Trong bộ
phim Tây du ký hấp dẫn tuổi thơ mà chúng ta từng bị mê hoặc, có một chi tiết
khá dí dỏm. Đó là lúc thầy trò Đường Tăng được mời ăn nhân sâm tại quán
Trấn Nguyên đại tiên, Trư Bát Giới vì tham ăn nên đã nuốt trọn quả nhân sâm để
rồi tiếc ngẩn ngơ vì chưa kịp biết mùi vị nhân sâm như thế nào. Chuyện không
còn mới, nhưng chi tiết nầy thì vẫn còn có thể đem ra làm ví dụ trong đời sống hiện
tại. Về vấn đề: nhanh hay chậm?
Thế kỷ XXI
mở ra được nhiều người gọi là “thời đại nguyên tử”, với cả hai nghĩa. Nguyên tử
theo nghĩa đen, vì thực tế nhân loại đã có nhiều thành tựu rực rỡ ở lĩnh vực
nầy. Ngoài ra nguyên tử với nghĩa bóng để nói nói đến guồng quay vội vã, gấp
gáp của đời sống con người. Chúng ta như cứ phải chạy, chạy, chạy, chạy nhanh
nữa, nhanh hơn nữa. Mặc dù không ai đuổi! Chạy như vậy, có khi nào chúng ta tự
hỏi: Mình có mệt chưa?
Chuyện lái
xe là một ví dụ không hề xa lạ. Một chiếc xe nhỏ gọn vậy thôi mà cũng đủ thứ nhiêu
kê để nói rồi. Người trẻ thường thích leo lên xe để… phóng nhanh. Không cần
biết điểm đến gần hay xa, thời gian sớm hay muộn, có chuyện quan trọng hay gấp
gáp không… mà hễ lên xe là phải nhanh.
Cứ như mục đích của xe không phải là đi hay đến, mà để người lái xe thể hiện
tay nghề của mình. Biết bao vụ tai nạn xảy ra, nhưng cũng còn rất nhiều người
thờ ơ với điều đó, họ nghĩ thiên hạ bị tai nạn là vì lái yếu, còn mình lái giỏi
thì dễ gì có chuyện.
Có lẽ đó là
tâm lý chung, nhứt là lứa tuổi mới lớn với cái tôi lớn nên rất chủ quan. Song,
nếu chúng ta cho rằng mình là tay lái giỏi, vậy ta hãy khoan bàn tới vấn đề tai
nạn. Bây giờ chỉ xin hỏi đơn giản rằng: Lái xe nhanh để làm gì? Có khi nào
chúng ta tự hỏi như vậy không? Mọi lý do viện dẫn như trễ giờ, có việc gấp,
quan trọng, đường xa, kẹt xe… nên chạy nhanh để đến sớm, dường như chỉ là cái
cớ. Bởi, chúng ta có thể chủ động trước những vấn đề đó mà!
Một cách
sống cho thời đại mới, chọn nhanh hay chậm? Dĩ nhiên khó có thể trả lời “chậm”
trong thời đại nầy, vì nó không thể bắt kịp guồng máy đời sống đang quay với
vận tốc cực đại. Kiểu “từ từ tới đâu hay tới đó” của thế hệ ngày xưa hay kiểu
ẩn sĩ lánh đời áp dụng cho ngày nay e là khó. Tuy nhiên, cũng không phải nói
rằng mình chọn cách sống nhanh để rồi tự cho mình phải nhanh mọi lúc mọi nơi.
Nên biết nhanh lúc nào, nhanh ở đâu, nhanh kiểu gì… và có lúc cũng cần phải
biết chậm.
Đừng nên mãi
chú ý đến mục đích mà bỏ quên quá trình. Cũng như lái xe, nếu trước sau gì cũng
đến, thì tại sao không thư thả để trải nghiệm cùng với con đường. Khi đó, ta và
chiếc xe có thể hòa hợp với nhau như tiếng hát của ca sĩ hòa hợp với tiếng đàn
của nhạc công. Chậm rãi, biết đâu sẽ phát hiện vài chi tiết thú vị để làm vốn
sống của mình phong phú hơn. Khi đó biết đâu chúng ta sẽ nhìn thấy cho một bà
cụ ăn xin hay một cậu bé bán vé số ven đường. Dù chỉ có thể tặng cho họ một ánh
mắt sẻ chia, nhưng cũng đủ quý giá rồi.
Không phải
lúc nào cố làm cho nhanh thì công việc cũng mỹ mãn. Chắc chúng ta không xa lạ
gì với cụm từ “nhanh nhảu đoảng”, có lúc sự vội vã của con người trở nên như
thế. Gấp gáp, chúng ta có thể hoàn thành một công việc sớm hơn, nhưng liệu mình
có thấy thoải mái? Nếu quá nhanh, quá vội, chúng ta có cảm thấy thời gian rồi cũng
trôi qua vùn vụt như thế, như thái độ mà chúng ta đang sử dụng nó? Vì chính bản
thân mình hoạt động gấp gáp, nên làm gì còn những khoảng lặng cho thời gian
nữa. Chậm lại, ta có thể cảm nhận thời gian đang trôi qua êm đềm và thong thả, để
mình càng trân trọng nó hơn.
Nhưng dường
như gọi là “chậm” cũng chưa hẳn đúng, có lẽ nên gọi là cách điều hòa cho lối
sống nhanh. Điều hòa đó, chính là ta đang tự tạo cho chính mình đời sống thoải
mái. Bởi, dẫu nhanh theo kiểu nào đi chăng nữa, thì cũng cần có lúc chậm. Chậm
trong công việc lúc cần thiết, ngoài ra giữa sự vội vã thường trực hằng ngày,
chúng ta nên dành cho mình một khoảng thời gian để chậm với chính mình. Đời là
quả nhân sâm rất ngon, rất quý, quan trọng là cách chúng ta thưởng thức nó thế
nào. Bạn có muốn mình trở thành Trư Bát Giới mãi tiếc ngẩn ngơ vì ăn quá nhanh
nên chưa tận hưởng được mùi vị quả nhân sâm?
VĨNH THÔNG
(Tác phẩm đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn, số 22, 2015 &
in trong tập tùy bút Thong thả đi, Nxb Văn hóa Văn nghệ, 2017)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét