An Giang là miền sông với sông Tiền, sông Hậu và chi chít hàng trăm kinh rạch. An Giang cũng là xứ núi với 37 ngọn núi đã có tên và hàng chục đồi lớn nhỏ. Trong đó, huyện Tri Tôn là một trong những điểm dừng chân mà người yêu thích du lịch khó có thể bỏ qua. Đây là vùng đất cổ với địa hình bán sơn địa, vừa có núi, vừa có đồng bằng. Không chỉ có cảnh trí hấp dẫn là thế mạnh, nơi đây còn có rất nhiều chùa chiền, di tích, đặc sản và nhiều huyền thoại được lưu truyền qua bao thế hệ.
Chùa Xvayton nằm ở
trung tâm thị trấn Tri Tôn, huyện Tri Tôn. Tên của chùa có hai lý giải khác
nhau. Lúc trước, có người giải thích Xvayton có gốc từ Sva Tong với “sva” là
khỉ và “tong” là níu kéo, do nơi đây xưa là rừng rậm có nhiều khỉ. Gần đây, có
ý kiến cho rằng Xvayton có gốc từ Svay Tôn với “svay” là xoài và “ton” là dây,
do nơi đây xưa có nhiều cây xoài dây. Ngoài ra qua thời gian, người Việt nói
trại Xvayton thành Xà Tón, từ đó sáng tạo thêm tên Hán Việt là Tri Tôn, trở
thành tên chợ, tên thị trấn và tên huyện như ngày nay.
Chùa được cất đơn sơ
vào thế kỷ XVII, đến năm 1896 được xây kiên cố, nền gạch, lợp ngói, cột bằng
gỗ, dáng dấp như hiện nay. Chùa có lối kiến trúc Phật giáo tiêu biểu của tộc
người Khmer với nóc nhọn có ba lớp mái, được trang trí hình tượng rắn thần
Naga, biểu trưng sức mạnh bất diệt. Trong chánh điện có nhiều tranh vẽ sự tích
cuộc đời Đức Phật trên vách tường. Trước chùa có hồ sen lớn và tượng Phật dưới
bóng cây lâm vồ trên trăm tuổi, xung quanh là những hàng dừa cao vút, tất cả tạo
nên một khung cảnh thanh thoát. Xung quanh chùa có nhiều tháp thờ được trang
trí tinh xảo, kiểu cách, trên đỉnh chạm hình thần Bayon bốn mặt. Do đó, chùa
được báo chí gọi là “đền Bayon của An Giang”.
Đặc biệt, chùa
Xvayton hiện còn lưu giữ trên 100 bộ kinh được khắc trên lá buông. Đây là loại
lá đặc biệt, hàng trăm năm không bị mối mọt hay côn trùng cắn phá, càng lâu mặt
lá càng bóng và chữ viết càng nổi rõ. Mỗi lá kinh có kích thước khoảng 6 x 60
cm hoặc ngắn hơn, có thể khắc 5 dòng với khoảng 150 chữ. Như vậy, độ dầy của bộ
kinh tùy theo dung lượng kinh văn. Mỗi bộ kinh có thể khoảng 4 - 10 cuốn, mỗi
cuốn khoảng 20 - 60 lá. Tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá buông của người
Khmer ở Tịnh Biên và Tri Tôn được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc
gia vào năm 2017.
Nằm cách chợ Tri Tôn
khoảng 1 km là ngọn núi Tà Pạ, còn gọi là Chưn Num, mang vẻ đẹp hoang sơ và ký
bí. Trên núi có chùa Khmer cổ Chưn Num với kiến trúc độc đáo. Dưới chùa là hồ
Tạ Pạ lung linh bên triền núi. Nước hồ rất trong và mát, cây cối in bóng xuống
làm cho nước có màu xanh lục như một mặt cẩm thạch khổng lồ. Xung quanh được
bao bọc bởi các chỏm đá cao thấp không đều, nhiều cột đá mang hình thù kỳ dị.
Không ai nghĩ rằng khung cảnh tráng lệ đó lại có từ những dấu vết khai thác đá
còn sót lại.
Tại đây, bạn cũng có
thể ngắm “ruộng bậc thang” mà không cần phải đến Tây Bắc. Dưới núi Tà Pạ là
những ô ruộng với nhiều màu sắc khác nhau, chỗ thì chín vàng, chỗ còn xanh non
mơn mởn. Đứng ở Tà Pạ, bạn có thể nhìn thấy những cánh đồng thướt tha, những
dãy núi chập chùng đón gió, xa xa là những hàng cây chạy dài chừng như không
bao giờ tận. Mây trên núi và sương khói của đồng bãi hòa quyện vào nhau làm
khung cảnh thêm kỳ ảo.
Bên cạnh núi Tà Pạ là
núi Tô. Tên núi bắt nguồn từ tiếng Khmer là Ktô, người Việt gọi là núi Tô hay
núi Ông Tô, lại thi vị hóa thành núi Cô Tô, tên chữ là Phụng Hoàng sơn. Núi Tô
nằm cạnh núi Tà Pạ, với những điểm đến như suối Vàng, suối Bạc, bàn chân tiên,
vồ Hội, mũi Tàu, đồi Tức Dụp… Ngay ở chân núi có hồ Soài So là một hồ nước nhân
tạo, diện tích khoảng 5 ha. Nguồn nước cung cấp chính cho hồ Soài So là suối
Vàng và suối Bạc trên núi. Hai con suối chảy qua các vồ đá, khe núi rồi đổ về
hồ. Hồ có tác dụng trữ nước phục vụ sinh hoạt của người dân trong vùng và được
đầu tư khai thác du lịch.
Đường lên núi có độ
dốc lớn, nhưng khá mát mẻ và yên tĩnh, ven đường có nhiều chùa miễu và những
vườn cây trái xanh tươi. Trên đường lên núi, có một tảng đá in dấu bàn chân rất
lớn gọi là “bàn chân tiên”, vì dân gian cho rằng đó là dấu chân của một vị tiên
để lại. Ta có thể dừng chân ở chùa Bồng Lai hay chùa Vân Long để nghỉ mát và
ngắm nhìn khung cảnh những cánh đồng xa xa. Tiếp tục lên vồ Hội - một khối đá
khổng lồ nhô ra triền núi. Nơi đây không gian yên tĩnh, mát mẻ, là điểm lý
tưởng để thưởng ngoạn toàn cảnh biên thùy Tây Nam. Ngoài ra, bạn còn có thể đến
mũi Tàu - một tảng đá giống chiếc thuyền lớn, tương truyền ngày xưa nơi đây là
biển, có một chiếc thuyền chìm ở đây rồi hóa đá. Trên đỉnh núi Tô có một hang
sâu được gọi là Điện Kín.
Núi Tô có cấu tạo đặc
biệt bởi hệ thống hang động ngầm dầy đặc, người địa phương gọi là lò ảng, mà
tiêu biểu là đồi Tức Dụp. Nếu ví thế núi Tô như con chim phượng hoàng thì cái
đuôi của nó chính là đồi Tức Dụp. Tên đồi bắt nguồn từ tiếng Khmer là Tưk Chup,
với “tưk” là nước, “chup” là đêm hoặc thần thánh. Người xưa nghe tiếng nước
chảy róc rách vào ban đêm rồi phát hiện ra suối, cũng có người cho rằng đây là
nước của thần thần thánh nên không bao giờ cạn. Trong chiến tranh, đồi Tức Dụp
là nơi trú ẩn của quân giải phóng, quân đội Mỹ nhiều lần đánh phá ngọn đồi nầy nhưng không thể.
Từ thị trấn Tri Tôn, du khách tiếp tục theo tỉnh lộ 955 để đi về phía biên giới. Chùa Tam Bửu và Phi Lai là hai ngôi chùa nằm cạnh nhau, chung khuôn viên, thuộc thị trấn Ba Chúc (huyện Tri Tôn), được xem là tổ đình của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Đây là một tôn giáo bản địa ở An Giang do Đức Bổn Sư Ngô Lợi khai sáng. Đồng thời, đạo nầy còn gắn liền với phong trào yêu nước chống Pháp và khai hoang lập làng vào cuối thế kỷ XX.
Chùa Tam Bửu có một bảo vật được xem là “trấn đạo chi bảo”, đó là ngôi Long đình do Đức Bổn Sư thiết kế. Long đình làm bằng cây cam đàn, chạm trổ sắc nét, rất có giá trị nghệ thuật. Tín đồ thờ Long đình xem như một đấng bề trên khuất mặt gọi là Đức Phật Vương. Tuy nhiên theo nhà văn Sơn Nam, đây chính là tượng trưng cho vua Hàm Nghi. Năm 1885, Pháp đến phá chùa và lấy đi ngôi Long đình, sau đó trưng bày tại Viện Bảo tàng Sài Gòn. Mãi đến năm 1971, chánh quyền Việt Nam Cộng hòa mới trao trả về chùa.
Chùa Phi Lai mang dáng dấp truyền thống, nóc cổ lầu, nhiều tầng mái, chánh điện thoáng rộng và cao ráo. Thực tế chùa Phi Lai gồm hai phần theo mô hình “tiền đình hậu tự”, phía trước đình thần thôn An Định thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh, phía sau là chùa Phi Lai thờ Ngọc Hoàng Huyền Khung Cao Thượng Đế. Nơi đây còn có di tích vụ thảm sát Ba Chúc trong chiến tranh biên giới Tây Nam. Hai ngôi chùa Tam Bửu - Phi Lai là chứng nhân cho vụ thảm sát lịch sử vào tháng 4 năm 1978. Hiện nay trong chùa còn vết máu trên vách tường được lưu lại làm chứng tích lịch sử.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét