Nhân chuyến đi gần đây đến Huế,
tôi muốn ghi lại một số suy nghĩ của mình đã có từ lâu về triều Nguyễn, một
trong những vương triều trị vì lâu trong lịch sử của đất nước ta. Xin phép chia
sẻ lại với mọi người. Trước tiên, trong bài này tôi xin phép một số đoạn chỉ
gọi tên của các vị vua chúa mà không xưng có từ ông hoặc không có từ vua, chúa…
Không phải vì bất kính mà là vì như vậy cho liền mạch văn, các sách sử cũng
thường viết theo cách này.
Tự thuở
nhỏ tôi đã được sách sử trong nhà trường dạy rằng Nguyễn Ánh là một vị vua hèn
nhát, bán nước, đem voi về dày mã tổ, tôi vẫn nhớ như in hình ảnh cô giáo hào
hứng nói về sự xấu xa của Nguyễn Ánh khi cầu cứu quân Xiêm để rồi thua trong
trận Rạch Gầm – Xoài Mút oai hùng của Vua Quang Trung, tôi đã được đọc về vương
triều Nguyễn hèn nhát nhu nhược… Tôi đã tin y như vậy, tin hoàn toàn theo những
gì mà thầy cô đã dạy tôi.
Lớn
lên, tôi có điều kiện đọc thêm nhiều nguồn sử khác nhau. Việt Nam Sử Lược của
Trần Trọng Kim là một trong những cuốn đầu tiên khiến tôi giật mình đặt lại câu
hỏi trong đầu mình: “Đâu là công và tội của nhà Nguyễn đối với đất nước? Và
liệu nhà Nguyễn có thật sự xấu xa như những gì tôi đã được dạy trước giờ?”. Đến
nay tôi vẫn luôn tìm hiểu, và đã phần nào có được câu trả lời cho riêng mình.
Với tôi
nhà Nguyễn có công rất lớn đối với đất nước này, và những vị vua chúa như
Nguyễn Hoàng, Gia Long, Minh Mạng… xứng đáng được lưu danh muôn đời.
Điều
đầu tiên có thể xem như công lao lớn nhất của nhà Nguyễn là mở mang bờ cõi. Dù
ai nói thế nào, với tôi một chính phủ tốt là một chính phủ lo được cho dân ấm
no, bảo vệ được biên cương bờ cõi, và cao hơn nữa là mở mang được bờ cõi. Nhà
Nguyễn đã làm được điều to lớn nhất đó cho đất nước.
Nếu năm
1558, chúa Tiên Nguyễn Hoàng không vào lập cơ nghiệp ở Thuận Hóa, và để lại một
nền tảng vững chắc cùng lời di chúc cho chúa Nguyễn Phúc Nguyên sau này mở mang
bờ cõi về phương Nam. Thì nay đất nước ta có thể chỉ gói gọn từ Bắc bộ đến
Thanh Hóa. 9 đời chúa Nguyễn đã có công vĩ đại mở mang dải đất Việt Nam đến tận
mũi Cà Mau. Trong suốt 9 đời chúa Nguyễn, người dân được sống thái bình và
thịnh trị. Cho đến đời chúa Nguyễn Phúc Ánh…
Nhà Tây
Sơn nổi lên ở Bình Định. Vương triều nhà Nguyễn sụp đổ, và bắt đầu thời kỳ 24
năm nằm gai nếm mật của Nguyễn Ánh.
Về tính cách, trong 24 năm đó, nếu nói về tài, Nguyễn Ánh xem như không thể sánh bằng sánh bằng vua Quang Trung Nguyễn Huệ, vì gần như tất cả những trận đánh nào Nguyễn Huệ xuất quân, ông đều chiến thắng. Điều tôi muốn nói ở đây là tinh thần của Nguyễn Ánh, cứ mỗi lần bị quân của Nguyễn Huệ đánh tan, ông lại tay trắng làm lại từ đầu, trong 24 năm ông không mệt mỏi kiên trì với mục tiêu duy nhất của mình – khôi phục lại vương triều của tổ tiên, và ông đã làm được. Đức tính như ông không phải dễ ai cũng có được, chúng ta có thể kiên trì lần thứ nhất, lần thứ 2, thứ 3… nhưng mấy ai giữ được sự kiên trì đến lần thứ 10. Nguyễn Ánh đã làm như vậy trong 24 năm, với tôi, tôi kính phục đức tính đó.
Nguyễn Ánh là một vị hung quân?
Tôi
không nghĩ vậy! Sau khi vua Quang Trung mất, chính quyền nhà Tây Sơn đã đến hồi
thối nát, vua Cảnh Thịnh lên ngôi, triều đình tư lợi tranh giành nhau. Đời sống
nhân dân cực khổ, lòng dân lúc này đa phần đều ngã về chúa Nguyễn, chính vì thế
nên trong dân gian mới có câu: “Lạy trời cho chóng gió Nồm, cho thuyền chúa
Nguyễn thuận buồm thẳng ra”.
Theo
tôi việc làm có thể được coi là hung quân của chúa Nguyễn chính là việc sau khi
lên ngôi đã trả thù nhà Tây Sơn quá nghiệt ngã. Mộ vua Quang Trung bị quật lên,
tro đốt thành bụi, sọ giam vào đại lao, Trần Quang Diệu bị chém ngang lưng, Bùi
Thị Xuân bị ngũ mã phanh thây, và gần như tất cả những ai liên quan đến nhà Tây
Sơn đều bị liên lụy. Đó là một sai lầm của Nguyễn Ánh, và lịch sử đã lên án ông
rất kịch liệt. Nhưng nghĩ đi cũng phải nghĩ lại, đang từ một vương triều 9 đời
gầy dựng, bỗng nhiên bị truất ngôi, gia đình dòng họ bị giết gần hết, bản thân
phải lưu lạc nếm mật nằm gai tha phương khắp nơi 20 mấy năm, mồ mã tổ tiên chùa
chiền bị đốt phát… Tôi tự hỏi nếu là mình, liệu tôi có giữ được sự khoan dung
nghĩa hiệp hay không.
Nguyễn Ánh bất tài vô dụng, chỉ biết cầu cạnh ngoại bang?
Nếu như
Nguyễn Huệ có những tướng huyền thoại như Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân, Võ Văn
Dũng thì dưới Nguyễn Ánh là hàng loạt tướng tài như Lê Văn Duyệt, Võ Tánh, Võ
Duy Nghi… Nếu Nguyễn Ánh là một người bất tài vô dụng thì liệu có được bao
nhiêu người tài như thế theo ông.
Việc
ông cầu cạnh ngoại bang, xét về lịch sử đất nước, đó là có tội với đất nước, đó
là điều đáng hổ thẹn. Nhưng, xét lại tổng thể hoàn cảnh lúc đó, và cách ứng xử
thời đó, thậm chí cho đến tận thời bây giờ, điều đó không đến nỗi quá thậm tệ
như sử sách hiện nay thường nói. Xiêm và xứ Đàng Trong đã có quan hệ bang giao
lâu đời – mặc dù cả 2 đều có mục đích riêng của mình với Chiêm Thành, nhưng về
căn bản vẫn là bang giao. Sau này khi thấy mưu đồ sâu độ của Xiêm La, ông đã
giãm hạn chế và ngưng việc cầu cứu này.
Thứ hai là việc ông cầu viện binh của Pháp, lúc đó là vua Louis XVI. Việc này cho đến
gần đây đang được cái nhà sử học xét lại, liệu đó là do Bá Đa Lộc chủ ý dàn
dựng, hay sự thật chính là việc Nguyễn Ánh đã cầu cứu như lịch sử trước nay đã
ghi. Công việc lớn lao đó xin để cho các nhà sử học làm rõ, cứ xét theo những
gì đã có trước nay. Điều may mắn là triều đình Pháp đã từ chối đưa binh sang
giúp, sau này khi lên ngôi, Pháp qua đòi yêu sách thực thi điều khoản như thỏa
thuận, vua Gia Long đã giận dữ phán “những điều trước đây nước Pháp không thực
hiện thì nay không bàn đến nữa”.
Vua Gia
Long là người rất có tinh thần cầu tiến, ông là một trong những vị vua có thái
độ rất cởi mở với nền văn minh bên ngoài, ông nghiên cứu nhiều sách của Phương
Tây, và rất có tinh thần phát triển học hỏi cái hay cái mới. Nếu tinh thần của
ông được tiếp tục phát huy ở các đời sau thì có lẽ nước ta đã tiến hành duy tân
sớm hơn cả nước Nhật và có lẽ giờ nãy đã là một trong những cường quốc.
Và
những thành tựu của các đời vua nhà Nguyễn còn rất nhiều, các di sản hữu hình
và vô hình mà các vua nhà Nguyễn để lại cho hậu thế chúng ta là tài sản vô giá.
Các lăng tẩm đền đài của Huế chẳng phải là niềm tự hào của chúng ta hay sao?
Triều Nguyễn cũng là vương triều đầu tiên soạn hoàn chỉnh các bộ sử và các bộ
bách khoa như Đại Nam thực lục, Đại Nam nhất thống chí…
Về vấn
đề lớn, là liệu triều Nguyễn có để mất nước hay bán nước. Hãy công tâm nhìn lại
bằng nhiều khía cạnh, triều đình phong kiến khi ấy chỉ lấy nước Tàu làm thước
đo cho sự phát triển, đến khi người Pháp tấn công thì tương quan lực lượng quá
chênh lệnh, nhưng họ cũng không dễ dàng gì mà lấy nước ta một sớm một chiều, mà
phải mất hàng chục năm kể từ ngày nổ tiếng súng đầu tiên ở Đà Nẵng đến ngày mất
nước vào thời vua Tự Đức, mất nước rồi chúng ta lại tiếp tục chứng kiến nhiều
tấm gương yêu nước của các vị vua như Duy Tân, Hàm Nghi, Thành Thái…
Tôi
không có ý định bênh vực nhà Nguyễn, vì lịch sử là không bênh vực hay thiên vị
ai, tôi chỉ muốn có một cái nhìn thẳng thắn hơn, và vì sao lại giáo dục cho con
cháu về cha ông của mình một cách tệ hại như vậy?
Tôi cứ nhớ mãi đã đọc trong một quyển sách câu nói của vua Tự
Đức: “Tội của ta với non sông thế nào, hãy để cho lịch sử phán
quyết”. Với tôi lịch sử phải đúng là lịch sử, lịch sử chỉ nên nói
sự thật và không thiên vị ai, vua Quang Trung tài ba thao lược giữ vững biên
cương bờ cõi, 20 vạn quân Thanh phải bị khuất phục, 5 vạn quân Xiêm phải thãm
bại. Nhưng cũng đừng vì thế mà vùi dập vua Gia Long và nhà Nguyễn, một vương
triều đã có công không ít với đất nước.
NGUYỄN NGỌC HIẾU
Tác giả giữ bản quyền, vui lòng ghi rõ nguồn khi sử dụng nội dung này.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét