Ngày 5/12/2013, đờn ca tài tử Nam Bộ được UNESCO - Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc - công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đó là vinh dự to lớn cho văn hóa dân tộc nói chung và âm nhạc nói riêng. Đến nay, việc bảo tồn và phát huy giá trị Đờn ca tài tử chưa phải là điều quá lo lắng, bởi không chỉ đợi đến khi được vinh danh, mà trước đó di sản nầy đã luôn được nhân dân lưu truyền rộng rãi, khó có thể bị mai một. Song, nhìn điều ấy, chúng ta không khỏi chạnh lòng cho một loại hình nghệ thuật vốn là cái nôi hình thành nên đờn ca tài tử, nhưng đang dần bị lãng quên, đó là nhạc lễ Nam Bộ.
Về nguồn gốc, nhạc lễ Nam Bộ vốn thoát
thai từ nhã nhạc cung đình, được thể hiện trong các nghi lễ của triều đình thời
chúa Nguyễn và nhà Nguyễn, theo chân các lưu dân vào Nam khai mở vùng đất mới.
Xa kinh đô, người Việt ở phương Nam đã cải biên nhạc lễ cung đình trở nên bình
dân hơn và pha trộn với các làn điệu dân gian. Đồng thời, do sự cận cư với các
tộc người Khmer, Chăm, Hoa dẫn đến giao lưu và tiếp biến âm nhạc dân gian. Đó
là những điều kiện tiền đề hình thành một dòng nhạc đặc thù mà ngày nay chúng
ta gọi là nhạc lễ Nam Bộ.
Về đặc điểm, âm nhạc cổ truyền của
dân tộc dựa trên ngũ âm hò - xự - xang - xê - cống, tương ứng với ngũ hành
trong triết lý phương Đông. Nhạc lễ Nam Bộ cũng thể hiện rõ triết lý đó qua các
nhạc cụ được sử dụng như: tum, bạt, đẩu, đồng la (hành Kim), mõ sừng trâu, cặp sanh, trống chiến, trống cơm (hành Mộc),
kèn trung, kèn tiểu, kèn thau (hành Thủy), đờn cò và đờn gáo (hành Hỏa), bồng
(hành Thổ)…
Về ứng dụng, nhạc lễ Nam Bộ được sử dụng
trong nghi lễ ở các đình miễu và gia đình. Trong lễ Kỳ yên tại các đình làng, nhạc
lễ xuất hiện xuyên suốt trong hầu hết tất cả các nghi thức như Thỉnh sắc, Túc yết,
Chánh tế… Quan niệm “phi nhạc bất thành lễ” (không nhạc không thành lễ) được
người phương Nam đơn giản hóa thành “lễ phải có nhạc”. Ở các đình, hai bên vách
chánh điện thường có có hai bàn thờ đối xứng nhau là Tổ Nhạc và Tổ Lễ, vừa thể
hiện sự tri ân đến công lao xây dựng âm nhạc và nghi lễ của thế hệ đi trước, vừa
nhắc nhở sự trân trọng dành cho âm nhạc và nghi lễ của thế hệ hiện tại. Trong
thành phần Ban Quý tế của đình, bên cạnh Hương văn phụ trách văn tế và Hương lễ
phụ trách nghi lễ, không thể thiếu Hương nhạc phụ trách dàn nhạc.
Ngoài đình làng, các đền miễu khác
cũng thường xuyên sử dụng nhạc lễ. Đó những nơi thờ tự danh nhân lịch sử hay
các đối tượng tín ngưỡng dân gian như Bà Chúa Xứ, Bà Cố Hỷ, Ông Nam Hải… Trong phạm
vi gia đình, ngày xưa nhạc lễ có mặt trong bốn nghi lễ quan trọng của con người
là quan - hôn - tang - tế, về sau chỉ còn sử dụng trong tang lễ.
Đặc biệt, Nam Bộ có ít nhứt ba tôn
giáo sử dụng nhạc lễ trong nghi lễ của mình, đồng thời có những đóng góp nhứt định
cho dòng nhạc nầy. Đó là Phật giáo (Bắc truyền), Cao Đài và Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Trong
truyền thống, Phật giáo sử dụng nhạc lễ trong nhiều khóa lễ khác nhau, người có
đóng góp lớn cho nhạc lễ Phật giáo mà đời sau còn ghi công là thiền sư Nguyệt Chiếu.
Đạo Cao Đài sử dụng nhạc lễ rất đa dạng trong các nghi thức của mình, không thể
không nhắc đến Thượng sanh Cao Hoài Sang đã có nhiều nghiên cứu phát triển nhạc
lễ. Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa chủ yếu hoạt động ở vùng biên giới An Giang, ngày nay
vẫn còn bảo tồn được nhạc lễ cổ truyền để sử dụng trong các nghi lễ.
Về vai trò, người dân Nam Bộ đã rất rạch
ròi khi phân biệt tên gọi của nhạc lễ và đờn ca tài tử. Qua cách gọi tên như thế,
họ ý thức và thể hiện rất rõ vai trò của từng loại hình nghệ thuật. Đờn ca tài
tử “rặt” Nam Bộ được trình diễn ngoài trời, các nghệ sĩ trải chiếu giữa sân vườn
ngồi đờn ca giao lưu cùng nhau, đó là biểu hiện của chất tài tử. Trong khi đó, nhạc
lễ thuộc nhóm “thính phòng”, sử dụng trong không gian cơ sở thờ tự hoặc gia
đình vào những lúc cử hành nghi lễ, tấu lên không phải để “nghe chơi” mà là để
thể hiện tấm lòng cung kính của con người với thần thánh.
Thật vậy, người xưa không mang đờn ca
tài tử trình diễn ở võ ca (khu vực sân khấu dành cho hát bội) trong đình làng,
vì nó được xem là loại hình nghệ thuật bình dân, nghiêng về tính giải trí. Nhạc
lễ là loại hình nghệ thuật hàn lâm, đặc biệt nó mang tính “thiêng”, gắn liền với
nghi lễ và là một bộ phận cấu thành nên sự thăng hoa của nghi lễ. Đáng tiếc là
hiện ngày nay, một số địa phương chưa nhận thức rõ vấn đề nầy, cho rằng đờn ca
tài tử đã được UNESCO vinh danh thì phải được trân trọng, do đó đã mang nó vào
đình làng trình diễn, vừa làm mất chất vừa không đúng vai trò.
Đờn ca tài tử dù là dòng nhạc phát
triển sau, những nghệ nhân vẫn ý thức rất rõ về vai trò của nhạc lễ. Bản Nhớ ơn Tổ nghiệp (điệu Long ngâm) dành những lời ca ngợi: “Và để nhớ ơn / Những hy sinh cho dân
tộc trường tồn / Những dựng xây cho đất nước phú cường / Gợi lòng hoài vọng thiết
tha / Đức ân nhuần gội / Chan hoà miên man là dòng nhạc lễ.”
Hiện nay, mặc dầu Việt Nam bảo tồn và
phát triển đờn ca tài tử rất có hiệu quả, nhưng thực tế nó vốn khó bị mai một. Trái
lại, nhạc lễ đang đứng trước nguy cơ mai một rất lớn mà xã hội dường như vẫn làm
ngơ. Chúng tôi đưa ra nhận định trên vì những nguyên nhân sau:
- Thứ nhứt, đờn ca tài tử là loại
hình nghệ thuật bình dân và nghiêng về tính giải trí, dễ dàng đi sâu vào lòng nhân
dân lao động. Nhạc lễ là loại hình nghệ thuật có phần hàn lâm, đồng thời mang
tính “thiêng” - liên quan đến các nghi lễ, quần chúng bình dân khó tiếp cận.
- Thứ hai, đờn ca tài tử có lời, dễ
thuộc, dễ nhớ, dễ thực hành, do đó ai cũng có thể tham gia. Nhạc lễ không có lời,
tính lý thuyết cao, đòi hỏi nhạc công phải được học hỏi và rèn luyện một cách
bài bản trong thời gian dài, không phải ai cũng có thể thực hành.
- Thứ ba, đờn ca tài tử có thể trình
diễn bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu, vì thế nó được lặp đi lặp lại trong đời
sống hằng ngày. Nhạc lễ chỉ có thể tấu lên trong những không gian và thời gian
cố định của nghi lễ, nghệ nhân không có cơ hội thường xuyên trình diễn.
Theo thông tin báo chí từng đăng tải,
nghệ nhân Phan Văn Nhứt (Tám Nhứt, sanh năm 1924, quê quán Long An) sau gần 70
năm gắn bó với nhạc lễ Nam Bộ mới được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian vào năm 2006. Khi ấy,
ông đã 82 tuổi, sức khỏe yếu và lãng tai nặng, sau đó ông qua đời vào năm 2013.
Nói theo cách gọi của báo chí, ông là một “báu vật nhân văn sống” của dân tộc,
nhưng lại là trường hợp đáng tiếc điển hình trong việc bảo tồn nhạc lễ Nam Bộ.
Có lẽ không quá lời khi nói rằng, nhạc
lễ Nam Bộ hiện nay đã đến trình trạng báo động! Các nghi lễ tại gia đình dần
không còn sử dụng nhạc lễ nữa, thậm chí cả đám tang.
Đình miễu vẫn còn sử dụng nhạc lễ
trong nghi thức cúng tế. Ngoài mặt, việc duy trì nhạc lễ trong phạm vi đình miễu
có thể xem là cách bảo tồn, nhưng thực ra đã vô tình thu hẹp sự phong phú của nhạc
lễ. Bởi, nhạc công chỉ truyền nhau một số bài bản cụ thể được sử dụng trong từng
nghi thức, những bài bản nào ngoài phạm vi đó dễ bị thất truyền. Chẳng hạn,
đình làng Nam Bộ chủ yếu sử dụng Ngũ đối
hạ, Nghinh thiên tiếp giá, Ngũ điểm… còn lễ tang chủ yếu sử dụng Nam ai, Xuân nữ… một người chỉ cần học vài bài bản đó thì có thể sử dụng
trong các nghi lễ cần thiết.
Đó là nói về lượng, còn về chất, dẫu
chỉ lưu truyền một số bài bản ít ỏi nhưng nhạc công vẫn chưa thể hiện được cái
“thần” của loại hình nghệ thuật nầy. Họ có thể thuần thục về mặt kỹ năng để thể
hiện một bài bản hoàn chỉnh, nhưng khó có thể tiến lên đến mức điêu luyện. Điều
nầy không lấy làm khó hiểu, bởi một năm họ chỉ có thể thực hành nhạc lễ vài lần.
Dàn nhạc lễ ở một số địa phương còn đưa vào “bổ sung” các nhạc cụ phương Tây
như guitar, organ, violin… Đáng lo hơn là việc nhạc lễ bị “tam sao thất bổn” ở
nhiều nơi hoặc pha trộn với các loại hình âm nhạc khác. Đây là vấn đề cần phải
được điều chỉnh phù hợp để mỗi loại hình phát huy được bản chất đặc trưng của
mình.
Tóm lại, bảo tồn Nhạc lễ Nam Bộ là việc
làm rất cấp thiết hiện nay. Phải chăng, chúng ta đang “ngủ quên” trên niềm vinh
dự đờn ca tài tử được thế giới vinh danh, để rồi quay lưng với một loại hình
nghệ thuật vô cùng đặc sắc đã góp phần hình thành nên đờn ca tài tử mà chúng ta
đang tự hào hôm nay? Bảo tồn nhạc lễ Nam Bộ là giữ gìn di sản của tiền nhân, tinh
hoa sáng tạo của người Việt trên vùng đất mới phương Nam. Song, bảo tồn phải gắn
với chất lượng, chứ không phải là công việc mang tính phong trào, làm thế nào để
nhạc lễ Nam Bộ không bị lai căng, biến dạng, mất gốc… Bởi vì: “Đã
qua bao triều đại / Chuỗi âm thanh lễ nhạc không ngừng / Thấm vào huyết quản
dân ta / Tạo thành nền đạo đức phương Đông” (Nhớ ơn Tổ nghiệp).
Nhạc lễ Nam Bộ nếu có một ngày không
còn nữa?
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét