Long Xuyên hiện nay là đô thị rất phát triển về thương mại, nổi bật là lúa gạo, nông sản, thủy sản… Thành phố là động lực phát triển kinh tế của tỉnh An Giang và là trung tâm kinh tế trọng điểm của Đồng bằng sông Cửu Long, đầu mối giao thương hàng hóa lớn. Mặc dù các phường xã trong thành phố đều có chợ riêng, song chợ Long Xuyên vẫn rất nhộn nhịp và là trung tâm thương mại sầm uất nhứt nhì miền Tây. Chợ Long Xuyên tiền thân là chợ Đông Xuyên, kém phát triển, vì trong Đại Nam nhất thống chí khi nhắc đến các chợ lớn ở tỉnh An Giang thì không có chợ Đông Xuyên. Mãi đến thời Pháp thuộc, thôn Mỹ Phước trở thành trung tâm kinh tế của hạt Long Xuyên, chợ Long Xuyên mới dần trở nên sầm uất và nổi tiếng khắp vùng.
Hiện nay chợ Long Xuyên thuộc phường Mỹ Long, nằm cạnh sông Hậu, kiến trúc có dạng hình tròn, nóc giống một hoa sen đang nở. Chợ buôn bán nhiều mặt hàng đa dạng, chất lượng, với những người bán hàng chân chất, bình dị. Chợ Long Xuyên là đầu mối nông sản bậc nhứt miền Tây, nhiều thương lái từ các nơi đều đến Long Xuyên mua nông sản, giá rẻ, chất lượng tốt.
Chợ Long Xuyên (Ảnh: Vĩnh Thông)
Ngoài ra, Long Xuyên còn có chợ nổi là địa điểm tập trung hàng trăm ghe xuồng sinh hoạt và buôn bán huyên náo trên sóng nước. Chợ nằm trên sông Hậu thuộc phường Mỹ Phước (dưới bến phà An Hòa). Hằng ngày chợ bắt đầu họp từ sáng sớm, kéo dài hầu như suốt cả ngày và đông đúc quanh năm. Theo nhiều du khách cho biết, người bán ở chợ nổi không nói thách giá, nói sao bán vậy.
Ai bán hàng gì sẽ treo thứ đó trên cây sào cao gọi là “bẹo hàng” để khách nhận biết và phân biệt với các ghe khác. Ngoài nông sản, bạn còn có cơ hội thưởng thức các món ăn bình dân được làm từ bàn tay khéo léo của các cô gái và bày bán trực tiếp trên xuồng như cơm tấm, bánh tằm, bún cá, hủ tiếu, bánh lọt, chè đậu, cà phê… Có lẽ vì thế mà xưa có câu: “Trai Nhân Ái, gái Long Xuyên”, với ý nghĩa trai Nhân Ái (Cần Thơ) khéo léo trong đóng ghe xuồng, xứng với gái Long Xuyên giỏi giang làm bánh, thêu may…
Chợ nổi Long Xuyên là một hình thức sinh hoạt đặc thù của người miệt sông nước. Đặc biệt, trong khi phần lớn chợ nổi ở miền Tây ngày nay bị “du lịch hóa”, thì chợ nổi Long Xuyên giữ hình thức buôn bán trên sông thuần túy. Nếu có nhiều thời gian, du khách có thể mướn ghe của người dân để ra sông thăm chợ nổi… cho biết!
Đi một vòng chợ Long Xuyên, chắc hẳn chúng ta không thể không dừng chân thưởng thức những đặc sản nổi tiếng của thành phố sông nước nầy. Ẩm thực tại Long Xuyên rất đa dạng và đặc trưng, với nhiều món mà du khách khó có thể bỏ qua. Tuy nhiên, trước khi giới thiệu, xin mách thêm cho bạn biết rằng người Long Xuyên không thích gọi là “ẩm thực” mà chỉ thích gọi là “ăn hàng”.
Chúng tôi chỉ giới thiệu món ăn cho bạn, và một số khu chợ có bán các loại món ăn nầy, chứ không giới thiệu các nhà hàng, quán ăn cụ thể. Bởi vì thực tế, ăn hàng ở Long Xuyên phải là ăn ở chợ, vỉa hè, hàng rong thì mới đúng phong vị, đúng cá tính Long Xuyên. Không khí sang trọng, kiểu cách của các quán ăn, nhà hàng sẽ làm mất đi ít nhiều những đặc trưng đó.
Ăn hàng ở Long Xuyên, hãy thử những món nổi tiếng như cơm tấm, bún cá, bún mắm, lẩu mắm, lẩu trâu, bánh tằm bì, cháo lòng, gỏi cuốn, xôi nước dừa, chè bưởi… Những món chúng tôi giới thiệu trên, không phải tất cả đều là đặc sản của An Giang, nhưng là đặc trưng của đô thị trẻ Long Xuyên. Sở dĩ gọi là đặc trưng vì những món đó trong cách nấu, cách ăn, hương vị, hình thức… có những nét riêng không giống với các vùng miền khác. Bạn có thể tự trải nghiệm để rút ra nhận xét cho riêng mình.
Cơm tấm Long Xuyên (Ảnh: Vĩnh Thông)
Cơm tấm Long Xuyên hạt rất nhuyễn, thịt khìa xắt nhỏ, có thêm trứng kho cũng xắt nhỏ và bì sợi. Món ăn nầy chỉ có ở Long Xuyên và khác hoàn toàn so với cơm tấm ở các tỉnh thành. Do đó nó trở thành món ăn trứ danh khi nhắc đến thành phố nầy.
Đặc biệt là món bún cá, ở đâu cũng có bán. Bún cá An Giang độc đáo bởi có sự kết hợp của ngải bún và mắm ruốc. Ngải bún là gia vị có nguồn gốc từ Campuchia, được xem là “bùa mê” không thể thiếu để tạo cho món bún cá có hương vị say đắm thực khách. Món ăn nầy có xuất xứ từ người Khmer, nhưng lại được người Việt ưa thích nên rất thịnh hành và nổi tiếng ở An Giang. Bạn hãy ăn thử để hiểu vì sao người Long Xuyên thường hay nói vui (nhưng cũng không kém phần tự hào) rằng: “Người Long Xuyên có thể ăn bún cá thay cơm, thậm chí có thể nằm mơ thấy… bún cá!”
Chè bưởi cũng là món ăn gắn liền với Long Xuyên, được làm từ cùi bưởi, đậu xanh, bột, đường thốt nốt, nước cốt dừa… Món bánh tằm bì và xôi nước dừa được ưa chuộng ở Long Xuyên, có những nét khác biệt so với các nơi khác, bạn có thể đến phía sau đình Mỹ Phước (gần phà Ô Môi) để thưởng thức. Các món bánh xèo, bánh khọt, bánh ướt, cháo lòng, gỏi cuốn… cũng là những món khoái khẩu của người Long Xuyên, thường có ở nhiều các chợ, đặc biệt là khu vực ven sông Long Xuyên ở bờ Mỹ Long và bờ Mỹ Bình.
Đến với Long Xuyên, ngoài dạo phố, mua sắm, ẩm thực… du khách còn có thể trải nghiệm đời sống của người dân nơi đây. Nhìn chung, con người Long Xuyên hiền hòa, mến khách, trọng đạo nghĩa, tuy nhiên cũng khá năng động, sáng tạo, hòa nhịp với đà phát triển của thành phố. Người Long Xuyên cần cù, chịu khó trong lao động và giỏi giang với nhiều ngành nghề truyền thống nổi bật như làm dầm chèo, đóng xuồng ghe, đồ sắt, đan đát, chằm nón, se nhang… Ở miền Tây sông nước có câu thành ngữ: “Tự nhiên như người Long Xuyên.” Không biết chỉ đơn giản là câu nói bắt vần chơi cho vui hay có ý nghĩa thực sự như thế? Tuy nhiên có lẽ nó cũng phản ánh được phần nào tính cách con người Long Xuyên hay An Giang nói chung.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét