Tặng nhà thơ Phan Lạc Nhân
1.
Ông già tuổi trên sáu
mươi. Ở cái tuổi nầy, người ta dành phần
nhiều thời gian cho con cháu, bầu bạn, cây cảnh… Ông không chỉ thế, ông còn yêu
thơ và làm thơ, hăng say như hồi còn trai trẻ. Không viết nhiều, nhưng mỗi tác
phẩm đều dào dạt những cảm xúc, giản dị mà nồng ấm. Mỗi câu thơ đều tự nhiên
như không hề có nhiều “kỹ xảo”. Là người đọc, tôi cảm nhận được những rung động
chân thật trong tác phẩm, chứ không phải những con chữ được nhào nặn vô hồn. Tôi từng nghe người khác kể rằng, ông
làm thơ nhưng không gởi đăng báo, chỉ để một mình… đọc chơi! Sau nầy anh em văn
nghệ “phát hiện” ra, mới thường xuyên giới thiệu các tác phẩm của ông lên báo
chí. Tôi không hiểu tại sao, trong khi thơ ông không phải hạng xoàng? Tôi đã
từng đọc một số bài, dẫu không nhiều, nhưng cũng đủ để có được ấn tượng với một
phong cách thơ. Dù chỉ thỉnh thoảng xuất hiện lặng lẽ trên một vài tờ báo, tạp
chí, tập san trong tỉnh, nhưng những bài thơ của ông không chỉ là loại thơ
“tỉnh lẻ”.
Đến khi tôi có dịp tâm sự với ông,
ông nói rằng mình làm thơ rất ít khi đăng báo, vì… mục đích của mình không phải
như vậy. Ông tuôn ra một câu trả lời nhẹ re như chẳng có gì… to tát. Vậy mà,
đáng để cho tôi ngẫm nghĩ nhiều!
2.
Tôi không rõ trước giờ đã có ai viết
thơ về quê hương của tôi chưa, nhưng bài thơ đầu tiên có nhắc đến quê mình mà
tôi được đọc chính là thơ của ông - Phan Lạc Nhân. Và, tôi nghiễm nhiên cho
rằng ông là nhà thơ đầu tiên viết về quê tôi: cù lao Năng Gù - xã Bình Thủy, huyện
Châu Phú, tỉnh An Giang. Đó là những câu thơ tôi tình cờ đọc được và thuộc đến
bây giờ: “Hè này anh đưa em qua / Đò ngang thăm cồn Bình Thủy / Cùng sống những
ngày dung dị / Ấm lòng nghe chuyện nghĩa nhân.”
Ban đầu chưa biết ông, tôi đã tự hỏi
ông là ai, có duyên nợ gì với mảnh đất nghĩa tình nầy mà viết nên những vần thơ
tha thiết thế. “Mượt mà sao điệu huê
tình / Bao dung vòng tay sông rộng / Nước đi đất còn níu sóng / Mặc mai bên lở
bên bồi.” Sau nầy, ông cho tôi biết rằng vợ mình từng dạy học ở cù lao nầy,
thời trai trẻ ông phải lặn lội qua đò sang sông để “tìm nàng”. Vì thế, ông cảm
nhận được vùng đất nầy dung dị, con người nơi đây nghĩa nhân. Những điều đó đi
vào thơ ông rất tự nhiên, tự nhiên như lẽ thường phải thế!
Cầu Bình Thủy (Ảnh: Internet)
Trở về Bình Thủy sau khi đã nghỉ hưu,
cù lao xanh nằm bên bờ sông Hậu một lần nữa lại thôi thúc ông viết nên những
vần thơ. Chuyến về lần đó, ông tỏ vẻ vui mừng khi thấy chiếc cầu lớn sắp hoàn
thành để nối cù lao với quốc lộ, sẽ sớm không còn cảnh “đò giang cách trở” như
ngày nào ông phải qua đò để đến thăm người yêu. Ông viết: “Em ngại gì? Đất cù
lao quê anh / Nay đâu còn e sông sâu đò nhỏ / Chiếc cầu lớn nối hai bờ thương
nhớ / Nhẹ nhàng thôi! Đưa tình em sang
anh.” Tuy vậy, dù chốn cũ đã đổi thay từng ngày, nhưng trong mắt ông làng quê
vẫn mộc mạc, chân tình như thuở ấy. “Em chớ lo! Vẫn còn bóng trăng êm / Trải
diễm ảo cho góc riêng hò hẹn / Hương dạ lý thoảng bên trăng bẽn lẽn / Chỉ sông
dài cùng ước nguyện trăm năm.” Chính vì thế, tình đời và tình người luôn thật
thà, đầm ấm: “Ta yêu nhau còn tuyệt vời hơn thế / Em ngại gì chưa làm dâu nhà
anh.”
3.
Bài thơ nầy ra đời trong một bữa ăn
trưa. Lúc đó, ông kêu tôi đến bên cạnh và nói: “Để bữa nào rảnh, tao viết một
bài thơ về Bình Thủy tặng mầy. Tao quý tính cách của mầy. Tao hứa là tao sẽ làm!”
Tôi cảm thấy vui vui, vì có người yêu quê mình và muốn viết về quê mình, nhưng trong
lòng lại nghĩ: Người say hay… “phóng khoáng”, nói vậy chứ mai đây lỡ việc nầy
việc kia lại làm ông quên.
Thế mà, khoảng mười phút sau, ông lại
kêu tôi đến bên cạnh và trao cho bài thơ. Nét chữ ông nắn nót trên tờ giấy bạc
rút ra từ gói thuốc lá, dưới tên bài thơ có đề dòng chữ tặng tôi. Thật sự quá
bất ngờ! Không thể nghĩ rằng ông làm thơ nhanh vậy, lại ở hoàn cảnh nầy - trong
một bữa ăn trưa với một tờ giấy bạc từ gói thuốc! Ông nói: “Tao hứa là tao sẽ
làm mà! Mầy chép lại bài thơ nầy vô tờ giấy khác giùm tao. Bản gốc tao tặng
mầy, lỡ mai tao có ‘ấy’ mày còn kỷ niệm về tao.” Ngay cả sự chết chóc, đối với
ông cũng nhẹ nhàng như thế!
Người nghệ sĩ già ở tuổi trên sáu
mươi và mối duyên thơ! Ông đã viết về dãy đất cù lao một cách bình dị, tự nhiên,
sâu lắng. Tôi tự hỏi, có phải những người làm nghệ thuật đều đối xử với nhau ấm
áp như thế không? Còn biết bao người ngoài xã hội xô bồ kia, vì một hai tác
phẩm mà đấu đá, khích bác nhau. Có bao nhiêu người được sống một cách giản đơn
mà chân tình như người nghệ sĩ già nầy? Biết bao nhiêu người cũng là văn nghệ
sĩ…
Thực tế về Bình Thủy
3/8/2013
VĨNH THÔNG
(Tác phẩm đăng trên Tập san
Văn nghệ Châu Phú, số 31, 2014)
Tác giả giữ bản quyền, vui lòng ghi rõ nguồn khi sử dụng nội dung này.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét