Đã
xa rồi mà vẫn thấy mình như còn mắc nợ. Nợ Tà Pạ một điều gì đó chưa nói thành
lời, như là ủi an, cảm thông, hứa hẹn. Trước khi đặt chân đến, có người nói:
cái tên nghe lạ quá hé. Ừ, thì Tà Pạ, nghe
ngộ ngộ. Khi đã đến, nhiều người than: trời, cảnh gì buồn dữ vậy. Ừ, thì
xung quanh vắng vẻ, chẳng thấy ai. Rồi đến khi chia tay, có người lại thấy vấn
vương, lưu luyến, chùng chình…
Đó
là một buổi trưa. Buổi trưa miền Tây Nam đầy nắng, buổi trưa của vùng đồi
núi An Giang nầy lại càng nóng hơn. Nắng hầm hập chui vào chiếc xe nhỏ, cửa sổ
luôn được mở, vậy mà ai cũng quạt lấy quạt để bằng những gì mà mình tìm được, kẻ
thì nón, người thì vạt áo, người thì khăn… Sau khi đi một vòng quanh thị trấn
Tri Tôn, cà đoàn chúng tôi đặt chân đến Tà Pạ.
Chưa
một lần đến thăm, chỉ được đọc vài dòng thông tin mơ hồ trên báo chí, Internet…
Tuy nhiên để tìm được địa điểm cần đến không phải là khó. Xâu chuỗi những thông
tin đã có được để tìm Tà Pạ: từ Tri Tôn đi theo hướng Tức Dụp, đối diện cây lâm
vồ trăm tuổi, đường lên có cổng chùa lớn, và đặc biệt, nơi đặt Đài Truyền thanh
huyện Tri Tôn. Thế là xong, chỉ cần thấy trụ truyền thanh cao cao ở chỗ nào thì
đấy - đã đến nơi cần phải đến.
Núi
Tà Pạ (có người cho là đồi) còn gọi là Chưn Num vì trên núi có ngôi chùa Khmer
mang tên Chưn Num. Cảnh thì nên thơ, nhưng quá hoang tàn và cũng chưa phải là một
khu du lịch chính thức được khai thác nên Tạ Pạ rất vắng vẻ, hầu như ít người đến.
Đường lên núi rộng rãi, được lát bằng loại đá núi ở địa phương. Có ba lối rẽ
trên triền: đi thẳng lên cổng chùa Chưn Num, đường cặp theo sườn núi cũng lên
chùa nhưng vòng ra sau hậu viên, còn con đường mòn ngoằn ngoèo ở vị trí thấp nhứt
rẽ sang hồ Tà Pạ.
Chúng
tôi chọn đến chùa Chưn Num trước, đây là ngôi chùa Khmer cổ và gặp nhiều khó khăn
trong việc trùng tu, thời gian gần đây đã phần nào đi vào ổn định. Đường lên
chùa có các tượng thần trong tín ngưỡng của người Khmer, đứng bên vệ đường chỉ
tay về lối cần đi cho du khách. Chùa nằm trên đỉnh cao, vắng vẻ, mang đậm phong cách kiến trúc đặc thù của người
Khmer.
Hồ Tà Pạ (Ảnh: Vĩnh Thông)
Rời
chùa Chưn Num để xuống hồ Tạ Pạ, đây có lẽ là nơi mà mọi người trong đoàn rất
muốn đến trong chuyến đi nầy. Đường đi đến hồ không xa, lên được một đồi cao,
chúng tôi thật sự vỡ òa bao cảm xúc trước cảnh sắc đang hiện ra. Đứng ở Tà Pạ,
có thể nhìn thấy những cánh đồng thướt tha, những dãy núi chập chùng đón gió,
xa xa là những hàng cây chạy dài chừng như không bao giờ tận. Dưới chân núi Tà
Pạ là những ô ruộng xen lẫn giữa các mảng vàng, xanh với độ cao thấp khác nhau.
Có ô ruộng đã chín vàng, có chỗ còn xanh non mơn mởn.
Đá
vẫn lổm chổm dưới chân, nắng vẫn nun dài bên bờ tóc, vậy mà nơi đây gió lại thổi
rì rù như xóa đi bao ưu phiền, bao bộn bề của những người lữ khách. Đặc biệt là
chúng tôi tình cờ phát hiện một mái nhà ở dưới triền, có trồng rau, có nuôi
heo, gà, giống như một trang trại mini, hay nếu liên tưởng mơ mộng hơn là một
túp lều của vị tao nhân ẩn sĩ nào đó muốn lánh chốn phồn hoa. Mây trên núi và
sương khói của đồng bãi hòa quyện vào nhau làm khung cảnh buổi trưa biên giới mờ
mờ, kỳ ảo. Mặc kệ trên đầu, nắng vẫn quật ngang tàn.
Hồ
Tà Pạ được bao quanh bởi các chỏm đá cao thấp không đồng đều, nhiều cột đá mang
hình thù kỳ dị. Có một cột đá cao khiến người ta liên tưởng đến hình ảnh người
mẹ bồng con. Cứ tưởng như gió bụi ngàn năm đã thổi mòn từng phiến đá để tạo nên
hình thù như vậy. Song, đó là những dấu vét còn sót lại trong những năm khai
thác đá ở đây. Thiên nhiên huyền bí ngày xa xưa giờ chỉ còn lại là một bãi
hoang tàn chỏng chơ giữa đất trời như thế nầy.
Hồ Tà Pạ cũng thế, sao bao năm bắn đá
để khai thác, nơi đây đã trũng xuống rất sâu, chỉ đợi khi mưa về tích nước là
trở thành hồ. Chắc hẳn những người khai thác đá nơi đây năm xưa không ai nghỉ rằng
khi công việc không còn thực hiện nữa thì cái “công trường” lại trở thành nơi
thơ mộng và huyền ảo đến thế.
Nước hồ rất trong, có thể nói là trong
đến lạ, cây cối xung quanh các chỏm đá cao in bóng xuống hồ làm cho nước có màu
xanh lục như một mặt cẩm thạch khổng lồ. Bên kia hồ là “tấm bình phong” đá to lớn
như chắn giữa mênh mông. Phía xa có vài con đường mòn để đi lên “tấm bình
phong”, dốc thoai thoải.
Đã từng xem trên sách, báo và nhứt là
qua Internet và cảm phục về vẻ đẹp của núi, nhưng chỉ đến khi ta được đến nơi
nhìn tận mắt, sờ tận tay mới cảm nhận được hết cái sức thu hút của ngọn núi
dành cho bao người. Có mệt mỏi và nóng bức cỡ nào, đoàn chúng tôi vẫn cảm thấy
“mát lòng” trước cảnh sắc nầy.
Tà Pạ huyền ảo hơn cả huyền ảo.
Rời núi Tà Pạ mà lòng người còn bao
vương vấn, thật tình cờ thay cho một công trường khai thác đá lại trở thành nơi
có “sơn thủy hữu tình” như văn chương xưa vẫn thường ca tụng. Cũng thật tiếc
thay cho số phận của nó, đìu hiu và… đìu hiu. Người ra về, mang về cả một túi
căng đầy nắng gió Tà Pạ. Mang về nỗi hy vọng, về hình ảnh một Tà Pạ khác hơn,
cho mai sau.
Giờ thì nó nát bấy vì sự thiếu ý thức của du khách và bỏ rơi của chính quyền. Tiếc thay
Trả lờiXóaCảm ơn bạn đã chia sẻ. Rất mong sẽ có những đổi mới cho Tà Pạ trong tương lai. Chúc bạn một ngày an lành!
Xóa