Đình thần Bình Thủy là một di tích văn hóa lịch sử và kiến trúc nghệ thuật có giá trị cao ở cù lao Năng Gù - xã Bình Thủy, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Từ thành phố Long Xuyên đi theo quốc lộ 91 khoảng 20 km đến địa phận huyện Châu Phú, nhìn sang bên kia sông bạn sẽ gặp một kiến trúc cổ kính nằm trầm mặc và uy nghiêm giữa vùng đất thuần nông trù phú. Đó chính là đình thần Bình Thủy, tọa lạc trên một khuôn viên rộng lớn, mặt tiền hướng ra sông Năng Gù.
1. Quá trình hình thành và phát
triển
Người
có công lập làng và đình Bình Thủy là ông Dương Văn Hóa (1723 - 1818), lưu dân
miền Trung vào Nam tìm vùng đất mới. Năm 1783, gia đình ông đến cù lao Năng Gù
khai phá đất hoang và lập nên thôn Bình Lâm (sau nầy đổi thành Bình Thủy cho
đến nay). Nhu cầu tín ngưỡng ở vùng đất mới rất cần thiết, cụ Dương đã cùng dân
làng lập ngôi miếu nhỏ thờ thần. Buổi đầu miếu làm bằng tre lá đơn sơ bên bờ sông Năng Gù, cách vị trí ngôi
đình ngày nay khoảng một cây số về phía bắc.
Tương
truyền vào năm 1850, ngôi miếu bị hỏa hoạn thiêu rụi. Lúc bấy giờ có Đức Phật
Thầy Tây An (giáo chủ đạo Bửu Sơn Kỳ Hương) trên đường vân du truyền đạo qua
đây, thấy sự việc như thế đã hướng dẫn dân làng cất lại ngôi đình để có nơi thờ
phượng. Ngài chọn vị trí mới cho đình làng chính là địa điểm hiện nay. Càng về
sau, đời sống cư dân thêm sung túc, nên ngôi đình cũng có điều kiện trùng tu
tôn tạo thường xuyên hơn và càng trở nên khang trang.
Năm 1932, đình được đại tu với
kết cấu khung sườn bằng gỗ, tường xây hồ ô dước, nóc cổ lầu,
mái tam cấp lợp ngói đại tiểu, nền lót gạch tàu. Năm 1949, võ ca cũ có kết cấu gỗ được thay bằng xi măng, đồng thời
sửa chữa mặt tiền ngôi đình. Trước đó, mặt tiền có hai cửa ra vào ở hai bên, giữa hai cửa là vách tường đắp nổi hình long
mã. Lần trùng tu nầy đã phá bỏ vách ngăn ở giữa để tạo thành cửa chánh, nên mặt
tiền ngôi đình có ba cửa ra vào như hiện nay. Năm 1964, Ban Quý tế xây lại cổng
tam quan.
Đến năm 1972, đình thần Bình Thủy
được tổ chức trùng tu lớn, song chủ yếu vẫn là võ ca và tiền điện. Kiến trúc
đình cơ bản dựa trên phong cách cũ, nhưng khang trang hơn và kết hợp một số nét
hiện đại. Sau lần trùng tu nầy, về tổng thể đình được kết cấu khung sườn bằng
gỗ, nền đắp cao lót gạch men, tường xây xi măng, cửa bằng gỗ, mặt tiền ốp gạch
sỏi… Nhìn chung, ngôi đình trở nên cao rộng, thoáng sáng, vừa gần gũi vừa thâm
nghiêm. Từ đó đến nay, đình vẫn thường xuyên được trùng tu và trang hoàng để có
diện mạo hoành tráng, uy nghiêm và quý phái như ngày nay.
2. Kết cấu kiến trúc
Khuôn
viên đình Bình Thủy khá rộng, xung quanh có nhiều cổ thụ cao lớn như sao, dầu,
dương… tương truyền đã có từ buổi đầu mở đất. Cổng đình xây xi măng theo kiểu tam quan với một cổng chánh và hai
cổng phụ. Mái cổng chánh có hai cấp, lợp ngói ống, phía trên có tượng lưỡng
long triều nhựt. Mặt cổng có dòng chữ Quốc ngữ “Đình thần Bình Thủy” ở trên và
dòng chữ Hán “Bình Thủy thần miếu” ở dưới. Trụ cổng có biểu tượng dơi và cua -
phản ánh ước mơ của cộng đồng, bởi trong chữ Hán, con dơi là “phúc thử” đồng âm
với “phúc”, con cua có bộ mai gọi là “xác giáp” gần âm với “khoa giáp” nghĩa là
đỗ đạt.
Bình
phong của đình được đắp năm 1949, mặt trước hình nai và cỏ cây thể hiện dấu ấn
thiên nhiên thời khai phá, mặt sau hình long hổ hội (rồng vờn cọp) tượng trưng
cho sức mạnh của thần linh và sự hòa hợp âm dương. Bình phong do ông Huỳnh Văn
Đoan vẽ, ông từng là Hương quản trong Ban Hội tề làng Bình Thủy xưa.
Trong sân đình có đàn Xã Tắc nằm phía
sau bức bình phong. Xã Tắc là từ gộp, hiểu là Xã Thần (thần đất) và Tắc Thần
(thần nông). Ngoài ra còn có miễu thờ Ngũ Phương (Đông, Tây, Nam, Bắc, Trung)
và miễu Xã Cọp. Xã Cọp là con cọp có tình nghĩa trong một câu chuyện dân gian ở
địa phương, được dân làng đề cử làm Xã trưởng. Hằng năm làng đều kiếng cho ông
Xã Cọp một đầu heo và một tờ cử. Năm nào cũng vậy, sau một đêm thì đầu heo và tờ
cử mới biến mất, trong miễu chỉ còn lại tờ cử cũ của năm trước. Sau nầy ông Xã
Cọp không còn nhận tờ cử và đầu heo nữa, nhưng vẫn còn miễu Xã Cọp như một dấu ấn
thời khai mở đất phương Nam.
Tòa
đình chánh có kiến trúc dạng chữ “tam” rất đồ sộ, trang nghiêm và cổ kính.
Ngoại thất kết hợp hài hòa giữa phong cách truyền thống cung đình triều Nguyễn
và nét đặc trưng của kiến trúc đình miễu miền sông nước Tây Nam Bộ. Nóc đình
dạng cổ lầu, mái tam cấp chồng lên nhau theo kiểu “thượng lầu hạ hiên”, lợp
ngói đại tiểu qua thời gian nay đã rêu phong. Trên bờ nóc có tượng lưỡng long
triều nhựt, các đầu đao gắn tượng linh thú và điểm xuyết hoa văn.
Mặt
tiền ngôi đình có ba cửa, xen kẽ hai cặp câu đối nền đỏ chữ vàng, hai bên là
hai cửa sổ tròn cách điệu chữ “thọ” theo Hán tự. Khác hẳn với một số đình trong
khu vực, đình Bình Thủy còn có thêm lối kiến trúc sang trọng, khoáng đãng của
phương Tây, thể hiện qua nội thất cao ráo, mặt tiền ốp gạch sỏi, kiểu cửa vuông
và các cửa thông gió thanh lịch…
Nếu
nhìn tổng thể ngoại thất đình thần Bình Thủy khá giản dị thì ngược lại nội thất
lại rất cầu kỳ, hoành tráng. Ngôi đình gồm gồm ba bộ phận là một quần thể liền
nhau: võ ca, tiền điện, chánh điện. Võ ca là nơi diễn ra hát bội và khai lễ Kỳ
yên hằng năm. Sân khấu dành cho hát bội được đắp cao, xây gạch. Tiền điện còn
gọi là võ quy, có diện tích rất rộng, dành cho lễ bái. Cuối cùng bên trong là
chánh điện hay chánh tẩm - khu vực quan trọng nhứt của đình làng, nơi đặt các
bàn thờ và trang trí nhiều tác phẩm nghệ thuật đặc sắc.
Các
gian thờ ở chánh điện chia theo ba dãy dọc, gồm một dãy ở giữa và hai dãy bên
vách. Dãy ở giữa, đầu tiên là long đình dùng để rước sắc thần trong lễ Kỳ yên
hằng năm. Kế đến bàn thờ Hội Đồng được xem như nơi thờ tự chung cho hệ thống
thần linh trong tín ngưỡng dân gian. Nơi đây cũng đặt bài vị của ông Dương Văn
Hóa - người có công lập làng và được nhân dân tôn làm Tiền hiền. Trên cao nhứt
ở phía trong cùng là bàn thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh với bức đại tự “Thần” bằng
chữ Hán được xem là linh hồn của đình làng. Khánh thờ thần được sơn son thếp
vàng lộng lẫy, trong khánh thờ có tôn trí hòm đựng sắc thần, được xem bảo vật
của làng.
Hai
bên cặp theo vách là các bàn thờ đối xứng nhau gồm Tiên Sư, Hậu Tắc, Tả Ban,
Hữu Ban, Thiên Sứ Linh Quan, Bạch Mã Thái Giám, Tiền Hiền Hậu Hiền, Hương Quan
Hương Chức. Ngoài ra, hai hành lang phụ kề bên chánh điện có đặt bàn thờ Tổ Lễ
và Tổ Nhạc.
Nghệ thuật đình Bình Thủy (Ảnh: Tư liệu) |
Giá trị nghệ thuật của đình thần Bình Thủy không chỉ được
thể hiện rõ nét qua kết cấu kiến trúc mà còn ở kỹ thuật chạm khắc, các chi tiết
và hình ảnh trang trí… thể hiện sự tài hoa và tinh tế của người xưa. Tất cả tạo
nên sự kết hợp vừa trang nghiêm nhưng vừa hài hòa và tao nhã.
Nội thất của đình nổi bật với nhiều bản điêu khắc gỗ, phù điêu, tranh tường, bao lam, thành vọng,
hoành phi, liễn đối, khánh thờ, tủ thờ… Tất cả được sơn son thếp vàng và chạm
trổ hoa văn tinh vi sắc sảo với các đề tài hoa lá, chim thú, tứ linh, bát tiên…
Kỹ thuật chế tác và điêu khắc gỗ ở đình Bình Thủy phong phú với nhiều hình thức
thể hiện và đạt đến sự tinh xảo với những đường nét uyển chuyển, sinh động.
Nổi bật hơn cả vẫn là hàng chục bao lam, thành vọng, hoành
phi, liễn đối đã có từ xa xưa, làm bằng chất liệu gỗ quý, không bị thời gian
làm hư hoại. Các hoành phi có dạng hình chữ nhựt hoặc cuốn thư, các liễn đối có
dạng phẳng hoặc ốp cột. Nội dung chủ yếu của chúng là ca ngợi ân đức thần linh
và cầu mong thái bình sung túc như: “Bảo hộ thôn trung”, “Đông Nam định”, “Tây
Bắc an”, “Thần ân phổ chiếu”, “Quốc thới dân an”, “Phong hòa vũ thuận”…
Về cổ vật, đình còn lưu giữ hàng chục tủ thờ, bàn thờ, khánh
thờ, long vị… được chế tác điêu luyện. Về dụng cụ tế lễ có chuông, trống, mõ, lỗ bộ (binh khí), hàng chục bộ lư đồng, nhiều cặp tán
lộng, các bộ lễ phục và nhiều vật dụng khác… Một điểm đặc sắc nữa của
đình Bình Thủy là nghệ thuật tranh tường. Vách phía trên các cửa ra vào và dọc
theo vách hai bên ngôi đình là những bức tranh nhẹ nhàng uyển chuyển mà giàu
tính hiện thực về đề tài làng quê, thần tiên, thủy mặc… Chúng đa phần do ông
Hương quản Huỳnh Văn Đoan vẽ trước năm 1945.
4.
Tôn thần và sắc thần
Đình Bình Thủy thờ thần Thành Hoàng Bổn Cảnh - vị thần cai
quản địa phương sở tại và bảo hộ chung cho cộng đồng cư dân nơi ấy. Mặc dù chỉ mang
tính biểu tượng chứ không phải nhân vật lịch sử cụ thể, nhưng từ lâu Thành
Hoàng đã trở thành vị phúc thần mang đến sự ấm no cho cộng đồng, gắn liền với
đời sống tâm linh của mỗi cá nhân và sự thạnh suy, thăng trầm của làng xã.
Ngoài ra, đình còn thờ vọng Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh -
danh tướng có công xác lập chủ quyền cho người Việt ở phương Nam. Thờ vọng là
không phải nơi thờ chính thức mà chỉ tưởng nhớ, không có sắc phong. Đình Bình
Thủy chỉ có sắc phong Thành Hoàng Bổn Cảnh, chứ không có sắc phong riêng nêu
tên Nguyễn Hữu Cảnh, điều nầy tương tự một số đình lân cận trong vùng cũng thờ
vọng ông.
Sắc thần là văn bản do vua ban để phong tước cho một vị
thần. Đình thần Bỉnh Thủy có sắc phong của vua Bảo Đại năm thứ mười chín (1944)
phong cho thần Thành Hoàng Bổn Cảnh tước hiệu Tĩnh Hậu Dực Bảo Trung Hưng trung
đẳng thần. Đây cấp bực lớn thường phong cho những vị thần có uy danh, trên nữa
là thượng đẳng thần nhưng trường hợp nầy rất hiếm gặp ở Nam Kỳ. Sắc thần làng
Bình Thủy đến nay vẫn còn giữ được màu vàng nghệ của giấy, màu đỏ của ấn vua.
Trên mặt tờ sắc trang trí hình rồng mây uốn lượn, chữ triện, chấm tròn màu
trắng, xung quanh viền bằng các họa tiết cung đình cổ điển…
Nguyên văn sắc phong như sau: “Sắc Long Xuyên tỉnh, Tỉnh
Thành quận, Định Thành tổng, Bình Thủy thôn phụng sự Bổn Cảnh Thành Hoàng tôn
thần hộ quốc tý dân. Nẫm trứ linh ứng tứ kim phi thừa, cảnh mệnh miến niệm thần
hưu trứ phong vi Tĩnh Hậu Dực Bảo Trung Hưng trung đẳng thần. Chuẩn kỳ phụng sự
tịch cơ thần kỳ tương hựu bảo ngã lê dân. Khâm tai! Bảo Đại thập cửu niên, tam
nguyệt, nhị thập nhị nhựt.”
Tạm dịch: Sắc cho thôn Bình Thủy, tổng Định Thành, quận Tỉnh
Thành, tỉnh Long Xuyên, thờ phượng thần Thành Hoàng Bổn Cảnh giữ nước giúp dân.
Xét thấy xưa từng linh ứng, nay vâng mệnh lớn, nhớ đến công lao của thần nên
phong là Tĩnh Hậu Dực Bảo Trung Hưng trung đẳng thần. Cho phép thờ phượng để
thần che chở dân ta. Kính nghe! Bảo Đại năm thứ mười chín ngày hai mươi hai
tháng ba.
Đình thần Bình Thủy không chỉ gắn liền với lịch sử hình
thành và phát triển cù lao Năng Gù - làng Bình Thủy, mà còn là chứng nhân cho
bao biến cố của quê hương. Dù đã tồn tại hơn hai thế kỷ và trải qua nhiều thăng
trầm lịch sử, nhưng bằng bàn tay và khối óc của bao thế hệ, từ ngôi miếu nhỏ
thờ thần ngày nào đã trở thành một di tích có giá trị độc đáo. Ngày nay, đình
Bình Thủy là một công trình kiến trúc cổ và đẹp nổi tiếng không chỉ riêng huyện
Châu Phú mà cả tỉnh An Giang. Ngôi đình uy nghiêm giữa làng quê bình dị, giữ
được phong cách nghệ thuật truyền thống của vùng đất phương Nam, đồng thời bảo
tồn được nhiều di sản có giá trị.
VĨNH
THÔNG
(Bài đăng trên Tạp chí Xưa & nay, số 433, 2013
& in trong
sách Dấu ấn thượng châu thổ, Nxb Tổng hợp TP.HCM,
2021)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét