Vậy
là cầu Bình Thủy cũng đã bước vào giai đoạn nước rút, thời gian thông xe chỉ
còn tính bằng ngày. Cầu có tổng chiều dài gần 400 mét, kiểu dáng độc đáo: hình
chữ L ngược rất lạ mắt. Đây là cầu giao thông nông thôn có quy mô và kinh phí lớn
nhứt huyện Châu Phú (An Giang) từ trước tới nay, nối liền xã Bình Thủy với quốc
lộ 91, phá thế độc đạo hàng trăm năm nay của xứ cù lao Năng Gù. Rồi đây, từ quốc
lộ đâu đó hiện ra một cây cầu nằm choáng giữa không gian bao la, rồi ngoằn
ngoèo rẽ sang cù lao xanh mướt. Chiếc cầu mới gợi ra bao nỗi niềm từ những con
người quanh năm lam lũ với miệt đồng.
Vậy
cũng có nghĩa là, thời gian hoạt động của bến đò làng cũng chỉ còn tính bằng
ngày. Bến đò có từ khi những bước chân đầu tiên đến đây mở đất lập làng, nay
đang trong những ngày hoạt động cuối cùng. Sau hàng trăm năm miệt mài, nó lặng
lẽ hoàn thành “sứ mạng lịch sử” của mình rồi khiêm nhường lùi vào quá khứ, thay
vào vị trí đó là chiếc cầu Bình Thủy hiện đại. Sẽ không khỏi nhớ nhung, vấn
vương, nuối tiếc cho hình ảnh con đò - bến nước thân thương ngày cũ chốn quê mùa.
2.
Buồn
hay vui, có ai từng tự hỏi? Có lẽ mọi người sẽ trả lời là vui, tất nhiên. Nhưng
dường như chúng ta lại cảm thấy mình vừa đánh mất cái gì đó thân thuộc, gắn bó.
Đó không phải đơn thuần là chiếc đò hay bến đò.
Qua
sông phải cách trở đò giang, đó là số phận chung của biết bao cù lao, cồn bãi
trên khắp đất nước. Dĩ nhiên, sẽ gây cho ta một tý phiền phức, khó chịu. Nhưng
đôi khi, con đò nhỏ, dòng sông sâu lại tạo cho ta những xúc cảm dễ thương, luyến
nhớ. Đò qua sông từ lâu đã trở thành hình ảnh thân quen, thành nỗi niềm, thành
quê hương của biết bao con người. Đò ra đi với tiếng lao xao của người, tiếng lạch
xạc của máy, rồi cũng lại trở về bến với những âm thanh như thế.
Cứ
mỗi ngày qua, chiếc đò vẫn miệt mài rẽ sóng xôn xao bờ bến, đưa bao người ra
đi, rồi lại đón bao người trở về. Đã thấy những cái siết tay, những lời hứa hẹn
gặp lại, những giọt nước mắt tiễn người quen về chốn lạ, cũng ở trên những chuyến
đò ấy. Người đi rồi, người ở lại, thương là những chiếc khăn tay vẫy vẫy thay
chào.
Đò Đình Bình Thủy trước đây (Ảnh: Vĩnh Thông)
Đi
đò, dường như mọi thứ đều khoan thai. Không thấy kiểu chạy ngang cái vèo như
khi qua những chiếc cầu. Người ta không vội vàng. Ai cũng xuống đò từ từ, đợi
nó rời bến, rồi khi nó cập bến lại chậm rãi lên bờ. Và có lẽ vì thế, những câu
chuyện có dịp kéo dài ra hơn, những con người có dịp gắn kết gần gũi với nhau
hơn. Hàng xóm hỏi thăm chuyện làm ăn, đồng nghiệp bàn công việc, kẻ xa xứ tay bắt
mặt mừng với người quen cũ… Thỉnh thoảng, vài người khách mua ủng hộ bà bán vé
số lụm khụm, ông bán bánh bò nghèo khổ, chị bán trái cây, anh bán đậu phộng… Nếu
không phải là ở trên đò, chắc có lẽ những mối quan hệ cũng sẽ không diễn ra
thân thương như thế.
Bây
giờ tìm lại ở đâu?
3.
Tôi
đã may mắn, mà đúng hơn là cố tình, đi trên chuyến đò làng trong cái đêm cuối
cùng trước ngày nó ngừng hoạt động. Đêm cuối cùng trên chuyến đò thân thương,
xin hãy đưa thật chậm để khách sang sông còn kịp ghi lại thật kỹ những khoảnh
khắc nầy. Để mai đây, còn có cái để nhớ để thương, để nhắc nhau rằng: “Hồi đó,
nơi đây…”
Sau
nầy, khi qua khúc sông quen đã vắng bến đò xưa, bùi ngùi biết bao! Mỗi người
chúng ta có thể sẽ đi qua hàng trăm chuyến đò khắp nơi, nhưng có nơi nào nhớ
sâu đậm bằng chốn quê nhà? Bến đò, không chỉ đơn thuần mang nhiệm vụ đón đưa.
Nó còn là nơi neo giữ một khoảng ký ức - vời vợi xa, mông lung, mà cũng thật gần,
thật đủ đầy, đầm ấm. Nó là sợi dây gắn bó bền chặt của những người con xa xứ. Để
mỗi lần trở về, họ lại thấy hình ảnh con đò quen thuộc vững chãi, dung dị, bình
yên.
Một
chút gì đó gọi là hoài niệm bâng khuâng, xa xót cho những điều thân quen bỗng
trôi tuột rất xa khỏi tầm mắt. Nhưng đó là điều tất yếu của lịch sử, sông sâu
đò nhỏ đã không còn, chiếc cầu mới mở ra một hình ảnh mới, về tương lai.
“Cây đa trốc gốc trôi rồi
Đò đưa bến khác em ngồi đợi ai?”
(Ca dao)
Tạm
biệt và tri ân lịch sử hàng trăm năm của bến đò Đình Bình Thủy.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét