An Giang là tỉnh ở vùng đồng bằng, nhưng lại được thiên nhiên ưu đãi với những ngọn núi diễm lệ. Trong đó, “núi ngọc” Cô Tô và núi Tà Pạ nằm kề cận, cùng thuộc huyện Tri Tôn, chắc hẳn là điểm đến không thể bỏ qua với những ai yêu thích chinh phục thiên nhiên.
Núi Tô là ngọn núi cao thứ hai ở An
Giang, cao 614 mét, chu vi trên 14 ngàn mét. Tên núi bắt nguồn từ tiếng Khmer
là Ktô, người Việt gọi là núi Tô hay núi Ông Tô, lại thi vị hóa thành núi Cô
Tô, tên chữ là Phụng Hoàng sơn. Núi Tô nằm cạnh núi Tà Pạ, với những điểm đến
như suối Vàng, suối Bạc, bàn chân tiên, vồ Hội, mũi Tàu, đồi Tức Dụp…
Ngay ở chân núi có hồ Soài So là một
hồ nước nhân tạo, diện tích khoảng 5 ha. Nguồn nước cung cấp chính cho hồ Soài
So là suối Vàng và suối Bạc trên núi. Hai con suối chảy qua các vồ đá, khe núi
rồi đổ về hồ. Hồ có tác dụng trữ nước phục vụ sinh hoạt của người dân trong
vùng và được đầu tư khai thác du lịch.
Đường lên núi có độ dốc lớn, nhưng khá mát mẻ và yên tĩnh, ven đường có nhiều chùa miễu và những vườn cây trái xanh tươi. Trên đường lên núi, có một tảng đá in dấu bàn chân rất lớn gọi là “bàn chân tiên”, vì dân gian cho rằng đó là dấu chân của một vị tiên để lại. Ta có thể dừng chân ở chùa Bồng Lai hay chùa Vân Long để nghỉ mát và ngắm nhìn khung cảnh những cánh đồng xa xa.
Tiếp tục lên vồ Hội - một khối đá khổng lồ nhô ra triền núi. Nơi đây không gian yên tĩnh, mát mẻ, là điểm lý tưởng để thưởng ngoạn toàn cảnh biên thùy Tây Nam như bức tranh sống động đang bày ra trước mắt. Ngoài ra, bạn còn có thể đến mũi Tàu - một tảng đá giống chiếc thuyền lớn, tương truyền ngày xưa nơi đây là biển, có một chiếc thuyền chìm ở đây rồi hóa đá. Trên đỉnh núi Tô có một hang sâu được gọi là Điện Kín.
Núi Tô có cấu tạo đặc biệt bởi hệ thống hang động ngầm dầy đặc, người địa phương gọi là lò ảng, mà tiêu biểu là đồi Tức Dụp. Nếu ví thế núi Tô như con chim phượng hoàng thì cái đuôi của nó chính là đồi Tức Dụp. Đồi cao 216 mét, chu vi khoảng 2.000 mét, có nhiều hang động, lò ảng, ăn thông với nhau chằng chịt.
Tên đồi bắt nguồn từ tiếng Khmer là Tưk Chup, với “tưk” là nước, “chup” là đêm hoặc thần thánh. Người xưa nghe tiếng nước chảy róc rách vào ban đêm rồi phát hiện ra suối, cũng có người cho rằng đây là nước của thần thần thánh nên không bao giờ cạn, rồi đặt tên như thế.
Trong chiến tranh, đồi Tức Dụp là nơi trú ẩn của quân giải phóng, quân đội Mỹ nhiều lần đánh phá ngọn đồi nầy nhưng không thể. Đồi Tức Dụp đã được xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Ngày nay, đồi Tức Dụp là địa điểm du lịch kết hợp giữa leo núi dã ngoại, vui chơi giải trí, xem thú hoang dã, ẩm thực, đờn ca tài tử…
Cùng với núi Tô, núi Tà Pạ bên cạnh cũng được xếp vào cụm núi Tô. Núi Tà Pạ còn gọi là Chưn Num, cao 102 mét, chu vi trên 10 ngàn mét. Núi Tà Pạ nằm cách chợ Tri Tôn khoảng 1 km, mang vẻ đẹp hoang sơ và ký bí. Trên núi có chùa Khmer cổ Chưn Num với kiến trúc độc đáo. Dưới chùa là hồ Tạ Pạ lung linh bên triền núi. Nước hồ rất trong và mát, cây cối in bóng xuống làm cho nước có màu xanh lục như một mặt cẩm thạch khổng lồ. Xung quanh được bao bọc bởi các chỏm đá cao thấp không đều, nhiều cột đá mang hình thù kỳ dị. Không ai nghĩ rằng khung cảnh tráng lệ đó lại có từ những dấu vết khai thác đá còn sót lại.
Tại đây, bạn cũng có thể ngắm “ruộng bậc thang” mà không cần phải đến Tây Bắc. Dưới núi Tà Pạ là những ô ruộng với nhiều màu sắc khác nhau, chỗ thì chín vàng, chỗ còn xanh non mơn mởn. Đứng ở Tà Pạ, bạn có thể nhìn thấy những cánh đồng thướt tha, những dãy núi chập chùng đón gió, xa xa là những hàng cây chạy dài chừng như không bao giờ tận. Mây trên núi và sương khói của đồng bãi hòa quyện vào nhau làm khung cảnh thêm kỳ ảo.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét