Văn chương là một lĩnh vực có sức thu hút khá mạnh mẽ trong các loại hình thuộc về văn học nghệ thuật. Người Việt Nam số đông có năng khiếu về thơ văn bởi từ khi được sinh ra mỗi người đều có được một cách để tiếp nhận những giá trị của nghệ thuật ngôn từ khác nhau, mỗi câu ca dao, bài hát, câu nói giao tiếp…đều mang một ngữ điệu riêng, sự hình thành ngôn ngữ đa cảm xúc bắt nguồn ngay từ lúc bập bẹ. Dễ hiểu khi nhận ra, Việt Nam ta là một đất nước “ra ngõ gặp nhà thơ”.
Trong truyền thống văn hóa của dân tộc, văn chương cũng chiếm một vị trí khá đặc biệt và nó gắn liền với quá trình lịch sử đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước. Ở mỗi một vùng miền, mỗi địa phương, nơi nào thời kỳ nào cũng xuất hiện những người tài giỏi trên lĩnh vực học thuật, sáng tạo ra một nền văn chương thấm đẫm chất cuộc sống.
An Giang là vùng đất khai mở chưa đầy 300 năm, nhưng trong kho tàng văn học cũng đã ghi lại nhiều tên tuổi xuất hiện từ đầu thế kỷ XX, các tác giả như: Nguyễn Chánh Sắt, Nguyễn Văn Hầu, Nguyễn Hiến Lê, Hồ Biểu Chánh… có thời kỳ sống và làm việc tại nơi này và để lại nhiều tác phẩm xứng danh.
Sau ngày giải phóng miền Nam, đất nước thống nhất. Những năm đầu bộn bề khó khăn nhưng lĩnh vực văn chương của An Giang vẫn duy trì những mầm móng sáng tạo. Năm 1980, Hội Văn học nghệ thuật An Giang được thành lập. Sự kết nối của lực lượng sáng tác văn học nghệ thuật từ trong kháng chiến và những văn nghệ sĩ tại chỗ đã tạo nên một sự hòa âm đầy hương sắc. Những cây bút tài hoa như: Nguyễn Quang Sáng, Anh Đức, Viễn Phương, Mai Văn Tạo, Lê Văn Thảo… xuất hiện từ trong cuộc kháng chiến vệ quốc trở thành đầu tàu cho lớp lớp thế hệ cầm bút noi theo.
Từ vài mươi hội viên ban đầu, sau 35 năm, con số này đã tăng gấp nhiều lần, chất lượng hoạt động của Hội và tác phẩm của mỗi cá nhân sáng tạo ngày một nâng lên. Điều đáng mừng là An Giang vẫn luôn duy trì được những lớp trẻ kế thừa xứng đáng với những thế hệ đi trước. Do điều kiện sống có thay đổi, nhiều tác giả rời xa quê nhưng con đường văn chương của họ đã sớm thành danh trên các văn đàn trong cả nước: Lê Thành Chơn, Nguyễn Trí Công, Phạm Thường Gia…những người tại chỗ trưởng thành đã tạo nên một lực lượng tác giả khá hùng hậu: Trịnh Bửu Hoài, Nguyễn Lập Em, Ngô Khắc Tài, Hồ Thanh điền, Vũ Đức Nghĩa, Đoàn Văn Đạt, Mai Bửu Minh, Trần Thế Vinh…Lại nối tiếp đàn anh đàn chị là những Trương Công Thuốt, Lê Thanh My, Trương Thị Thanh Hiền, Võ Diệu Thanh…
Có thể chủ quan khi cho rằng cứ hễ “tre tàn thì măng mọc”. Bản chất của sáng tạo thuộc về tư duy, năng khiếu và nhiều yếu tố cộng sinh khác. Lực lượng sáng tác trẻ xuất hiện ở An Giang ngoài đặc thù về địa lý, văn hóa, năng khiếu tự thân còn phải kể đến những yếu tố khách quan tác động vào. Từ trước và sau 1975, nhiều trường Trung học trong tỉnh An Giang đã hình thành các bút nhóm văn chương và hoạt động rất sôi nổi, không khí này tác động tích cực đến các tác giả có tư chất, Hội Văn học nghệ thuật là nơi tập hợp lực lượng sáng tác đã không bỏ qua yếu tố này, từ những năm 90, tại Châu Đốc và Long Xuyên, một số huyện đã có những hoạt động kích thích phong trào bằng việc tổ chức các cuộc gặp gỡ giao lưu giữa học sinh và các nhà văn tên tuổi, tác động cụ thể bằng các cuộc thi văn chương, bích báo… Giải văn chương Thủ Khoa Nghĩa lần đầu tiên tổ chức tại Châu Đốc tạo được tiếng vang, sau đó lan dần ra cả tỉnh và chính thức mở ra phong trào thi đua sáng tác văn chương rộng khắp vào những năm 1995 - 1996 cho đến 2004. Trong giai đoạn này, Hội thường xuyên tập họp, in ấn các tuyển tập văn thơ được đúc kết qua các cuộc thi này để ghi dấu một vài tên tuổi mới, tiếp tục khuyến khích, động viên, kích thích sáng tác bằng hình thức đăng tải tác phẩm, mời dự trại, mời tham gia hội viên … với hy vọng trong số vài mươi cây bút trẻ có tiềm năng sẽ có vài người đeo đuổi và trở thành tác giả thật sự. Vì vậy mà cây đã ra trái! Những nhà văn trẻ được Hội Nhà văn Việt Nam vừa kết nạp gần đây như Trương Thị Thanh Hiền, Võ Diệu Thanh khởi nguồn chính là như vậy.
Nói như thế cũng không phải phủ nhận tính tự giác và lòng đam mê cháy bỏng của các nhà văn này. Con đường văn chương dù rất dài và rộng nhưng không phải ai cũng đủ sức tung tăng trên đó, rất nhiều tác giả thực sự có năng khiếu, có nhiệt huyết nhưng trước thực tế cuộc sống mà sự đòi hỏi con người là vô hạn thì không phải ai cũng có thể thỏa mãn đam mê của mình. Sự trân trọng, khích lệ của xã hội và sự vận động của chính bản thân tác giả vẫn còn nhiều nỗi, khiến cho một nhà văn thực sự có thể sống bằng ngòi bút bây giờ là hiếm hoi, mà viết bằng “nghề tay trái” thì nhất định khó thành công rồi, vì vậy, tạo ra một nhà văn đã khó, giữ được họ với nghề quả là không dễ.
Có một giai đoạn do điều kiện không đủ để tổ chức các cuộc thi văn chương đối với đối tượng học sinh, Hội buộc phải thay đổi phương thức bồi dưỡng lực lượng kế thừa bằng những hình thức khác, khi trường Đại học An Giang được thành lập, Hội đã có sự quan tâm chú ý đến lực lượng sinh viên của các khoa văn, văn hóa nghệ thuật, báo chí… một hình thức mới đã mở ra là tập họp các cây bút yêu thích vào một tổ chức Gia đình Áo trắng An Giang xuất hiện, gia đình trẻ này sẽ gắn với Hội bằng chính tác phẩm của các cá nhân, Hội tạo môi trường thuận lợi để các bạn trẻ viết, đi thực tế sáng tác, in ấn tác phẩm và trao đổi kinh nghiệm sáng tác bằng nhiều hoạt động bổ ích như tọa đàm, sinh hoạt giới thiệu tác phẩm mới… Mỗi năm ra đời một tuyển tập thơ văn là cách đơn giản nhất để các thành viên trong gia đình nắm chặt tay nhau. Các thành viên nổi trội có tác phẩm đủ điều kiện sẽ được giới thiệu kết nạp Hội.
Và bây giờ Hội đã có được hàng loạt những tác phẩm in chung như một sự tuyển chọn những cây bút mới, định hình những danh tánh mới, đánh dấu một đoạn đường luyện tập vừa gian khó vừa thú vị không chỉ đối với những cây bút trẻ mà là của tổ chức Hội, của những người trực tiếp gắn bó trong công việc ươm mầm cho những tài năng văn học lần lượt đơm hoa. Một vườn hoa có lúc đã rộ nở, dù chưa thể gọi là hương sắc nhưng giá trị về lâu dài đó là một sự tiếp nối có nền tảng, có chọn lọc và có sự tiếp sức dài hơi, hơn là trông chờ vào một tài năng đột biến nào đó xuất hiện. Có khi “tre đã tàn mà măng vẫn chưa mọc” cũng nên!
Bây giờ nhìn lại những đầu sách được in ấn rất nghiêm túc, đẹp và trang trọng từ nội dung đến hình thức như: Tuyển tập thơ văn Gia đình Áo trắng - 2008, Gió núi lao xao - 2009, Giấc mơ màu tím - 2010, Mùa yêu - 2011, Đóa hoa thủy tinh - 2012… Và nhiều tác phẩm đầu tay của những tác giả trẻ như: Mùa ấm (2010) truyện - Nguyễn Ngọc Đào Uyên, Nỗi buồn đập cánh (2011) thơ - Nguyễn Đức Phú Thọ, Và quá khứ thấy ta (2012) thơ - Vĩnh Thông, Mùa thu trong khăn giấy (2013) truyện - Nguyễn Thị Thanh Hiếu, Vừa đi vừa nhớ (2013) thơ - Nguyễn Bàng, Ta qua triền dốc nắng (2014) thơ - Nghiêm Quốc Thanh, Một nửa nhà quê (2014) thơ - Trương Chí Hùng, Sông muôn đời vẫn thế (2014) thơ - Trần Sang… Trong số những tác phẩm đầu tay đó có đến 2 tác giả đã đạt được Giải thưởng Tác giả trẻ do Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam trao tặng trong các năm 2013, 2014.
Đặc biệt, có những tác giả tuổi đời rất trẻ nhưng đã tự mình xuất bản đến 3-4 đầu sách với nhiều thể loại khác nhau như tác giả Vĩnh Thông (sinh năm 1996), Lê Quang Trạng đã có mặt trên rất nhiều tranh báo văn nghệ trong cả nước, và sẽ còn thêm nữa những cây bút măng non như thế tiếp nối các thế hệ để trưởng thành.
Duy trì được hiệu quả hoạt động phong trào để khơi dậy tiềm năng văn nghệ của địa phương có thể xem là một tâm huyết và nhiệm vụ của những người làm công tác Hội, hiện tại ở cơ quan Hội, số cán bộ công chức có khả năng sáng tác VHNT chiếm tỉ lệ trên 80%, đây cũng là một trong những yếu tố cần thiết trong tuyển chọn biên chế. Bám sát hoạt động chuyên môn vừa tiếp cận được phong trào, tiếp cận không khí sáng tác, những công chức Hội sẽ được trải qua thử thách, những cái tên Lưu Văn Nhân, Hoàng Thị Trúc Ly, Lâm Long Hồ, Mai Hương, Trần Tâm, Huỳnh Thị Nương… là những cây bút sẽ có thêm cơ hội trui rèn và thể hiện năng khiếu bản thân trong tương lai.
Rất tiếc, vì điều kiện chưa cho phép, Hội An Giang vẫn còn chưa làm được một số việc để thúc đẩy cho phong trào sáng tác mạnh mẽ hơn như: chưa tổ chức những chuyến đi thực tế sáng tác cho hội viên và những cây bút trẻ có tiềm năng thâm nhập vào thực tế cuộc sống để tìm đến với những đề tài lịch sử, về cuộc đấu tranh cách mạng trong hai cuộc kháng chiến, chưa có những đầu tư tương xứng để các nhà văn chuyên tâm cho những tác phẩm dài hơi và mang tính chuyên sâu, những mảng đề tài văn học thiếu nhi, lý luận phê bình chưa được chú ý đúng mức. Trong điều kiện tự thân vận động, các nhà văn còn loay hoay trong cơm áo gạo tiền thì cũng sẽ bỏ qua những cơ hội thực hiện những tác phẩm để đời cho mình và cho công chúng, dù điều này luôn luôn là những khát khao cháy bỏng. Lực lượng sáng tác trẻ An Giang vì vậy cũng sẽ tồn tại trong chừng mực được phát hiện, được động viên, khuyến khích chứ chưa được đầu tư, bồi dưỡng để phát huy năng lực cao nhất.
Một vùng đất có sẳn đặc thù về truyền thống văn hóa, điều kiện thiên nhiên ưu đãi, con người đậm chất Nam bộ, khí khái văn chương đã ăn sâu vào đời sống tinh thần, nếu có điều kiện thuận lợi để phát huy yếu tố năng khiếu thì văn chương dù có ẩn sâu cũng có lúc phải trở mình! Tôi tin là như vậy, chứ không phải tin vào quy luật tự nhiên mà có.
40 năm qua, văn nghệ An Giang đã có những bước trưởng thành vượt bậc. 12 nhà văn là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam trong số 48 nhà văn của khu vực ĐBSCL, chiếm tỉ lệ 10% bộ môn văn học của tỉnh là một sự phấn đấu được đền đáp. Một lực lượng nhà văn đầy sức đam mê và lao động nghệ thuật nghiêm túc sẽ là đầu tàu cho lớp trẻ phấn đấu đạt tới. Những tên tuổi ở lĩnh vực văn chương một thời vẫn còn đó, nhưng lớp lớp kế thừa nhất định sẽ bước tiếp để xứng đáng với những gì cha anh xây dựng nên. Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT đã được trao cho những nhà văn xuất sắc như nhà văn Lê Văn Thảo, nhà văn Nguyễn Quang Sáng… Họ là những tấm gương lao động sáng tạo không ngừng, là mục tiêu phấn đấu đối với các nhà văn trẻ hiện nay.
Và còn nữa những người đang tâm huyết với cuộc sống, với văn chương,với văn hóa của dân tộc Việt Nam, họ sẽ noi theo các thế hệ đi trước để thể hiện bút lực của mình không chỉ bằng những trang viết được chắc lọc từ tim óc mà còn bằng tài hoa vốn có của bản thân.
LÊ THANH MY
Tác giả giữ bản quyền, vui lòng ghi rõ nguồn khi sử dụng nội dung này.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét