1.
Khoảng sân nhỏ trước nhà ngập ngụa nắng.
Người ngồi trong nhà cũng nóng hôi hổi như vậy. Nhìn con sông chảy sau nhà lại
cảm thấy trong mình xen kẽ cái buồn man mác, cái luyến lưu, thậm chí là nhớ
nhung… dành cho những điều gì đó cũng chẳng rõ, cho những người nào đó xa vời
vợi.
Chắc là lại nghĩ đến họ. Hình ảnh của họ
trong mắt tôi lúc mới đến và khi chia tay sao khác xa nhau quá, dầu chưa đầy
một tuần. Mà ngộ, nào có biết họ là ai, ở xứ nào tới, sẽ đi về đâu? Vậy mà những
con người đó lại làm mình khó quên được.
Họ là những người bán hàng rong “lưu
động” trong dịp lễ cúng đình ở khắp các nơi. Ở đâu có lễ thì họ dọn hàng đến
bán, hết lễ lại dọn đi nơi khác. Ngày họ đến, bốn người phụ nữ xách theo những
ba lô, túi, giỏ xách, bọc bị lỉnh kỉnh, cái nào cũng căng đầy. Nơi họ “tạm trú”
là bãi đất trống gần chiếc cầu ván nhỏ dẫn sang đình. Bãi cỏ hoang nhanh chóng
được dọn sạch, rác cũng không còn. Với mấy cây tre và vài tấm bạt cao su, một
túp lều nhỏ nhanh chóng được dựng lên. Điều lạ nhứt là mấy cái túi mà họ mang
theo thoạt nhìn tưởng ít đồ đạc, nào ngờ khi sắp xếp ra thì lại chất đầy cả
lều.
Một quán bún nhanh chóng được hình
thành, vậy là mỗi người một việc, tiếp tay nhau.
2.
Người dân quê nhanh chóng dễ dàng đón
nhận một quán bún lạ mọc ven đường. Không cần phải thắc mắc về những con người
đó. Quán không quá đông khách, nhưng cũng không đến nỗi vắng vẻ. Mỗi lần vào ăn
vài người, bù lại là hễ người nầy ra thì có người khác bước vào. Chị ơi cho tô
bún riêu. Dì ơi thêm miếng rau muống. Để nhiều ớt nghe cô. Trụn nóng nóng húp
cho ấm bụng cô chủ ơi. Không cầu kỳ màu sắc, không văn vẻ rườm rà, họ đến với
nhau như thế. Quán bún ven đường, tô bún xâm xấp nước nóng hôi hổi, những cái
bàn cái ghế xộc xệch, tất cả đã buộc người bán và người mua lại với nhau, níu
kéo người bản xứ và kẻ tha phương gần nhau hơn.
Ngày mưa, quán vắng đìu hiu. Trong cảnh
trời đất vần vũ, ai chạy ngang quán bún nghe mùa cua thơm nồng chợt nổi lên một
cơn thèm thì cũng đành… dằn xuống. Không thể điềm nhiên ngồi ăn trong cái cảnh
mưa gió ầm ào như thế, mà có ăn cũng chưa chắc đã ngon. Bởi vậy dù nồi nước
nóng bốc khói nhưng thau bún vẫn lạnh tanh, thau rau ướt sũng, tô đũa cũng ướt
nhem. Gió quăng quật mấy tấm bạt cao su rào rào.
Thiên nhiên cứ như muốn xô đổ cái quán.
Nhưng không xô đổ nổi bốn người phụ nữ. Quần xắn cao, áo ướt đầm, họ dầm mưa để
giữ lều. Ê buộc lại cây tầm vông đó dùm coi. Kìa hất đổ nước đọng trên tấm cao
su kìa. Sao không căng lại cho thẳng thóm đi. Lại mỗi người một việc, tất bật,
lao nhao. Cuối cùng cái lều vẫn đứng đó, lọt thỏm giữa mênh mông, nhưng không
bao giờ ngã đổ.
Sáng sớm, chưa thức dậy đã nghe tiếng
lao xao từ quán bún. Vừa bước ra khỏi nhà thấy quán đã đông ì xèo khách. Buổi
tối, khi mọi người chuẩn bị ngủ, lại nghe tiếng lao xao từ quán bún ấy. Những
âm thanh cô độc và buồn, tràn ra giữa lòng đêm thăm thẳm. Và, tràn ra cả lòng
người, cũng dịu vợi. Tiếng bàn ghế chạm vào nhau khi thu dọn, tiếng tô cọ vào
nhau khi rửa, tiếng cước chùi nồi xàng xạc…
Rõ nhứt là tiếng bàn tán sau một ngày
vất vả, xem hôm nay bán được bao nhiêu tô, lời nhiều hay ít, còn dư rau dư bún
không, than củi có thiếu không… Những tiếng nói sang sảng không ngần ngại trời
đã khuya ấy dường như gây phiền hà cho những người xung quanh, nhưng cũng lại
dường như cứ đeo đẳng mãi người nghe cho tới khi đã ngủ say.
3.
Hôm nay hết lễ, mọi người cũng đã về
hết, cả con đường vắng hoe. Bỗng dưng lại cảm thấy buồn. Có lẽ cũng có phần vì
thiếu vắng những con người đó. Dù sao cũng là “hàng xóm” với nhau gần một tuần,
nhớ mặt từng người một, ngày nào cũng chạm mặt nhau, nhìn ngó nhau. Đôi lúc cảm
thấy phiền vì họ ồn quá, nhưng bây giờ khi họ đi lại như thiếu vắng điều gì
quen thuộc. Hằng ngày thức dậy không còn nhìn thấy quán bún, tối ngủ không còn
nghe tiếng ồn, nhưng lại man mác nhớ những ngày họ ở đây. Dường như tôi dễ bị
“mẫn cảm” với sự chia ly (mà sự chia ly nào thì cũng đầy nước mắt).
Những con người chưa từng gặp, chưa từng
quen biết, bỗng chốc biến thành điều gì đó thân thương, quen thuộc. Họ - tôi
tạm đặt cho danh hiệu là “những con người kỳ diệu”. Không cao sang, không làm
dáng, nhưng hình bóng lại rất sừng sững trong mắt người ở lại. Rất đỗi bình dị
và lớn lao - họ đã đến và đi như thế. Dân tứ xứ tha phương mà, biết bao giờ gặp
lại, nhưng sẽ khó mà quên những con người ấy. Phải chăng nói như ca dao:
“Nước sông trong chảy lộn sông ngoài
Thương người xa xứ lạc loài đến đây”
Tôi thường ít đi xa, sau mỗi chuyến đi
lại cảm thấy mình mắc nợ, phải trả. Nhưng đôi lúc, không đi đâu chỉ ngồi ở nhà
cũng đã thấy dường như mình đã “mắc nợ” với ai đó rồi.
Với những người lạ… từng quen.
VĨNH THÔNG
(Tác phẩm đăng trên Báo Văn nghệ trẻ & in trong
tập tùy bút Thong thả đi, Nxb Văn hóa Văn nghệ, 2017)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét