Lần đầu hòa mình với biển trời viễn Tây, mỗi người chúng tôi mang trong mình những cảm xúc riêng, nhưng ai cũng không thể giấu được sự thích thú của mình. Một ngày trời đẹp, nắng trong, mây xanh, khiến cho mặt biển như lung linh hơn. Thấp thoáng xa xa, những hòn đảo trên vùng biển Kiên Giang hiện lên mờ ảo. Những hình ảnh đó đã quyến rũ bao người khách lạ và xua tan bao mệt mỏi của họ trên quãng đường dài.
Nhìn từ xa khi tàu gần đến, ai cũng không khỏi xôn xao trước vẻ đẹp của hòn Sơn Rái, với cây cối xanh mát, mây trong veo, nắng chứa chan tưới đượm lòng biển, gió thổi những thân dừa nghiêng nghiêng lả lơi, sóng vỗ ầm ào xen giữa tiếng cười nói rộn ràng của ngư dân. Tất cả có lẽ là lời chào đón đầu tiên mà Sơn Rái gửi đến những người bạn phương xa.
Sau khoảng một giờ lênh đênh trên biển,
tàu cập vào cầu cảng tại bãi Nhà. Nhìn chung, hòn Sơn Rái có tương đối đầy đủ các
dịch vụ du lịch cơ bản và giá cả khá hợp lý, dĩ nhiên còn đơn giản. Chúng tôi
tranh thủ tìm một nhà trọ gần chợ để cất hành lý, thuê xe, thưởng thức món bún
tép miệt biển, rồi nhanh chóng bắt đầu hành trình khám phá hòn đảo đầy mê hoặc nầy.
Sơn Rái có một con đường vòng quanh toàn đảo và một con đường lên núi nằm xuyên ngang giữa đảo, tất cả đều được tráng bê tông. Chúng tôi lựa chọn con đường lên núi trước. Từ từ men theo những con dốc cao dần và nhìn xuống phía dưới, thiên nhiên hùng vĩ đang trải ra trước mắt như vô tận. Trong tầm mắt, con đường vừa đi qua đã nằm uốn lượn giữa đại ngàn, ven biển là bãi Nhà - khu chợ tập trung dân cư đông đúc, và biển mờ đục huyền ảo phía xa.
Xuống núi, chúng tôi tiếp tục chạy theo con đường vòng quanh đảo. Cung đường ngoằn ngoèo uốn lượn sát mé biển, tạo cho lữ khách cảm giác phiêu lưu thú vị. Buổi trưa mặc dù nắng gắt, nhưng nhờ vậy mà quanh cảnh dường như sống động hơn. Trên đường, chúng tôi lần lượt đi qua những bãi biển đẹp của hòn Sơn Rái như bãi Bàng, bãi Bấc, bãi Thiên Tuế… Đặc biệt, ấp Thiên Tuế gần như là một hòn đảo nhỏ, nằm nhô ra bên cạnh hòn đảo chính Sơn Rái. Giữa những làn sóng trong xanh cứ vỗ đều đặn bên dưới và nền mây xanh dìu dịu phía trên, hòn đảo nổi bật lên với màu cây rừng xanh rì mượt mà trong nắng. Cạnh đó là làng chài nhỏ chạy dài theo bờ cát và mọi người đang tất bật cho những chuyến ra khơi.
Sau nửa ngày lang thang quanh đảo khá mệt, chúng tôi trở lại bãi Nhà. Đó cũng là lúc mặt trời đang dần
buông trên bến cảng, mảng màu vàng thẫm phủ trùm lên không gian, tạo nên bức tranh đầy ấn tượng. Đêm
xuống, khu vực quanh bến cảng bãi Nhà dù không quá nhộn nhịp, nhưng cũng khá đông
vui như những chợ xã ở đất liền. Vài quán nước, vài quán ăn, những đôi trai
gái hẹn hò, những khách du lịch nói cười xôn xao… tất cả thật gần gũi. Vừa ngồi
cà phê ven biển, vừa nghe sóng vỗ rì rầm, trên trời lấp lánh trăng sao, xa xa
thỉnh thoảng có những chiếc tàu chạy ngang với ánh đèn sáng rực. Một ngày bình dị
trên Sơn Rái đang trôi qua…
Tiếp theo lịch trình, sáng hôm sau
chúng tôi khởi hành từ rất sớm, để có thể ngắm bình minh trên biển, đồng thời
tranh thủ thời gian đến thêm nhiều điểm khác. Khi mặt trời đang dần lên
trên đảo, những hàng dừa và bãi đá còn chưa sáng rõ, chúng tôi đã thang thang dọc
bãi Bàng. Nơi đây được đánh giá là một trong những bãi biển đẹp hàng đầu trên vùng
biển Tây, đặc biệt là chưa mất đi nét hoang sơ từ việc khai thác du lịch. Bãi Bàng có cát vàng mịn, xen lẫn
những cụm đá đá được thiên nhiên sắp xếp vô cùng ấn tượng. Ven bờ, những hàng dừa
nghiêng nghiêng về phía mặt trời, rì rào đón nắng đón gió ban mai.
Tôi đã từng mường tượng cảnh bình
mình lên trên biển hẳn phải cực kỳ tráng lệ. Nhưng không, mặt trời lên thật
bình dị và ấm cúng, với mảng màu vàng nhẹ của nắng đang sáng dần từ phía chân trời,
pha chút xanh nhạt của mây sớm trong veo. Gần bãi, những ngư dân đang tất
bật chuẩn bị bắt đầu một ngày mới. Ngoài khơi, những chiếc
tàu đang neo đậu chờ đợi, lắc lư trong sóng như đùa nghịch.
Khu vực chợ ở bãi Nhà có hai di tích gắn với quá trình cư dân khai hoang lập nghiệp trên đảo, đó là đình thần Lại Sơn và miếu Bà Cố Chủ. Đình thần là nơi thờ cúng thần Thành Hoàng Bổn Cảnh của làng Lại Sơn, được thiết trí đơn giản mà tôn nghiêm, có sắc phong của vua Bảo Đại. Khi nhìn thấy sắc phong trong ngôi đình nhỏ ven biển xa xôi nầy, tôi không khỏi ngạc nhiên và xúc động. Bởi, sắc phong gửi từ Huế vào Rạch Giá đã là điều khó khăn và mất nhiều thời gian, vậy mà tờ sắc phong ấy còn lênh đênh trên biển để ra đến hòn đảo hoang vu, trong bối cảnh thập niên 1930 chứ nào phải thời buổi hàng hải hiện đại như ngày nay.
Ở miền Nam, sắc thần của triều Nguyễn
mang giá trị tinh thần vô cùng đặc biệt. Từ thời Tự Đức, có
lẽ thấy trước nguy cơ ngoại xâm, vua đã ban hàng loạt sắc thần như cách cột chặt
lòng dân. Sau khi Nam Kỳ thuộc Pháp, ngôi đình và sắc thần càng được coi trọng,
trở thành nơi nương tựa tinh thần của người dân vong quốc, bởi đó là đại diện cho nhà
vua. Thờ sắc thần là thể hiện lòng trung quân ái quốc, ở với giặc mà không theo
giặc. Vì vậy, người Nam Kỳ luôn tha thiết có được sắc thần, triều đình hiểu
điều đó nên ban sắc thần như một lời nhắn nhủ: dân Nam Kỳ mãi là người nước Đại
Nam.
“Mười giờ tàu lại Bến
Thành
Súp lê vội thổi, bộ hành xôn xao”
Tàu về đến Rạch Giá vào buổi chiều. Có chút tiếc nuối vì không có nhiều thời gian hơn, chưa thể chinh phục đỉnh núi bằng đường rừng và một số điểm đến khác. Về đến đất liền rồi mà dường như biển trời Sơn Rái vẫn còn lung linh trong mắt và trong lòng kẻ lữ hành. Tạm biệt hòn Sơn Rái! Tạm biệt vùng biển Tây hào phóng, nơi có những người dân Nam Bộ bình dị đang ngày đêm sống với sóng gió trùng khơi và tất bật mưu sinh, để giữ mãi màu xanh bình yên cho nhúm đất ruột thịt thiêng liêng cuối trời tổ quốc.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét