Khoảng thế kỷ 17, 18 người Việt bắt đầu sinh cơ, lập nghiệp trên phần đất cực Nam nước Việt, một ông họ Dương đến Cù Lao Năng Gù lập nghiệp trước tiên, người ta gọi là ông lập làng, để tôn xưng ông người ta gọi là ông Tiền Hiền, Bà Cố tôi thứ Út họ Dương, tên là Dương Thị Út thuộc dòng dõi của ông Tiền Hiền này.
Làng của tôi, xưa kia gồm Cù Lao Năng Gù có ba ấp và một ấp nằm ở đất liền, trước khi thuộc Pháp làng có tên là Bình Lâm, khi Pháp đô hộ đặt tên lại là Bình Thủy cho đến ngày nay, ấp bên đất liền đã tách ra lập thanh làng khác, làng Bình Thủy nay chỉ nằm gọn trên Cù Lao Năng Gù, trên sông Hậu Giang, nằm cạnh lộ xe Long Xuyên-Châu Đốc, đuôi cù lao cách Long Xuyên chừng 18 cây số, đầu cù lao cách Châu Đốc chừng 28 cây số.
Khoảng năm 1945, trước cuộc Cách Mạng mùa Thu, làng cho đào một con kinh cắt ngang cù lao để thong thương đưuờng thủy đi từ Xép Năng Gù tới sông Hậu Giang. Tôi không biết chính xác năm đào kinh, nhưng tôi nhớ đã có xem người ta đào kinh và vì làng tổ chức đào kinh, làng chỉ có thực quyền chỉ trước cuộc Cách Mạng Mùa Thu, sau đó để bảo toàn sinh mạng làng từ chức hết, chỉ còn giữ phần cúng Đình mà thôi. Tôi sinh năm 1941, cho nên để nhớ và biết chuyện đào kinh, tôi phải lên 4 hay 5 tuổi. Vì vậy tôi chọn năm đào kinh là 1945.
Khi đào kinh đương nhiên làng phải quyết định đào ở đâu do những yếu tố như phải thuận tiện, ngắn để ít tốn nhân công, cuối cùng làng quyết định đào con kinh cách Đình làng chừng 50 thước nên người ta gọi là Kinh Đình, kinh này chạy qua đất của bà Lâm Thị Tốt, ông Dương Văn Nghét, ông Lê Văn Hà và phần còn lại là đất công điền tức là đất của làng, kinh đào bề ngang chừng bốn thước, chừa một khoảng cách chừng ba thước, đấp một con lộ, chân chừng bốn thức, mặt lộ chừng 2 thước, lộ cao chừng một thước rưỡi so với mặt ruộng. Hồi nhỏ khoảng mùa nước từ tháng 9, 10, 11 ta, hàng ngày tôi thường thả bầy dê ăn cỏ trên con lộ này, vì ở hai đầu kinh có nhà cửa, đoạn giữa dài chừng cây số không nhà cửa, chỉ có cỏ chớ cũng không có cây.
Năm kia tôi về thăm nhà, hai anh em ngồi nói chuyện, anh tôi kể cho tôi nghe chuyện của người chú họ và con ông Đại Hương Cả nhắc chuyện xưa, anh tôi mới biết về một chút chuyện đào kinh.
Khi chọn địa điểm đào kinh. Làng chọn phương án thứ nhất là sẵn có mương của ông Phủ chỉ đào tiếp theo đó để thông qua sông Hậu Giang. Cái lợi là đã có đoạn mương chừng 200 thước, nhưng nếu đào tiếp theo sẽ dào phần đất của bà Nội tôi, qua khỏi đó sẽ tới phần đất ông Đại Hương Cả, tiếp theo là phần đất của em gái ông cựu Hương Chủ, tiếp theo là phần đất của ông Nội tôi, kế nữa là phần đất ông Phạm Văn Nhơn rồi đến đất công điền.
Lúc đó, cha tôi làm Hương Sư, chức việc đứng sau Hương Cả và Hương Chủ, khi Ban Hội Tề họp, cha tôi cho biết phần đất của bà Nội tôi là đất hương hỏa của bà Cố tôi Dương Thị Út, cha tôi được biết trong phần đất đó có mộ của ông Tiền Hiền. Ông Tiền Hiền là người lập làng, có bài vị thờ trong làng sau ông Thần, không lẽ nay làng đào kinh, chẳng may đào nhầm mộ, tức nhiên làng đào mồ mả của ông Tiền Hiền. Làng nghe vậy cho là có lý, nhưng từ lâu không biết mộ ông Tiền Hiền ở đâu, nên làng quyết định đi tìm mộ ông Tiền Hiền bằng cách đi “xin keo”. Con cháu họ Dương cùng với làng mang khai trầu rượu vào đất bà Cố tôi xin keo.
Hồi đó, trên đất bà Cố tôi có một vườn dầu, mồ mả ông bà Nội tôi gần đó, có một căn nhà của chú họ tôi cất nhìn thẳng ra mương ông Phủ, người ta xin keo được mộ nằm ngay dưới sàn nhà của chú họ tôi. Do đó làng quyết định không đào kinh nối theo mương ông Phủ, bắt chú họ tôi phải dời nhà tránh ra khỏi mộ ông Tiền Hiền. Khi con cháu họ Dương cùng với làng đi xin keo lúc nào tôi không biết nhưng sau đó chú họ tôi phải dời nhà tôi có biết, và khi người ta đấp nấm mộ, dựng bia làm rào cho mộ ông Tiền Hiền sát vách nhà chú họ tôi, chuyện này tôi có biết.
Chú họ tôi và con ông Hương Cả cho rằng nhờ cha tôi mà kinh đào được dời đi, chỗ hiện nay cũng dài bằng chỗ mương ông Phủ vì chỗ này là bụng cù lao nên to, chỗ kinh Đình cù lao tóp lại nên công đào bằng nhau, làng tránh được chuyện đào mộ ông Tiền Hiền.
Theo trí nhớ của tôi, nơi đó chỉ có mộ của ông Tiền Hiền, sao không có hai nấm mộ, không có bà làm sao có lắm con cháu họ Dương sau này?!!
Đúng ra mộ ông Tiền Hiền nằm trong phần đất của gia đình tôi, nhưng do phần mộ ông bà Nội tôi nằm trên phần đất khác. Do Đệ Nhị Thế Chiến, Việt Nam không nhập cảng vải, phải trồng cây bông vải, phải tự dệt vải để may áo quần, bà Sáu tôi bằng lòng đổi phần đất của bà cho gia đình tôi vì trên đó có mộ ông bà Nội tôi và vườn cây dầu, còn bà lấy phần đất ruộng của chúng tôi để trồng bông vải có lợi hơn, phần đất này có mộ của ông Tiền Hiền.
HUỲNH ÁI TÔNG
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét