Tại sao lại bảo là ăn Tết mà không phải là chơi Tết, vui Tết? Có nhiều lý giải.
Người cho rằng, do ngày xưa người Việt nghèo đói, kể cả các vùng nông thôn ngày nay vẫn còn nghèo đói, Tết là dịp để quần tụ, ăn uống, cỗ bàn, nên gọi là ăn Tết.
Hiểu vậy là hiểu phần ngọn, bề ngoài của ngôn ngữ và giải thích nó theo cái nghĩa thô mộc nhất. Và như vậy là chưa hiểu về văn hóa và nghệ thuật của hai chữ ăn Tết.
Tạo hóa tạo ra con người, và con người tạo ra món ăn. Món ăn của con người không chỉ là thức ăn mà đã được nâng lên thành nghệ thuật từ cách chế biến cho đến trình bày và cách ăn. Ăn không chỉ như động vật ăn để sống, để tồn tại, mà con người ăn còn là để thưởng thức. Và, người biết thưởng thức là người biết cảm ơn người làm ra thực phẩm, người chế biến cho mình, biết nhường nhau, mời nhau, biết cách ăn thế nào cho phải. Chẳng thế mà ông bà ta dạy “ăn trồng nồi, ngồi trông hướng” hay “học ăn, học nói, học gói, học mở” …
Tết cổ truyền, người Việt chú trọng chăm lo cái ăn dâng cúng trời đất để tạ ơn, cầu cho năm mới mưa thuận gió hòa, an lành, hanh thông, bội thu, dâng cúng cho người đã chết để nhớ về nguồn cội, sau đó mới là phần quần tụ, sẻ chia thức ăn, mời nhau. Các món ăn ngày Tết phong phú theo vùng miền, được chăm chút chuẩn bị nấu nướng cầu kỳ công phu làm ra món ăn ngon nhất với sự kết hợp tinh túy để dâng cúng và mời nhau. Ăn Tết là một từ rất đẹp, bao gồm nhiều tầng nghĩa ngữ mà duy chỉ người Việt mới có.
Mâm cơm cúng Tết miền Bắc không thể thiếu con gà luộc, đĩa xôi, bánh chưng xanh, bát canh măng, thịt đông. Mâm cơm cúng Tết miền Nam không thể thiếu con gà luộc, đòn bánh tét, thịt kho nước dừa, rau củ xào, tô canh tùy ý, đĩa rau xanh. Ngoài ra, còn là giò chả, nem rán, gỏi trộn… các loại.
Ăn Tết ngày xưa còn là những ngày dành cho con cháu trong gia đình ở muôn nơi quần tụ về, là dịp để mừng một năm thu hoạch, và cũng phụ thuộc vào thời tiết vụ mùa nên thường kéo dài, “tháng Giêng là tháng ăn chơi, tháng hai trồng đậu trồng khoai trồng cà”… Nhưng ngày nay, hội nhập với thế giới và phụ thuộc vào công việc nên ngày Tết chỉ còn rút gọn lại ba ngày.
Chỉ còn ba ngày Tết, nhưng sự chuẩn bị ăn Tết thì phần đông người Việt vẫn giữ tục lệ nấu nướng dâng cúng và mời nhau. Các bà, các mẹ, các chị vẫn chợ búa sắm sửa các món chuẩn bị đủ đầy “làm cả năm ăn ba ngày Tết”. Nhà nào cuối năm không sắp soạn được mâm cơm cúng trời đất, đón rước ông bà về ăn Tết là áy náy, tự thấy có lỗi.
Miền Nam, các bà, các mẹ ngày 26-27 Tết đã lo hối thúc con cháu bẻ dừa, mổ heo. Thịt heo xả ra, phần đùi và thịt ba chỉ một phần được đem kho với nước dừa, một phần dành gói bánh tét, đầu heo luộc, thái mỏng, nhúng vô hũ giấm tỏi ớt làm món nhắm đưa cay. Lòng heo thì nấu luôn nồi cháo cho con cháu xúm xít xì xụp, thêm xị đế thưởng cho một ngày lao động mệt nhọc. Tiếng nói tiếng cười hân hoan. Trong dịp này, mọi hiềm khích, giận hờn đều được xí xóa bỏ qua. Những bậc cao tuổi trong họ trong nhà thường đóng vai trò hòa giải, với câu kết “Tết mà!”. Ta thấy, cái sự ăn đâu chỉ là ăn, mà còn là nhân bản.
Nói thì dễ, nhưng để nấu được các món ăn ngày Tết ngon lành, đạt yêu cầu để dâng cúng và tự tin mời khách, cũng như để gia đình có những bữa ăn ngon ngày xum họp thật chẳng dễ chút nào. Cái bánh chưng xanh phải vuông thành góc cạnh, dây lạt buộc phải chia đủ 9 ô, nếp dẽ dặt, đậu xanh mịn màng, lớp thịt ba chỉ mỏng vừa, béo ngậy, thơm hạt tiêu, vị mặn vừa phải. Lột lá bánh, cắt bánh bằng dây lạt cũng là một nghệ thuật. Các mẹ bảo “ăn bánh chưng mà cắt bằng dao thì chưa phải là dâu khéo!”.
Cái sự ăn ở đây đã trở thành một cách đánh giá nhận xét về sự khéo léo của con người. Bánh tét ở miền Nam thì lại được dùng dao cắt khoanh mỏng, còn nguyên lá, người ăn cầm khoanh bánh, ăn tới đâu lột bỏ dần lớp lá tới đó, không bị bẩn tay, mà khúc bánh còn lại cũng khá dễ bảo quản nếu không dùng hết. Cái ăn lúc này lại thể hiện rõ sự thực dụng, thể hiện đúng phong cách vùng miền.
Miền Bắc có món thịt đông do thời tiết vào mùa Tết thường rét, thịt chân giò, thịt đùi và nhứt thiết phải có thêm vài miếng da lợn để tạo độ keo dính, nước mắm ngon, hạt tiêu rang xay, có nơi còn cho vào chút mộc nhỉ, đun mềm kỹ, cho ra bát, để yên, thời tiết lạnh làm cho bát thịt tự đông, ăn kèm dưa cải muối.
Miền Nam có thịt kho nước dừa và trứng. Thịt thái to bằng nửa bàn tay, luộc qua, rửa sạch, ướp chút nước mắm, tiêu, nước hành tỏi ớt, và một thìa nhỏ nước chanh tươi. Nồi nước dừa đun sôi, gắp thịt cho vào, đun sôi, nhỏ lửa, vớt bọt, liu riu lửa, chút chút lại nêm thìa nước mắm. Thịt mềm dần, thấm nước dừa chuyển màu cánh gián, ngấm dần nước mắm đậm đà, mềm rệu nhưng vẫn nguyên bản thịt và mỡ thì trong, ăn kèm củ kiệu dưa chua. Hai món đặc trưng, cầu kỳ, hầu như cứ Tết là nhà nào cũng có. Mâm cơm Tết thiếu hai món này thì chưa phải là cơm Tết. Tại sao vậy? Tôi không biết nữa.
Có không ít người than phiền Tết gây tốn kém nhiều tiền của, phải lễ Tết sếp lớn sếp nhỏ, phải chuẩn bị cỗ bàn dâng cúng, tiếp đón khách mệt mỏi, phải về bên nội bên ngoại xa xôi, phải lì xì, có người còn cho rằng ăn Tết cổ truyền là Tết theo lịch của Trung Hoa… Rồi họ cho rằng nên bỏ phức Tết cổ truyền, chỉ vui theo Tết Tây là đủ cho tiết kiệm thời gian, tiền bạc và công sức.
Tôi không hình dung ra nếu bỏ Tết cổ truyền thì sẽ như thế nào. Những đứa con xa sẽ quần tụ về nhà vào dịp Giáng sinh cho dù không theo đạo và ăn Tết Tây bằng gà tây nhồi, nướng? Hay bỏ luôn phần ăn với quan niệm những thức ăn ngày Tết ở chợ bán đầy vào bất cứ ngày nào nên ngày Tết không cần phải chuẩn bị nấu nướng nhọc người? Bỏ luôn phần dâng cúng đất trời, ông bà?
Người Việt ngày nay bị dạy “tôn giáo là thuốc phiện” để chỉ còn tin vào mỗi một chủ thuyết mà suy cho cùng nó cũng là một thứ tôn giáo kiểu mới nhưng trá hình. Con người không có điểm tựa để giải quyết nhu cầu về tâm lý, nói văn hoa hơn là chăm sóc nâng đỡ phần hồn, nên mới làm bậy mà không sợ gì cả.
Bỏ Tết cổ truyền là bỏ luôn một phần văn hóa, bỏ luôn cái nhân bản trong hỉ xả, tha thứ “Tết mà!”. Khi phủ nhận tất cả các giá trị văn hóa, không nhìn thấy cái đẹp của nó mà chỉ thấy sự bất tiện, mà phần đa là do con người mới sau này đặt để thêm ra, rồi từ bỏ, phủ nhận hoàn toàn là khi con người đang bị lung lạc và không biết tin vào đâu trong một xã hội nơi các giá trị bị đảo lộn, hiểu sai.
Người Việt cho dù đi muôn nơi, làm muôn việc, nhưng khi ngày Tết đến vẫn mong ngóng về nhà với những hồi ức thật đẹp trong niềm mong xum họp, vui vầy. Con người với đầy đủ các tính yêu ghét giận buồn vẫn mong muốn có dịp để bỏ qua, để tha thứ. Những người con xa quê vẫn đau đáu nhớ và cố gắng gìn giữ chút hương vị quê nhà.
Ngày càng nhiều người than phiền mệt mỏi mỗi độ Tết đến, họ không tìm được niềm tin, hi vọng trong việc trả lễ, nhớ ơn trời đất, không tìm được sự vui thú trong chính cả việc chăm sóc bữa ăn ngon cho gia đình con cái của mình trong ngày Tết, thì… bỏ ăn Tết người ta vẫn sẽ có đủ lý do để than phiền trong mọi việc, mọi bữa ăn hằng ngày vậy.
HIỆU MINH
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét