Tin con bé Ngân chết nước được truyền đi khắp làng với biết bao lời xì xầm. Ai nghe xong cũng chắc lưỡi sợ sệt. Những người trẻ thì cảnh báo nhau phải coi chừng con cháu mình, đừng như ba mẹ con Ngân, lơ là quá nên mới ra nông nỗi. Còn những người già hơn, biết chuyện xưa, thì rỉ tai nhau rằng con Ngân chết là do Tư Hè - ông nội nó. Mà con nhỏ chết đuối mắc mớ gì tới ông nội nó? Họ nói, đó là trả báo!
Chiều hôm đó cúp điện, kéo theo cả
cúp nước, trời lại nắng chan chát. Cả nhà con bé Ngân kéo nhau xuống mương tắm.
Trong lúc ba mẹ còn đang chuẩn bị thì con nhỏ ham vui đã chạy tọt ra bến trước,
phóng cái đùng xuống mương. Tới khi hai vợ chồng xuống bến thì con gái mình đã
biến mất từ lúc nào.
Họ hoảng hồn la thất thanh cầu cứu.
Cả xóm náo động. Một đám thanh niên lực lưỡng hơn chục người lặn xuống mương,
lật tung cả dòng nước để tìm kiếm. Nhưng con mương hiền hòa ngày nào dường như
đã nuốt chửng đứa nhỏ mất rồi. Gần nửa tiếng sau, người ta ẵm con Ngân lên, nó
đã tắt thở, mặt tím xanh.
Đêm đó, nơi chiếc bàn cũ kỹ đặt ở một
góc nhà, ngọn đèn tù mù vàng vọt soi rõ khuôn mặt nhăn nhúm đầy vẻ bất an của
ông già tóc bạc. Ông Tư Hè đã một phen chết đứng vì cái chết của cháu mình,
chưa kịp hết bàng hoàng lại càng sợ hãi hơn khi nghe những lời xì xầm bàn tán
từ xóm làng về cái gọi là “quả báo” của ông. Nỗi sợ chạy dọc sống lưng ông Tư
Hè rờn rợn dĩ nhiên không chỉ đơn thuần vì mất cháu nội.
Những lời đồn thổi đâu phải là vô căn
cứ. Dẫu là không muốn nghe, không muốn nhắc, nhưng chúng cứ xua ông Tư Hè về
thời trẻ với nhiều dâu bể của mình. Quá khứ đối với không đã không còn gì xa
lạ, mỗi ngày ông đều hoài niệm về nó, suy gẫm về nó. Những ký ức không đầu
không đuôi vẫn thường xuyên đến làm bạn với ông, an ủi tuổi già của ông. Nhưng
hôm nay nó lại giáng thật mạnh vào tim ông, làm ông đau điếng, làm ông bắt đầu
có cảm giác sợ. Cũng con mương đó, cái bến nước đó, cũng những cái chết nước
của bao người, cũng mảnh đất xưa với những người xưa cũ…
Cái bến nước mà con Ngân chết nằm
trên mương Ông Cả, gần khúc giữa của làng. Làng nầy có địa hình cũng thật kỳ
lạ. Một giồng đất cao như sống lưng chạy dài cỡ ba cây số, từ đầu làng đến giữa
làng. Dọc theo hai bên giồng là hai con rạch tự nhiên chạy song song nhau, một
gọi là rạch Cát, một còn lại gọi là rạch Chanh. Người xưa không ngừng tranh cãi
về phong thủy của làng. Có người nói đây là thế đất tốt, có rồng ẩn. Có kẻ cãi
lại không chịu, cho là địa hình xấu, đoản vận.
Chưa biết ai đúng ai sai thì đến hồi
khoảng sáu bảy chục năm trước, ông Hương cả của làng nầy cho đào một con mương
nằm ngang, cắt hai con rạch có sẵn. Người ta gọi đó là mương Ông Cả. Dân làng
không rõ ông Hương cả đào con mương nầy để làm gì, chỉ nghĩ là để dẫn nước vào
ruộng. Vậy là mọi người lại tiếp tục bàn về phong thủy của con mương.
Chưa biết điềm lành gỡ ra sao thì đã
có người chết nước. Từ đó về sau, biết bao người tiếp tục chết dưới con mương
nầy. Khi những bàn luận về phong thủy dần dần đi theo những người cao tuổi
xuống suối vàng, lớp trẻ lớn lên không còn mấy ai quan tâm thì người ta lại
chuyển sang bàn đến một chuyện khác: mương Ông Cả bắt đầu trở nên nổi tiếng vì
có nhiều người chết nước, nên cũng la liệt… ma!
Có ma cỏ gì không? Mấy con ma đó nó
ra làm sao? Không ai biết. Ai cũng kể thao thao là gặp ma thế nầy, thế kia, tại
chỗ nọ… Mỗi câu chuyện được thêu dệt đủ thứ màu sắc rùng rợn, kỳ quái. Vậy mà
khi gặng hỏi lại: “Chính ông, bà gặp hả?”, thì họ ú ớ: “À… không… nghe người ta
kể lại.”
Người ta kể lại rằng gặp một cô gái
ngồi ở bến nước giữa đêm khuya, tóc dài tới thắt lưng, không thấy mặt. Khi họ
đến gần bến nước, cô gái đó quay lại, mặt trắng xanh, máu chảy lòng thòng hai
bên mép. Cũng có người lại kể trong một đêm mưa họ đậu xuồng ở mương Ông Cả, có
một cô gái không biết từ đâu bước vô xuồng xin đụt mưa. Cô gái trò chuyện bằng
những câu nói thê thảm, rùng rợn, rồi bỏ đi. Sau khi cô gái đi mất, chủ xuồng
nghe tiếng cười ma quái đâu đó gần mình. Có người thì nói trong khi họ bơi
xuồng qua mương Ông Cả, gặp một cô gái ngoắc vào xin cho quá giang. Khi đến gần
thì thấy cô gái đó đứng trong nước chứ không phải trên bờ, vậy mà không chìm,
đôi chân lơ lửng trên mặt nước…
Và còn nhiều câu chuyện khác nữa,
càng lúc chúng càng được tô vẽ. Cứ mỗi lần câu chuyện được kể lại, người ta lại
đắp lên nó thêm một lớp áo, dần dần trở nên dày cộm. Mọi người bắt đầu sợ mương
Ông Cả, ít có ghe xuồng nào dám qua lại con mương vào ban đêm.
Chỉ có ông Sáu đờn cò phủ nhận mọi
chuyện. Ông sống cạnh mương Ông Cả, đi xuồng dưới mương còn nhiều hơn đi xe
trên đường. Tụi con nít hỏi, ông trả lời gọn hơ: “Úi, cái mương quỷ xứ đó mà có
con khỉ khô gì!” Mà thiệt, đúng là ông không sợ. Thậm chí cả ban đêm, nếu có
việc cần thiết, xuồng ông sẵn sàng bơi qua mương ào ào như đi chơi.
Tụi nhỏ nói ông Sáu đờn cò mình đồng
da sắt nên không sợ ma, có đứa còn nói ổng có phù phép. Dần dần con nít trong
xóm rất ngưỡng mộ ông. Người lớn thì nói ông Sáu đờn cò bị ma ám, bị ghiền ma,
bị ba trợn, nên ổng đâu có sợ nữa. Cũng có lý, vì nhiều đêm người ta nghe tiếng
đờn cò của ông văng vẳng bên bến nước. Con mương đã ám ảnh nhiều người, giờ lại
thêm tiếng đờn cò não nề, ai cũng thấy ớn lạnh xương sống, đố dám léo hánh đến.
Con nít và người lớn có cách giải thích riêng, nhưng dường như chỉ có cách giải
thích của những người già thì nghe hợp lý hơn cả. Người già trong làng nói ông
Sáu đờn cò mắc nợ mương Ông Cả.
* * *
Món nợ đó chắc là từ xưa lắm. Ông Sáu
nổi tiếng với ngón nghề đờn cò điêu luyện, tiếng nào cất lên cũng khứa vào lòng
người một cơn buồn não nề. Hồi còn trẻ ông Sáu đờn cò làm quản gia cho nhà ông
Hương cả. Ông Hương cả giàu nhứt xứ, đất đai rộng thênh thang. Phần đất mặt
tiền ông xây dinh thự, phía sau là đồng ruộng bạt ngàn, từ ranh đất bên nầy đi
mỏi chân chưa đến ranh bên kia. Dinh thự của ông hoành tráng, nhiều căn san sát
nhau và căn nào cũng đồ sộ. Riêng căn nhà chánh ba gian là nhà thờ dòng họ, nền
xây gạch, cột gỗ vuông, có cổ lầu, mái lợp ngói âm dương, mặt tiền trang hoàng
sặc sỡ… không thua gì ngôi đình thần của làng.
Trước đất ông Hương cả là sông lớn,
chếch góc phía bên kia sông cũng là một dinh thự nguy nga không kém - dinh ông
Hương quản làng bên. Đó là một khu nhà có tường rào song sắt, căn nhà chánh nền
đúc, tường xây gạch, sơn màu xanh lá mạ, nóc bánh ít lợp ngói đại, mặt tiền có
bốn cửa lớn. Mà ông Hương quản đó lại cực kỳ ghét ông Hương cả, cũng giống như
hai làng trước nay không ưa gì nhau. Dinh thự của hai ông cạnh tranh với nhau
thậm chí đến cả từng lớp ngói.
Dân làng luôn trầm trồ và thèm thuồng
trước sự giàu có của hai ông hương chức. Kia là cái cổ lầu cao nhìn muốn trật
ót, nọ là khu đất rộng thênh thang mà đất của cả một xóm dân nghèo gộp lại cũng
chưa bằng. Mấy miếng gạch hoa cẩn ở chánh diện căn nhà sao mà bóng loáng quá,
sặc sỡ quá. Người dân thường không dám tự ý vào trong nhà, nhưng từ xa nhìn vô
cũng đã thấy mấy cái tủ cẩn ốc xà cừ đen tuyền, mấy bức hoành phi và liễn đối
sáng rực. Mà dầu có thèm chải nước miếng, cả đời họ cũng không thể có được một
góc của dinh thự, dù là một góc nhỏ xíu.
Nhiều người dòm thấy ứa con mắt, buộc
miệng nói rằng hai ông hương chức giàu có lại ông biết làm việc phước thiện
giúp đỡ người nghèo, chỉ lo cạnh tranh, trước sau gì cũng lụng bại. Không biết
có phải do họ không thể có được như hai ông nên đâm ra ghen ghét hay không? Ờ thì
chóng mắt lên mà coi!
Hai ông hương chức chưa lụng bại mà
thù ghét nhau càng tăng lên. Không biết ông Hương quản đi đâu nghe lời ai, tự
dưng lại cho đào một con mương nằm cạnh vườn hoa bên trái khu dinh thự của
mình. Con mương trổ ra sông cái, đối diện phần đất của ông Hương cả bên kia
sông.
Có người giỏi phong thủy, mách với
ông Hương cả rằng ông Hương quản bên ấy cố tình đào con mương đâm thẳng qua đất
ông Hương cả để trù ếm gia đình ông tán gia bại sản. Rồi họ mách cho ông cách
phục thù là đào một con mương giống như vậy để “ăn miếng trả miếng”. Vậy là
mương Ông Cả ra đời. Con mương nằm ở phía dưới dinh thự của ông Hương cả, cắt
ngang hai con rạch tự nhiên của làng, trổ ra sông cái, chiếu thẳng qua ngôi nhà
thờ chánh trong dinh thự ông Hương quản phía bên kia.
Không chỉ vậy thôi, sự hiềm khích
càng được đẩy lên cao hơn khi người ta kháo nhau rằng cô Út Lụa con ông Hương
cả và cậu Tư Hè con ông Hương quản làng bên đang có tình ý với nhau. Tin động
trời, không chỉ chấn động hai dòng họ mà còn cả hai làng. Chuyện đó có thật hay
chỉ là lời đồn? Công tử và tiểu thơ của hai nhà giàu có, quá môn đăng hộ đối đi
chứ, nhưng mặc kệ, nhứt quyết không thể cho hai người đến với nhau được.
Ông Hương cả nói: “Mầy lấy thằng đó
trước sau gì tài sản nhà mình cũng bị nó lấy hết.” Cách nghĩ của ông Hương quản
cũng không khác: “Hết con gái rồi hả, mầy đâm đầu vô con nhỏ đó để nó dụ dỗ rồi
chiếm hết gia sản của mình.” Cha mẹ không cho, dòng họ không cho, cả làng cũng
nháo lên không ai tán thành, vì đơn giản làng bên nầy không ưa làng bên kia.
Chuyện nhỏ thành lớn, đổ bể ra cả làng.
Lời hăm dọa của cha làm cậu Tư Hè nao
núng, một bên là người cậu yêu, một bên là khối gia sản kết sù của cha, cậu
thấy bàn cân lệch quá nhiều. Cậu Tư Hè chọn gia sản. Cậu hẹn cô Út Lụa ra gặp
mặt lần cuối cùng để nói rằng tôi không yêu cô, cô quên tôi đi, tôi với cô lấy
nhau sẽ… Cô Út Lụa không thèm nghe nữa, bởi nghe mà không biết mình đang tỉnh
hay mơ. Cô nhìn cậu trân trối: Người tôi yêu là con người như vầy đây sau?
Huống hồ, cô còn tin tưởng cậu Tư Hè đến mức đã…
Khi cô Út Lụa còn đang đứng khóc lóc
bên cạnh cậu Tư Hè thì ông Sáu đờn cò chạy đến để bắt cô về theo lịnh của ông
Hương cả. Vừa thấy Sáu, cô Út Lụa đã hiểu chuyện gì sắp xảy ra. Sáu đờn cò chạy
đến nắm lấy hai tay cô kéo ra xa Tư Hè, hai chân cô đạp mạnh về phía trước để
chống lại, miệng gào thét dữ dội.
Do Sáu đờn cò không dám xiết quá chặt
tiểu thơ của mình, nên cô Út Lụa hất mạnh tay ra, chạy nhào đến nép bên cậu Tư
Hè. Mặc dù chuyện của cô và cậu chưa giải quyết xong, nhưng cô nghĩ trong trong
tình thế nầy có lẽ ít ra cậu cũng có thể là chỗ chở che mình. Nhưng không! Cô
không ngờ cậu nhích ra cách mình một khoảng. Cô nhìn cậu lăm lăm, nghĩ rằng lúc
nầy trông người ngợm kẻ đang đứng trước mình sao mà đê hèn quá.
Sáu đờn cò lại chạy đến và bắt cô kéo
về. Lần nầy thì cô không kháng cự nữa, hiền như con mèo vừa mới thức giấc, lặng
lẽ lê thân mình theo Sáu. Trước khi đi còn quét một tia nhìn bén ngót về phía
cậu Tư Hè, bén đến độ có thể cắt mấy sợi tơ vô hình nào đó mà hai người từng cố
công ngồi buộc lại. Đứt hết, chỉ trong một cái nhìn.
Qua khỏi mương Ông Cả một đỗi, gần
tới nhà mình, cô Út Lụa vùng chạy thoát khỏi Sáu đờn cò, băng băng quay lại
phía bến nước và phóng xuống. Sáu đờn cò không ngờ chuyện lại xảy ra bất ngờ
như vậy. Ông hoảng quá, không kịp hô hoán lên, một mình nhảy xuống mương tìm
kiếm. Sáu gần như xé toạc cả con mương. Vô ích. Tới khi ông Hương cả hay tin,
sai đám người làm chạy ra mương thì xác cô Út đã được vớt lên, không còn cứu
kịp nữa.
Đến lúc nầy người ta mới biết là
trong bụng cô Út Lụa đã có con của cậu Tư Hè. Một canh bạc và hai mạng người.
Canh bạc nầy ông Hương cả đã để thua ông Hương quản một vố quá lớn, quá nặng
nề. Thời bấy giờ, chưa chồng đã có con bị xem như nỗi nhục nhã của gia tộc,
huống hồ gì cô lại là tiểu thơ đài cát, con của người danh giá nhứt làng. Ông
Hương cả tức tối lắm nhưng không dám lên tiếng vì sợ mất mặt với làng, sợ ảnh
hưởng đến địa vị. Ông đành ngậm đắng nuốt cay ngó lão Hương quản hằng ngày đi
qua đi lại làng bên kia sông mà không thể làm gì được. Còn thằng con trời đánh
của lão thì sợ bị trả thù nên đã nhanh chóng khăn gói chạy trốn lên tỉnh.
Sáu đờn cò cũng uất lắm, ước gì có
thể đập đầu thằng Tư Hè để trả thù cho cô Út rồi đi tù cũng cam. Sáu cảm thấy
mình có lỗi, mặc dù lỗi lầm lớn nhứt không phải thuộc về ông. Nếu không có sự
ngăn cản của hai dòng họ thì chắc mọi chuyện đã không xảy ra. Nhưng, ông vẫn
giận mình hơn. Nếu hôm đó Sáu đờn cò cãi lịnh ông Hương cả, không bắt cô Út về
thì chắc cô sẽ không chết. Mà, đời thì có ai biết trước điều gì sẽ xảy ra đâu!
Sáu đờn cò còn mơ hồ dường như mình
cũng đã từng có đôi lần cảm mến cô Út. Mà cũng dường như là có thật. Cô xinh
đẹp và hiền dịu vậy mà. Song, phận tôi tớ thấp hèn, ông đâu dám mơ tưởng đến
viễn cảnh cao sang, chỉ đành giấu trong lòng, hằng ngày nhìn thấy cô đi ngang,
giúp đỡ cô vài chuyện vặt. Sáu nghĩ là chuyện mình thích cô Út sẽ sống để bụng,
chết đem theo, chứ có nói ra thì cũng được gì đâu. Sáu chỉ hy vọng cô được bình
an và hạnh phúc, vậy mà đâu ngờ… Cái chết nầy cũng có một phần tội lỗi của Sáu
đờn cò trong đó chăng?
* * *
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, những cuộc
chiến tranh, những lần loạn lạc, những phận người, những biến cố lớn nhỏ trong
làng… làm câu chuyện về hai dòng tộc dần dần bị lãng quên. Chỉ còn vài cụ già
nhớ mang máng về chuyện cũ, thỉnh thoảng nhắc cho nhau nghe. Đất đai rộng lớn
của ông Hương cả giờ đây đã không còn, chia nhỏ ra nhiều người ở. Khu dinh thự
tráng lệ ngày nay chỉ còn sót lại vài căn nhà nhỏ của đám con cháu và một cái
miếu Bà Chúa Xứ cạnh mé sông. Chỗ ngôi nhà thờ dòng họ ngày xưa đã bị san bằng,
trở thành trường học.
Khu dinh thự của ông Hương quản làng
bên còn tệ hại hơn. Bây giờ nó chỉ là một khoảng đất tan hoang, cây cối mọc um
tùm. Cơ ngơi ngày xưa của ông không còn sót lại thứ gì ngoài một bức tường rêu
loang lổ và một bờ rào gần mé đường. Tư dinh đồ sộ của hai vị hương chức giàu
có của hai làng, tất cả cũng còn là những dấu vết mờ nhòe, đầy bụi bặm của thời
gian. Nó còn sót lại như một góc thiệt buồn của nhân tình, để người ta còn có
thể nhắc nhớ nhau, có thể hoài niệm. Rằng đã có một thời, như thế.
Mọi người lại rỉ tai nhau rằng hai
dòng tộc bị tán gia bại sản cũng là do hai con mương lời nguyền mà nên. Mương
của ông Hương quản chỉ đâm qua phần đất của ông Hương cả, nên mặc dù dinh thự
không còn nhưng con cháu ông Hương Cả vẫn có nhà cửa. Còn con mương của ông
Hương cả thì chiếu thẳng qua ngôi nhà thờ chánh của ông Hương quản, nên cơ
nghiệp ông Hương quản tiêu tan tất cả. Vả lại, ông dòng họ ông Hương quản còn
nợ nhà ông Hương cả hai mạng người. Chuyện thực thực hư hư, ai mà biết được!
Sau cái chết của cô Út Lụa không lâu,
thời cuộc thay đổi, ông Sáu đờn thoát kiếp công bộc. Nhưng ông vẫn còn gắn bó
với ngôi nhà đó như một người mang nặng nợ. Mãi cho đến khi ông Hương cả qua
đời, ngôi nhà thay đổi chủ, ông Sáu mới ra đi. Chiến tranh qua đi, ông Sáu đờn
cò cất nhà mép dưới mương Ông Cả, cạnh nơi con mương trổ ra sông cái, cũng là
cái bến nước nơi cô Út Lụa gieo mình hồi ấy.
Ông Sáu đờn nhiều hơn ngày xưa, ngón
đờn cũng não nùng hơn ngày xưa. Nhiều đêm người ta lại nghe tiếng đờn cò ai oán
phát ra từ phía mương Ông Cả. Có ai hỏi, ông nói là mình nợ con mương nầy, muốn
ở đây gìn giữ nó. Trời! Con mương vẫn nằm nguyên đó, có chạy đi đâu được mà
giữ? Hay là giữ cho những vong hồn thơ thẩn trên mương một chốn để nương mình?
Ông Tư Hè cũng trở về quê sau khi
chiến tranh, dắt díu theo cả một gia đình mà ông đã có ở trên tỉnh. Đất đai ruộng
vườn xưa đã không còn, ông sang làng bên kia sông để cất nhà, đó là ngôi làng
xưa kia ông từng nặng nợ với một gia đình. Nhà ông Tư Hè cũng ở gần mương Ông
Cả, nhưng là ở mép trên, nằm vào khúc giữa con mương. Từ ngày sang cất nhà cạnh
con mương, ông bắt đầu ăn chay niệm Phật, tu nhân tích đức, làm việc phước
thiện. Ông muốn sống những ngày cuối đời ở nơi đây để chờ đợi, để làm điều gì
đó, hy vọng bù đắp được phần nào tội lỗi.
Đã lâu lắm rồi không ai nhắc lại
chuyện công tử Tư Hè và tiểu thơ Út Lụa ngày xưa, kể cả Sáu đờn cò. Còn có được
mấy ai nhớ, nếu không phải là những ông bà già bảy tám mươi tuổi. Ông Tư Hè
không bao giờ nhắc lại chuyện đau lòng đã xa lắc lơ đó. Nhưng hôm nay câu
chuyện vốn tưởng nằm im trong lòng nước bỗng dưng được người ta khơi lại sau
cái chết của con bé Ngân, thì làm sao ông không khỏi suy tư?
Ngày đó ông bỏ cô Út Lụa để mong trở
thành người thừa hưởng gia tài của cha. Nhưng cuối cùng gia tài cũng chẳng còn
gì mà ông lại phải mang trên mình món nợ quá nặng nề. Món nợ đó, dài cả đời
người. Thiên hạ nói rằng cái chết của con bé Ngân là quả báo cho ông, thì cũng
không phải họ nói càng. Nhưng ông Tư Hè thì không nghĩ vậy. Không phải là ông
không tin quả báo, cũng không phải ông phủi bỏ lầm lỗi của mình năm xưa, hay là
cho rằng những việc phước thiện của mình có thể xóa bỏ tội lỗi.
Tất cả những điều trong quá khứ mãi
thuộc về quá khứ. Ông chưa bao giờ thôi hứng chịu quả báo cho việc làm của
mình. Quả báo không phải không có, chỉ là thiên hạ không thấy, bởi họ đâu phải
là ông. Họ làm sao biết được những gì hằng ngày ông nếm trải, nó thuộc về tâm
hồn. Còn con bé Ngân… Ông lại thở dài, chỉ là con nhỏ vắn số, thiên thần nhỏ
của ông sẽ đến một thế giới khác tươi đẹp hơn. Ai lại nỡ giáng tội của một ông
già già lên đầu đứa bé gái chỉ mới mười tuổi đó chứ?
Cả ông và Sáu đờn cò, hai con người,
hai số phận, một từng là công tử, một từng là công bộc. Nay họ trở về đây, một
người sống mép trên, một người sống mép dưới con mương, để cùng chung một sở
nguyện. Họ cảm thấy mình có tội với người xấu số kia, mắc nợ với con mương và
bến nước nầy. Nửa cuộc đời đã vùn vụt trôi, cuốn theo bao thăng trầm. Khi tóc
đã lệch hơn về phía trắng, những buồn giận oán thù còn gì đâu cho một kiếp nhơn
sanh. Cuối cùng tất cả không khắc những làn sóng mỏng lững lờ trên bến nước -
ngày ấy và đến cả bây giờ. Bến nước của một đời người! Những con người sống
tiếp tục làm nhân chứng cho một thời, giữ gìn những góc ký ức của ngày xa lắc,
nhắc nhớ nhau rằng mình vẫn còn cái gì đó để chờ đợi, để vương vấn, để đáp đền…
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét