Nhà thơ Thu Nguyệt sinh năm 1963, quê quán thị xã Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Tác phẩm đã xuất bản: Điều thật, Ngộ, Cõi lạ, Hoa cỏ bên đường, Big-bang bỏ túi... Giải thưởng: Giải C - Cuộc thi Sáng tác văn học 1998 - 2000 của Báo Văn Nghệ, Giải B - Giải thưởng Văn học năm 2000 của Hội Nhà văn Việt Nam, Giải A - Giải thưởng Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Tháp lần thứ I năm 2005...
* * *
"Rồi một mình anh trở lại đây
Cũng đến ngồi y một chỗ này
Buồn một nỗi buồn không thể
vợi
Với một vầng trăng, một
bóng cây…"
(Không đề 5 - di cảo
thơ Bế Kiến Quốc)
Câu thơ ấy mình đã đọc cả ngàn lần mà lần nào
cũng rơm rớm mắt! Không phải vì câu thơ ấy viết cho mình mà vì chính câu
thơ quá ngập tràn xúc cảm. “Cũng đến ngồi y một chỗ này…” Nếu trong đời, bạn đã
có lần trở về ngồi như thế với một nơi kỷ niệm thiêng liêng nào đó của mình thì
sẽ thấm.
Đời người, có mấy nơi để ta có thể quay về,
ngồi xuống và… lặng im hay khóc ngất?
Tôi nhớ nơi đầu tiên mà tôi quay về ngồi lặng
là ngôi nhà của ngoại tôi. Ngôi nhà mà sau ngày mẹ mất, tôi phải về nói dối với
bà ngoại rằng mẹ tôi chỉ chưa hết bệnh thôi. (Đời tôi phải hai lần nói dối rất
tỉnh tuồng, đơ đắng… đó là dối ngoại khi mẹ mất và dối ba khi chồng tôi mất.
Hai lần ấy, người nghe và người nói đều rõ thấu nhưng đều im điếng lặng thinh.
Sự im lặng đến tê người!!!)
Chỗ thứ hai tôi về là ngôi trường phổ thông
trung học, nơi tôi đã có biết bao kỷ niệm tuổi học trò. Tôi đã về lại ngôi
trường ấy vào một buổi sáng mùa đông ngày cận tết. Học trò nghỉ cả, thầy cô
cũng chẳng ai, ngôi trường vắng vẻ, cửa khóa nghiêm trang. Tôi tìm lối đi vòng
để lẻn vào, leo lên tầng lầu, đứng lặng im nhìn ra cái hồ sen hình chữ D vụng
về sau lớp. Nơi hành lang ấy có một lần đứa bạn - giờ vĩnh viễn ra đi - đã từng
nói với tôi: “Nữa mình xây cái nhà, thế nào cũng đào cái hồ y như vậy, hổng
trồng gì hết, chỉ để nước cho trong mà ngắm trăng chơi”. Và tôi lúc ấy hồn
nhiên, vô duyên phá bĩnh ước mơ đang rất thi vị của bạn: “Mình sẽ đem vịt tới
thả vô nuôi ké!” Thế là bạn rượt đuổi tôi, bàn tay con trai cố tình kéo một lọn
tóc dài quấn đủ vào năm ngón, rồi bảo: “Thả Nguyệt vô thì có!” Giờ bạn đã không
còn nữa, hồn phách tinh anh cũng không biết về đâu. Tôi đã đứng thật lâu nơi
đó, nước mắt rớt xuống lầu như lá phượng hè xưa.
Nơi thứ ba tôi về… khóc ngất… là bờ ruộng sau
nhà. Nơi đó tôi ngồi nhìn lên mộ má, ba tôi. Hai ngôi mộ trắng với hàng bông
trang thắm đỏ. Cỏ lúa quanh chỗ tôi ngồi vẫn mùi hương cũ rất quen. Đâu đó ri
ra tiếng con côn trùng nào động cánh. Tôi như nghe rõ cả tiếng giọt nước mắt
của mình nhễu xuống đất khô:
"Đầm đầm giọt nước mắt tuôn
Ta xòe tay hứng nỗi buồn vỡ
tan
Thẳng tay cho nước mắt tràn
Giọt rơi xuống đất giọt lần
qua da…"
(Cám ơn nước mắt - tập
thơ Hoa cỏ bên đường)
Giọt nước mắt “lần qua da” ấy là giọt nước
mắt chảy ngược vào tim, tôi không muốn má ba tôi nhìn thấy. Giọt nước mắt khóc
cho 3 thế hệ cùng thời. Khóc cho nỗi đau của kiếp người lặn lội; cho con gái
của má ba tôi, cho con gái của tôi…
Nơi thứ tư tôi trở về là ngôi nhà của mình
đang sống. Nơi ấy mỗi chiều sau một ngày mệt mỏi, tôi cởi giày quăng người
xuống ghế, xung quanh là vật dụng thân quen, nhìn cái gì cũng như không nhìn
bởi đã như in vào trí. Nơi ấy biết bao lần tôi tắt đèn ngồi một mình lặng lẽ
trong đêm, thắp nén nhang lắng nghe mùi khói, lắng nghe mình cô độc đến trong
veo. Những lúc ấy tôi không khóc, bởi nước mắt đã tan thấm hết qua người:
"Thấm vào ta, nước mắt ta
Nhẹ như không, nặng như là…
cũng không."
Ôi, những cái “chỗ này” trong ký ức, lâu lâu
ta lại muốn trở về “ngồi y” xuống đó để mà nhớ mà thương. Nhớ thương để làm gì
nhỉ? Để “buồn không thể vợi”. Buồn không vợi để làm gì? Ôi, vợi thì buồn lắm,
vì cuộc đời luôn phải đầy lên, nên nếu vợi cái này thì phải lấp đầy bằng cái
khác. Con dã tràng mỗi ngày se cát, cứ dốc lòng vào những viên cát mới, để rồi
sóng cũng xô tan. Cái dại của dã tràng cũng là cái Nghiệp, ta hiểu rồi nên chỉ
thích “ngồi y”. Có chỗ nào trên trái đất này là cũ nếu ta biết ngồi trên đó mà
chớ giữ mãi một tầm nhìn.
THU NGUYỆT
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét