Mọi
người đã về từ rất lâu rồi. Cái sân còn trơ mấy lá vàng khô khốc, thỉnh thoảng
có tiếng chổi loạt xoạt phát ra từ các cô, các chị đang quét sân. Vắng người, vậy
mà bạn lại hình dung ra cả một rừng người đang ngồi trước mặt, giống như vừa
cách đây mấy tiếng đồng hồ. Và, trong đám đông những con người đáng thương ấy,
lại sáng mãi, ấm mãi mãi một ánh mắt già nua giàn giụa. Đôi mắt ấy ám ảnh bạn
có thể sẽ rất lâu, rất lâu sau đó, có thể đến khi bạn già đi như thế.
Đó
là đôi mắt của một bà cụ tuổi gần tám mươi. Mọi người không biết tên bà, không
biết bà từ đâu đến. Lần gặp gỡ bà cụ hôm nay cũng có lẽ cũng là lần duy nhứt
trong đời. Bà khập khững đi cùng cây gậy trên con đường đất ngoằn ngoèo, chen
giữa dòng người đông đảo để vào tịnh xá từ rất sớm. Dáng đi ấy đã không còn vững
chãi, cứ bước những bước chân thật chậm, thật nhẹ, đôi chân run run như muốn
khuỵ. Bà chọn cho mình một chỗ ngồi ở hàng ghế đầu tiên và lặng lẽ chờ đợi.
Hôm
ấy, tịnh xá có buổi phát quà từ thiện.
Giờ
điểm tâm, những phần thức ăn được phát ra. Bà xin cho mình một tô bún chay. Bàn
tay bà run run bưng tô bún vàng rượm, nóng hôi hổi, ấm nồng như tình thương của
mọi người hôm nay dành cho bà. Một lúc lâu sau, khi bạn đang loay hoay sắp xếp
chỗ ngồi cho các cụ ông, cụ bà khác đến sau, thì bà cụ ấy gọi bạn lại. Đôi
tròng mắt đục ngầu đã sũng ướt từ lúc nào, đỏ hoe. Vẫn lại là bàn tay run run
bưng tô bún chìa ra trước mặt. Giọng nói già nua bật lên từng tiếng yếu ớt:
“Cho bà xin cái bọc đem về, bà mệt quá, ăn không nổi nữa.” Kế bên có mấy tiếng
xì xào: “Bả bị huyết áp.” Cái tô như sắp không còn có thể vững vàng trên đôi
tay gầy guộc ấy nữa.
Buổi
phát quà được tiến hành. Vẫn đôi mắt đỏ hoe giàn giụa nước ấy, vẫn khuôn mặt
rúm ró nhăn nhúm ấy, bà cụ khập khiễng từng bước đến bàn phát quà. Bà cũng như
những cụ ông, cụ bà khác, đã nhận được rất nhiều phần quà từ những người hảo
tâm. Đó là những hạnh phúc quý giá cuối đời của bà. Những món quà trên tay bà
càng ngày càng chất đầy, khiến lòng những người trẻ làm tình nguyện viên trong
buổi phát quà ấy cũng đầy theo những ấm áp.
Tay xách nách mang
bước ra khỏi tịnh xá, bà vẫn không quên mang theo bọc bún còn âm ấm, nó được
mang theo bên cạnh suốt lúc nhận quà cho đến khi bước ra về. Bà về rồi, những
phần quà và bọc bún ấy cũng đã theo bà về nhà, nhưng hồ như bạn mùi bún thơm,
hương vị ngọt ấm còn đọng lại đâu đây trong sân tịnh xá. Có lẽ, trong đời bà, để
có được những món ăn như thế khó khăn và quý giá biết dường nào. Và, hình như
ánh mắt ấy, khuôn mặt ấy, đôi tay ấy, đã ám ảnh bạn rất lâu khi đó, và rất lâu
sau nầy.
Buổi
phát quà từ thiện quá đông. Bàn ghế, chỗ ngồi, quà tặng, thức ăn đều được sắp xếp
sẵn. Nhưng ai có thể sắp xếp sẵn được số phận những mảnh đời?
Có
một câu nói từng đọc, giờ không nhớ rõ tác giả, xin phép được ghi lại: “Tôi, hay chúng ta, bất kỳ ai cũng có thể là
hiện thân cho sự tốt lành và ấm áp.” Có phải hôm nay, bà cụ với đôi mắt giàn giụa
nước kia cũng chính là hiện thân cho sự tốt lành và ấm áp mà cuộc sống đã mang
đến?
VĨNH THÔNG
(Tác phẩm đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Phật học, số 3 (126), 2014
& in trong tập tùy bút Thong thả đi, Nxb Văn hóa Văn nghệ, 2017)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét