Vĩnh Thông nhận được tập bình thơ Trước bài thơ hay của nhà giáo Phạm Văn Chữ (Hà Tĩnh). Tập sách ghi lại cảm nhận của tác giả về 32 bài thơ được nhiều người yêu thích. Những cảm nhận ấy viết bằng ngôn ngữ bình dị mà sắc bén, phát hiện nhiều cái mới, cái hay trong những tác phẩm vốn đã quen thuộc.
Trong đó, tác giả Phạm Văn Chữ có lời bình bài thơ Nông dân của nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại, thơ ấn tượng, lời bình cũng không kém. Xin chia sẻ bài thơ Nông dân của Nguyễn Sĩ Đại và lời bình của Phạm Văn Chữ.
Nông dân - thơ Nguyễn Sĩ Đại
Có người nói nông dân không tư tưởng
Nông dân làm cản trở bánh xe lăn
Tôi đã thấy nông dân suốt một đời làm lụng
Nuôi cái ăn chung trên mảnh đất khô cằn.
Tôi đã thấy trên chiến trường ngã xuống
Những nông dân áo lính, máu tươi ròng
Chết tưới đất, sống ngày cày xới đất
Không bổng lộc nào theo đến luỹ tre xanh.
Tôi đã thấy những xiềng xích phong kiến
Cái trói tay của công hữu màu mè
Mấy chục năm kéo người xa ruộng đất
Mấy chục năm ròng cái đói vẫn ghê ghê.
Nghèo chữ quá nên trọng người hay chữ
Bóp bụng nuôi con thành ông trạng, ông nghè
Sáu mươi tuổi, mẹ còn cấy hái
Ông trạng áo dài, ông trạng sống li quê!
Dẫu năm khó, không quên ngày giỗ chạp
Nhớ người xưa, con cháu quây quần
Vâng, có thể nông dân nhiều hủ tục
Nhưng không yêu được họ hàng, yêu chi nổi nhân dân!
Tôi đã thấy thằng Bờm và mẹ Đốp
Còn sống chung với Bá Kiến, Chí Phèo
Con gà mất, chửi ba ngày quyết liệt
Con gái gả chồng, cả xóm có trầu vui.
Tôi đã thấy đổ mồ hôi, sôi nước mắt
Từ hạt lúa gieo mầm đến cấy hái phơi phong
Dăm bảy tạ vài trăm nghìn một vụ
Bữa tiệc xoàng của mấy "sếp" là xong!
Có miếng ngon, nông dân dành đãi khách
Thờ Phật, thờ Tiên, thờ cả rắn, cả rồng
Cả tin quá, tin cả dì ghẻ ác
Sống chết mấy lần, nợ quyết trả bằng xong!
Nông dân sống lặng thầm như đất
Có thể hoang vu, có thể mùa màng
Xin chớ mất, chớ niềm tin sai lạc
Chín phần mười đất nước - nông dân!
Chấp nhận sự sàng lọc nghiệt ngã của quy luật thời gian, bài thơ "Nông dân" của nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại (NSĐ) đã qua 20 năm vẫn sống trong lòng bạn đọc vì tiếng nói mới mẻ, giàu ý nghĩa của nó.
Là thơ trữ tình chính luận nhưng không phải cảm hứng lãng mạn của thời trước đó, chỉ có màu hồng với điệu "véo von ca" về cuộc sống mới ấm no, tươi vui, hạnh phúc. Bằng tư duy thơ, bằng cảm xúc thẩm mĩ, bằng "đôi mắt" của thời kì đổi mới, nhà thơ đã nhìn thẳng vào sự thật để nói lên sự thật. Cho nên, người đọc dễ đồng cảm về những điều "Tôi đã thấy..." trong năm lần điệp ngữ. Nguyễn Du chẳng đã từ "những điều trông thấy" mà cất lên khúc "Đoạn trường tân thanh" bất hủ đó sao?
Sinh ra và lớn lên từ làng quê, rồi "Trải mình theo đời lính, đời văn" (NSĐ), tác giả có điều kiện làm cho ta hiểu đúng, hiểu sâu về nông dân. Trong anh có tiếng nói đầy bản lĩnh của vị trạng sư và người nghệ sĩ nên lời thơ vừa chất chứa xúc cảm vừa mang tính "phản biện". Bởi vì, có những người đã chẳng biết tri ân, lại còn nói: "nông dân không tư tưởng" và "làm cản trở bánh xe lăn"! Minh chứng về công lao to lớn của nông dân thật hiển nhiên. Chính họ đã mùa tiếp mùa làm lụng để "Nuôi cái ăn chung trên mảnh đất khô cằn". Khi giặc thù đến xâm lăng, lại chính là các thế hệ nông dân nối đời đã ra trận chiến đấu và sẵn sàng hi sinh xương máu:
Tôi đã thấy trên chiến trường ngã xuống
Những nông dân áo lính, máu tươi ròng.
Câu thơ tả thực tạo hình điện ảnh đã gây ấn tượng sâu sắc với nhiều nỗi niềm trong ta. Khi "Nước nhà tắt lửa chiến tranh" (NSĐ), thì "Không bổng lộc nào theo đến luỹ tre xanh". Nhưng yên hàn rồi, lẽ ra đời phải khác. Thế mà "những xiềng xích" và cái nghèo, "cái đói vẫn ghê ghê" cứ đeo đẳng họ mãi tới "mấy chuc năm ròng" trong "cái trói tay", cái trì trệ vì ảo tưởng "của công hữu màu mè". Nông dân cứ thiệt thòi và cứ khổ, chẳng bao giờ Trời ở cho cân:
Dăm bảy tạ vài trăm nghìn một vụ
Bữa ăn xoàng của mấy "sếp" là xong!
Đó là sự thật dau long, chứ đâu phải ngoa ngữ để hài hước cho vui! Nông dân đâu chỉ biết cấy cày và đánh giặc. Bài thơ nói nhiều đến cách sống, lối sống của nông dân để ghi nhận và làm bật nổi về công lao tạo lập, dựng xây nền văn hoá tự bao đời của họ. Đó chính là văn hoá làng quê. Mà văn hoá làng của nông dân là cội nguồn cho linh hồn và sự sống của dân tộc. Nhìn khách quan, dễ thấy "có thể nông dân nhiều hủ tục". Nhưng cần phải khẳng định, trong văn hoá sống của họ có nhiều phẩm chất tốt đẹp: họ quyết tử vì nghĩa lớn, họ trọng người hay chữ, trọng hiếu nghĩa ân tình; sống hiền hoà, độ lượng bao dung, họ cần kiệm mà giàu lòng thơm thảo. Đó là truyền thống, là tâm thức, là cốt cách văn hoá, là tinh thần nhân văn cao đẹp mà những nơi phồn hoa dễ gì có được. Ơ đây, những câu thơ thật độc đáo và tự nhiên, không có dấu ấn nỗ lực tìm cách thể hiện mới lạ của thi pháp thơ hiện đại mà vẫn tạo ấn tượng sâu đậm, khiến người ta thuộc nằm lòng.
Hiểu đúng để xử sự cho phải. Chiêu tuyết cho nông dân, khẳng định công trạng và vị thế của họ, đâu phải để kiến nghị trao tặng Huân chương. Điều cần có là tạo công bằng xã hội và làm sao cho họ ngày một đỡ khổ, đỡ cực hơn. Thông điệp nghệ thuật dồn kết vào khổ thơ cuối với những hình ảnh đầy sáng tạo. Đất "lặng thầm" đấy nhưng đất là mênh mông, "Có thể hoang vu, có thể mùa vàng". Sức mạnh hai đối cực của cái tỉ lệ" chín phần mười đất nước" là ghê gớm thay!
Làng quê giờ đây nhieu noi đã hồng tươi sắc thắm. Nhưng không ít nông dân còn nghèo và khổ. Đây vẫn là lời cảnh bao, lời khuyến nghị đối với các "nhà khoa bảng" hiện đại có trọng trách, vốn là con em nông dân, là công bộc của nhân dân. Nhắc chuyện xưa để cùng suy ngẫm: cách nay sáu trăm năm, sau khi đánh tan quân Minh, nước nhà vừa độc lập, Nguyễn Trãi thiên tài đã biết tâu lên, mong nhà vua và triều đình hãy biết "chăn dân", làm sao con dân trăm họ được sống yên vui, để "tận thôn cùng xóm vắng sao cho không có tiếng kêu than, hờn giận, oán sầu".
PHẠM VĂN CHỮ
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét