Cù lao Giêng dài khoảng 14 km, rộng
khoảng 4 km, nằm giữa sông Tiền, thuộc huyện Chợ Mới. Cù lao còn có
nhiều tên gọi khác như cù lao Đầu Nước, Diên, Riêng, Ven… Tên cù lao nầy trong
thư tịch triều Nguyễn là Doanh Châu (châu: cù lao), bên cạnh đó tên cù lao nầy
trong tiếng Khmer là koh Teng (koh: cù lao). Cù lao Giêng là nơi được khai phá
sớm, năm 1700, lưu dân và binh lính theo Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào phương
Nam, một số đã quyết định ở lại định cư lâu dài trên cù lao Giêng.
Hiện nay trên cù lao Giêng có ba xã Tấn
Mỹ, Mỹ Hiệp, Bình Phước Xuân. Đường quê ở cù lao
Giêng yên ắng, còn đậm đặc hương vị miệt vườn
với hai bên là những vườn cây sum sê, xanh mướt. Nơi đây còn khá nhiều
kiến trúc cổ xưa, đặc sắc và được bảo quản tốt. Trải qua bao cuộc bể dâu nhưng
những di tích ấy vẫn sừng sững giữa làng quê thanh bình. Người ta tìm đến như một sự hoài niệm về một thời xa xăm.
Muốn có một góc yên bình trong tâm hồn,
bạn có thể đến chùa Phước Thành và chùa Phước
Minh ở xã Bình Phước Xuân. Chùa Phước Thành có diện tích rộng lớn, mang
phong cách kiến trúc cổ Á Đông kết hợp với dáng dấp Ấn - Hồi. Chùa Phước Minh
còn gọi là chùa Bà Vú, vì ngày xưa vị sư nữ lập chùa có nhận trẻ mồ côi về
nuôi. Điểm nhấn chính của chùa hiện nay là ngọn tháp chín tầng nổi bật, mang
phong cách kiến trúc Phật giáo Huế.
Xã Tấn Mỹ nằm
ở đầu cù lao Giêng có chùa Thành Hoa. Chùa còn có tên khác là chùa Đạo Nằm vì vị
tôn sư từng tu hành theo một phương pháp lạ là nằm thiền.
Người sáng lập
là hòa thượng Tịnh Nghiêm (1904 - 1954), tên thật là Trần Hữu Thế, quê ở Đồng
Tháp. Tuổi trưởng thành, ông đến cù lao Giêng, phát tâm xuất gia ở chùa Phước
Thành (xã Bình Phước Xuân). Sau đó, ông nằm tu hành suốt chín năm. Hết chín
năm, ông trở lại sinh hoạt bình thường, bắt đầu thuyết pháp và thu nhận tín đồ.
Vì cách tu kỳ lạ đó, dân gian gọi ông là ông Đạo Nằm và chùa Thành Hoa là chùa
Đạo Nằm.
Chùa Thành Hoa có kiến trúc trang
nhã, trang trí nhiều bức tranh vẽ sự tích cuộc đời Đức Phật. Trước chùa có hồ
sen lớn và nhiều cây xanh làm cho không gian như trải rộng ra. Sau chùa là Tổ
đường được trang hoàn lộng lẫy, điểm nhấn là chiếc ghế của ông Đạo Nằm được chạm
trổ tinh xảo. Tháp mộ của ông Đạo Nằm bên cạnh chùa, nổi bật với nhiều hoa văn
họa tiết trang trí được đắp nổi bằng gốm tráng men rực rỡ màu sắc. Trong tháp
có quan tài của ông bằng xi măng, nhưng không chôn xuống đất mà đặt lộ thiên.
Phủ thờ và lăng Ba Quan Thượng Đẳng
Xã Bình Phước Xuân ở cuối cù lao
Giêng có lăng Ba Quan Thượng Đẳng và phủ thờ Nguyễn Tộc. Đây là nơi an nghỉ của
ba vị tướng họ Nguyễn, tham gia chiến đấu cho sự nghiệp phục quốc của chúa Nguyễn
Ánh. Người anh cả là Nguyễn Văn Thư, được phong tước Thư Ngọc Hầu, một danh tướng
nổi tiếng ở miền Nam. Hai em của ông là Chánh ngự quân Nguyễn Văn Kinh và Hậu
ngự quân Nguyễn Văn Diện.
Năm 1801, họ đã hy sinh trong trận thủy
chiến ác liệt trên cửa biển Thị Nại và thi
thể chìm dưới biển sâu. Mãi đến năm 1814, triều đình mới báo hung tin về
gia đình và cho làm ba hình nhân tượng trưng bằng sáp đưa về mai táng tại quê hương. Bởi thế, đây là một trong những
khu lăng mộ danh tướng triều Nguyễn có niên đại cao nhứt nhì ở miền Nam.
Gọi là lăng
nhưng thực chất chỉ là
ba nấm mộ nhỏ, đơn sơ, bình dị giữa vườn quê yên tĩnh. Ba ngôi mộ có dáng dấp kỳ
lạ vì được tạc hình dáng ba con vật là mực, cá chép và rùa. Ba con vật này đọc
theo âm Hán - Việt là mặc - lý - quy, kết hợp
lại mang hàm nghĩa sâu sắc: về trong im lặng. Qua đó, ngụ ý ba vị tướng
từng lăn lộn giữa sa trường nay trở về nằm yên lặng giữa quê hương - một thông
điệp hết sức nhân văn.
Làng nghề mộc Chợ Thủ
Chợ Thủ là
một ngôi chợ có từ rất lâu, thuộc xã Long Điền A, huyện Chợ Mới. Nơi đây thời Nguyễn có đặt thủ Chiến
Sai (thủ là đồn binh nhỏ), nên thành địa danh. Làng nghề mộc Chợ Thủ được hình
thành cuối thế kỷ XIX, bắt nguồn từ nghề chạm khắc mộc miền Trung mà các lưu dân đã đem theo trong quá trình Nam tiến.
Từ đó đến nay, làng nghề luôn lưu truyền và phát triển qua nhiều thế hệ
với những người thợ có tay nghề khéo léo.
Các sản phẩm chủ yếu là đồ dùng gia
đình như tủ quần áo, bàn ghế, giường, trường kỷ… và các vật dụng trang trí
trong thờ cúng như tủ thờ, tượng, liễn đối, bao lam thành vọng… được chạm khắc
tài hoa, điêu luyện. Về kỹ thuật chạm khắc mộc Chợ Thủ có bốn loại chính: chạm trổ, chạm lộng, chạm nổi, chạm âm. Các đề tài
được thể hiện trên sản phẩm rất phong phú như tứ quý, tứ linh, bát tiên, lưỡng long tranh châu, hoa lá, chim thú…
qua đó phần nào chuyển tải được những
nét đẹp văn hóa cổ truyền.
Mộc Chợ Thủ
ngày nay là một thương hiệu nổi tiếng được nhiều người ưa chuộng.
Chất lượng của các sản phẩm đều rất tốt và càng ngày càng được nâng cao.
Sản phẩm của làng nghề mộc Chợ Thủ không chỉ được bán ở khắp các tỉnh thành miền
Nam mà còn ra đến tận nước ngoài.
Dinh Lễ Thành Hầu
Để tưởng nhớ và ghi ơn người góp phần
làm rạng danh lịch sử mở mang bờ cõi, Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh luôn được
người miền Nam tôn vinh. Riêng tại An Giang hiện có rất nhiều đình, miếu, dinh
thờ ông. Trong đó, huyện Chợ Mới - nơi ông từng dừng quân trên đường kinh lý
Chân Lạp trở về - có nhiều đền thờ lớn và cổ xưa dinh Ông xã Kiến An, dinh Ông
thị trấn Chợ Mới, dinh Ông xã An Thạnh Trung, đình thần Long Kiến…
Dinh Lễ Thành Hầu
ở xã Kiến An nằm bên bờ sông Ông Chưởng, còn gọi là Dinh Ông, là đền thờ được xây dựng từ khá sớm.
Dinh mang phong cách kiến trúc cổ truyền dân tộc, kết hợp một số nét phương
Tây. Ngoại thất nhìn chung tương đối đơn giản, bộ nóc chính có ba cấp mái từ
trên cao lan dần xuống thấp, các cửa ra vào và cửa sổ dạng vòm khá trang nhã,
thanh lịch.
Nội thất dinh thờ được trang hoàng lộng
lẫy với nhiều hoành phi, liễn đối, bao lam thành vọng… được chạm khắc điêu luyện
và sơn son thép vàng nổi bật. Ở giữa chánh điện là bàn thờ Lễ Thành Hầu được
trang trí tôn nghiêm, phía trước là chân
dung ông, phía sau nổi bật với ba chữ
Hán “Thượng đẳng thần”. Dinh tổ chức giỗ Lễ Thành Hầu vào mùng 7 - 8 - 9
tháng 5 âm lịch hằng năm.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét