Lần thứ nhất
tôi viết giới thiệu cho tập thơ đầu tay của Vĩnh Thông, tập Và quá khứ thấy ta khi Thông mới vừa
tròn 16 tuổi, ấy là năm 2012. Ba năm sau tôi lại viết về tập truyện ngắn của
Vĩnh Thông - Trở về và chào nhau, khi Thông đã là cậu sinh viên năm nhất. Ngòi viết và bút lực đã dần
vững chải, nhiều suy tư và trăn trở mà theo nhà văn Bích Ngân, Vĩnh Thông là
một trong ba cây viết trẻ được Nxb Văn hóa Văn nghệ chọn in tác phẩm lần này
với nhận xét: “Với 10 truyện ngắn được chọn in trong tập Trở về và chào nhau, Vĩnh Thông đã hé lộ
được tư chất của một người cầm bút: cảm nhận và viết về cuộc sống quanh mình và
cả chính mình bằng thái độ trầm tĩnh, câu chữ chắt lọc. Truyện nào của Vĩnh
Thông, dù viết về trường lớp, về bạn bè, về ông bà cha mẹ, về dòng sông, về mây
trời… cũng đều gửi gắm vào đó những suy tư vừa hồn nhiên thơ trẻ vừa chững chạc
chiêm nghiệm đã khiến tập truyện có sức hấp dẫn riêng biệt” (Những gương mặt rất trẻ, tr. 7). Tôi lại muốn mượn câu thơ trong bài thơ Viết ở quán quen của Vĩnh Thông trích trong tập Trạng thái yêu (Vĩnh Thông vừa lập “kỷ
lục” trong những tháng đầu năm 2015 đã in liền ba tập sách) là “Chút ký ức chạnh lòng nhau như khói” để
nói về… văn của Thông. Có lẽ cũng là điều hợp lý, vì đa phần truyện ngắn của
Vĩnh Thông đều được viết ra từ những kỷ niệm, ký ức của thời đi học phổ thông
sao?
Mười truyện
ngắn với những cách đặt vấn đề khác nhau, hầu hết đã được đăng trên các báo của
ngành giáo dục như Thế giới mới, Giáo dục & Thời đại và các báo văn
chương “danh giá” như Văn nghệ trẻ, Văn nghệ quân đội… Đó cũng thuận lợi cho
việc biên tập, lựa chọn và cũng là thế mạnh trong mặt bằng chất lượng, vì dù
sao cũng đã qua một lần sàng lọc với công chúng.
Có lẽ thành
công nhất đối với Vĩnh Thông là truyện ngắn đầu tiên trong tập và cũng là tên
chung cho tập truyện. Sự hồn nhiên, ngu ngơ của lứa tuổi học trò với cô bạn tên
Nghi nhiều khi đã được “định nghĩa” và cả “lý luận”. Hãy xem Vĩnh Thông viết: “Bàn
tay Nghi xoay ly cà phê nâu, khói bay bảng lảng. Bàn tay ấy vẫn trắng hồng, mềm
mại, nhưng giờ đây hình như đã cứng cỏi hơn, mạnh dạn hơn. Bàn tay đầy sức mạnh
đàn ông, đủ che chở cho người mình yêu, đủ dựng lên một mái nhà thật ấm, đủ
chống chọi với mọi thứ xô lệch ngoài kia… Ánh mắt kia cũng vậy, cũng nói lên
hết bao điều trong ấy… Đằng sau ánh mắt ấy là cả một hồ nước rộng bát ngát,
đứng bên này không thể thấy bờ bên kia” (tr. 10). Sau mười năm gặp lại,
anh chàng Lữ đã có cái nhận xét về cô bạn gái ngày nào quả thật hơi khác lạ? Và
đôi bạn ấy cũng chẳng còn gì để níu kéo, hay tiếc nuối, vì một lẽ: ngày mai em đi… Một ký ức buồn, vui và
hiện tại dường như cũng mông mênh như khói là cái cảm giác truyện với lối
viết của các bạn trẻ ngày nay, tất nhiên là không ngoại lệ…
Các truyện
ngắn còn lại Bức tranh lời nguyền, Nhẹ nhàng như mây, Đón ba về… vẫn với mạch kể của kỷ niệm, ký ức. Chút trầm tĩnh, man
mác xen lẫn trong những suy tưởng có chút gì đó yếu đuối, mang chút “lesbian”
(đồng tính nữ), làm câu chuyện vừa hơi lạ, có sức hấp dẫn ngươi đọc. Những câu
chuyện của một người mới lớn, viết về những ký ức… mới lớn của mình, dễ đồng
cảm và cũng dễ chia sẻ?
Một chút tiếc
đối với truyện ngắn Phòng giám đốc (tr.
63), có vẻ như Vĩnh Thông chưa thật có “kinh nghiệm” về đề tài này, nên các
tình huống truyện chưa thật căng thẳng, cuốn hút người đọc, có vẻ đều đều như
một câu chuyện về một… vụ án coi đâu đó trên sách báo. Giá bỏ truyện này, giữ
lại chín truyện thì đẹp, hay và đúng chủ đề của mạch truyện cho dù có nhiều
truyện ngắn.
Dù sao, nói
theo nhận xét của nhà văn Dương Hướng: “Trong cuộc sống ta luôn khát khao
kiếm tìm cái đẹp nhưng lại thường gặp phải những chuyện đau lòng, nó ám ảnh ta,
lay thức lòng ta bởi những điều không thể ngờ tới… Truyện ngỡ như hờ hững vu vơ
nhưng càng đọc càng cuốn hút trào dâng lắng sâu chất chứa nổi niềm mà tác giả
muốn gửi gắm” (tr. 5).
Tôi nghĩ dù
là khói, chí ít cũng chạnh lòng nhau. Vĩnh Thông đã thành công trong việc làm
rưng rưng những ai đó, chợt thấy như có mình trong những ký ức đó… Với bút lực
của mình Vĩnh Thông sẽ còn tiến xa trong nghiệp viết.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét