Giữa buổi khó khăn về cuộc sống “cơm áo không đùa với khách thơ” và sự tiếp thị thơ ra thị trường để tới tay bạn đọc hầu như “bão hòa” và “lạm phát” thì 12 nhà thơ, nhà văn, nhà báo gắn bó với vùng ĐBSCL đã “tri âm” và “đồng vọng” để có được một tuyển thơ với 75 bài chọn lọc. Đây là một điều đáng khích lệ.
Và người có công trong việc tập hợp, xin phép xuất bản là tác giả trẻ Vĩnh Thông (An Giang) cùng với sự hỗ trợ tích cực của Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây và Nhà xuất bản Lao động để tập thơ ra đời vào tháng 7/2012, dày 188 trang, khổ 13.5 x 20.5cm.
Các tác giả của “Cổ tích cánh đồng” này nhiều bạn đọc đã khá quen thuộc, như: Bùi Văn Bồng (quê Thanh Hóa - nay ở Cần Thơ), Lâm Tẻn Cuôi (Bạc Liêu), Nguyễn Thị Việt Hà (quê Bắc Giang - nay ở Cà Mau), Nguyễn Thanh Hải, Đặng Thị Quỳnh Hương (Tiền Giang), Nguyệt Lãng (quê Bến Tre - nay ở Bình Phước), Trần Nhã My (Tây Ninh), Vũ Miên Thảo (quê An Giang - nay ở Tây Ninh), Phan Võ Hoàng Nam, Trúc Thanh Tâm, Vĩnh Thông (An Giang), Lê Xuân (quê Thanh Hóa - nay ở Cần Thơ).
Mười hai tác giả của tập thơ tuy lứa tuổi, ngành nghề khác nhau, người ở vùng châu thổ Cửu Long, người ở miền Trung, miền Bắc nhưng tất cả đều hướng cảm xúc về vùng đất “giàu hoa trái và trí dũng” để trăn trở, hy vọng, chờ mong, vui buồn cùng con người và thiên nhiên Nam Bộ.
“Cổ tích cánh đồng” chính là bức tranh sinh động, đầy màu sắc của một vùng đất “vừa lạ vừa quen” về quá khứ, hiện tại và tương lai của người dân vùng châu thổ đang trên đường hội nhập với các vùng miền của Tổ quốc và thế giới. Mỗi bài thơ là một tiếng lòng của tác giả nói hộ chúng ta về tình quê hương, gia đình, bè bạn, về tình yêu lứa đôi và cuộc sống. Tuy đề tài không mới nhưng đáng quý, đáng trân trọng là cách cảm, cách nghĩ và cách biểu hiện bằng một giọng điệu thơ khi da diết, sâu lắng, khi thiết tha trăn trở về vùng đất và con người miền sông nước mênh mông “cá tôm sẵn bắt, lúa trời sẵn ăn” (Ca dao).
Nhà thơ Bùi Văn Bồng lòng cứ nao nao trước khói đốt đồng sau vụ gặt, chân lội bộ hết đồng này qua đồng khác và lắng nghe trong gió mát phù sa hạt mầm đang thao thức:
Mùa đốt đồng gió chiều hăng hắc khói
Là mùa vui nối vụ quánh sa bồi
Cứ lội bộ tất đồng chân không mỏi
Những hạt mầm thao thức đợi mưa rơi.
(Khói đốt đồng)
Nhà thơ trẻ Vĩnh Thông day dứt trước cảnh lụt lên ở quê nhà nghèo khó, biết bao phận người loay hoay chuyện áo cơm:
Lụt lên xao động nhánh bần
Bụi đường nặng gánh sau lần áo phai
Nước tràn mất dấu đường cày
Áo cơm quanh quẩn ra ngoài mênh mông.
(Lụt lên hạt gạo loay hoay)
Nhà thơ Trúc Thanh Tâm sau bao năm “lãng du”, “giang hồ” vẫn nhớ về chốn xưa với tình yêu tươi mới đượm một chút hoài cổ trước cuộc sống có nhiều đổi thay:
Nếm trải giang hồ dừng chân lại
Ta cắm sào sâu để biết quên
Những chuyến phà xưa đâu còn nữa
Cầu ngang rồi bên ấy không em!
(Chốn xưa)
Gọi là “Cổ tích đồng bằng” nhưng biên độ cảm xúc của các nhà thơ luôn mở rộng với nhiều liên tưởng. Nhà ngôn ngữ học Lê Xuân một lần vương vấn Huế vẫn ước muốn: “Gía chi có ngựa ô ngày ấy / Khớp kiệu vàng đưa em về dinh” để rồi khi xa Huế về với miền Tây Nam Bộ, anh cứ hoài vọng:
Từ Cần Thơ anh mơ về xứ Huế
Lời ca buồn man mác xa xăm
Lòng anh lặng cùng màu chiều tím
Mơ Huế xưa, giai điệu thăng trầm.
(Với Huế thương)
Biết bao tên núi, tên sông, tên làng, tên người của vùng đất Chín Rồng “địa linh nhân kiệt” cứ ẩn hiện trong nhiều bài thơ, như: Thất Sơn, Núi Cấm, Tức Dụp, Cồn Tiên, Tân Châu, Tân An, Mỹ Đức, Vĩnh Xương, Cầu Ngang, Hàm Luông, Châu Đốc, Hà Tiên, Mỹ Tho, Tiền Giang, Cần Thơ, Bến Tre… Và những danh nhân, như: Mạc Cửu, Mạc Thiên Tích, Bùi Hữu Nghĩa, Phan Văn Trị, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Đình Chiểu… Tất cả đều ghi dấu ấn rõ nét qua hình tượng thơ, qua xúc cảm trữ tình khi trầm lắng khi bay bổng. Nhiều bài thơ giàu tính nhạc, tính họa thẻ hiện đậm nét thiên nhiên và con người miền sông nước đồng bằng.
Tập thơ tuy còn mỏng, chỉ với 75 bài, và còn thiếu những cây viết “gạo cội” có tên tuổi của làng thơ Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng nhìn chung, bước đầu 12 tác giả đã có chung tiếng nói về đề tài, chủ đề mang âm hưởng ngợi ca quê hương, đất nước, con người, tình yêu… Điều đáng ghi nhận là sự vút lên giọng điệu riêng, cách biểu hiện riêng, thể loại thơ riêng ở mỗi tác giả. Trúc Thanh Tâm rất thuần thục thể lục bát với điệu trữ tình sâu lắng ; Phan Võ Hoàng Nam và Nguyệt Lãng với thể tự do thiên về triết luận ; Lâm Tẻn Cuôi thành công với thể ngũ ngôn mang nặng hoài niệm ; Nguyễn Thị Việt Hà nghiêng về cách ngắt nhịp, vắt dòng tạo được cảm hứng lạ ; Đặng Quỳnh Hương, Nguyễn Thanh Hải, Vĩnh Thông linh hoạt trong cấu tứ, nhạc điệu, hình ảnh thơ… Tất cả cùng làm nên bản “hòa tấu” đa âm, đa sắc của tập thơ.
Rất mong ở vùng ĐBSCL và các địa phương khác trong cả nước có được nhiều tập thơ của các nhóm tác giả liên kết xuất bản như “Cổ tích cánh đồng”.
Xin trân trọng giới thiệu tập thơ cùng bạn đọc.
LÊ XUÂN
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét