Cầm tập thơ Và quá khứ thấy ta của Vĩnh Thông trên tay, đọc qua lời giới thiệu ở trang đầu và các nhận xét thơ in nơi trang bìa, thật lòng tôi cứ nghĩ đây là thơ của một “ông cụ non” vì thấy ai cũng nói Vĩnh Thông còn rất trẻ nhưng thơ thật là già dặn, như một bậc trung niên. Thế nhưng khi vào các trang trong, đọc những bài thơ đầu, tôi mới hiểu rằng quý vị nhà thơ, nhà văn kia muốn nói rằng thơ Vĩnh Thông hay ở một tầm cao mà thôi. Thật thế, qua 36 bài thơ, tôi không cảm thấy cái già dặn trung niên trong thơ Vĩnh Thông, mà cảm nhận được sức trẻ dồi dào sinh lực như một bông hoa nở rộ giữa đương xuân.
Vào đầu tập thơ
với Hạt bụi rong chơi, tôi nhận ra
ngay đây là anh chàng tuổi thơ lêu lỏng, rong chơi tháng ngày một cách vô tư,
không bầu rượu, không cả túi thơ. Thế rồi hạt bụi đó dừng lại đáng yêu làm sao
trên bàn tay người con gái:
“Bụi cứ bay bay
Một hạt nào lẳng lơ dính trên bàn tay con gái
Ngỡ ngàng…Chớm yêu!”
Hết rong chơi,
bây giờ Vĩnh Thông say, nhưng không say rượu, không say tình như các nhà thơ
trung niên túy lúy, mà say cái mùi thơm ngát của tuổi thơ ngây:
“Khói sương
Rũ xuống đồng ta
Một mùi thơ ấu, thật thà
Dễ say”
Vì thế cái say
của Vĩnh Thông trong sạch, nhẹ nhàng, siêu thoát và thú vị biết bao:
“Nhẹ như mây gió vô thinh
Nghiêng như một lá linh đinh
Rụng rời”
(Muôn đời ta say)
Thế rồi trong
cuộc rong chơi, trong cái say đầy cao thượng “như đất muôn đời đã say”, nhà thơ
Vĩnh Thông đến ngồi ở “quán lạ ven sông”. Ở đây, tôi thấy một dòng sông đầy lục
bình và tôi bật khóc vì hiểu hết cái tình yêu quê hương vô cùng của cậu bé tuổi
còn thơ ngây, rất trẻ:
“Ngồi ở quán, lục bình trôi ngang
mặt
Nhìn đâu cũng phảng phất dáng quê
[ …]
Chim nhớ quê. Ừ thì ta cũng nhớ
Chim về quê. Ta lại chẳng được về!”
(Quán lạ ven sông)
Khi nhớ đến
quê, người ta thường xót lòng cho nỗi khó nhọc ở quê. Với bài thơ Lụt lên hạt gạo loay hoay, hạt gạo của
Vĩnh Thông mang tâm trạng con người, biết loay hoay xoay xở, nghĩa là Vĩnh
Thông đã thu cả sinh hoạt con người vào trong hạt gạo.
Rồi có lẽ rong
chơi quá đỗi nên quên hết cả chính mình, một ngày Vĩnh Thông tìm lại mình trong
bài thơ Tìm lại ta. Chàng tìm lại
cánh đồng nắng cháy, cánh diều, con kinh, ly cà phê vỉa hè, ban bè, tình yêu…
nhưng tất cả là:
“Cũng lãng đãng
Như gió như mây
Bay nhẹ qua mình”
Và nhà thơ Vĩnh
Thông có “máu thương hồ”, nhưng vì còn trẻ tuổi nên chỉ rong chơi, chớ cái “mộng
thương hồ” khó mà thành được:
“Mộng thương hồ thì cứ đầy trăng
Mà nỗi nhớ chưa nột lần nguôi được”
(Máu thương hồ)
Đi qua rồi là bài thơ mà trong đó cái
quê hương cũ “Nơi đây từng có một mùa trăng trú ngụ” đã “Đi qua rồi như ngọn
khói vờn bay”, để anh phải lấy “Vị đắng sầu đầu thay bằng cà phê phố thị”. Diễn
tả nỗi nhớ như thế quả là đắng, đậm và ngon vô cùng.
Tiếp đến, Vĩnh
Thông vẽ: “Tôi ký họa mình vào giấc mơ của đất”, “Tôi ký họa hình của dấu chân
vào sương”, “Tôi ký họa mặt người vào dòng sông buông”, rồi nâng những bức
tranh lên nhìn, để thấy nó là sự nhỏ nhen của thân phận kiếp người đã “bạc màu
cùng năm tháng trôi xuôi” (Ký họa).
Vĩnh Thông “định
nghĩa nỗi đau” rất hay. Nỗi đau chính là “lát cắt hình hài”, nó đã “cựa mình”
trong tình yêu, trong cuộc đời và “có lẽ, đó cũng là hạnh phúc” (Định nghĩa nỗi đau). Vĩnh Thông đẹp trai
lại làm thơ hay nên bài thơ Có lần em bước
theo ta có thể tin là có thật. Đọc bài thơ nầy, tôi thấy cả mái tóc nàng lớn
và dài đến nỗi phủ cả không gian và thời gian vậy:
“Có lần em bước theo ta
Hồn nhiên gánh mùa thu nắng
Tóc huyền lẫn trong lòng phố
Thức cùng ta suốt đêm dài.”
Tôi không biết
Nhơn Hưng là ở đâu, nhưng tôi yêu ngay Nhơn Hưng vì bài thơ Nắng Nhơn Hưng có hai câu thơ mà tác giả
viết là “chẳng say” nhưng lại làm cho tôi vừa đọc đã say rồi:
“Mùi bông tràm xông cùng hương đất
Thấm rượu nhân tình, cạn chẳng say.”
Thất Sơn chiều đầu năm là một bài thơ tả
cảnh nhưng lại có cái hào khí của một bản anh hùng ca, lại cũng có nỗi buồn của
một khúc bi ca:
“Thất Sơn chiều đầu năm
[…]
Mưa trắng tóc mây, trắng tóc người
[…]
Đường phố núi dài
Tìm em không gặp
Bụi bặm cuộc đời che tóc em nghiêng.”
Tôi bỏ qua nhiều
bài thơ có tứ và lời thi vị để viết về bài thơ Và quá khứ thấy ta là bài thơ mà tác giả lấy làm tên của cả tập
thơ. Đây là những bước đi lầm lũi, quyết tâm trong cuộc đời, nhưng những bất chợt
đôi khi rất bình thường đã ngăn ta lại, và những bất chợt đó đã níu kéo đời ta
làm phí phạm thời gian, để khi ta quay đầu thì đã “chạm bến tử sinh”:
“Không có gì khiến ta quay đầu
nhìn lại
Nhưng bất chợt…
Dế ngâm
[…]
Bất chợt én bay
[…]
Ta đi theo tình đi theo mình
Theo quê hương sông núi
Quay đầu - chạm bến tử sinh
Và quá khứ thấy ta!”
Thật tình, tôi
không hiểu hết cái đầu đề của bài thơ, nhưng tôi tự lý giải rằng: Đời người ai
cũng có quá khứ, cái quá khứ đó đã lọc và ghi lại cuộc đời ta trung thực, không
như hình ảnh ta trong hiện tại phải sai đi vì qua rất nhiều lăng kính. Và quá khứ thấy ta là quá khứ lưu trữ
hình ảnh thật của Vĩnh Thông, làm chứng cho Vĩnh Thông, biện hộ cho Vĩnh Thông
là một chàng thi sĩ chân thật, hăng say, hăm hở đi suốt theo em và theo những nẻo
đời chân chính.
Qua 36 bài thơ
trong tập thơ Và quá khứ thấy ta, tôi
chỉ đề cập sơ lược đến 13 bài thơ ở những trang đầu như trình bày một vài bông
hoa tiêu biểu. Với tôi, tôi không xem Vĩnh Thông là trẻ, tôi cũng chẳng nói
Vĩnh Thông là già, mà Vĩnh Thông là một nhà thơ. Thơ Vĩnh Thông chứa đầy sức trẻ,
lại tiềm ẩn triết lý sống sâu xa, được diễn tả không bằng lời, không bằng chữ
màu mè, mà ở trong hương vị của thơ. Thơ Vĩnh Thông là tình yêu đất nước, con
người sâu đậm, cũng không diễn tả bằng những từ lộ liễu mà ẩn sâu trong cử chỉ,
trong hơi thở của nhà thơ qua từng lời thơ nhắc đến quê hương, cuộc sống và con
người.
CHÂU THẠCH
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét