Nếu như đọc ngày tháng năm sinh của Vĩnh Thông, thì đây là một cậu học sinh mười chín tuổi, tuổi tràn đầy ước mơ, hy vọng… Gặp Vĩnh Thông ngoài đời là một cậu thiếu niên trắng trẻo rất thư sinh với một chút e dè, ít nói. Nhưng chỉ đọc thơ Vĩnh Thông lại nghĩ đây là một người trung niên ngồi hoài niệm lại thời xanh xuân và nghĩ đến một ngày nào đó mình sẽ có cuộc rong chơi ở cõi Ta bà.
Thật thế! Cầm trên tay
hai tập thơ của một người làm thơ còn rất trẻ với những câu thơ chiêm nghiệm
cuộc đời, với những ý tưởng cuộc đời phù du cát bụi, với những suy nghĩ danh
lợi trên đỉnh phù vân cũng không có gì lạ khi có người nhận định Vĩnh Thông là
một “hiện tượng văn học của tỉnh An Giang” (Thanh Sử - An Giang). Trong thi đàn
văn chương Việt Nam nửa thế kỷ XX cũng đã có một Chế Lan Viên mười sáu tuổi đã
khiến bao người ngạc nhiên: “Giữa đồng bằng văn học Việt Nam ở nửa thế kỷ XX nó đứng sũng như một
cái Tháp chàm, lẻ loi và bí mật” (Hoài Thanh và Hoài
Chân, Thi nhân Việt Nam).
Có lẽ với những ý thơ già
dặn như thế, Vĩnh Thông bị áp lực khá lớn trong sáng tác. Đọc tập thơ, bạn yêu
thơ sẽ cảm nhận được nỗi cô đơn của nhà thơ trẻ này, cô đơn giữa bạn bè, người
thân… Nỗi cô đơn mà nhà thơ trẻ Phong Việt cũng đã tâm sự: “Chỉ có thơ mới giải
tỏa sự cô đơn của tôi”. Đọc thơ Vĩnh Thông tôi chợt nhớ đến Samuel Taylor
Coleridge đã viết: “Thơ đối với tôi là một phần thưởng hết sức to lớn, thơ đã xoa dịu những
nỗi sầu não, thơ làm tăng gấp bội và thanh lọc những niềm vui của tôi, thơ đã
nâng niu nỗi cô đơn của tôi, và thơ đã cho tôi thói quen ao ước khám phá ra
thiện và mỹ trong mọi điều hội ngộ và ở xung quanh tôi”. Tôi bắt
gặp điều này ở Vĩnh Thông. Vĩnh Thông đang đợi ai? Đợi hạt mưa, góc phố, ô cửa
có nắng, có sắc tím bằng lăng và có “người con gái buông tóc”. Đó là cảm xúc
thơ, là chất xúc tác cho thơ tượng hình kì vĩ và đẹp đẽ. Vĩnh Thông đã cố gắng
hết sức mình leo lên đỉnh thi ca, dốc hết máu tim tặng nàng thơ mà mình yêu quí
để rồi Vĩnh Thông nhận lại những gì:
“Trong lãng quên ta lại tìm ta
Với những
điều quen thuộc
Dường như
tuổi hai mươi vụt mất ít nhiều?
Đôi khi,
thành người hụt hẫng”
(Điều thân quen, tr. 15)
Tôi thích từ “hụt hẫng”,
bởi một cảm giác rất thật, Vĩnh Thông đã cho văn chương bằng tuổi hai mươi tươi
đẹp để rồi thật “sốc”: “Một số người không tin là thơ Vĩnh Thông làm, phía sau chắc có ai đó hỗ
trợ” (lời nhà thơ Trần Hoàng Vy). Hay trong bài Chớm đông và gã trai 17
tuổi, khi một mình trèo lên với gió rồi lại: “Ta bước xuống chân núi
sáng nay / Thấy bóng mình đang đi lên đỉnh / Và chỉ mình ta / Nghe gió reo”.
Tâm trạng nhà thơ trẻ này như có một chút vội vã, chút lo sợ, sợ thời gian qua
mau, sợ mùa xuân đi vội:
“Sợ cảm giác mùa qua vội vã
Thương nhớ
chưa kịp cài khuy áo mùa xuân”
(Sóng sánh khai xuân, tr. 13)
Nói như nhà thơ Nguyễn
Quang Thiều thì: “Đó
là sự sợ hãi về một điều gì đó; những vẻ đẹp mong manh, những vẻ đẹp có nguy cơ
bị giết chết, bị tàn lụi. Trong một thế giới thực sự không bền vững, thì khát
vọng của một thi sĩ nói riêng hay một người nào đó, là sự trở lại của những gì
đẹp đẽ và trong sáng nhất”. Ở Vĩnh Thông chúng ta bắt gặp rất nhiểu
cảm nhận như vậy. Một cảm nhận khá tinh tế về cuộc đời: “Trên đỉnh phù vân đời sao
nhỏ bé / Giữa chốn bằng an người lại bộn bề?”, “Hỏi đá sỏi rằng người xưa
đi đâu / Tay chạm được mây đa truân / Dưới kia nhân gian ảo ảnh / Chốn bồng lai
hay cõi phù trầm?” (Ở chùa
Samprov Pram, tr. 27).
Đôi lúc Vĩnh Thông như
lúng túng trước những biến đổi vô thường của thiên nhiên, của tạo vật, của mùa.
Sự liên tưởng từ một chuyến phà đưa nối liền hai bến sông, nhưng chuyến đi về
cũng làm trái tim nhạy cảm của nhà thơ trẻ này chiêm nghiệm những chuyến phà
đời người: vui, buồn, cay đắng, những chuyến phà vô định chưa có nơi để neo
đời:
“Phà đưa ta đi đâu về đâu
Muôn mặt
người chưa lần trùng ngộ?
Trăm năm phà
vẫn phà đưa…
Chuyến phà
đời vẫn sang
Sang mãi bến
bờ nào?”
(Chuyến phà chuyến người, tr. 21)
Đó cũng là tâm trạng của
người trẻ tuổi hôm nay. Đôi lúc cũng bâng khuâng đứng giữa đôi dòng nước. Cái
cảm giác cô đơn, lẻ loi mất phương hướng, vơi đi sự kiên nhẫn, thêm một chút
hoài nghi:
“Mình lạc nhau giữa bến chiều thinh lặng
Vòng nhân
gian quá rộng để đợi chờ”
(Viết ở quán quen, tr.
18)
Hay:
“Xa nên nhớ - gần lại
thương. Em nhỉ!
Chỉ sợ rằng…
Em còn đợi ta chăng?”
(Thị
trấn mình, tr. 11)
Nhưng đôi lúc bạn yêu thơ
cũng nhận ra một Vĩnh Thông trẻ rất dễ thương, hồn nhiên trong sáng tuổi học
trò: “Ru những
giấc mơ / Về ta / Sân trường vang bài ca gọi bạn / Ngày chia tay rời lớp / Cứ
ngẩn ngơ nào hẹn được gì” (Ru
buồn giấc mơ, tr. 20), một cậu học trò ngẩn ngơ trước mùa hạ và gửi lại
sân trường một tà áo trắng bay. Hay sự rung động ngây thơ thật đẹp: “Tháng Giêng ta đến cùng
với gió / Một tý sắt se đủ mơ màng / Thèm được cùng em đi đâu đó / Rong chơi? Ừ
thì, mình lang thang” (Đến
cùng Giêng, tr. 52). Tôi yêu sự hồn nhiên này của em, yêu một chút buồn,
chút tâm tư của tuổi trẻ được Vĩnh Thông thể hiện qua ngôn từ thơ bình dị nhưng
lại làm bạn yêu thơ rung động: “Đêm vàm kinh lá nào rớt bâng khuâng / Hai thằng trẻ, hai kiếp đời. Lận
đận / Hai mắt khóc, hai mắt cười. Rất thật” (Đêm vàm kinh, tr. 70).
Xuyên suốt tập thơ Vĩnh
Thông sử dụng rất nhiều dạng dấu câu. Câu hỏi tu từ thể hiện tâm trạng tác giả
trẻ này không thật sự an yên, không biết giải bày hay tâm sự cùng ai, nên tác
giả không chỉ tự hỏi chính mình mà hỏi cả bạn yêu thơ. Cách dùng dấu chấm bẻ
khúc câu thơ: “Vốc
ngụm tình. Rỗng hai tay trắng / Vốc ngụm tình. Thoảng mùi ủ dột / Vốc ngụm
tình. Rơi phía chông chênh” nhà thơ vừa muốn kết thúc ý thơ nhưng
lại muốn giãi bày thêm để bổ sung ý muốn thể hiện… làm cho câu thơ thêm độc
đáo, ý thơ giàu cảm xúc hơn. Cách sử dụng đại từ “ta” trong mỗi câu thơ Vĩnh
Thông vừa như muốn tránh né cái riêng của sự rung động hay chiêm nghiệm của bản
thân mình vừa muốn dựa vào cái chung để bày tỏ. Chính nhược điểm này làm cho
câu thơ thiếu đi chất lãng mạn mà chính Vĩnh Thông cũng rất rõ điều này:
“Xin cho thơ ta một chút
Một chút
lãng mạn thôi”
(Làm hoa, tr. 44)
Hay tự nhủ với nàng thơ:
“Ta cũng có cõi thơ chưa gửi kịp
Nên xin đừng
vội nhạt áo tình nhân”
(Chuyến cuối, tr. 65)
Trang thơ cuối cùng khép
lại, hình như trong tôi có một chút gì tiếc nuối vu vơ. Ly rượu nhà thơ trẻ này
tặng bạn yêu thơ mới vừa ngon, vừa nồng nhưng chưa làm người ta say. Đường văn
chương Vĩnh Thông còn rất dài và cũng nhiều gập ghềnh, nhưng tôi tin em sẽ
không buông tay: “Ừ!
Thì buông tay / Bài thơ tình chưa kịp trao” để “Mười
năm sau. Đọc lại”, rồi ân hận nếu như: “Ta có còn nhau / Giữa thế gian nầy?”
(Mười năm sau, tr. 76). Nhà thơ trẻ
này sẽ còn bước tiến xa hơn trên đài thi ca, bởi vì Vĩnh Thông đã xác định:
“Chỉ là giấc mơ của riêng ta
Còn mắc nợ”.
Đêm tháng Ba 2015
TRÚC LINH LAN
(Đọc tập thơ Trạng thái yêu của Vĩnh Thông, Nxb Hội Nhà văn, 2015)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét