Các cụ xưa nói “nữ thập tam, nam thập
lục”, có nghĩa là cái mốc của sự dậy thì và cả khôn ngoan trưởng thành, đó là
trường hợp đại trà, bình thường. Nhưng với một người trẻ mà in được tập thơ là
trường hợp “hiếm”. Vĩnh Thông, cậu học trò còn đang ngồi trên ghế nhà trường
thuộc huyện Châu Phú - tỉnh An Giang với tập thơ đầu tay Và quá khứ thấy ta này có thể cũng là một trường hợp hiếm chăng?
Khi gửi tôi xem bản thảo tập thơ,
Vĩnh Thông có than phiền: “Một số người không tin là thơ Vĩnh Thông làm, phía
sau chắc có ai đó hỗ trợ!” Đúng là việc… ấm ức, khó nói. Tôi nói với Vĩnh
Thông một câu: “Vàng thật không sợ lửa.” Nhưng để khỏi… lầm, tôi cũng liên hệ với
một số bạn bè thi hữu có tiếng tăm của đất An Giang, nhằm xác minh thêm “tin đồn”
thì cũng chẳng có cơ sở gì vững chắc. Thôi thì bài viết này, cứ coi như một “đồng
điệu” của người làm thơ với người làm thơ, chia sẻ cùng một cây viết vậy.
Trước hết, cái tên Vĩnh Thông vài năm
gần đây thấy xuất hiện nhiều trên các báo trong Nam ngoài Bắc, trên các báo có uy
tín về văn chương như Văn nghệ, Văn nghệ trẻ, Văn nghệ quân đội… cùng báo chí các tỉnh thành và các trang web,
blog trên mạng Internet. Lối viết già dặn, công phu và có chiều sâu, không chỉ ở
mảng văn học mà còn với những bài khảo cứu giới thiệu về các vùng đất ở An
Giang. Nhiều người biết Vĩnh Thông chỉ là cậu học trò, khi đó không khỏi ngỡ
ngàng, sững sốt. Và có người không tin là lẽ đương nhiên.
Gia đình Vĩnh Thông chẳng có ai dính
dáng gì đến văn chương, vậy cậu học trò nhỏ bé thoạt nhìn có vẻ rụt rè nhút
nhát này lấy đâu ra “bản lĩnh” để có những vần thơ như: “Ta rong chơi qua những ngày thiếu nắng / Đồng trắng. Ngẩn ngơ nhìn / Ta
cười buồn, bỏ dấu chấm lặng thinh” (Hạt
bụi rong chơi), hay như: “Thì thôi /
Ta vẫn là ta / Mặc cho mâu thuẫn lân la cõi mình / Nhẹ như mây gió vô thinh /
Nghiêng như mặt lá linh đinh / Rụng rời” (Muôn đời ta say)…
Rõ ràng tài không đợi tuổi! Kinh nghiệm
đâu chỉ dành cho người từng trải?
36 bài thơ là những tìm kiếm và trăn
trở, có gì đó già dặn, trước tuổi, chút “bụi bặm” ngang tàng, khí khái của người
miền Tây sông nước. Rất ít bài thơ… tình, mà hễ có “em - anh” trong thơ, thì
cái ngu ngơ, ngây thơ lại bộc lộ ra anh chàng thi sĩ dường như chưa từng có
kinh nghiệm này.
Nếu cố tỏ bản lĩnh:
“Quán ven sông - thôi
thì kêu quán lạ
Bình rượu quê thằng bạn đã ngà say
Quán ven sông không tên không bảng hiệu
Dành riêng ta, mặc sức mộng đêm ngày”
(Quán
lạ ven sông)
Đây nữa:
“Tìm
ta
Cà phê vỉa hè một chiều cuối năm
Lặng ngắt!
Một mình và một ly đen đắng
Thiếu bạn bè”
(Tìm
lại ta)
Và:
“Bỏ
kiếp thương hồ. Hề! Lang thang
Hôm ra đi dòng sông không tiễn biệt
Đã quên mái chèo thì còn gì cây bẹo
Ra đi mà thổn thức trăm ngàn”
(Máu
thương hồ)
Sẽ yêu thích hơn, khi bắt gặp những
câu thơ trong các bài Tháng Ba Vĩnh Tế,
Tạm biệt bông điên điển, Người móc đất, mang dáng dấp phù sa,
chơn chất ruộng đồng, điều không thể thiếu của người Nam Bộ.
“Xuôi
dòng Vĩnh Tế xênh xang
Tháng Ba
Thoang thoảng mùi tràm. Tóc em
…
Cơm sôi từ thuở nào rồi
Mùi thơm gạo chín bồi hồi bay sang”
(Tháng
Ba Vĩnh Tế)
Hoặc là:
“Bây
giờ điên điển cũng vàng
Nhưng thưa thớt chỉ đôi hàng… mồ côi”
(Tạm
biệt bông điên điển)
Và:
“Giữa
đầm mênh mông nước
Mẹ lặn bùn
Cha móc đất
Những hạt phù sa dang rộng từng ngày…”
(Người
móc đất)
Vài bài thơ với ý thức công dân, Vĩnh
Thông làm chưa thật chắc tay, chưa kéo được cảm xúc của độc giả gần với mình, kể
cả những bài thơ “kỷ niệm” cùng với những người đã mất, vì thơ loại này khó
làm, nếu người viết không thực sự “chia ngọt sẻ bùi” cùng người đã khuất, sẽ
khó gây xúc động cho người khác, cho dù với tình cảm trân trọng, kính yêu hay
ngưỡng mộ. Nhất là trong lĩnh vực văn học nghệ thuật.
Những bài thơ trong tập, có bài chưa
thật tròn trịa, song cũng phác họa được một chân dung thơ của vùng đất An
Giang, nơi mà: “Lụt lên xao động nhánh bần
/ Bụi đường nặng gánh sau lần áo phai” và “Lụt lên hạt gạo loay hoay / Nồi cơm chín dở, khói bay xa vời!” “Hạt gạo loay hoay” là hình ảnh của người
dân vùng lũ, Vĩnh Thông đã chọn được từ “loay hoay” rất đắt, và đó cũng là thế
mạnh của tác giả trong rất nhiều bài thơ, có hình ảnh ấn tượng, có câu thơ hay.
Vĩnh Thông không sa vào lối thơ mới, tân kỳ, bí hiểm, nhưng cách dùng từ, chắt
lọc chi tiết đã giúp tác giả vượt qua những sáo rỗng thường thấy của những người
làm thơ thiếu kinh nghiệm.
Vĩnh Thông cũng vừa chào đón tuổi mười
sáu trong ngần mới đây thôi. Lứa tuổi của em thật đẹp với biết bao ước mơ, kỳ vọng.
Những vần thơ của em cũng ngày càng lung linh tỏa sáng, cái khu biệt “tỉnh lẻ”,
hẻo lánh cách trở của miệt vườn Năng Gù đã không còn nữa rồi. Với tập thơ đầu
tay này, Vĩnh Thông chọn cho mình cái tên Và
quá khứ đã thấy ta, tôi tin em sẽ còn tiến xa, nếu em biết nâng niu, quý trọng
và phát triển nhiều hơn nữa ngòi viết thơ của mình. Tương lai sẽ còn thấy một
Vĩnh Thông đàng hoàng, chững chạc, tự tin hơn.
“Đường còn dài và xa ngái lắm!” Liệu
rồi Vĩnh Thông sẽ bước tới vinh quang của nghiệp thơ?
Bên bờ Vàm Cỏ, tháng 8/2012
TRẦN HOÀNG VY
(Lời giới thiệu tập thơ Và quá khứ thấy ta của Vĩnh Thông, Nxb Văn học, 2012)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét