Viết là chấp nhận thử thách
* Viết văn, làm thơ và có sách xuất bản ngay từ khi còn học phổ
thông, ắt hẳn sức viết và sức đọc của bạn được rèn luyện từ rất sớm?
Mình luôn tìm hiểu nhiều lĩnh vực,
không chỉ mảng xã hội mà cả khoa học tự nhiên để phục vụ sáng tác. Tủ sách của
mình không quá lớn so với nhiều bạn viết nhưng mình cố gắng đọc một cách chọn
lọc và tìm tòi những điều mới lạ. Việc viết lách của mình chủ yếu dựa trên cảm
hứng, không ràng buộc, không quy tắc. Nếu thích và có khả năng thì cứ viết, kết
quả tạm thời chưa nói đến nhưng chịu bắt tay vào đã là một sự tự vượt qua bản
thân rồi.
Mình in tập thơ đầu tay Và quá khứ thấy ta năm 2012. Năm 2015,
xuất bản tập thơ Trạng thái yêu, tập
truyện ngắn Trở về và chào nhau, sách
du lịch An Giang núi rộng sông dài.
Cả ba cuốn sau đều đã được ấp ủ từ lâu. Việc tìm nhà xuất bản hiện nay không
quá khó, vấn đề là chất lượng bản thảo. Tác phẩm được xuất bản có lúc phải chờ
đợi lâu nhưng đó cũng là trải nghiệm với tác giả.
* Có quan niệm cho rằng, thế hệ 9X là thế hệ của công nghệ và
hướng ngoại. Điều này có đúng với Vĩnh Thông? Cầm bút lên sáng tác, bạn nghĩ
mình sẽ viết cái gì đó đặc trưng, thể hiện suy nghĩ khác biệt của thế hệ mình?
Mình thích nghi với công nghệ và những
thay đổi rất nhanh. Trong mình tồn tại cả con người hướng nội và hướng ngoại, tùy
trường hợp mà mỗi cá tính bộc lộ. Một vài tác phẩm mình đã đề cập đến tâm lý,
cá tính giới trẻ nhưng chỉ là những chi tiết nhỏ. Mong sắp tới mình có thể thử
sức nhiều hơn với đề tài này.
Mình không tán đồng ý kiến cho rằng
giới trẻ ngày nay sính ngoại. Trong cuộc sống hằng ngày, có rất nhiều bạn trẻ
trân trọng, tự hào giá trị Việt. Có lẽ, do tuổi mới lớn ham vui, thích sôi nổi,
thích chứng tỏ, nên đôi khi có bạn chạy theo phong trào một cách vô ý. Là người
sáng tác văn chương, học ngành Văn hóa học, Vĩnh Thông trân trọng truyền thống, nhưng
có những thứ cần cách tân hơn là bảo thủ. Theo mình thì phải biết dung hòa cả
hai.
Viết sách cho quê hương
* Vì sao bạn quyết định viết cuốn An Giang núi rộng sông dài?
Nó có gì khác so với sách cẩm nang du lịch?
An Giang núi rộng sông dài là thành quả của mùa hè năm lớp 11, mình đi và viết hàng
trăm điểm, trải khắp 11 huyện, thị, thành trong tỉnh. Do có nhiều cảm xúc nên
quyển sách không là các trang viết khô khan mà có nhiều chất văn, chứa đựng
tình cảm của một người con An Giang.
Du lịch đang phát triển ở nước ta nhưng
du khách vẫn đến để chơi hơn là đi để tìm hiểu. Điểm du lịch có nguồn gốc,
thắng cảnh, đặc sản gì, gắn với sự kiện, nhân vật, huyền thoại nào… hầu như ít
người quan tâm. Mình nghĩ, viết sách du lịch sẽ góp phần phổ biến hình thức du
lịch mới: du lịch gắn với tri thức.
* Bạn đã đi du lịch nhiều nơi trên đất nước chưa? Những thói quen
của bạn trên những chuyến hành trình?
Du lịch “bụi” là trải nghiệm thú vị.
Mình rất thích đi và đi rất nhiều, nhưng do việc học nên mình chưa thể đi những
nơi quá xa. Mình không định hình một thói quen nào, bản thân những cuộc hành
trình đã đầy ngẫu hứng rồi.
* Vĩnh Thông có nhiều kênh để quảng bá tác phẩm của mình như weblog,
Facebook. Thậm chí, Thông còn phát hành sách trên những kênh thông tin được
thiết kế khá bài bản của mình. Suy nghĩ của bạn về việc ứng dụng công nghệ
thông tin để quảng bá tác phẩm?
Các cây bút ở những đô thị lớn thường
tự quảng bá qua mạng, các cây bút tỉnh lẻ đa phần ngại vấn đề này. Mình thấy
nhiều anh chị làm có hiệu quả, tạo nên cách nhìn tích cực hơn: Sản phẩm do mình
tạo ra, sao không mạnh dạn giới thiệu?
Giới thiệu tác phẩm là cách trân trọng
và tự hào với thành quả của chính mình. Qua mạng, độc giả biết đến tác giả
nhiều hơn. Những người yêu thích sẽ dễ dàng theo dõi các tác phẩm, trao đổi,
góp ý… Quảng bá tác phẩm qua mạng cũng là xu hướng mới của giới văn chương hiện
nay, thay vì “hữu xạ tự nhiên hương” như trước đây.
* Trong khoảng nửa tháng đầu tiên, ba quyển sách mới của Vĩnh
Thông có những tín hiệu khá tích cực. Những người mua đầu tiên tiếp tục giới
thiệu đến bạn bè. Viết văn, làm thơ từ rất sớm và có nhiều tác phẩm, sách được
in, Thông có dự tính đường dài trên con đường văn học?
Mình nghĩ, một người viết cần phải biết
tự yêu cầu cho bản thân quá trình chứ không chỉ mong chờ thành quả. Những thành
quả không đến tự nhiên mà phải qua quá trình học hỏi, rèn luyện miệt mài. Mình
ít quan tâm đến những lời khen, những góp ý thẳng thắn thì mình rất trân trọng.
Lời chê để giúp mình tiến lên luôn ý nghĩa hơn lời khen.
* Cảm ơn bạn!
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét