây chỉ là một
tập thơ mỏng, vỏn vẹn 16 bài thơ trong 64 trang in, nhưng xét về chữ “tình” thì
tập thơ nầy lại khá dày dặn.
Như đã nói,
mảng đề tài chính của tập thơ là hoài niệm u buồn xen lẫn cảm xúc yêu thương
của “nửa đời phiêu bạt” - như chính tác giả thổ lộ. Đến những nơi xa, con người
và vùng đất tại đó đã mang lại cho nhà thơ những ưu tư, mà khi từ giã rồi ông
vẫn cảm thấy mình còn nặng nợ - cái nợ ân tình. Những lần hội ngộ bạn thơ cũng
để lại cho ông nhiều kỷ niệm. Tất cả được ông trân trọng góp nhặt vào tập thơ
mỏng nầy.
Có một điều
đáng chú ý trong Ký ức, đó là người
đọc ít bắt gặp đề tài tình yêu và quê hương như những tập thơ khác của Trịnh
Bửu Hoài. Mặt khác, tất cả các bài thơ trong tập thơ đều được tác giả đề tặng những
người bạn của mình. Có lẽ, do đây tác phẩm ghi lại những kỷ niệm của nhà thơ ở
“xứ người”, nên ông dành nhiều tình cảm của mình cho những con người nghĩa tình
ấy.
Bài thơ đầu tiên
trong tập thơ là Bạn tôi, một cái tên
chân phương mang nghĩa tường minh đầy giản dị. Bài thơ nầy tác giả viết tặng
Lộc Vũ - nhà thơ gắn bó cuộc đời với mảnh đất An Giang nhưng chẳng may mất sớm.
Trịnh Bửu Hoài đã viết về bạn mình: “Bạn
mang hồn phương đông / Quay lưng ra phố chợ / Áo cơm không là nợ /
Hồn phơi phới ngàn lau.”
Nếu Bạn tôi chỉ ghi lại hình ảnh của một con
người, thì ở Đêm ngủ dưới chân Ngự Bình
và Về phố cổ, tác giả đã lồng cả tình
đời và tình thơ vào tác phẩm, đến độ dường như có thể kéo giãn cả thời gian
theo trang thơ. Đến xứ cố đô, ngủ đêm ở nhà của nhà thơ Ngàn Thương, hoàn cảnh
nghèo khó của bạn thơ đã khiến Trịnh Bửu Hoài thao thức: “Nhưng ta làm sao ngủ được / Huế thơ mà
bạn ta nghèo / Quá đêm còn nằm thao thức / Ngậm ngùi một mảnh trăng
treo” (Đêm ngủ dưới chân Ngự Bình).
Đến Hội An gặp gỡ nhà thơ Nguyễn Miên Thượng, tình nghĩa của những người thơ
làm cho khoảng cách tuổi tác lùi xa, cả hai đã qua nửa đời người nhưng điều đó
chẳng sá gì với tâm hồn của họ: “Bạn
sống như chàng hát rong / Ta cũng nửa đời phiêu bạt / Gặp nhau mái đầu chớm bạc / Nụ cười sao rất hồn nhiên” (Về
phố cổ).
Và, khi bắt gặp bài
thơ Tiễn bạn trong tập thơ nầy, tôi
thật sự bồi hồi…
Có thể nói, Tiễn bạn là một trong những bài thơ của
nhà thơ Trịnh Bửu Hoài được nhiều người biết đến nhứt, đặc biệt là hai câu thơ
để đời: “Đất khách muôn trùng sao nhỏ
hẹp / Quê nhà một góc nhớ mênh mông.” Tiễn bạn được cây bút trẻ Trần Sang gọi là “cuộc tiễn đưa lay động
lòng người”.
“Ra đi đâu phải không về nữa
Mà khói
hoàng hôn cay mắt nhau
Mà chiều
như rụng theo chân bước
Và nắng
đường xa bỗng bạc màu”
Tôi đã đọc Tiễn bạn nhiều lần trước đó, trong một
số tuyển tập nhiều tác giả có Trịnh Bửu Hoài góp mặt, mỗi lần đọc là một lần
cảm nhận lại nỗi niềm của người xa quê. Bài thơ vỏn vẹn bốn khổ thơ bảy chữ,
viết theo lối chân phương, không đánh đố, không cao xa, mà nặng nghĩa tình. Đọc
xong tâm trạng còn đau đáu…
Một lần về Tây
Nguyên, nhớ người bạn thơ nhiều năm lận đận nổi trôi, tác giả cảm thấy phố
phường cao nguyên như trống trải đìu hiu: “Phố núi bây giờ đi mỏi gối / Một mình ta các ngõ chợt buồn
tênh / Vắng bạn hoàng hôn mù sương khói / Mái tóc ngày xưa có ngọt
mềm” (Về Pleiku nhớ bạn). Nỗi
nhớ người xưa không vơi trong lòng, nhưng người vẫn mờ ảo như sương khói, đâu
còn tìm lại những lần hội ngộ cùng nhau, để rồi nỗi nhớ làm ông thốt lên: “Ta ngó núi không buồn rót rượu / Núi
nhìn ta lạ một bóng đời / Cao nguyên ơi đêm này không ngủ / Nằm nghe
rừng núi hát thơ người...” (Về
Pleiku nhớ bạn).
Và, Buồi chiều thiên niên kỷ là bài thơ mà tôi
thường nghĩ đến mỗi khi có dịp ngồi lại cùng những người bạn của mình. Không
biết vì sao những vần thơ bình dị ấy lại “ám ảnh” tôi, đọc lên cứ nhớ bạn bè da
diết. Không triết lý, không hàm ý, chỉ là những dòng tâm sự bình thường. Bình
thường? Biết đâu chính điều đó lại là cái hay! Vì bình thường nên ai cũng có
thể xao xuyến khi khe khẽ đọc: “Năm
thằng nhớ những chiều xa / Lần giở từng trang ký ức / Dù đời là mơ hay thực /
Ngày mai trời vẫn xanh màu / Ngày mai nắng vẫn xôn xao / Chào bình minh thiên
niên kỷ / Năm thằng vẫn là tri kỷ / Ung dung đi giữa cuộc đời…” Bao
nhiêu kỷ niệm vui buồn bên bè bạn, của tôi, của ông, của mọi người… tự dưng ấm
áp biết bao!
Nhà thơ Trần Xuân An
từng nhận xét: “Trong tình bạn thâm giao, Trịnh Bửu Hoài khi viết về bạn, cũng
là lúc anh thể hiện chân thành, trung thực chính anh một cách mặc nhiên mà có
thể anh không ngờ đến.” Nếu theo nhận xét trên, tôi mạn phép chọn hai bài thơ trong
tập thơ nầy tiêu biểu cho “dòng thơ viết về bằng hữu” của Trịnh Bửu Hoài, đó là
Uống rượu bên hồ Trúc Giang và Chiều Kinh Bắc.
Uống rượu bên hồ Trúc Giang có những câu thơ
mang tính triết lý, vẻ đạo mạo - điều ít thấy trong cả tập thơ: “Bạn mừng ta tay run rót rượu / Ta mở
lòng hớp ngụm tình xưa / Bão thời gian chẳng mòn ký ức / Há chi trời
đất có sang mùa / Ta cứ rót bóng mình trong đáy cốc / Trần gian là
một cuộc vui đùa / Khói thuốc bay tưởng mây trời đáp xuống / Nhướng
mắt nhìn thế cuộc có say chưa.” Tình thơ và tình người đã khiến tất cả
trở thành hư ảo, thời gian có trôi qua như bão tố cũng không thể làm mòn đi
những nỗi nhớ niềm thương, thì nào có quản chi chuyện tháng năm trôi… Bởi lẽ: “Bạn gánh nghiệp đời như gánh mộng / Thế mà sương khói nặng đôi vai / Ta lên núi để rồi xuống núi / Đạo sư buồn trắng cả hai tay / Chí lớn phù hoa như bọt nước / Phú quí cơ hồ như mây bay.”
Chiều Kinh Bắc lại là một cuộc chia tay đầy lưu luyến mà
ai đọc xong cũng không kìm được xúc động:
“Đời hợp tan là lẽ thường tình
Vậy mà
cũng rưng rưng nước mắt
Làm chân ta
cứ vấp chân mình
Những
tưởng là say, ừ say thật
Vẫy tay
hoài bóng bạn cứ lung linh!”
Biết rằng có hợp có
tan, nhà thơ vẫn không dằn lòng được, đến nỗi chân cứ vấp chân. Tự viện cớ là say
rượu, thật ra ông đang say tình người, mà ra đi rồi biết khi nào gặp lại. Nỗi nhớ
ấy đầy khắc khoải: “Vẫy tay hoài bóng
bạn cứ lung linh!”
Đưa bạn về chốn vĩnh
hằng, tác giả đã viết những dòng thơ da diết. Đây cũng là những vần thơ mà
Trịnh Bửu Hoài dành tặng người bạn thơ thân thiết - nhà thơ Phạm Hữu Quang: “Bạn đã về. Mãi mãi Bắc Đuông / Dòng
sông xưa hát lời ru của mẹ / Những câu thơ bây giờ lặng lẽ / Kết
thành sao soi một kiếp người / Dừng bước giang hồ. Bạn đã thảnh
thơi / Chuyện áo cơm cũng thành sương khói / Cồn Nguyễn Du gió mùa
vẫn thổi / Không còn ai bên máy chữ gọi thơ về” (Đưa bạn về Bắc Đuông).
Với Ký ức - bài thơ hiếm hoi trong tập thơ
viết về nơi nhau rún, Trịnh Bửu Hoài trút vào đó hết cả nỗi niềm của người con
bao năm lăn lộn giữa chợ đời tìm kiếm công danh:
“Ta trở về tìm lại tuổi thơ
Bóng thời
gian ngã dài dưới tàn đa cũ
Trời vẫn
trẻ mà cây thành cổ thụ
Ta chạnh
lòng thèm một chút hồn nhiên”
Trong tập thơ, người
đọc sẽ bất ngờ khi phát hiện những bài thơ có phong cách “lạ”: “Dưới trời không đất / Trên đất không
trời / Nhân gian lơ lửng / Ai màng cuộc chơi / Hoa yên mù
khói / Ẩn hiện chùa Đồng / Người tham tiếng mõ / Gió gõ chuông
không” (Yên Tử sơn). Hay âm
tiết đầy tinh nghịch, phóng khoáng như: “Tây
Bắc chập chùng mây chớn chở / Hồn cao như núi thân như cỏ / Lương
Sơn một dải lúa xanh rì / Đà Giang bóng nước cuốn chiều đi” (Hành Tây Bắc).
Khép lại tập thơ,
không gì nhiều hơn… hoài niệm. Tình bạn, tình người phương xa, tình đất lạ đã vẽ
nên bức tranh thơ giản dị mà nặng tình. Tác giả viết theo lối truyền thống,
không cách tân, không chọn hình ảnh xa vời lạ lẫm, nhưng cũng không sáo rỗng,
mà trái lại người đọc cảm thấy quen thuộc và thân thương. Thay lời kết, xin mượn
lời nhà thơ Trần Xuân An nhận định chung về thơ Trịnh Bửu Hoài: “Thơ Trịnh Bửu
Hoài vì không quan tâm nhiều đến cấu tứ, không cố quyết làm cho mới, cho lạ câu
chữ, cũng không hô hào cách tân, mà anh chỉ đặt nặng ở cái tâm, cái tình, nên
mặt mạnh của thơ anh chính là ở tâm và tình thể hiện trong thơ”.
Đúng thế, được chắt
lọc từ những giai điệu mượt mà của châu thổ phương Nam, thơ của Trịnh Bửu Hoài
là: “Bình rót nghìn thu chưa cũ /
Bâng khuâng ấm một giọt nồng.”
VĨNH
THÔNG
(Bài đăng trên Tập san Văn nghệ Châu Phú, 2014)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét