Dấu xưa giữa làng quê bình dị
Hiện nay, xã Bình Thủy có khoảng 30 ngôi nhà cổ lớn nhỏ,
được xây dựng từ những năm cuối thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX. Các ngôi nhà
cổ có hai loại là nhà gỗ và nhà tường, quy mô và giá trị nghệ thuật khác nhau.
Ngôi nhà xưa nhứt cù lao là Hồ phủ đường (ấp Bình Quý) được hoàn thành vào năm 1890, hiện nay
do bà Hồ Thị Như Hoa trông coi. Đây là ngôi nhà sàn gỗ, ba gian hai chái, mái
lợp ngói âm dương. Vật liệu xây dựng nên ngôi nhà và các vật dụng trang trí
trong nhà đều làm từ gỗ quý, được điêu khắc tinh xảo, mang tính thẩm mỹ cao.
Gian chánh nổi bật với các hoành phi và liễn đối, các tủ thờ cẩn xà cừ lấp
lánh, các vòm cửa cũng được chạm trổ đẹp mắt.
Những ngôi nhà tường có niên đại ra đời trễ hơn, tất cả đều
có sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc Pháp và nét đẹp Á Đông, đặc biệt là phong
cách cổ truyền Nam Bộ. Ngôi nhà cổ của ông Trần Ngọc Lâm Quang và nhà của ông
Phan Hòa Long (ấp Bình Quý) xây dựng vào đầu thập niên 1930, nhà của ông Trần
Kim Chung (ấp Bình Thiện) xây dựng năm 1928, nhà ông Trần Phúc Hảo (ấp Bình
Thiện) xây dựng năm 1931…
Đa số các ngôi nhà nói trên có kiến trúc gần giống nhau, ba
gian hai chái, nóc bánh ít, mái lợp ngói âm dương, tường xây gạch, cột làm từ
gỗ quý, nhà thấp nhưng thoáng mát. Ngoại thất là sự tổng hòa những chi tiết
nghệ thuật Đông - Tây như cửa vòm, hoa lá, tranh tường… Nội thất được trang trí
bằng các bao lam chạm khắc trang nhã, nhiều hoành phi và liễn đối cổ kính.
Trong những ngôi nhà nầy còn lưu giữ nhiều cổ vật như bộ trường kỷ, lư đồng, ly
chén sành sứ, tủ thờ cẩn xà cừ… có giá trị cao.
Cách thờ phượng trong những ngôi nhà cổ ở cù lao Năng Gù chủ
yếu theo nguyên tắc “thượng Phật hạ linh” (nhà họ Hồ) hoặc “tiền Phật hậu linh”
(nhà họ Trần). Ngoài ra còn có hình thức thờ tổ tiên với hai bàn thờ bên trái
và bên phải tượng trưng cho họ nội và họ ngoại.
Mai nầy có còn nhà cổ?
Là một cù lao được khai phá sớm - một ngôi làng với nhiều
dấu xưa, dĩ nhiên có hàng chục kiến trúc cổ tồn tại trên dãy đất không rộng lớn
nầy cũng là không phải điều quá bất ngờ. Vẻ đẹp của các ngôi nhà cổ khiến ai
lần đầu đến đây cũng không khỏi trầm trồ, điều đó càng làm tăng thêm vẻ đẹp cho
cù lao Năng Gù.
Song, nhiều là vậy, đẹp là vậy, nhưng đáng buồn là thực
trạng nhà cổ ở xã Bình Thủy ngày nay đang xuống cấp.
Chủ nhân của những ngôi nhà cổ không đủ điều kiện tu bổ, hoặc nếu có tu
bổ cũng không giữ được nét đẹp nguyên thủy. Chánh quyền địa phương cũng không
có những biện pháp thích hợp để tạo điều kiện hỗ trợ người dân trong việc bảo
tồn nhà cổ.
Chẳng hạn, đa số các nhà cổ trên cù lao Năng Gù trước kia
đều lợp ngói âm dương, nhưng sau gần một thế kỷ đã xuống cấp, nhiều gia đình
phải thay bằng ngói móc, làm giảm đi phần nào giá trị của ngôi nhà. Mặt tiền
một số ngôi nhà bị thời tiết làm phai màu, chủ nhân cho sơn lại nhưng không
tuân thủ màu sắc nguyên thủy, khiến ngôi nhà trở nên lòe lọe. Các cổ vật trong
nhà, có lúc chủ nhân gặp khó khăn phải bán đi, có lúc bị trộm, nên hiện nay còn
lại không nhiều.
Ngôi nhà của bà Hồ Thị Như Hoa - nhà cổ nhứt và cũng là nhà
gỗ đẹp nhứt cù lao, hiện nay đang xuống cấp nghiêm trọng. Một mảng ngói trên
mái trước bị mất, phải dùng tấm tôn để “vá” tạm. Một số kèo không còn đủ khả
năng chịu lực, phải cặp vào thanh gỗ mới để đảm bảo an toàn… Nhìn chung, tình
trạng ngôi nhà hiện nay rất khó tu bổ và phải tốn chi phí cao.
Những ngôi nhà cổ trên cù lao Năng Gù là những di sản văn
hóa vật thể có giá trị cao, tuy nhiên hiện nay chúng đang ở tình trạng báo
động. Trong khi đó, địa phương có thể học tập mô hình từ xã Mỹ Hòa Hưng (thành
phố Long Xuyên, tỉnh An Giang) cũng là nơi có nhiều ngôi nhà cổ. Nông dân ở đây
đã linh hoạt khai thác loại hình du lịch “homestay”, có sự hỗ trợ của chánh
quyền địa phương, đạt được hiệu quả tốt.
Nếu không sớm có những biện pháp kịp thời, liệu rồi mai nầy
trên cù lao Năng Gù - làng cổ Bình Thủy có còn những ngôi nhà cổ - di sản văn
hóa mang đậm dấu ấn xưa?
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét