Khi đi đường, chúng ta thường có thái độ nôn nóng đến điểm đích. Sự trông đợi, háo hức đến nỗi phải tìm kiếm, quan sát từng cột cây số ven đường để biết quãng đường mình đi đã rút ngắn bao nhiêu và còn lại bao nhiêu. Khi về cũng thế, cũng mỏi mòn với từng cột cây số để xem bao lâu nữa mình sẽ về tới nhà. Rồi ta lại ước ao, phải chi có cái gì đó ở phía trước có thể níu kéo mình, đón đợi mình, để cho những vòng quay của bánh xe không lăn vô nghĩa, để thấy mình đã đi được một quãng xa xa, đồng nghĩa với ngôi nhà yêu dấu đang gần gần.
Sự trông đợi ấy
sẽ kéo người ta gục mặt vào một đầm hy vọng lớn mà quên rằng mình đang ngồi
trên xe, chạy trên đường, ngay giờ phút nầy. Biết rằng mặc dầu trước sau gì
cũng sẽ về đến nơi. Biết rằng những lo lắng, bất an rồi cũng sẽ rơi rớt đâu đó
dọc đường. Nhưng người trên xe vẫn luôn bỏ phí nhiều thời gian để dành cho những
suy nghĩ vẩn vơ, không thể thoải mái ghi lại trong mắt khung cảnh những cung đường
đang đi qua.
Bởi, mang một hy
vọng nào đó về quá khứ hay tương lai, làm sao ta có thể sống hết mình với thực tại.
Sao chúng ta lại luôn áp đặt rằng mục đích của đi là đến, mà không phải đi chỉ
là để đi? Niềm vui của những chuyến đi phải chăng không nằm ở điểm đến, mà
chính ngay lúc đi, với cuộc đời thực đang trải ra trước mắt? Niềm vui là sẵn
có, ngay giờ phút này đây.
Vậy mà, hình như
trong vô vàn những chuyến hành trình dọc theo đời người, lúc nào ta cũng tự lập
trình cho mình một mục tiêu, một điểm đến. Để rồi trước mắt ta chỉ còn nhìn thấy
nó. Nó làm thời gian và không gian trở thành một khối nặng được vo tròn lại chắn
ngang đường đường. Nó trở thành áp lực xô đẩy thật mạnh ta về phía trước, đôi
khi cả trong vô thức. Nó làm cho những chặng đi mỗi lúc một xa hơn, làm cho lữ
khách chưa bao giờ được thanh thản.
Có khi nào chúng
ta nhận ra rằng, nếu đặt một mục tiêu rồi đạt được nó, niềm vui cũng chỉ sẽ xuất
hiện trong chốc lát rồi tan mất, vì khi ta đến đích thì cũng chính là lúc đích
đến đó đã trở thành quá khứ mất rồi. Chỉ khi nào ta đang thong dong trên đường
mà không cần nghĩ ngợi về một điểm nào đó ở phía cuối cuộc hành trình, đó mới
là lúc ta có thể rũ bỏ mọi muộn phiền, thảnh thơi không lo lắng, chủ động đón
nhận và tận hưởng những cung đường, dẫu lạ hay quen.
Tôi rất tâm đắc
với lời dạy nầy của thiền sư Nhất Hạnh: “Ta
sắp đặt và chuẩn bị đời sống rất giỏi nhưng ta chưa giỏi trong cách sống. Ta có
thể hy sinh mười năm trời để dành cho được mảnh bằng kỹ sư hay bác sĩ, ta sẵn
sàng làm việc rất cực nhọc để có công ăn việc làm, để mua nhà, mua xe… Nhưng
ta quên rằng ta đang sống trong hiện tại và ta chỉ có thể thật sự sống trong
giây phút hiện tại mà thôi.”
Tại sao chúng ta
không thể bỏ những ưu tư, lo nghĩ, sống trọn vẹn với thực tại? Quá khứ đi qua
có níu kéo cũng không được, tương lai lại là một khái niệm rất mù mờ ở tít xa
mà không biết khi nào sẽ với tới. Con người không thể điều khiển, sắp đặt
chúng. Vậy thì tại sao không để mọi thứ diễn ra tự nhiên như đúng bản chất vốn
thế. Tại sao phải tự dằn vặt, đau khổ, toan tính vì những chuyện đâu đâu?
Người Việt Nam
có câu ca dao rất hay, mặc dù để dạy cho trẻ em, nhưng rõ ràng khi nghiềm ngẫm
kỹ ta mới thấy nó không đơn thuần là “thứ con nít”:
“Đi đâu mà vội mà vàng
Mà vấp phải đá, mà quàng phải dây
Thong thả như chúng em đây
Chẳng đá nào vấp, chẳng dây nào quàng”
Để dạy cho trẻ
em đi đứng từ tốn cẩn thận, chỉ cần dùng nghĩa gốc là đủ. Nhưng nếu nhìn “triết
lý” một chút, tôi lại liên tưởng chuyện vấp phải đá và quàng phải dây cũng giống
như những trạng thái cảm xúc hỗn độn mà chúng ta vướng phải dọc đường. Dù là đá
và dây thật, hay là hình ảnh tượng trưng cho những cảm xúc, thì chúng cũng là
những chướng ngại vật trên đường, chỉ khác ở chỗ hữu hình hay vô hình thôi. Bài
ca dao dạy đi thong thả, tôi lại muốn suy rộng hơn để nâng lên một bậc: đi với
tâm thong thả. Đi kiểu gì tùy mỗi người, nhưng hãy đi với cái tâm thong thả.
VĨNH THÔNG
(Tác phẩm đăng trên Báo Giác ngộ, số 826, 2015 & in trong
tập tùy bút Thong thả đi, Nxb Văn hóa Văn nghệ, 2017)
Hay
Trả lờiXóaCảm ơn bạn đã ghé thăm trang nhà và đọc bài! Chúc an vui!
Xóa