Trong làng văn đồng bằng sông Cửu Long, Vĩnh Thông được
xem là “hiện tượng” bởi có tác phẩm đăng báo từ năm 14 tuổi và ra mắt tập thơ
đầu tay năm 16 tuổi, được giới chuyên môn đánh giá cao. Nhân dịp Vĩnh Thông ra
mắt ba cuốn sách mới, phóng viên Báo Cần
Thơ đã có cuộc trò chuyện với tác giả.
* Vĩnh Thông có thể chia sẻ vài cảm
xúc về ba cuốn sách mới vừa ra mắt?
Sau khoảng nửa tháng phát hành, các quyển
sách đã nhận được phản hồi khá tích cực từ độc giả, đó là sự khích lệ lớn cho tôi.
Tập truyện ngắn Trở về và chào nhau và tập thơ Trạng thái yêu tập hợp những tác phẩm Vĩnh
Thông viết trong vài năm gần đây. Tôi cố gắng chuyển tải đến độc giả những câu
chuyện, con người gần gũi và chân thật nhất để cùng chiêm nghiệm về cuộc sống
quanh mình.
Riêng cuốn An Giang núi rộng sông dài là thành quả một tháng mùa hè năm Vĩnh
Thông học lớp 11. Quyển sách đặc biệt vì viết về quê nhà nên có nhiều cảm xúc. Tôi vui vì đã được kể cho người đọc về vẻ đẹp của quê
mình.
* Một chàng trai viết truyện, làm
thơ khi mới 14 tuổi, liệu đó là thuận lợi hay khó khăn đối với Vĩnh Thông?
Vĩnh Thông không quá đặt nặng văn
chương như một công việc, nghề nghiệp với những quy tắc hay ràng buộc. Viết vì sự
hứng thú, đam mê, viết để trải lòng mình và chia sẻ cho nhiều người khác cùng
đọc, đơn giản thế thôi! Từ những tác phẩm non nớt đầu tiên đến nay vẫn vậy.
Không áp đặt, không quy tắc, nên cũng không gặp nhiều khó khăn, nhất là vấn đề
thời gian. Mấy năm theo đuổi văn chương giúp tôi làm giàu thêm tâm hồn, hiểu
biết thêm về cuộc sống và giao lưu kết bạn nhiều hơn.
Nhưng tôi cũng nghĩ rằng sự rèn luyện
trau chuốt và học hỏi cũng rất cần với người cầm bút, bất kể 14 tuổi hay đã
“xưa nay hiếm”.
* Theo Vĩnh Thông, thế hệ tác giả
trẻ hiện nay, trong đó có bạn, sẽ đem đến điều gì cho văn học Việt?
Tôi nghĩ, điều quan trọng không phải viết
về đề tài gì, mà viết như thế nào. Giá trị tác phẩm không chỉ khi ta trực tiếp
thưởng thức, mà là sau đó để lại dư vị gì trong tâm trí độc giả. Muốn như vậy
mỗi một sáng tác phải mang thông điệp hay ý nghĩa riêng, phải có sự tác động
đến tâm hồn người đọc… Theo Vĩnh Thông, người viết trẻ cần làm mới trang viết
của mình, tìm tòi khai thác những đề tài mới và quan sát những điều quen thuộc
với góc nhìn mới. Mỗi trang văn là một trang đời mà qua đó người đọc có thể tìm
thấy và trân trọng thêm những giá trị của cuộc sống.
Theo quan sát của tôi, hiện nay, tác
giả trẻ thuộc thế hệ 8X - 9X khá nhiều và có nhiều đóng góp cho văn chương
Việt. Tôi cho rằng, thế mạnh của người cầm bút trẻ là tư duy, bút pháp mở và
dám thử nghiệm những bút pháp mới. Mỗi tác phẩm họ viết ra, đều thể hiện sự
trải nghiệm, hòa mình vào cuộc sống để có những xúc cảm chân thật nhất.
* Sinh năm 1996, vừa có thể viết
biên khảo, làm thơ, vừa có nhiều truyện ngắn hay. Đâu là sở trường thực sự của
Vĩnh Thông?
Cái gì cũng là sở trường, nếu mình
chịu làm (cười). Như đã nói, Vĩnh Thông không áp đặt mà chỉ viết vì mình cần
viết, cần trải lòng. Thế nên cũng không quan trọng đâu là thế mạnh. Điều gì mình
thích và có khả năng thì bắt tay vào viết thôi. Ở mỗi thể loại có sự thú vị
riêng, nhưng khi đã viết, dù thể loại nào tôi đều toàn tâm toàn ý với tác phẩm.
Không phải tác phẩm nào ra đời cũng xuất sắc, nhưng tôi thấy hài lòng vì mình
đã có trách nhiệm với công việc của mình.
* Xin cảm ơn và chúc Vĩnh Thông sẽ
có thêm nhiều tác phẩm hay!
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét