Mở đầu bài thơ với bốn câu tưởng như được buông ra từ một tâm hồn đang nhẹ nhàng thanh thoát:
“Đêm vàm kinh có gì trong mắt nhau
Mà nước vẫn chân cầu. Nước chảy
Cánh bèo nhỏ về đâu. Cuộn mãi
Bạn và ta hóa ngọn sóng trăm màu.”
Thật ra đây là một tâm hồn chất chứa
nỗi buồn từ nội tâm loan ra, trùm lên cảnh vật. Câu thơ “Đêm vàm kinh có gì
trong mắt nhau” không đánh dấu chấm hỏi là một sự khẳng định có cái gì đó khó
tả thể hiện trong mắt của cả hai người. Cái “có gì trong mắt nhau” đó là nỗi
buồn ẩn bên trong đôi mắt nhưng lại được bày ra cụ thể qua “nước vẫn chân cầu.
Nước chảy”, qua “cánh bèo nhỏ về đâu. Cuộn mãi” và cuối cùng nỗi buồn của hai
người không còn tiềm tàng mãi trong lòng mà đã thật sự dấy lên thành ngọn sóng
muôn màu: “Bạn và ta hóa ngọn sóng trăm màu”.
Vì “người buồn cảnh có vui đâu bao
giờ” (Nguyễn Du), cho nên bốn câu thơ trên không chỉ đã bày ra từng góc cạnh
của nỗi buồn thực tại, mà còn thể hiện được khái quát hai thân phận của hai con
người ngồi đó.
Khổ hai của bài thơ mới thật sự là nỗi buồn được bật ra thành câu, thành lời, thành cử chỉ:
“Đêm vàm kinh lá nào rớt bâng khuâng
Hai thằng trẻ, hai kiếp đời. Lận đận
Hai mắt khóc, hai môi cười. Rất thật
Dẫu trời xa năm tháng nhạt nhòa.”
“Đêm vàm kinh lá nào rớt bâng khuâng” vừa tả
cảnh buồn của từng chiếc lá rơi nhưng lại vừa diễn tả từng suy tư diễn ra trong
lòng hai người âm thầm như những chiếc lá rơi. Ba câu thơ kế tiếp âm thanh dập
đồn, lời thơ da diết như con sóng trăm màu ở khổ thơ trên, trở nên cuồn cuộn
trong khổ thơ nầy, hòa quyện trong tâm hồn đã dậy lên bão tố.
Khổ thứ ba của bài thơ là sự bình tĩnh tâm hồn sau khi nỗi bi thương ập đến. Bây giờ tâm hồn như bầu trời sau cơn bão, còn lại sự hoang tàn và sự chịu đựng chua cay. Lời thơ như con nước êm đềm trôi nhưng đã đỏ phù sa, như nỗi đắng cay đã thấm độc dược trong lòng:
“Đêm vàm kinh còn ai nhớ người đi
Ngày mai nữa chừng mông lung quá đỗi
Ai nắm chặt tay và ai hờn dỗi
Rót rượu cay vào trong cốc chưa đầy.”
“Đêm vàm kinh còn ai nhớ người đi”
không phải là một lời trách móc mà là một lời bày tỏ sự nuối tiếc, sự lưu
luyến, sự dằn vặt đang xảy ra trong tâm hồn hai người. Và tiếp theo là nhưng
câu thơ bi quan nói đến ngày mai, nói đến nắm chặt tay, nói đến hờn dỗi để bày
tỏ sự dùng dằng trước giờ phút chia ly, cái giờ phút mà thuở xưa “Người lên
ngựa kẻ chia bào / Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san” của Nguyễn Du.
Ba khổ thơ trên đã được dồn cả vào ly cà phê trong khổ thơ chót. Ly cà phê đọng hết cả cái thi vị trong suốt bài thơ Đêm vàm kinh mà người đọc nhấp những giọt cuối cùng sẽ thấy cái đắng, cái thơm chảy vào lâng lâng trong cơ thể:
“Đêm vàm kinh mai còn ta với sương
Ly cà phê treo hồn ta. Đắng ngắt
Ai giấu nhớ vào trong từng sợi khói
Bạn đâu rồi? Ta lạc giữa ngàn phương!”
“Đêm vàm kinh mai ta còn với sương”
là một lối miêu tả dùng hình dung từ rất xuất sắc. Chữ “sương” thể hiện được cả
nỗi lòng lạnh lẽo cô đơn của người ở lại, lại thể hiện được cả một bầu trời ảm
đạm, làm cho sự lạnh lẽo cô đơn rộng ra bao quát. Thường thường người ta hay
viết “đêm vàm kinh mai còn ta với ta” chứ không mấy ai dùng chữ “sương” như tác
giả bài thơ.
“Ai giấu nhớ vào trong từng sợi
khói” cũng là một câu thơ quá tuyệt. Câu thơ ấy sẽ là bình thường nếu tác giả
không dùng chữ “giấu”, vì chữ “giấu” làm câu thơ trở nên ẩn dụ mà lại bày tỏ vô
vàn tâm tư trong sợi khói, khiến cho câu thơ không trở thành đơn điệu lặp lại
những gì mà thiên hạ thường dùng.
Tôi không thích ca tụng bài thơ hay
một cách chung chung. Tôi thích viết ra chỗ hay một cách cụ thể của một bài thơ.
Những cảm nghĩ của tôi có thể không đúng ý tác giả, hay không đúng ý bạn đọc
nào thì xin vui lòng lượng thứ, vì thật ra tôi chỉ viết theo sự chủ quan của
mình dưới cái nhìn không chuyên nghiệp.
Tuy thế đây là một bài thơ hay mà
khó ai phản bác. Đọc nó, tôi như quay lại với đời mình bốn mươi năm về trước,
hay xa hơn nữa, của thời Nhất Linh trong Đôi
bạn. Tôi cứ nghĩ, giới trẻ thời nay không thể làm một bài thơ chia tay hay
được, vì họ sống trong hòa bình thịnh trị. Vậy mà cảm ơn một Vĩnh Thông đã làm
cho tôi rưng rưng nước mắt.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét