Núi Cấm là ngọn núi cao nhứt Tây Nam
Bộ, lại có nhiều thắng cảnh và mang đầy huyền thoại. Núi cao 716 mét, chu vi gần
30 ngàn mét, nằm cận Tỉnh lộ 948 thuộc địa phận xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh
An Giang. Núi còn được dân gian gọi là núi Ông Cấm, tên chữ là Thiên Cẩm sơn
(núi gấm trời), cũng có người cho là Bạch Hổ sơn.
Núi Cấm rất rộng lớn và có nhiều điểm
đến kỳ thú mà dù có dành ra vài ngày vẫn chưa khám phá hết. Tuy nhiên điểm du lịch
chính tại núi Cấm mà du khách không thể bỏ qua là khu “cao nguyên núi Cấm”. Đây
là khu “lòng chảo” khá bằng phẳng, nằm trên độ cao khoảng 600 mét ở trung tâm
núi, được đầu tư quy mô với ba điểm đến là tượng Phật Di Lặc, chùa Phật Lớn,
chùa Vạn Linh, cả ba cùng nằm xung quanh hồ Thủy Liêm.
Hồ Thủy Liêm là hồ nước nhân tạo rộng
lớn, vừa cung cấp nước cho người dân trên núi, vừa tạo cảnh quan phục vụ du lịch.
Hồ được khởi công xây dựng năm 2005 và hoàn thành năm 2008 với diện tích gần 1
ha, chu vi khoảng 1 km. Một cái hồ bất chợt hiện ra giữa khung cảnh núi rừng đại
ngàn, sóng gợn lăn tăn soi bóng mây trời, đàn cá đủ màu sắc tung tăng dưới làn
nước trong khe… tất cả dường như làm tôn lên vẻ đẹp huyền ảo của núi non.
Tượng Phật Di Lặc cao 33,6 mét nằm vững
chãi trên diện tích hơn 2 ha. Bức tượng được khởi công năm 2003 và hoàn thành
năm 2005, tác giả là nhà điêu khắc Thụy Lam. Pho tượng nầy xác lập kỷ lục là tượng
Phật trên núi lớn nhứt Châu Á vào năm 2013. Tượng khắc họa tinh tế gương mặt an
nhiên và nụ cười từ bi của Phật, nghệ thuật điêu khắc mang tính thẩm mỹ cao, sống
động và hài hòa. Du khách đứng ở vị trí nào trên các cao điểm của núi Cấm đều
có thể thấy được pho tượng.
Tượng Phật Di Lặc bị mây che (Ảnh: Vĩnh Thông)
Bên trái tượng Phật Di Lặc là chùa Phật
Lớn. Chùa được ông Bảy Do - một nhân sĩ yêu nước lập vào đầu thế kỷ XX với tên
gọi là Nam Các tự (hay Nam Cực đường) vừa là nơi tu hành, vừa là cơ sở bí mật của
Hội Kín chống Pháp. Ngoài xây chùa, ông còn đắp một tượng Phật cao 1,8 mét gọi
là Đức Trung Tôn, tạc dáng Phật ngồi kiết già rất đẹp và phúc hậu. Thời bấy giờ
tượng nầy cao lớn hơn tượng ở các chùa khác trên núi, nên người dân gọi chùa nầy
là chùa Phật Lớn. Pho tượng là một hiện vật lịch sử có giá trị, nhưng không phải
tượng trong chánh điện chùa Phật Lớn hiện nay, vì sau khi chùa được trùng tu
(2009) thì tượng Đức Trung Tôn không còn được đặt ở chánh điện nữa.
Chùa Vạn Linh nằm bên phải tượng Phật
Di Lặc. Tổ khai sơn của chùa là hòa thượng Thiện Quang (1895 - 1953). Thời trẻ,
ông xuất gia với hòa thượng Chí Thiền - một cao tăng nổi tiếng miền Nam. Năm 1927,
ông từ giã thầy để lên núi Cấm. Tại đây ông lập một cái am tre lá thờ Phật và
trị bệnh cho dân trong vùng, đến năm 1943 đổi thành chùa Vạn Linh. Trong thời gian
chiến tranh căng thẳng, chùa nhiều lần bị đánh phá đổ nát. Sau khi chiến tranh
kết thúc, chùa Vạn Linh hoang toàn vì bom đạn, mãi đến năm 1995 mới có cơ
hội trùng tu.
Gần chùa Vạn Linh có một con đường
lên vồ Bồ Hong (đỉnh núi). Mặc dù đường khá dốc, nhưng vồ Bồ Hong luôn là điểm
mà du khách thường không bỏ qua khi đến núi Cấm. Những người hành hương cho rằng
đi núi Cấm phải lên đến đỉnh để được những điều tốt lành, đi nửa chừng mà không
lên tới đỉnh thì… uổng! Còn những người trẻ, khách du lịch phương xa thì chỉ
nghĩ đơn giản là muốn tận hưởng cảm giác được chinh phục núi non hùng vĩ, được
đứng trên “nóc nhà miền Tây”.
Vồ Bồ Hong - đỉnh núi Cấm (Ảnh: Vĩnh Thông)
Trên vồ Bồ Hông có điện thờ Cửu Huyền
Thất Tổ trăm họ, điện thờ Địa Mẫu Diêu Trì và điện thờ Ngọc Hoàng lúc nào cũng
khói hương nghi ngút. Nơi đây không biết từ khi nào đã hình thành một phố chợ
thu nhỏ, phục vụ đầy đủ những nhu cầu của khách từ ăn uống, ngủ nghỉ, mua sắm… Du
khách lên vồ Bồ Hông thường chọn buổi chiều và ngủ qua đêm trên vồ để được ngắm
hoàng hôn, bình minh và thưởng thức phố núi
về đêm.
Đứng ở vồ Bồ Hong vào buổi tối bạn sẽ
thấy cả đất trời đều chìm trong màu đen huyền ảo, yên ắng, gió từ dưới thốc lên
từng cơn lạnh buốc. Đồng bằng lúc nầy chỉ còn là những đốm sáng nhỏ li ti từ
các phố chợ. Sáng sớm khi mặt trời chưa lên, phố núi chập chùng trong sương dày
đặc, hơi lạnh tỏa ra se se thú vị. Mọi thứ xung quanh bạn đều chìm trong sương
mờ ảo, chẳng còn thấy gì. Đôi khi mây bay qua làm hé ra ánh nắng, rồi một đám mây khác lại bay đến che mất. Mặc dù
trời còn rất sớm, nhưng đã thấy khách hành hương có mặt ở đây không biết tự lúc
nào, tấp nập, huyên náo nhưng cũng rất bình dị, gần gũi!
Mây trên Vồ Bồ Hong (Ảnh: Vĩnh Thông)
Ngoài những di tích và thắng cảnh kể
trên, quanh núi Cấm còn rất nhiều điểm thú vị khác. Có nhiều phương tiện lên
núi như ô tô, xe máy, cáp treo… Tuy nhiên, những người thích phiêu lưu thường
chọn đi đường rừng để thử thách sức mình và tìm cảm giác thú vị khi chinh phục
thiên nhiên.
Suối Thanh Long hiện nay là một trong
những điểm dừng chân không thể bỏ qua của những du khách đi lên núi bằng đường
rừng. Nước suối không biết từ đâu cứ đổ xuống theo triền núi, trong vắt và mát
lạnh. Trước đây suối chỉ là khe nước nhỏ, kể từ năm 1983 một trận lở núi xảy
ra, từ đó suối chảy ầm ào suốt ngày đêm với lượng nước rất lớn. Nước có nhiều
hay ít tùy theo mùa, nhưng hiếm khi khô cạn. Vào mùa mưa có nước nhiều nên suối
chảy rất mạnh, từ chân núi du khách cũng có thể nghe tiếng ầm ầm vang động cả một
vùng.
Từ suối Thanh Long tiếp tục đi một đoạn
nữa theo đường rừng, bạn sẽ gặp ngã ba, rẽ phải lên “cao nguyên núi Cấm”, rẽ
trái sẽ sang điện Rau Tần. Điện Rau Tần là nơi ngày xưa có nhiều cây rau tần mọc,
nên được đặt tên như thế. Ở đây có thánh tịnh Cao Đài tự, thuộc Hội thánh Cao
Đài Tiên Thiên.
Điện Rau Tần được xem là trung tâm võ
thuật lừng danh ở Nam Kỳ xưa, với võ phái Thất Sơn Thần Quyền. Đến nay chưa có
tài liệu nào đủ thuyết phục để xác định chính xác nguồn gốc môn võ nầy. Có người
lý giải nó bắt nguồn từ võ Bình Định hay võ Huế rồi được người Nam Kỳ cải biên.
Có ý kiến cho rằng tổ sư của võ phái nầy là những nhân vật lịch sử có thật ở Thất
Sơn như Bảy Do hay Cử Đa, thậm chí một vài nhân vật có lai lịch khá mơ hồ.
Vùng điện Rau Tần thu hút đông đảo võ
sinh đến bái sư học đạo vào từ cuối thế kỷ XIX, sau khi Nam Kỳ rơi vào tay
Pháp. Cho đến trước năm 1975, các võ phái ở Thất Sơn từng một thời cực thịnh với
nhiều võ sư có tên tuổi. Họ tập hợp lại thành một hệ thống với danh xưng chung
là Thất Sơn Võ Đạo, chiến thắng nhiều trận đấu trong các cuộc thi tại khu vực
châu Á. Tuy nhiên, thời hoàng kim ấy đã qua, hiện nay Thất Sơn không còn nhiều
người biết võ, các võ phái nguyên thủy gần như đã thất truyền.
Gần khu vực chùa Phật Lớn, bạn có thể
đến điện Mười Ba, hang Ông Thẻ, hang Đơn Hùng Tín và hang Bác Vật Lang… Hang Đơn
Hùng Tín là nơi xưa kia Lê Văn Tín (lấy biệt hiệu là Đơn Hùng Tín) - tướng cướp
khét tiếng miền Tây đã ẩn náo và cất giấu vàng bạc. Điện Mười Ba là hang đá có
mười ba tầng thông nhau, nằm ở hướng Đông Bắc, độ cao khoảng 400 mét, dài 200
mét, rộng chỉ 1 mét. Trong hang càng vào sâu càng hẹp và lạnh, nhưng ra khỏi cửa
hang là bầu trời trong xanh, tươi đẹp. Người ta thường cho rằng đi núi Cấm vào
điện Mười Ba xem như là một lần được “tái sanh”.
Bác vật
Lang (1880 - 1969) tên thật là Lưu Văn Lang, là kỹ sư Việt
Nam đầu tiên. Tương truyền khi người Pháp thám sát núi Cấm, họ đã đưa bác
vật Lang thả xuống hang sâu. Sau gần một ngày, ông dưới hang trở lên và từ đó về
sau tuyệt khẩu không nói một lời nào. Dưới hang có gì? Đến nay vẫn là câu hỏi không lời đáp. Dân gian
có bài vè: “Đàn kêu tích tịch tình tang / Đố ai biết được trong hang là gì /
Đàn kêu tích tịch tì tì / Đố ai biết được cái gì trong hang.” Hiện nay cũng có
nhiều người thám hiểm hang, nhưng hang rất tối và nhiều ngõ ngách, không ai có
thể đi giáp hết, do đó bí mật về hang Bác Vật Lang vẫn mãi là ẩn số!
Toàn cảnh núi Cấm (Ảnh: Vĩnh Thông)
Trên núi Cấm có nhiều vồ (chỏm cao), như
vồ Chư Thần, vồ Cây Quế, vồ Mồ Côi, vồ Đá Dựng, vồ Pháo Binh… Trong đó có năm vồ
cao và đẹp tiêu biểu, người dân thường gọi “năm non”. Vồ Bồ Hong cao 716 mét (đỉnh
núi), khi xưa có nhiều bồ hong tụ tập. Vồ Đầu cao 584 mét. Vồ Bà cao 579 mét, có miễu thờ Bà Chúa Xứ. Vồ
Thiên Tuế cao 541 mét có nhiều cây thiên tuế, tương truyền là nơi chúa Nguyễn
Ánh từng trú ngụ, hiện nay còn miễu thờ. Vồ Ong Bướm cao 480 mét, nơi Achar Sva
(người Việt gọi Ong Bướm) thủ lĩnh khởi nghĩa chống Pháp người Cambodia từng
đóng quân (1863 - 1866).
Khí hậu núi Cấm rất mát mẻ và trong
lành, nhiệt độ trung bình khoảng 240C, lên càng cao càng lạnh, nhứt
là về đêm. Có khi sương trắng phủ đầy núi, mây bay là đà trước mặt người. Tất cả
mọi vật trước mắt bạn đều chìm trong màn sương trắng xóa. Đến núi Cấm không chỉ
đơn thuần là du lịch, hành hương, ngoạn cảnh, mà còn là nơi nghỉ mát tuyệt vời.
Lên với núi, bạn có thể có những phút giây thoải mái, quên đi bao mệt mỏi, bộn
bề thường ngày. Để rồi khi xuống núi, tâm hồn bạn sẽ được cân bằng để sẵn sàng
tiếp tục cho những ngày làm việc sắp tới.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét