Thị trấn Tịnh Biên là huyện lỵ của huyện Tịnh Biên, có thể xem là thị trấn đặc trưng của vùng đồi núi An Giang. Nằm bên kinh Vĩnh Tế, Tịnh Biên là một khu chợ sầm uất ven biên giới Tây Nam, luôn thu hút đông đảo khách tham quan, mua sắm quanh năm. Đồng thời, Tịnh Biên còn có Cửa khẩu quốc tế giữa Việt Nam và Campuchia.
Với hàng trăm hộ kinh doanh, chợ Tịnh
Biên là điểm mua sắm mà khách du lịch không thể bỏ qua. Chợ nổi tiếng với nhiều
mặt hàng đặc trưng của vùng biên thùy như vải, áo quần, giày dép, thực phẩm,
quà lưu niệm… giá không quá cao nên rất thu hút du khách.
Chợ biên giới Tịnh Biên còn nổi tiếng là “chợ
côn trùng” độc đáo nhứt miền Tây! Bạn có lẽ sẽ ngạc nhiên với hình ảnh các loài
côn trùng, lưỡng cư, bò sát như mối, nhện, rết, bò cạp, rắn, tắc kè… được bày
bán rất phong phú ở chợ Tịnh Biên. Đa phần những loại côn trùng nầy thường được
người mua sử dụng để làm thuốc.
Nếu như điểm đặc biệt của Châu Đốc là
xe lôi, thì điểm đặc biệt của Tịnh Biên là… xe ngựa. Nếu lần đầu tiên đến Bảy
Núi, chắc bạn không khỏi bất ngờ và cảm thấy thích thú khi bắt gặp hình ảnh những
chiếc xe ngựa chở hàng lỉnh kỉnh đang chạy trên đường. Tiếng vó ngựa lộp cộp,
tiếng lục lạc leng keng từ lâu đã trở thành thân thuộc đặc trưng của vùng núi đồi
An Giang.
Xe ngựa gắn liền với đời sống người
dân vùng Bảy Núi hơn một thế kỷ. Có lẽ hiện nay cũng chỉ có nơi đây còn loại xe
thô sơ mà đầy ấn tượng nầy. Xe ngựa có hai loại, một loại dùng để vận chuyển,
phục vụ sinh hoạt hằng ngày, kết cấu khá đơn giản. Loại còn lại dùng trong các
lễ hội, được trang trí nhiều màu sắc, nhiều kiểu dáng, có kết các bông hoa xung
quanh.
Gần chợ Tịnh Biên, bạn có thể “tắm biển
đồng” ở khu vực cầu cạn Xuân Tô. Cầu được xây dựng với tác dụng ngăn bớt dòng
chảy của nước lũ. Về sau, người dân đến tắm và vui chơi, nơi đây dần trở thành
một điểm đến lý thú. Cả một vùng đồng lúa rộng lớn ngập dưới làn nước trong veo
mát mẻ, như một bãi biển thu nhỏ giữa vùng biên giới.
Bạn cũng có thể đến Năm Căn cổ tự để
chiêm ngưỡng cặp đàn độc đáo có một không hai. Cặp đàn làm bằng gỗ, chạm khắc
và trang trí sắc nét, một cây đàn là Kình
ngư hóa long (có chín dây), cây còn lại là Linh cù nghinh pháp (có ba dây). Cặp đàn tương truyền do ông Cử Đa
chế tác và dùng làm mật hiệu trong các hoạt động Cần Vương chống Pháp tại vùng
Bảy Núi.
Trên
đường vào chợ Tịnh Biên theo quốc lộ 91, du khách có thể ghé thiền viện Đông
Lai. Vì nằm trên tuyến đường du lịch nên chùa được đông đảo du khách và Phật tử
ghé tham quan, cúng viếng. Chùa được thành lập vào năm 1959 dưới chân núi Cậu. Sau nhiều lần trùng
tu, ngày nay chùa khang trang, kiến trúc theo phong cách Thiền tông. Nóc chùa dạng
cổ lầu tam cấp, mái cong vút lợp ngói ống. Kết cấu nội thất gồm hai bộ phận là
chánh điện thờ Tam thế chư Phật và phía sau thờ chư vị tổ sư. Dọc theo hai bức
tường là phù điêu thập bát La hán chạm khắc tinh tế, mỹ thuật.
Trước đây, thiền viện Đông Lai được
người dân quanh vùng gọi là chùa Phật Nằm, vì trước chùa có tượng Phật nhập Niết
bàn dài 6 mét, sơn phết lộng lẫy rất đặc sắc. Đây là một trong những tượng Phật
Niết bàn lớn và đẹp ở tỉnh An Giang, vì thế đã thu hút ánh nhìn của mọi người
khi đi qua. Song, hiện nay khách phương xa lại gọi là “chùa Bánh Xèo” - một cái
tên khá ấn tượng! Sở dĩ gọi thế vì khách viếng chùa sẽ được đãi món bánh xèo chay
miễn phí, bất kể thời điểm nào trong năm. Sau chùa là
khu nhà ăn và nhà bếp để
đãi bánh xèo cho khách, sạch sẽ, tươm tất và thoáng mát.
Những người đổ
bánh xèo chia thành nhiều nhóm, mỗi nhóm khoảng ba người, với công việc chia
nhau như đổ bánh, phụ bếp, chuyển bánh cho khách… Đặc biệt là một người đổ bánh
xèo sẽ phụ trách cùng lúc mười chảo, xếp thành hình vòng cung, sử dụng lò củi
dân dã thay vì các loại bếp hiện đại. Hình ảnh đó gây ngạc nhiên cho bao du
khách phương xa khi đến chùa.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét