Miền Nam bao gồm Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ là vùng đất được sáp nhập vào lãnh thổ Việt Nam trễ nhứt. Từ khi bản đồ Việt Nam hoàn chỉnh đến nay, vùng đất nầy đã trải qua nhiều tên gọi khác nhau như Nam Kỳ, Nam Bộ, Nam Phần… Vậy trong từng thời kỳ lịch sử, những cách gọi đó được sử dụng như thế nào?
Năm 1698, chúa Nguyễn Phước Chu cho Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh thành lập Gia Định phủ. Từ đó đến đầu triều Nguyễn, tên gọi nầy được sử dụng để chỉ chung cho toàn miền Nam. Năm 1808, vua Gia Long đặt tên cho khu vực phía Nam đất nước là Gia Định thành, tương ứng với phạm vi từ tỉnh Bình Thuận đến Cà Mau tỉnh ngày nay. Gia Định thành được chia ra 5 trấn là Biên Hòa, Phiên An, Định Tường, Vĩnh Thanh, Hà Tiên. Năm 1832, vua Minh Mạng đổi đơn vị trấn ra tỉnh. Sau đó, vùng đất Gia Định thành được gọi là Nam Kỳ, cùng với Trung Kỳ và Bắc Kỳ trở thành ba thành tố hợp thành nước Đại Nam. Nam Kỳ có 6 tỉnh gồm Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, An Giang, Vĩnh Long, Hà Tiên.
Người Pháp gọi Nam Kỳ là Cochinchine (trong tiếng Anh là Cochinchina), trong khi Tonkin chỉ Bắc Kỳ và Annam chỉ Trung Kỳ. Sau khi Nam Kỳ trở thành thuộc địa của Pháp, địa giới các tỉnh cũ của triều Nguyễn bị xóa bỏ, thay vào đó là các hạt thanh tra vào năm 1868, rồi đổi thành hạt tham biện vào năm 1871. Cai quản Nam Kỳ là Thống đốc đóng ở Sài Gòn, đứng đầu mỗi hạt tham biện là Chánh Tham biện, trụ sở gọi là Tòa Tham biện (hay Tòa Bố). Năm 1900, các hạt bị bãi bỏ và đổi thành tỉnh, Nam Kỳ có 21 tỉnh:
- Tỉnh Biên Hoà cũ trở thành 3 tỉnh: Biên Hoà, Thủ Dầu Một, Bà Rịa.
- Tỉnh Gia Định cũ chia thành 5 tỉnh: Gia Định, Chợ Lớn, Tây Ninh, Tân An, Gò Công.
- Tỉnh Định Tường cũ trở thành tỉnh Mỹ Tho.
- Tỉnh Vĩnh Long cũ trở thành 3 tỉnh: Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh.
- Tỉnh An Giang cũ trở thành 5 tỉnh: Châu Đốc, Long Xuyên, Sa Đéc, Cần Thơ, Sóc Trăng.
- Tỉnh Hà Tiên cũ trở thành 3 tỉnh: Hà Tiên, Rạch Giá, Bạc Liêu.
Đứng đầu mỗi tỉnh là Chủ tỉnh, đóng ở Tòa Bố. Năm 1933, quần đảo Trường Sa được sáp nhập vào Nam Kỳ. Người miền Nam xưa đã làm bài thơ ghép từ các chữ đầu của tên các tỉnh cho dễ nhớ:
“Gia Châu Hà Rạch Trà
Sa Bến Long Tân Sóc
Thủ Tây Biên Mỹ Bà
Chợ Vĩnh Gò Cần Bạc”
Tháng 3/1945, Nhật
bắt đầu sử dụng từ Nam Bộ thay cho
Nam Kỳ trên phương diện hành chánh, tuy vậy dân gian vẫn quen với cách gọi Nam Kỳ. Ngày 14/8/1945, chánh
phủ Đế quốc Việt Nam của Trần Trọng Kim tuyên bố chính thức thu hồi Nam Kỳ
từ thuộc địa của Pháp về nước Việt Nam. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chánh
quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp tục sử dụng cách gọi Nam Bộ.
Tháng 9/1945, Nam Bộ là vùng đất đầu
tiên ở Việt Nam bị Pháp trở lại xâm lược. Tháng 6/1946, Pháp thành lập chánh phủ
Cộng hòa tự trị Nam Kỳ, còn gọi là Nam Kỳ quốc, với âm mưu tách thuộc địa cũ
của mình ra khỏi Việt Nam. Năm
1949, Quốc gia Việt Nam ra đời, Cộng hòa tự trị Nam Kỳ giải thể và hiệp nhứt
vào Quốc gia Việt Nam. Ở giai đoạn 1947 - 1954, Nam Bộ còn được gọi là Nam Việt hoặc Nam Phần. Tuy nhiên, đến sau năm 1954, tên gọi Nam Việt gần như ít còn được sử dụng, mà thường gọi là Nam Phần.
Dưới thời Việt Nam Cộng hòa, Nam Phần
vào năm 1956 được chia thành 22 tỉnh và Đô thành Sài Gòn. Sau nhiều lần tách
nhập, Nam Phần cho đến trước năm 1975 gồm 27 tỉnh: Phước Long, Bình
Long, Long Khánh, Biên Hòa, Bình Dương, Bình Tuy, Phước
Tuy, Gia Định và Biệt khu Thủ đô (Sài Gòn), Hậu Nghĩa, Long An, Tây Ninh,
Gò Công, Định Tường, Kiến Tường, Kiến Phong, Sa Đéc, Kiến Hòa, Vĩnh Bình, Vĩnh
Long, Châu Đốc, An Giang, Phong Dinh, Chương Thiện, Ba Xuyên, Bạc Liêu, Kiên
Giang, An Xuyên. Mỗi tỉnh được cai quản bởi Hội đồng Hành chánh, đứng
đầu là Tỉnh trưởng.
Sau khi chiến tranh kết thúc, danh từ
Bộ được thống nhứt sử dụng để chỉ ba miền Bắc - Trung - Nam. Đến năm 2020, Nam Bộ
có 17 tỉnh và 2 thành phố trực thuộc trung ương gồm: Tây Ninh, Đồng
Nai, Bình Phước, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí
Minh, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà
Vinh, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, thành phố Cần Thơ, Hậu Giang,
Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.
Dù với tên gọi nào, miền Nam vẫn
là một trong ba thành tố không thể tách rời trong lãnh thổ Việt Nam độc
lập và thống nhứt. Ba trăm năm hình thành và phát triển tuy chưa phải quá dài,
nhưng miền Nam đã đồng hành với
những thăng trầm trong lịch sử quốc gia và mang đậm những giá trị văn hóa đặc
trưng của dân tộc.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét