Nhà thơ trẻ Vĩnh Thông sinh năm 1996, quê quán An Giang. Tôi rất thích đọc văn cũng như thơ của Vĩnh Thông. Có lẽ mỗi người có một tư tưởng khác nhau không ai giống ai, riêng tôi lại đồng cảm với tất cả các bài viết của Vĩnh Thông. Mọi người cũng đã viết về Vĩnh Thông nhiều, nhân đây khi viết những dòng cảm nhận bài thơ Viết ở quán quen, tôi xin trích một đoạn giới thiệu của phóng viên Thảo Nguyễn (Báo Giáo dục) đã viết về nhà thơ Vĩnh Thông:
“Có bài viết được đăng báo từ năm lớp
8, đến năm lớp 10, Vĩnh Thông đã xuất bản tập thơ đầu tay. Từ đó đến nay anh
bạn sinh viên Khoa Văn hóa học - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã
liên tiếp cho ra đời nhiều tác phẩm và được xem là một cây bút 9X đầy tiềm
năng.
[…] Đến nay, Vĩnh Thông đã có bốn tập
sách được xuất bản, gồm hai tập thơ, một cuốn du khảo và một tập truyện
ngắn: Và quá khứ thấy ta (thơ) năm 2012, Trạng thái
yêu (thơ), Trở về và chào nhau (truyện ngắn), An
Giang núi rộng sông dài (du lịch) đều cùng xuất bản năm 2015.
Tập thơ Và quá khứ thấy ta được
xuất bản khi anh chàng chỉ mới 16 tuổi, đang học lớp 10 tại một trường THPT tại
tỉnh An Giang. Nhiều người nhận xét văn thơ của Vĩnh Thông “già dặn trước
tuổi”, và khi tiếp xúc với Vĩnh Thông ngoài đời, anh bạn cũng có vẻ khá nghiêm
nghị và lạnh lùng. Tuy nhiên, nếu thân rồi, chàng ta mới bộc lộ hết cá tính:
chơi hết mình, học hết sức và cũng “quậy” không hề thua kém ai.” (Thảo
Nguyễn)
Tôi thiết nghĩ,
đó là trích đoạn không thể thiếu về nhà thơ Vĩnh Thông, mà có lẽ những ai chưa
biết về tác giả, khi đọc những dòng này đều tò mò muốn biết về Vĩnh Thông. Với
tôi, tôi nghĩ Vĩnh Thông đúng là “tuổi trẻ tài cao”. Đó là chưa kể công việc “làm
thêm” của nhà thơ là thiết kế bìa và dàn trang sách cho những ai có nhu cầu.
Không phải phái
“kẹp tóc” mới thân thiết với bạn bè, mới thương yêu từng kỷ niệm của bạn bè. Ở
đây nhà thơ Vĩnh Thông là phái mạnh, nhưng tình bạn với nhà thơ cũng “thắm thiết”
đâu thua gì phái nữ. Bởi vậy mà bài thơ Viết
ở quán quen, ngay dòng đầu ta đã thấy nhà thơ ghi tặng hai người bạn thơ là
Nguyễn Ngọc Đặng - Huỳnh Ngọc Phước, thật trân quý cho một tình bạn của nhà thơ
Vĩnh Thông.
“Có nỗi buồn úp mặt tựa vai sông
Có niềm vui ôm bãi bờ thắp nắng
Mình lạc nhau giữa bến chiều thinh lặng
Vòng nhân gian quá rộng để đợi chờ”.
An Giang là miền
sông nước cho nên những tâm sự của nhà thơ đã gởi gắm vào dòng sông quê nhà với
biết bao nhiêu là kỷ niệm của một thời thương nhớ. Thấp thoáng đâu đó trong câu
thơ là những tình cảm thông qua những ngôn từ ngầm gởi gắm cho hình bóng của một
người bạn gái. Nhà thơ diễn đạt bằng những ngôn từ sáng tạo: “Có nỗi buồn úp mặt
tựa vai sông”, “Vòng nhân gian quá rộng”. Đọc lên mà rưng rức cõi lòng. Chứng tỏ
nhà thơ đã ôm ấp một kỷ niệm của những người thân thương không nhỏ. Có một nỗi
buồn lan tỏa thật nhẹ nhàng đi vào trong tôi.
Trời đất thì
mênh mông… phận người kiêu bạc. Mai này chắc hẳn chốn cũ chỉ còn là nỗi nhớ, mà
có tìm lại thì chắc gì có được những giây phút của ngày hôm nay. Chỉ còn dòng
sông quạnh vắng chở nặng nhớ thương mà “úp mặt” gọi bùi ngùi. Những câu thơ của
Vĩnh Thông cứ âm thầm tiếc nuối… mà lạ, mà buồn, mà hay…
“Một màu hoa vừa lặn giữa vườn đêm
Để nụ gió chờn vờn không điểm trú
Mình tìm nhau khản giọng triền đê cũ
Chốn hẹn hò quen lạ lẫm nhau rồi.”
“Hoa vừa lặn”, “nụ
gió chờn vờn không điểm trú”, khi đọc lên tôi cứ cảm giác vương vấn, như mình
cũng mất đi một tình cảm gì trong nỗi nhớ, mà bâng khuâng, mà thầm lặng trong
bóng đêm về. Tôi thấy mình trôi theo câu thơ về một miền nhung nhớ. Nỗi lòng của
nhà thơ cứ chùng xuống như muốn níu kéo những thân thương đừng biến mất. Câu
thơ như vin lại những thân quen mà chẳng muốn rời xa. Khổ thơ cuối của bài thơ
đã khiến lòng tôi xa xót như đó là kỷ niệm của chính nỗi lòng mình:
“Chốn
hẹn hò xưa làm cho ta vui
Chút ký ức chạnh lòng nhau như khói
Mỏng mảnh quá, xin đừng rời ta vội
Giữ giùm nhau một mùa nhớ xa vời.”
Hình như trong
cuộc đời ai cũng vậy, chỉ ước mong khi đã rời xa kỷ niệm thì luôn hướng về
nhau, nghĩ về nhau dù có muôn trùng vạn dặm… Thơ Vĩnh Thông len lỏi vào trong
tôi, khiến tôi nhớ về kỷ niệm của một thời còn xanh màu áo học trò mà không sao
tìm lại được, để những tiếc nuối cứ nhẹ nhàng như những câu thơ của nhà thơ
Vĩnh Thông âm thầm mà quặn nhói.
Viết tại North Carolina, ngày 5/3/2016
DUNG THỊ VÂN
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét