Trong đoạn đầu của bài thơ, một phong cảnh hiện ra đột ngột. Hình ảnh trong phong cảnh một động đậy, một tĩnh lặng. Và tất cả đắm chìm trong một mùi hương. Trong thơ, chúng ta có thể nhận thấy hình ảnh động: “Những tán bàng xanh mềm nhũn tự do run trong gió”, hình ảnh tĩnh: “Những khẩu thần công thuở nào đứng đờ ra trơ trọi”, và mùi hương: “Có chút hương nào khẽ lay động phía xa”. Hai hình ảnh động và tĩnh được diễn tả song song nhau trong một phong cảnh, phải chăng để làm cho bức tranh không chết hẳn mà cũng không sống động, không ướt át mà cũng không khô khan, không vui mà cũng không quá buồn, thể hiện đúng cảm nghĩ của con người khi đến thành phố cổ xưa, nhìn cái cổ xưa còn đó giữa cuộc đời.
Và mùi hương sao lại “khẽ lay động
phía xa”? Sự lay động chỉ được thấy bằng mắt thì với mùi hương, mắt làm sao
thấy được ? Vậy mà thấy được đấy, vì tác giả không dùng “mắt trần” mà dùng sự
cảm nhận của mình để nhìn suốt vào trong quá khứ mơ hồ của thuở xa xưa. Mùi
hương của cựu kinh thành hoa lệ, của những đóa hoa vườn thượng uyển, của những
bông sen trên hồ, của một thời trong quá khứ hình như vẫn còn vương vấn xao
động trên cỏ cây, trong vòm trời kinh đô thuở trước.
Phong cảnh bày ra trước mắt yên tĩnh
vô cùng. Tại sao tác giả gọi là: “Như nghịch lý đời thường… cứ vậy, vẫn đeo
mang”? Phải, nghịch lý vì cái phế phẩm đời xưa như cây súng thần công và mọi
thứ khác đã trở thành rêu phong cổ kính, không còn dùng được nữa mà không đành
vứt đi, vẫn trân trọng giữ gìn ở đó cho đến vạn năm sau, cũng như ký ức con
người đeo mãi những kỷ niệm trong đời mà đáng ra phải quên đi cho lòng nhẹ bớt.
Mời đọc bốn câu thơ kế tiếp:
“Ta tìm về, khi tất cả đã tàn hoang
Những khẩu thần công nằm im dưới mái ngói
Những đá gạch, sắt đồng ủ mình trong lớp bụi
Tất cả sẽ phai tàn. Và thời gian sẽ mang đi!”
Đọc bốn câu thơ nầy, tôi liên tưởng
đến những câu thơ của Chế Lan Viên: “Một
ngày biếc thị thành ta rời bỏ / Quay về thăm non nước giống dân Hời / Đây,
những tháp gầy mòn vì mong đợi / Những đền xưa đổ nát bóng bóng thời gian”,
hay của Bà Huyện Thanh Quan: “Dấu xưa
xe ngựa hồn thu thảo / Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”. Nhưng những thi
sĩ nầy chưa buồn như Vĩnh Thông vì họ chưa nghĩ đến một ngày đền xưa, nền cũ,
lâu đài sẽ biến mất với thời gian: “Những
đá gạch, sắt đồng ủ mình trong lớp bụi / Tất cả sẽ phai tàn. Và thời gian mang
đi!”
Hãy đọc tiếp đọan ba:
“Còn lại gì, khi cung điện buồn dần theo lá rụng
Nắng dệt, mưa cài, quyện vào đêm kinh thành côi cút
Buông lỏng những buổi họp chầu không tấu sớ
Không phi tần, khanh tướng… cũng không vua.”
Có buổi chầu nào lại không tấu sớ,
không tướng, không vua? Có không? Có đây, vì thật sự có hàng triệu triệu buổi
chầu như thế, nó nằm trong trí óc hoài cổ của người cố đô và của du khách đến
đây suy tư về cổ tích. Hai câu thơ tưởng là phi lý nhưng nó chứa chất hết bao
nhiêu buồn thảm của triều đại huy hoàng chỉ còn lại dư vang sau sự suy tàn của
nó. Hai câu thơ còn chứa đựng cái triết lý “sắc sắc, không không” mà chữ nghĩa
khó làm cho ngộ được.
Và hãy đọc tiếp:
“Đền đài, phế tích của ngày xưa
Nào đâu “Thiên mệnh”, “Thiên uy”? Xa xôi lắm!
Một sắc chỉ truyền quân, súng thần công không bắn tới
Đâu thấy vảy rồng rơi giữa Long ngai!”
Thiên mệnh, thiên uy, non sông, đất
nước đã biến hết rồi chỉ vì: “Súng thần công không bắn tới”. Vua cũng phải đi
tù, rồng không còn thì vảy rồng đâu còn để rơi ở Long ngai? Vĩnh Thông khóc,
vĩnh Thông than, Vĩnh Thông đau đớn cho cái ngày suy vi của vương quốc, cái
ngày mất nước xa xưa. Đúng, ai là con dân đất Việt thì sao không thấy quặn lòng
khi nhìn lại cố đô, tưởng nhớ đến nỗi đau dân tộc phải làm nô lệ trăm năm.
Vĩnh Thông kết luận:
“Mọi thứ sẽ dần trôi - và gió bụi miền xa sẽ thổi
Hôm nay, một gã thần dân lang thang dưới mái kinh thành.”
Cái linh hồn côi cút của kinh thành
với khẩu sung thần công trơ trọi, với nắng dệt, với mưa cài, với đền đài phế
tích… bây giờ đã nhập vào người chàng thi sĩ Vĩnh Thông. Chàng lang thang giữa cái
“mọi thư sẽ dần trôi”, giữa cái “gió bụi miền xa sẽ thổi”, và tất nhiên, nỗi
buồn của chàng dâng lên chót vót, hòa nhập vào thơ làm cho nhiều trái tim rung
động.
Phải, tôi đã rung động nhiều với bài
thơ. Và, với tôi, bài thơ như có cả chiều thời gian trong đó.
Bài thơ đầy suy tư và lời bình cũng rất hay!
Trả lờiXóaCảm ơn bạn đã ghé thăm trang và đọc bài. Chúc năm mới an vui.
Xóa