Nhà thơ Trịnh Bửu Hoài sinh năm 1952, quê quán xã Mỹ Đức, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Hiện sinh sống tại thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang. Ông sáng tác từ năm 1966, đến nay đã xuất bản 50 tác phẩm. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật An Giang, Phó Ban Công tác Hội Nhà văn Việt Nam tại Đồng bằng sông Cửu Long.
* * *
Hầu hết những nhà thơ đều bắt đầu cuộc đời sáng tác của mình từ thời áo trắng. Đó là thời đẹp nhất của đời người. Sống trong thế giới của hồn nhiên, mơ mộng đầy tình thương yêu ấy, người ta rất dễ rung động, dễ đến với thơ và yêu thơ. Người yêu thơ có những giây phút trữ tình, lãng mạn khi đắm mình trong cảm xúc do những vần thơ mang lại. Những vần thơ mượt mà, chân thật, như nói hộ lòng mình, như đi vào ngõ ngách trái tim, hỏi không yêu thích làm sao được. Người có năng khiếu thì tập tành sáng tác. Những bài thơ chưa chỉnh chu về vần điệu, chưa nhuần nhuyễn về bút pháp, chưa sâu xa về ý nghĩa; nhưng nó đã nói lên những suy nghĩ, những cảm nhận về tình thầy trò, tình bạn bè; về mái trường thân yêu, con đường kỉ niệm hay mùa chia tay với những chùm hoa phượng đỏ. Đó là thuở ban đầu của một con người, tất cả chuẩn bị cho hành trang bước vào đời; và những ai có năng khiếu, có lòng đam mê đối với thơ, thì đó là bước khởi nghiệp đi vào thi ca.
Có người làm thơ để bày tỏ những cảm xúc, giải tỏa những nỗi niềm; có người làm thơ vì ham vui cùng bạn bè thơ văn; có người làm thơ do yêu thích và thấy nó phù hợp với tâm hồn đa cảm của mình. Để rồi có người vướng vào nó như một cái nghiệp, trở thành kiếp tằm phải suốt đời nhả tơ. Có người đi đến cùng, thơ được nhiều người yêu thích; có người nửa đường dang dở, sớm đi vào lãng quên. Nhưng dù gì, thơ luôn là người tình chung thủy, không hề bội bạc ai. Dù thành hay bại, người làm thơ vẫn được người đời kính trọng, vẫn được xem là một nghề cao quí. Bản thân người làm thơ có được một thú vui tao nhã, một đam mê lành mạnh, một cuộc sống phong phú của tâm hồn. Có gì thú vị hơn những suy nghĩ, những cảm xúc của mình được bày tỏ trên trang giấy và được chia sẻ với mọi người. Ai đồng cảm, đồng cảnh ngộ thì gặp nhau trên tầng cảm xúc tuyệt vời. Có khi chỉ hai người hiểu nhau cũng đủ làm nên một khu vườn thi ca, một góc tâm hồn đầy hương hoa trái.
Rồi những vần thơ học trò ấy sẽ chuyển qua ca ngợi tình yêu đầu đời, khi trái tim tuổi mới lớn bắt đầu rung động với một ánh mắt trong trẻo, một nụ cười hồn nhiên… Những vần thơ bắt đầu mơ mộng, trữ tình, khát vọng hơn với những mối tình thầm kín, sáng trong, đầy lý tưởng của trăm năm. Đó là những vần thơ rất đẹp, như hoa xuân mới nở, như mùa trăng tháng giêng; và cái đẹp chân thật ấy sẽ là dấu ấn của cả một đời người. Khi người ta trưởng thành, lao vào cuộc sống muôn màu muôn vẻ, đánh mất dần sự hồn nhiên và lãng mạn. Cuộc sống thực dụng hơn với cơm-áo-gạo-tiền, với gia đình sự nghiệp, thời áo trắng lùi vào quá khứ, có còn chăng cũng chỉ là những kỉ niệm vùi sâu trong ký ức. Rồi một lúc tình cờ nào đó, lục chồng sách cũ, gặp lại những trang lưu bút, những hình ảnh cùng với bạn bè xưa, một cánh bướm ép khô và những vần thơ của thời hoa niên, ta ngồi bần thần với những hoài niệm, những bóng hình tưởng là vùi trong cát bụi lãng quên bỗng dưng sống động một cách lạ thường. Hoặc khi tuổi ngã về chiều, con đường trước mặt đang hẹp dần, đành phải ngoái nhìn lại phía sau lưng với một thời vàng son, bon chen và danh vọng, sẽ không còn lại gì khi sắp ra đi và chỉ mang theo hai bàn tay trắng. Giữa cõi phù du ấy, người ta chợt nhận ra một thời thanh xuân dưới mái học đường sao dường như chẳng phai mờ mà trái lại, nó hiện rõ dần trong nỗi nhớ thương man mác, trong niềm lưu luyến bâng khuâng. Buông miệng đọc lại những vần thơ đầy hương áo trắng, lòng lâng lâng một niềm vui thấm thía và thú vị. Ký ức như một tờ giấy vàng ố, nhưng những vần thơ năm nào lại hiện dần lên trong trí nhớ tinh khôi. Cái trí nhớ lãng đãng khói sương, quên đầu quên đuôi; mà lạ làm sao, chuyện của bốn, năm mươi năm trước lại hiện về như mới hôm qua.
Cuộc đời như một cái chớp mắt, tất cả đều là hư vô, chỉ còn lại cái đẹp là vĩnh cửu. Thời áo trắng là một trong những cái đẹp tồn tại với thời gian, chỉ tại ta vô tình buông trôi và lãng quên nó, khi sực nhớ lại thì nó đã qua mất rồi, may mà còn lại những vần thơ như lều thuốc hồi sinh cho bao kỉ niệm và cảm xúc của một thời.
Tôi rất cảm ơn những bạn trẻ làm thơ, dù thời áo trắng của các bạn khác với thời đi học của chúng tôi lúc trước. Cuộc sống ngày hôm nay có quá nhiều điều làm cho các bạn phải gánh nặng hơn, phải sống nhanh và thực dụng hơn. Cái hồn nhiên, lãng mạn không còn bay bổng và thi vị như ngày xưa, nhưng cái đẹp vẫn tồn tại với những giá trị vĩnh hằng của nó. Các bạn cũng sẽ sống đẹp, chân thành, thủy chung và cũng để lại những kỉ niệm, những vần thơ trong vườn ký ức mãi mãi xanh tươi. Dù cho những kỉ niệm, những vần thơ ấy rất riêng tư; nhưng đó vẫn là cảm xúc, là nhịp đập trái tim của một con người, sẽ truyền tới những con người, sẽ để lại cho cuộc đời mình một ý nghĩa thiêng liêng.
Những người đã đi qua thời áo trắng khá xa như chúng tôi, tâm hồn đã dần già cỗi, trái tim không còn sôi sục những tình yêu và khát vọng. Thế mà, một hôm tình cờ gặp buổi tan trường, nhìn những cánh bướm ùa ra trắng cả con đường, lòng không khỏi bồi hồi, bâng khuâng. Lang thang trên cánh đồng ký ức, chúng tôi sống lại với những kỉ niệm thiếu thời, và chúng tôi làm thơ về thời áo trắng với dòng cảm xúc đang chảy ngược về quá khứ. Một dòng cảm xúc mênh mông, không bờ bến vì nó đã quá xa, mông lung như sương như khói. Chính điều chúng tôi không còn với tới nữa đã làm cho quá khứ có giá trị hơn. Nó trở thành báu vật thiêng liêng và là mầm sống hiếm hoi trên cánh đồng già cỗi. Quí những ai vun bón nó và thương cho những ai đánh mất nó.
Tôi vẫn còn làm thơ về thời áo trắng của mình cho đến khi không còn cảm xúc nữa. Tôi vẫn còn yêu thương, vẫn còn rung động mỗi khi sống lại với thời áo trắng. Tâm hồn tôi vẫn trẻ. Và liều thuốc giúp cho tâm hồn tôi trẻ mãi chính là cái thời áo trắng khó quên ấy.
TRỊNH BỬU HOÀI
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét