Lam Tuyền là cây bút trẻ 8X đến từ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Chị xuất thân từ ngành phát thanh - truyền hình, công việc hiện tại là viết kịch bản phim. Ngoài ra, chị còn viết truyện ngắn và có nhiều tác phẩm được giới thiệu trên tập san Áo trắng. Xin giới thiệu truyện ngắn Giọng ca oan nghiệt của Lam Tuyền!
* * *
Trời phú sanh cho Văn giọng hát hay nức
tiếng. Bao nhiêu gái trong làng chết đứ đừ cũng bởi giọng ca nghe mùi muốn rụng
cái rún, vậy chớ Văn chỉ một lòng chung thủy với Út Lài. Bữa nghe Văn hát, tôi
biểu giọng ca này mà chỉ phục vụ cho đám cưới trong làng, coi sao ích kỷ quá chời!
Văn cười: “Tui thấy tía má già cả, ốm đau cực khổ, bỏ đi xa tui chịu hổng nổi!
Với lại giọng ca tui vầy chớ coi bộ thiếu sông, thiếu nước coi như hết hay rồi!”.
Hai anh em đang nhậu lai rai, Út Lài qua chơi, tôi nói đùa tếu táo: “Chừng nào
mày cưới Út Lài? Hát đám cưới người ta hoài, bao giờ mới hát cho đám cưới mình
đây?”. Út Lài cười giả tảng ngó lơ đi chỗ khác mà đôi mắt vẫn liếc xéo Văn vẻ mong
ngóng. Văn (lại) cười “Không biết mày ơi, tui còn lo cho con Lượm, con Rớt trước
đã, tía má đi bán muối, còn mình ơn tui hà!”. “Vậy chớ mày không thương Út Lài
sao?”. Văn ngó chừng tấm lưng Út Lài “Thương, thương thiệt!”. Út Lài nghe xong
cười giòn rồi xuống bến bỏ về.
Thương mà không biết tính làm sao…
Bữa kia ghé thăm Văn, thấy Văn ăn vận chỉnh
tề, khuôn mặt đỏ au, nhắm chừng mới đi hát đám nào về đây mà. Văn thấy tôi, liền
chui vô nhà lấy ra chai rượu cười khanh khách: “Làm ly mừng đám cưới Út Lài
nghen mày!”. Ra là Văn mới ca cho đám Út Lài.
Văn ngồi trên nhà, gõ chén ca, giọng ca
thêm rượu thần sầu.
“Ơ
ơ ai xui mà con sáo cái nọ sang sông cái nọ sang ngỡ ơ cho nên, cái mà
con sáo ơ ơ sổ lồng cái kìa bay xa cái kìa bay xa cái lý em ở, cái lý
chàng đi…”
Chèn đéc ơi, trong đời tôi chưa được
nghe bài Lý con sáo sang sông nào mà đứt ruột gan như vậy! Tôi buột miệng: “Thì
mày đưa con sáo của mày sang sông chớ ai?”. Văn ngưng hát, miệng lầm bầm: “Chớ
bắt người ta chờ mình tới chừng nào?”…
“Ủa chứ sau này mày còn ca nữa hông?”
“Ca chớ, hổng ca lấy giống gì nuôi con
Lượm, mà năm nay con Rớt đang làm luận án tốt nghiệp rồi”.
“Ừa, có cây đờn này thủ thỉ mỗi tối, chắc
bớt cô đơn lắm?”
* * *
Bẵng đi một thời gian, lâu thiệt lâu tôi
mới về lại xứ này thăm Văn sau những chuyến công tác biền biệt. Vào nhà thấy cái đờn treo lủng lẳng trên trần
nhà, lớp bụi bám dày lên mặt đờn, hổng dám chừng Văn bỏ nghề quá! Xế chiều, Văn
về lại gác chòi của mình, chân tay lấm lem bùn lầy, còn vác theo cán cuốc trên vai,
mấy con ếch giãy giụa, đánh đu sợi dây treo thong lòng trên cán cuốc. Gặp tôi,
Văn cười mừng rỡ như gặp phải cố nhân.
Hai anh em lai rai chai rượu đế với đĩa ếch
xào lăn làm mồi nhậu. Ngồi nhâm nhi ngót nghét chai rượu vơi cạn đáy mà không
thấy Văn gõ chén cất giọng ca như hồi trước, cảm giác như bị tôi đang soi mói
nhìn mình, Văn cười buồn biểu: “Nghỉ hát lâu rồi, về hưu sớm cho lớp lang tụi
nhỏ còn đất sống, coi vậy chớ thanh niên xứ này còn mê tuồng cổ hổng thua gì thời
tụi mình đâu à nghen, kể cùng mừng thiệt! Mà dạo này hát cũng ế ẩm lắm mày ơi,
chắc tui hết thời rồi!”
Văn tưởng nói vậy là tôi tin chắc, cái
thằng, thật thà là vậy mà cũng có lúc biết nói dối, chắc là có chuyện gì đó xảy
ra? Dạo một vòng trong xóm, mới biết lý do Văn bỏ nghiệp ca. Nghe đâu Út Lài lấy
chồng rồi mà vẫn mê giọng ca của Văn mới oan nghiệt chớ. Hễ nghe Văn hát cho
đám nào là Út Lài cũng lén chồng, chèo xuồng vượt lau lách tìm tới đám tiệc, đứng
nép một gốc cây không quá gần để tránh mặt Văn nhưng cũng không quá xa đủ để
nghe được Văn ca. Bữa nọ, Văn đang ca trên sân khấu, chợt thấy phía sau lưng của
một cô gái, rưng rưng đôi vai chừng nức nở lắm, Văn nhận ra ngay Út Lài (gớm,
thương gì cho lắm, nhìn cái nhận ra người thương ngay). Văn phải bỏ tiền ra nhờ
ban nhạc khác hát thay mình, rồi lặng lẽ bỏ ra sau hè trốn về nhà. Chừng, Văn
chỉ nhận những đám ở xa thiệt xa, càng xa xứ chồng của Út Lài càng tốt. Vậy mà
vẫn thấy bóng dáng Út Lài nép mình sau gốc cây, ngồi nghe Văn ca, ở gần đó, chồng
của Út Lài ngồi rít thuốc ngoảnh mặt ra mạn sông, ngó chừng cô quạnh. Rồi thời
gian sau, ban nhạc của Văn cũng rã đám luôn.
Nghe xong, tôi đi tìm Út Lài, hổng biết
tìm để làm chi, để trách Út Lài khiến thằng Văn chịu thiệt thòi hay biểu Út Lài
bỏ chồng. Lúc đến, Út Lài đang ngồi mé sông chà cọ mấy cái xoong, thấy tôi, Út
Lài mừng rỡ (kiểu như thằng Văn mừng khi gặp tôi): “Ủa, Chín dzìa ăn đám ai hả?
Anh Văn có hát giúp vui hôn?”. “Tại ai mà nó bỏ… mà lấy chồng rồi còn mê gì nó
hả Út Lài?”. “Em có mê gì ảnh đâu, em chỉ mê giọng ca thôi, hổng nghe là hổng
chịu được Chín ơi! Mà nghe giọng ảnh ca là em biết ngay ảnh bịnh hay khỏe hà!”.
Gì vậy nè chèn, phải duyên phải phận so le không hả chèn?
Tự nhiên thèm được nghe giọng ca của Văn
quá chừng! Văn nghỉ ca, xứ này chịu thiệt thòi nhất!
Mà hình như những người chung thủy như
thằng Văn này lại càng cứng đầu, lì lợm, tôi có làm thế nào cũng không nảy cái
miệng nó ra được lần nào! Tôi biểu Văn: “Mày không ca thì tui chả buồn về xứ
này nữa!”. Văn chỉ cười hổng thèm mở lòng níu kéo tôi một lần: “Xứ khỉ ho cò
gáy này có gì hay đâu, coi chớ đi một ngày là hết thứ để ngắm, mày đi tây đi ta
mở mang tầm mắt, sướng hết biết!”. Hết Út Lài rồi đến tôi, Văn cứ lần lượt đẩy
chúng tôi rời xa nó, làm như kiếp trước nó bị phong bị hủi nên kiếp này hổng
dám gần người thương, sợ lây bệnh (của kiếp trước)?
* * *
“Con Lượm với
con Rớt đứa chồng con đề huề, đứa ra trường hết rồi, còn mình ơn mày với cái đờn
bám đầy bụi, mày cứ vậy cho hết kiếp hả Văn?” – tôi cứ như con đàn bà quanh quẩn
bên nó, léo nhéo ca cẩm cho cái kiếp độc ca của nó. Văn nốc cạn ly rượu đế mà
cái mặt cứ tỉnh bơ nói trổng không: “Út Lài nó…bị chồng đánh hoài mày ơi!”
Chuyện này tôi cũng có nghe mấy bà tám
xì xầm, cũng biết chút ít, cái số Út Lài nghe ra cũng không khá gì hơn thằng
Văn. Số là lấy chồng bao năm mà Út Lài vẫn chưa sanh được cho nhà chồng thằng
cu nối dõi tông đường. Lời ra tán vào, kẻ thì bảo lỗi do thằng chồng nó bị tịt,
người thì nói tại Út Lài. Tất nhiên là nhà chồng con Út lồng lộn gào thét lên
kêu oan, trăm dâu đổ đầu tằm, Út Lài chỉ biết ngậm bồ hòn, đóng vai câm điếc
như lời mẹ con Út biểu: “Đời người con gái lấy chồng như thuyền cập bến, bến
trong thì nhờ, bến đục thì chịu!”.
Thằng chồng Út Lài lúc trước hiền như cục
bột, kỳ mới rước vợ về, biết vợ mê giọng ca của Văn, chiều vợ nên nó còn chèo
xuồng chở Út Lài đến coi thằng Văn hát đám cưới đó chớ, hi vọng vợ nó từ từ sẽ
nguôi ngoai. Nó ngồi trên xuồng nhìn đám lục bình trôi bồng bềnh, Út Lài vẫn
nép sát gốc chuối nhìn Văn hát, đôi tai dõng lên nghe Văn ca, còn thằng Văn vừa
hát vừa cố thu mình lại không dám nhìn về chỗ con Lài núp! Đời nghiệt, kể ra biết
thương ai xót ai và trách ai bi chừ?
Kỳ, Văn nghỉ ca tưởng đâu ai nấy an phận,
hổng dè vợ chồng Út Lài gặp chuyện, chồng Út Lài buồn rầu, đâm ra tính mê rượu
hơn mê vợ, riết thành con ma men, cứ mỗi lần đi nhậu về lại lôi Út Lài ra chì
chiết, cay nghiến biểu lòng Út Lài chỉ có thằng Văn nên không chịu sanh con cho
nó. Thấy Út Lài không phản kháng, nó càng lên cơn, đánh Út Lài trút giận. Sáng
mai nhìn vết bầm trên mặt vợ lại cuống quýt xin lỗi mong vợ tha thứ.
Người ta biểu tơ duyên oan nghiệt chắc
là để dành cho ba người ấy, cái duyên cái số vậy chỉ biết ngó lên nhìn ông trời
trút tiếng than khẽ chứ hổng dám oán! “Mày còn thương Út Lài coi đưa nhau trốn khỏi
cái xứ này đi!” – tôi buồn miệng nói vu vơ giữa buổi chén tạc chèn thù, Văn lắc
đầu cười buồn rồi nín thinh. Phải rồi, ai làm vậy, tội chết, tôi bậy bạ hết sức
hà!
Mấy tháng sau, tôi về mới hay tin Văn dẫn
Út Lài trốn đi biệt xứ thiệt thiệt. Chồng Út Lài nghe tôi về liền kéo đến tìm
tôi hỏi thăm tin tức Văn với Út Lài. Chèn ơi, cái miệng tôi xúi bậy xúi dại. Bữa
đó, Út Lài bị chồng đánh, Út Lài hoảng sợ chạy trốn đòn roi, hổng dè gặp Văn giữa
đàng, rồi hai đứa khăn gói đi luôn trong đêm mưa trút, ba tháng nay không thấy
quay về nữa. Vừa may, mùa này nước lớn, chúng nó kéo nhau thoát khỏi cơn lũ, đã
đi rồi cố gắng tìm đến vùng đất cao ráo chút nghen Văn!
* * *
Tôi gặp lại Văn vào một ngày bất ngờ.
Hôm đó, tôi cùng mấy ông đồng nghiệp đi làm vài chén ở quán nhậu ven sông. Có lẽ
nơi đây trăng thanh gió mát, bên mép sông lúc nào cũng có xuồng ghe dập dềnh
theo con sóng đã níu kéo tôi, con sông, nải chuối, trái thơm treo lủng lẳng
trên đầu mỗi con xuồng, vừa uống rượu vừa nghe mấy anh chàng ca sỹ kẹo kéo hát
dân ca, coi “đỡ nhớ quê”. Có điều ca sỹ hát dạo ở đây hát hổng mùi mẫn bằng giọng
ca của Văn, có lẽ tôi cũng như Út Lài, bị mê giọng ca của nó, chợt nghĩ, giờ Út
Lài là sướng nhất đời! Đang miên man dòng suy nghĩ đó, chợt giọng ca mùi rụng
rún của Văn vang lên, không lẫn vào đâu được, chỉ có thể là thằng Văn và quả
thiệt là Văn miệt vườn, nó đang đứng hát trước mặt tôi, lấp ló đằng sau là thằng
nhóc con, nhắm chừng cũng 13 - 15 tuổi, hổng lẽ là con của Văn với Út Lài?
Nhưng sao nhìn kỹ mặt thằng cu, tôi lại nhớ đến một gương mặt khác!
Văn kéo tôi về nhà, căn gác hiện tại cũng
đơn giản, cách bố trí không khác gì căn chòi lá của Văn hồi còn ở quê. Ngó dáo
dác chung quanh không thấy Út Lài, dường như đọc được suy nghĩ của tôi, Văn phá
vỡ không gian thinh lặng với giọng nói nặng trĩu: “Út Lài mất khi sanh thằng Cò
đó Chín à!”. “Sao cái số khổ cứ mãi đeo mày vậy Văn?”. “Ai biết, chắc kiếp trước
ở ác, kiếp này tui phải trả nợ cả đời mới hết tội quá Sáu ơi! Cũng sắp đến hồi
trả dứt nợ, tui ra đi cũng nhẹ gánh, thằng Cò, tui nhờ Chín đưa nó về đoàn tụ với
chồng Út Lài, tui sanh lòng ích kỷ, làm ba thằng Cò mười lăm năm cũng đủ rồi!”.
Chèn ơi, hóa ra gương mặt tôi ngờ ngợ khi thấy thằng Cò là chồng Út Lài, hổng
sai nét nào! Gì kỳ vậy chèn?
Kỳ đó, Út Lài bỏ trốn cùng với Văn khi vừa
mang cốt nhục của chồng, Út Lài bị đánh nhiều quá đâm bị ám ảnh, chỉ mong thoát
được cảnh đánh đập, Văn bàn với Út Lài tạm thời lánh nạn, chờ đứa con được lành
lặn sinh ra rồi về gặp lại chồng cúi đầu tạ tội. Hổng dè, sức khỏe Út Lài yếu
quá, chỉ còn thoi thóp cố gắng rặn ra thằng Cò rồi trút hơi liền đó, cứ như
trút được món nợ với nhà chồng, nhưng còn món nợ với thằng Văn, Út Lài quên hả
chèn?
“Là tui nợ Út Lài đó chớ!” – tự nhiên
nghe đâu đó tiếng thở dài của con sóng ngày xưa...
LAM TUYỀN
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét