Câu hỏi đầu tiên của chúng ta là: tại sao ta bỏ công tìm đọc truyện nói chung, và truyện ngắn nói riêng? Câu trả lời cũng đơn giản: để giải trí và hiểu biết hơn!
Từ hồi có ngôn ngữ, loài người đã thích thú khi theo dõi và tham dự những cuộc phiêu lưu tưởng tượng của những con người tưởng tượng và họ thấy thỏa mãn nhất ở những tác phẩm hư cấu, trong đó có truyện ngắn.
Một số truyện ngắn khiến bạn thích thú khi đọc, nhưng thực ra lắm khi chúng chỉ là loại truyện giải trí, thuần túy để thời gian qua mau hơn, giúp ta tạm quên thực tại và những rắc rối nhức đầu. Một số truyện ngắn khác thì đem lại nhiều hơn thay vì chỉ đơn thuần giải trí. Chúng giúp ta nhìn sâu hơn vào khía cạnh nào đó của bản chất con người hay cuộc sinh tồn này, buộc ta phải suy nghĩ lại, dánh giá lại những điều ta đã (tưởng rằng) biết hoặc cho rằng đúng. Chúng không cho bạn chạy trốn thực tại, mà phải lao sâu hơn vào thực tại để tìm hiểu ý nghĩa của nó. Ta có thể tạm gọi đó là loại truyện lí giải. Tuy nhiên, thật khó vạch một biên giới rõ rệt cho hai loại truyện này. Chúng như hai chùm sáng ở hai cực rọi vào chúng ta - những người ở giữa. Có chỗ chỉ nhận được một luồng sáng, nhưng cũng có chỗ hai luồng sáng ấy giao thoa. Nhưng sự phân biệt như thế, tuy còn mơ hồ, lại giúp ta nhìn ra hai vấn đề:
I- Có hai loại độc giả. Loại thứ nhất gồm những người cả đời chỉ thích loại truyện giải trí, có thể họ đã tìm đọc loại truyện lí giải nhưng rồi đã từ bỏ nó. Loại thứ nhì là độc giả có kinh nghiệm hơn, họ không chê bỏ truyện giải trí, nhưng họ luôn muốn tìm đọc loại truyện lí giải, vì chúng đem lại hiểu biết và kiến quan mới mẻ hơn.
II- Để thưởng thức truyện ngắn, ta không hề đơn thuần dựa vào tiêu chuẩn “đọc thấy thích”, vì như thế ta rất dễ rơi vào loại truyện giải trí. Muốn thưởng thức loại truyện lí giải, ta cần một số kiến thức cơ bản về KĨ THUẬT TRUYỆN NGẮN (khoan bàn tới triết lí truyện ngắn), tựa như kiến thức tối thiểu cần có để xem được hội họa trừu tượng, nghe nhạc giao hưởng hay xem vũ ballet.
Loại truyện lí giải thường không thể đọc nhanh được. Nó đòi ta đọc đi đọc lại. Thậm chí một tiêu chuẩn cho truyện ngắn hay là ở chỗ nó buộc ta đọc nhiều lần mới thưởng thức được. Đọc xong một truyện ngắn lần đầu thì mới chỉ là bước khởi sự. bạn cần suy nghĩ và đọc lại cho đến khi nhìn ra được nhiều điều hơn là “diễn biến cốt truyện”, hiểu ra những ý nghĩa tế vi mà tác giả muốn trình bày, vì ở mỗi truyện ngắn, tác giả luôn muốn nói điều gì đó, nhận xét cái gì đó, và họ chọn thể loại truyện ngắn vì họ thấy nó thích hợp nhất cho việc diễn đạt những điều họ có trong đầu.
Một thực trạng đáng buồn của một bộ phận giới trẻ trong cách thức tiếp cận và thưởng thức những tác phẩm văn học ngày nay, đó là chỉ quen đọc truyện giải trí. Khảo sát nguyên nhân, trong tầm nhìn hẹp thấy ngay rằng có ba vấn đề chủ yếu:
- Thứ nhất: Cuộc sống hiện đại với sự bùng nổ thông tin, bội thực thông tin, khi mà cướp-giết-hiếp trở thành miếng mồi ngon cho những trang lá cải tồn tại và phát triển, người ta ít trở nên giật mình khi chứng kiến đồng loại mình bị tước đoạt quyền sống trong những sự vụ phi nghĩa lí nhất. Tất cả mọi thức đều lên giá, chỉ duy... con người rớt giá thảm hại. Một xã hội đầy rẫy những rủi ro, hoang mang trong cái vỏ yên bình giả tạo. Sự dư thừa về vật chất, cộng với những ảnh hưởng sâu xa của nhiều luồng văn hóa đông tây khiến một bộ phận giới trẻ sa vào lối sống hưởng thụ, dần dẫn đến sa đọa, buông thả. Thói quen hưởng thụ dẫn đến một đặc tính tất yếu: mơ mộng viển vông. Họ bỏ qua đời thực, tránh xa đời thực, ru ngủ tâm hồn ở một chốn lung linh đèm đẹp ngòn ngọt quá ư dễ dãi. Xu hướng tâm lí ấy thể hiện ngay cả ở việc tìm nguồn giải trí của lớp trẻ. Xét riêng mảng văn hóa đọc, vô vàn những cuốn sách với nội dung đồng dạng na ná nhau xuất bản ồ ạt, rặt những anh những em những nụ hôn những bốn mùa hoa lá... Nhà xuất bản tư nhân mọc lên như nấm, mở vô vàn cuộc thi "chớp nhoáng" thu gom tạp nham gấp gáp các "truyện ngắn" của "những cây bút trẻ" - "Những thế hệ nhà văn tương lai của đất nước" đem vào tuyển tập xuất bản. Sách văn học bìa loang lổ lòe loẹt màu sặc sỡ hình đôi trai gái trái tim hồng... Không nói đến sự xuống cấp của việc vẽ bìa "minh họa", thực chất cũng không có gì phải minh họa, chỉ cần nghe qua những dòng tít sock-sến-lãng mạn là đủ biết bên trong cuốn sách đó có gì.
- Thứ hai: Giới trẻ ngày nay... lười vận động. Họ thu hẹp "phạm vi sống" của chính mình. Trẻ em bị "đánh mất" tuổi thơ. Thực ra dùng từ "đánh mất" chưa chuẩn! Chúng đã bao giờ "có" đâu mà "đánh mất", thiển ý riêng tôi gọi bị "đánh cướp" tưởi thơ thì hợp lí hơn! Những đứa trẻ ấy lớn lên đi học cao đẳng đại học thi thoảng vẫn có nhân vật lơ ngơ hỏi bạn bè - vốn bị liệt vào dạng "đồ nhà quê" của mình "cái liềm là cái gì mày?", hay "cấy và gặt" khác nhau à? Phạm vi sống hẹp dẫn tới tầm hiểu biết hẹp. Bốn mùa luôn chuyển, khi những thanh niên làng quê nhẩm tính trong đầu tiết trời này đang độ nông nhàn ở quê, hay mùa lúa mùa ngô đang thời giáp hạt, trổ bắp thì thanh niên thành thị háo hức với lịch xem cinema bom tấn Hàn Quốc, ghen tị vì đứa bạn đã nhanh tay thửa được tấm vé xem Lee Min Hô đến biểu diễn tại sân vận động Quần Ngựa. Họ yêu thần tượng có khi còn hơn...cha mẹ họ, sẵn sàng buông lời bất kính với bề trên chẳng may bậc phụ huynh ra sức ngăn cản việc ra sân bay vào nửa đêm vẫy chào hò hét khóc lóc khi nhìn thấy thần tượng của họ. Những Quang Liêm, Nguyễn Ngọc Trường Sơn trở nên lu mờ trong tâm trí họ. Trong khi ấy, ở tận phương trời giá băng nào, những vị thần tượng đáng kính vẫn say sưa ăn uống ngủ nghỉ, chẳng mảy may biết đến xứ sở nhiệt đới này có biết bao trái tim đêm ngày rỉ máu vì mình. Giới trẻ xa rời thực tế cuộc sống, đáng trách hơn là họ đã chán ngán thực tế cuộc sống, bỏ qua cuộc sống.
- Thứ ba: Nguyên nhân bắt nguồn từ những "tác giả trẻ". Hậu thuẫn của công nghệ thông tin, trào lưu "văn học mạng ra đời". Nhiều trường hợp không dưng mà nổi tiếng! Lắm trang tâm sự nhật kí vụn vặt xoay quanh đời sống của một cá nhân, không ngần ngại lôi cả chuyện sex xiếc của bản thân vào, tự dưng có một nhóm người cứ truyền tay nhau, đám đông ngày một khuyếch tán nhờ hiệu ứng "bầy đàn", sau một đêm người kia tỉnh dậy, hoang mang vì mình... nổi tiếng. Quá dễ để xuất bản! Và để chiều những "độc giả" trẻ kia không gì ngoài sock-sến-sex. Tác giả thì đương nhiên ai cũng muốn có nhiều độc giả. Những tác phẩm đồng dạng cứ thế ra đời, tràn lan. Trong số đó có không ít những "hiện tượng bom tấn văn học trẻ" chưa có lấy nổi 1 truyện ngắn đăng báo, họ chỉ viết được "truyện dài", thứ truyện dài mà nếu cô đặc lại dung lượng ngôn từ cho một người viết có óc tổng hợp cao chỉ độ mấy nghìn là hết đát. Cái mác "Nhà văn" do số fans trẻ tự tung hô tác giả và nghiễm nhiên sử dựng chúng vô tội vạ. Có một nhà văn "xịn" buông một câu thế này: "thời này viết để đăng báo mới khó, viết để xuất bản thì dễ như trở bàn tay". Xét cho tận cùng ở trường hợp này chính là hiệu ứng lan truyền- đặc trưng của internet. Giới phê bình ngán ngẩm lắc đầu. Những cuốn sách bìa đẹp tên hay mà nội dung rỗng tuyếch, vài ba ý cũ rích nông choèn cứ thế được các ngòi bút - bằng câu chữ kí tự sến súa kéo cho loãng cho dài ra, cũng xong một... truyện ngắn. Họ thậm chí không thèm hiểu thế nào là "truyện" thế nào là "chuyện", thế nào là tản văn thế nào là bài văn phát biểu cảm nghĩ... Cả một bài dài dằng dặc rặt những thất tình những em nhớ anh tại sao ta chia tay... trong khi nếu để một biên tập viên nghiêm chỉnh tóm gọn lại thì chưa chắc đã nổi... ba dòng. Nhiều trang mạng xã hội văn học chết dần chết mòn cũng vì điều ấy. Đang là lúc để những Admin nhận ra cần có sự đổi mới trong menu thể loại tác phẩm - Nếu không muốn đi vào lối mòn bị cô lập trong cái không gian Website của mình mà ở đó, tác giả được member tung hô, tự phong danh lẫn nhau đưa nhau lên chơi vơi tầng mây cao vút, không có một sự thẩm định, công nhận nào của giới chuyên môn cả. Sự định hướng của người biên tập trong việc chọn lọc bài vở giới thiệu đến độc giả cũng là một điều tối quan trọng. Bán những cuốn sách "khó đọc" hơn là loại truyện ru ngủ không hề khó, khó ở chỗ NXB tư nhân thì nhiều, bản thảo chất lượng vẻ như chỉ nhắm đến NXB có uy tín hơn, và chạy theo lợi nhuận vô hình chung những người thẩm định bản thảo đang gián tiếp bóp méo lối đi chuản mục để nâng cao nền văn hóa đọc ở nước ta. Và phải chăng bộ phận độc giả trẻ ở tầm tuổi này chỉ đọc được truyện giải trí về chúng "dễ vào", "dễ hiểu", không phải suy tư nhiều? Đó lại là mặt khác đáng bàn hơn về cách thức trau dồi tri thức trẻ. Không phải độc giả trẻ nào cũng chỉ ưa đọc truyện giải trí, đó chỉ là một bộ phận thôi, và loại truyện giải trí chỉ có thể mua chuộc được những độc giả ở lứa tuổi này, chính những người này khi trưởng thành hơn sau một thời gian sẽ lại không thể tìm nguồn vui, nguồn mơ trong các truyện giải trí, họ vẫn đọc, nhưng để giải tỏa và tìm động lực sống, họ tìm đến những áng văn nóng hổi chất liệu đời sống hơn.
Còn nhiều lắm vấn đề phải xem xét lại...
Thiếu những trang viết hiện thực. Thiếu những va đập quăng quật. Thiếu phổ quát đời sống. Độc giả trẻ cũng gồm nhiều loại, nhưng một bộ phận đi lệch chiều, là một hiện trạng đáng báo động. Thiết nghĩ đã đến lúc cần có sự định hướng của thế hệ cầm bút đi trước, của trách nhiệm người cầm bút trẻ, và một nỗ lực dấn thân để thổi hồn vào trang viết!
HÀ MẠNH LUÂN
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét