(CAND) — Đó chính là những trăn trở, những chủ đề lớn được đưa ra bàn luận tại hội nghị Những người viết văn trẻ TP Hồ Chí Minh lần thứ IV do Hội Nhà văn thành phố tổ chức vừa qua. Dù không phải là tất cả nhưng họ đã phần nào phản ánh đời sống văn học trẻ tại TP Hồ Chí Minh.
Cây bút sinh năm 1996 Vĩnh Thông, hiện là sinh viên Khoa Văn hóa học Trường ĐH KHXH & NV TP Hồ Chí Minh sáng tác từ năm 14 tuổi, đến nay đã có đến 22 tác phẩm được xuất bản lại có cái nhìn thực tế. Thông chia sẻ, khi mới cầm bút, ai cũng bắt đầu từ những đề tài gần gũi như trường lớp, bạn bè, tình yêu…, nhưng qua thời gian, với độ chín của tư duy, người viết trẻ không thể cứ tiếp tục lặp đi lặp lại những đề tài đã cũ. Xã hội liên tục đổi thay từng ngày, nhiều vấn đề mới xuất hiện giống như những mảnh đất mới đang chờ khai phá, nhưng người trẻ tiến vào đó còn quá ít.
Nguyễn Đình Minh Khuê, Chủ nhiệm CLB Cây bút trẻ, Khoa Văn học, Trường ĐH KHXH&NV TP Hồ Chí Minh cho rằng, viết về nỗi đau, tình yêu, sự cô đơn… của người trẻ là chuyện bình thường, nhưng nó sẽ trở nên bất thường nếu có quá nhiều tác phẩm như thế trên quầy sách. Còn mệt mỏi hơn, khi hầu hết đều có cách thể hiện giống nhau, đến mức phải hình dung như là sự “bội thực những nỗi đau riêng”, thậm chí cả đến sự sáo rỗng cũng giống nhau.
Nhà lý luận phê bình Trần Xuân Tiến đến từ Trường ĐH Văn Hiến cũng cho rằng, hiện nay nhiều hiện tượng vốn chỉ xuất hiện đâu đó trong giới showbiz thì nay lại lây lan cả vào giới viết lách. Một số cây bút trẻ lại nhầm lẫn giữa sự ầm ĩ với tài năng và thay vì đầu tư vào tác phẩm lại dồn công sức vào những hoạt động tìm kiếm danh tiếng bên ngoài giá trị thực của tác phẩm. Những điều đó đôi khi dẫn đến sự hiểu lầm về thế hệ văn trẻ hôm nay, cho là thế hệ của những tác phẩm “một màu”, chỉ mang đậm tính giải trí.
“Không chỉ là sáng tạo, không chỉ là phù hợp, là chiều lòng theo thị hiếu số đông, những cây bút trẻ còn cần xác định cho mình một lối viết có trách nhiệm hơn. Sự tôn trọng người đọc, thật sự không chỉ đơn thuần chiều theo số đông mà còn là góp phần nâng tầm đại chúng qua tác phẩm của chính mình”, nhà phê bình Trần Xuân Tiến gửi gắm đến người viết trẻ.
Cuộc tranh cãi về dòng sách ngôn tình cách đây không lâu có thể nói cũng là một ví dụ điển hình của việc thiếu định hướng trong hưởng thụ văn hóa đọc của người trẻ. Viết trên Facebook, cây bút trẻ Huyền Minh nhớ lại, khi đó còn là học sinh cấp 3, trong lớp ai cũng đọc, ai cũng kể về những nhân vật trong truyện ngôn tình.
Việc một cô bé giỏi văn nhưng chẳng biết gì về những câu chuyện tình vượt thời gian, không gian, thật là khó chấp nhận nên cũng tìm đọc để không lạc hậu nhưng Huyền Minh vẫn không thể thích thể loại văn học này. Nhu cầu đọc sách của người trẻ là rất lớn, điều đó đã khẳng định bằng những con số cụ thể của những người bán sách.
Thế nhưng, bán nhiều sách không có nghĩa là văn hóa đọc phát triển. Ngược lại, đó còn có thể xem là một tín hiệu báo động, bởi người trẻ đang mất định hướng trong việc tìm đọc sách khi thiếu đi sự đánh giá, cảm thụ về sách. Khoảng hẫng của văn hóa đọc cho bạn đọc trẻ đã thể hiện rõ. Sách ngôn tình, huyền ảo đã qua thời đỉnh cao, sách du ký không còn thu hút, sách tình yêu lãng mạn đã mất đi sự hấp dẫn, sách khởi nghiệp thiếu đi sự mới lạ, tô màu chết yểu...
Có thể nói, sách cho bạn đọc trẻ đang ở giai đoạn khủng hoảng, bối rối bởi không thể biết được bạn đọc trẻ đang muốn đọc gì.
Để các sáng tác có thể đến gần hơn với độc giả, nhà văn trẻ Nhật Phi cho rằng mỗi một nhà văn cần phải có “bốn trụ cột”, đó là: Trải nghiệm – Suy nghiệm – Tri thức – Tưởng tượng, diễn đạt bằng động từ, đó sẽ là: Sống – Ngẫm – Đọc – Mơ. Mỗi nhà văn cần đầy đủ cả bốn yếu tố ấy để viết ra tác phẩm có lí, có giá trị, mang hơi thở cuộc sống và hướng đến bạn đọc nhiều hơn.
HẢI ÂU
(Báo Công an nhân dân)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét