Nhà văn Trần Tùng Chinh sinh năm 1966, quê quán ở An Giang. Anh hiện là giảng viên Ngữ văn, Trường Đại học An Giang. Các tập truyện ngắn đã xuất bản gồm: Mùa thu vàng mưa nắng, Mùa mưa ở lại, Bâng quơ trên núi, Thủ khoa, Phố hiền, Bên giếng nước... Xin giới thiệu truyện ngắn Về với ông của nhà văn Trần Tùng Chinh.
* * *
Ngồi trên xe rồi, cháu vẫn chưa hoàn hồn, tim còn đập thình
thịch, tay còn run lẩy bẩy, nhưng dù thế nào cháu cũng cảm thấy nhẹ cả lòng. Và
cháu nhớ ông. Cháu đang về với ông đây…
Ba đêm rồi, đêm nào cháu cũng mơ thấy ông. Trong giấc mơ,
ông không khác gì ông của cháu ở quê nhà.Ông rất hiền hậu, đầu búi tó, tóc bạc
phơ, vài cọng rơi lòa xòa hai bên má hõm sâu của ông. Đôi mắt ông cũng hõm sâu.
Và ông nhìn cháu. Từ cái hốc mắt sâu thăm thẳm ấy, cháu thấy một giọt nước đục
bị ép ra, rồi từ từ đổ theo từng nếp nhăn trên khuôn mặt ông. Ông khóc. Cháu thấy
cháu ôm chầm lấy ông, dụi khuôn mặt mình vào chiếc áo thô ráp sực nồng mùi mồ
hôi pha với mùi nắng khét quen thuộc của ông. Và cháu cũng khóc. Tỉnh ra, gối đẫm
nước mắt.
Cháu
bỏ quê, bỏ ông lên đây đã ba ngày. Ba ngày mà không một ngày nào cháu không nhớ
ông. Cháu nhớ buổi chiều, ông lom khom từ đồng về, khục khạc ho vài ba tiếng từ
ngoài ngõ. Rồi ông bước đến phía cái lu đựng nước mưa bên hông nhà, thọc cái
gáo dừa múc nước xối lên chân cho sình đất trôi tuột đi. Rồi bửa cơm dưới ánh
đèn dầu tù mù, hai ông cháu ngồi xếp bằng vừa xua muỗi vừa lùa cơm vào miệng.Ông
nói cháu nghe về cơn nước lũ năm nay về sớm. Thu hoạch xong công ruộng này để gạo
ăn mùa nước, rồi thì ông sẽ đi gài lưới giăng câu bắt cá về cho cháu ăn.Ông nói
được cá lóc thì nướng trui, được cá rô thì kho tộ, cá linh ông sẽ nhúng giấm.
Cháu nói cháu chỉ thích ăn càng cua thôi.Ông cười, hàm râu bạc rung rung. Tưởng
cái gì, cua thì lềnh khênh ngoài đồng, tha hồ bắt. Rồi ông rưng rưng. Đó là ông
nhớ bà. Ngày bà còn sống, ông bắt cua về là bà cặm cụi ngồi giã cua rồi lược tới
lược lui, nấu cháo cua cho hai ông cháu ăn. Gạch cua phi mỡ hành chan nước mắm,
mằn mặn, ngọt ngọt, béo béo, húp cháo vào xoàn xoạt, thấm tận ruột gan. Nhưng từ
khi bà mất, cái món cháo cua đặc biệt ấy đã lâu hai ông cháu không được ăn.Ông
thì chỉ biết bắt cua, cháu thì chỉ biết giã cua. Nồi cháo vắng bà cứ nhàn nhạt,
thiêu thiếu thế nào. Mà không thiếu sao được, khi cháu đã quen với sự có mặt của
ông bà mười sáu năm nay.
Ngày
ba mẹ đoạn tình với nhau, ba đùng đùng bỏ lên thành phố sống với người tình cũ.
Mẹ cũng muốn chứng tỏ cho ba biết là đừng hòng mẹ sẽ ngồi một chỗ mà than khóc,
mà chịu đựng. Mẹ đi bước nữa. Và khi đó, khi mẹ ẳm cháu đến giao cho ông bà –
cháu bà nội tội bà ngoại – cháu chỉ mới mười tháng tuổi. Ba mẹ đã quẳng cháu
vào tay ông bà như một thứ tội nợ để rảnh tay tìm kiếm hạnh phúc khác. Phước đức
cho cháu là lòng ông bà êm dịu và mênh mông. Vỗ về cháu bằng tình mẫu tử từ lúc
cháu khát sữa nửa đêm đòi mẹ. Đến khi cháu lớn, lại vỗ về cháu bằng tình phụ tử
mà cháu lúc nào cũng thiếu vắng.Ông bà cặm cụi ngoài đồng để nuôi cháu. Làm lúa
trên ruộng nhà, làm công xá cho ruộng người, rồi mò cua bắt ốc đổi sữa cho cháu
bú. Bà còn nuôi cháu bằng những giọt nước mắt mặn chát rơi trên má, trên môi
cháu khi cháu nằm trong lòng bà, miệng nhai ngấu nghiến bầu vú thõng thượt khô
héo của bà trong những đêm mưa bão. Gió ngoài vàm rượt nhau chạy rần rần bên
vách lá. Sấm chớp làm run rẩy ngôi nhà.Ôâng đốt đèn đi coi cửa nẽo rồi ngồi xuống
bên bà, nhìn cháu ngủ mà thở dài sườn sượt. Tiếng thở dài của ông mà sau này,
khi cháu mười sáu tuổi, bà bỏ hai ông cháu mà đi về với đất, cháu nghe mà đứt cả
ruột gan. Hôm đó, bà đi làm công gặt, cũng mùa nước sắp về như thế này, mắc
mưa, trúng gió. Thế là ở cái xóm nhỏ nghèo nàn này, ở cái xã vùng sâu heo hút
này, bà đã không khăn gói gì mà bỏ ông và cháu đi mãi mãi.
Hôm
đó, mẹ về không có ba. Mẹ đi với một người đàn ông xa lạ mà cháu gọi bằng dượng.
Da trắng nhờn nhợt, mặt mày bóng nhẩy, ông ta không bước vào nhà, chỉ đốt thuốc
đi qua đi lại trước sân. Khi cháu bước ra, ông ta tằng hắng một cái rồi dòm
cháu lom lom làm cháu hoảng hồn chạy tọt ra tuốt nhà sau.
Chôn
cất bà xong, đến lúc làm tuần bốn mươi chín ngày, mẹ lại về lần nữa. Kỳ này
không có người đàn ông lần trước đi cùng. Mẹ và ông nói chuyện với nhau.Ông ngồi
trên võng, mẹ ngồi trên ghế. Ngọn đèn dầu hắt cái bóng của mẹ ra phía cửa sổ,
văng ra khỏi nhà. Cháu đứng ngoài này, chịu trận muỗi chích. Mà dường như là
không nghe muỗi chích, chỉ nghe những mũi kim từ đâu chả biết đâm khắp ruột
gan, lâu lâu lại thọc vào tim một cái, đau nhói.
Mẹ
nói: “Ba để tui đưa nó về trển. Ba già rồi, tiền đâu mà nuôi nó ?”
Ông thọc chân xuống, đẩy cái võng đưa rít lên ken két phía cột
nhà: “Tao bỏ đói nó mười mấy năm nay rồi, nó có chết đâu?”
Mẹ
chặc lưỡi: “Thôi ba đừng nói kiểu nhức mình nhức mẩy đó nữa. Ba nuôi nó mà
không cho nó học hành đàng hoàng thì cũng như không!”
Ông
ngồi bật dậy trên võng: “Nó ở nhà, tao dạy nó. Cho tới trường như tao với má
mày nai lưng nuôi mày ăn học, mày có nên cái tích sự gì ?”. Rồi ông “hứ” một
cái cay đắng: “Thằng chồng bỏ con vợ, vợ nó cũng đành đoạn dứt bỏ núm ruột của
mình mà đi theo thằng khác”.
Mẹ
gằn giọng: “ Thôi, thôi, tui xin ba. Chuyện cũ xì rồi mà ba nhắc hoài. Khổ quá!
Hồi đó tui nghèo, tui phải nhờ cậy người ta. Bây giờ có đồng vô đồng ra chút đỉnh.
Được cái, ông chồng sau này cũng tốt bụng, ổng thấy nó tội nghiệp nên biểu tui
đem nó về cho nó học hành. Ba thương nó, chẳng lẽ ba muốn nó dốt nát, nó chôn
vùi cuộc đời ở cái xứ chó ăn đá gà ăn sỏi này sao?”
Cháu
nghe ông lặng thinh. Ông chỉ rít thuốc, khói thuốc rê đậm đặc bay lởn vởn trong
nhà rồi chui tọt qua kẻ vách làm cháu cay xè cả mắt.
Cháu
nghĩ đến mẹ, và tưởng tượng ra cái ngày về sống với mẹ. Mẹ chỉ kém xa lạ hơn
ông dượng ghẻ một chút xíu.
“Ông
ơi, cháu không đi theo mẹ đâu ! Cháu ở đây với ông hà!”
Ông
đập cây quạt mo cau đánh phạch. Ngọn lửa lá dừa giật mình lóe sáng lên trong
lò: “Bậy nè, cháu đi để mà còn học hành. Ở đây với ông riết rồi có mà dốt đặc
cán mai. Mai mốt, ông trăm tuổi, lấy chữ nghĩa đâu mà nuôi thân?”
Cháu
giành cây quạt trong tay ông, phe phẩy quạt sau lưng cho ông. Mấy sợi tóc bạc
được trớn đùa nghịch chỗ cái ót nhăn nheo: “Thì cháu mần ruộng như ông vậy, khỏi
cần học”.
Ông giơ bàn tay gầy xương xẩu, gân nổi lên chằng chịt ngang
dọc để vuốt lên đầu cháu: “Đâu có được ! Một hai công ruộng làm sao mà sống? Với
lại ông già yếu rồi, ông nuôi cháu hết nổi rồi!”
Cháu
nghe giọng ông run run. Và im lặng một lúc, ông nói: “Cháu thương ông thì nghe
lời ông đi theo mẹ cháu. Lá thì phải rụng về cội. Ngày đó, mẹ cháu nhờ ông bà
nuôi cháu, mẹ cũng khổ tâm lắm. Ở với mẹ một thời gian để báo đáp ơn sanh
thành, rồi còn đi lấy chồng. Vả lại, cháu đi rồi, ông chỉ làm đủ sống qua ngày
thôi. Có thêm cháu, ông cực lắm”.
Cháu
tròn xoe mắt. Ông nói thật hay cố ý nói khác đi để cháu quyết định rời xa ông?
Cháu không biết nhưng lúc đó trong cái đầu óc non nớt khờ khạo của cháu, cháu
nghĩ rằng nếu cháu đi thì sẽ tốt cho ông hơn. Ông không phải làm việc
gấp hai lần như bây giờ. Và biết đâu, sau khi đi học, cháu đi làm, cháu sẽ có
tiền nuôi ông. Bởi ơn ông bà nuôi dưỡng cũng đâu có nhỏ so với công mẹ sinh
thành.
Vậy
là cháu đi. Cháu thưa ông. Ông nhìn cháu bằng hai hố mắt sâu, và từ đáy mắt
thăm thẳm ấy trào lên giọt nước đùng đục. Ông buột miệng: “Cháu đi thiệt
sao?!”. Rồi như sợ cháu nghĩ điều gì khác, ông vội run run, giọng đỡ lấy lời
mình: “Ờ, cháu đi mạnh giỏi. Nhớ về thăm ông!”.
Cháu
dụi khuôn mặt đầy nước mắt vào lòng ông, hít thật sâu cái mùi nồng nồng của mồ
hôi đóng muối khô trên chiếc áo như được hồ cứng, hít cả cái mùi mưa nắng của
ngần ấy năm lặn lội ra đồng nuôi cháu. Cháu đi rồi, ông sẽ bớt làm công, bớt đi
mò cua bắt ốc. Ông sẽ nghỉ ngơi cho khỏe. Nghĩ vậy , lòng cháu cố thanh thản mà
đi. Để rồi cả căn nhà nhỏ, có bước chân ra sân hay vòng ra phía sau nhà thì chỉ
có mỗi mình ông.
Cháu
nhớ ông ngay từ khi theo mẹ ngồi trên xe đò lên thị xã. Chiếc xe thổi tung từng
cụm bụi che lấp cả quê, cả ông. Rồi đẩy lùi ông ra xa, càng lúc mọi thứ càng chỉ
còn là một cái chấm nhỏ. Nỗi nhớ ông nắm lấy cháu, gục gặc đầu cháu theo nhịp dằn
xóc của xe. Và nỗi nhớ ấy theo cháu ngay cả lúc cháu đặt chân lên nhà mẹ. Ngôi
nhà xa lạ làm sao so với căn nhà nhỏ đầy ắp kỷ niệm của ông và cháu. Nơi đó,
khi mà ông chỉ còn lại một mình chắc là nó sẽ rộng thênh thang ra. Cả cái chõng
tre hai ông bà và cháu từng nằm ngả lưng ra quạt những trưa hè, từng ngồi xếp bằng
ăn cơm mỗi ngày cũng sẽ rộng thênh thang.
Ngôi
nhà ở đây cháu ở cũng thênh thang rộng. Mẹ đi làm suốt cả ngày. Cháu chưa đến
trường và không có việc gì để làm ngoài việc ngồi nhớ ông. Và mọi chuyện xảy ra
thật kinh khủng. Ngày thứ nhất, diện kiến cha dượng, cháu thấy sợ hãi lắm, sợ
cái cách mà ông ta nhìn cháu lom lom như hôm về nhà cùng mẹ. Ngày thứ hai, cháu
giật bắn cả người khi ông ta bẹo má cháu rồi nhe răng ra cười nham nhở. Và mới
trưa nay, ngày thứ ba, ông ta xô cửa vào phòng cháu…
Cháu cắn vào tay ông ta, rồi chạy bổ ra ngoài. Ra đến cổng,
cháu còn run cầm cập. Và đứng ngoài đó không dám vào nhà cho đến chiều khi mẹ về.
Cháu lập cập nắm áo mẹ và vừa khóc vừa kể hết với mẹ.
Rồi
cháu đòi về với ông. Mẹ nắm tay cháu kéo vào nhà, đẩy cháu vào phòng rồi đóng cửa
lại. Cháu nghe bên ngoài to tiếng. Tiếng mẹ cháu hét lên rung chuyển cả căn nhà
đúc. Rồi đồ đạc rơi loảng xoảng, như có tiếng thủy tinh vỡ, như có tiếng bàn ghế
xô ngả. Cháu sợ quá bật khóc, và ngay lập tức muốn sà vào lòng ông.
Cháu
lại đòi về. Và bảo với mẹ rằng cháu đã quyết định sai lầm khi đến đây. Cháu đã
ngây ngô đến vô tâm khi bỏ ông lại một mình mà đi. Cháu đã thật ngu ngốc mới
không thấy rằng cháu ở lại quê nhà không phải làm cho ông cực nhọc thêm mà sẽ đỡ
đần cho ông, làm cho ông vui vẻ và đỡ cô đơn hơn lúc tuổi già. Cháu nhận ra rằng
cháu không thể sống yên tâm và thanh thản được khi không có ông bên cạnh. Đã mười
sáu năm nay như vậy và mãi mãi là như vậy. Ông đã từng và sẽ tiếp tục làm ba,
làm mẹ của cháu, lấp vào những tình cảm trống hoác trong lòng cháu. Mẹ cũng
khóc và bảo sáng mai mẹ đưa cháu về. Nhưng cháu nhất quyết đòi về ngay lập tức,
không được chậm trễ. Cứ như là trễ thêm một ít phút nữa là cháu sẽ không bao giờ
còn được về với ông, về với sự bình yên trong sạch của quê nhà, của tấm lòng
mênh mông của ông. Mẹ đã có cuộc sống của mẹ. Cháu không hề oán trách. Chỉ mong
mẹ đừng vì bổn phận bởi sự cắn rứt lương tâm muộn màng mà biết đâu sẽ hại cả một
đời cháu. Rồi ông tin đi, cháu sẽ làm việc để không là gánh nặng cho ông. Cháu
sẽ săn sóc ông như cái cách mà ngày còn sống, bà vẫn thường làm. Rồi cháu sẽ đi
học, sẽ thành người chứ không còn là đứa trẻ mười tháng tuổi bị ba mẹ nó bỏ rơi
ngày nào nữa. Giờ cháu đã sắp trưởng thành dù cháu biết là có lớn đến như thế
nào thì cháu mãi mãi vẫn chỉ là đứa cháu nhỏ bé của ông thôi. Đứa
cháu mà lúc này đang rất thèm được hít thật sâu vào lòng cái mùi mồ hôi pha mùi
nắng khét từ chiếc áo quen thuộc của ông.
Xe
đã rồ máy rồi, đã lăn bánh đi rồi. Ông ơi, cháu về đây! Cháu về đây, ông ơi!
TRẦN TÙNG CHINH
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét