Khi nói đến văn hóa Chăm, người ta thường nghĩ đến dải đất miền Trung gió cát với lịch sử lâu đời của một vương quốc cổ hùng mạnh, nhưng không phải ai cũng biết Nam Bộ vẫn tồn tại một dòng chảy văn hóa Chăm đặc sắc giữa lòng châu thổ. An Giang hiện là tỉnh có số người Chăm đông thứ tư tại Việt Nam và đông nhứt Nam Bộ, với khoảng 15 ngàn người. Trong số các làng Chăm ở An Giang, Katambong là một làng cổ có thể xem là điển hình. Bài viết nầy là kết quả của hai chuyến khảo sát thực tế vào tháng 7/2015 do Hội Văn học Nghệ thuật huyện Châu Phú (tỉnh An Giang) tổ chức và tháng 8/2016 do cá nhân tự thực hiện.
1. Khái quát về người Chăm An Giang
Người
Chăm ở An Giang theo cách gọi của chúng ta ngày nay, thực chất là cộng đồng
Chăm và Mã Lai. “Trước đây, cả hai nhóm người nầy định cư ở Cam Bốt. Nhóm đầu
xuất thân từ những người Mã Lai di cư từ bán đảo Malacca, được tập trung lại
chung quanh Ou-dong; nhóm thứ hai xuất thân từ những người Chăm di cư từ vùng
núi Bình Thuận, tụ tập lại trên bờ sông Mekong, phía trên bốn nhánh ở
Phnôm-pênh” [Hội Nghiên cứu Đông Đương 2017: 76]. Họ di cư về An
Giang qua nhiều đợt, các tài liệu Việt Nam trước nay thường ghi nhận quá trình
đó bắt đầu từ thế kỷ XIX, song cộng đồng Chăm cho rằng họ đã có mặt ở vùng đất
nầy trước đó đến khoảng hai thế kỷ.
Người
Chăm cho rằng tổ tiên họ đã cư trú rải rác ở Tầm Phong Long từ trước thế kỷ
XVII, minh chứng là hiện nay ở xã Nhơn Hội (huyện An Phú) có lăng mộ ông Tuanku
Umar mất năm 1658. Từ năm 1658, người Chăm và Mã Lai di cư về Tầm Phong Long
đông đảo hơn. Lý do vì trước đó vua Chân Lạp là Ibrahim cải đạo sang Islam và
tuyên bố Islam là quốc giáo, khiến người Khmer vốn sùng đạo Phật đã phản ứng mạnh
mẽ và lật đổ ông năm 1658. Nhiều người Chăm và Mã Lai từng ủng hộ Ibrahim phải
trốn chạy về Tầm Phong Long để tránh sự trả thù. Theo người Chăm ở xã Châu
Phong (thị xã Tân Châu), họ đã có nghĩa trang từ năm 1700 (nghĩa là đã có người
sinh sống trước thời điểm đó), thánh đường Jamiul Azhar cũng ra đời năm 1700 và
thánh đường Mubarak ra đời năm 1750.
Năm
1757, vua Chân Lạp là Nặc Tôn cắt đất Tầm Phong Long cho chánh quyền Đàng Trong
của chúa Nguyễn Phước Khoát. Một số người Chăm sống ở Chân Lạp đã về Châu Đốc đạo
lập nghiệp. Năm 1818, vua Gia Long thấy Châu Đốc còn nhiều đất trống, “sai trấn
thần Vĩnh Thanh gọi họp người Đường, người Chân Lạp, người Chà Và đến ở, lập phố
chợ và khai khẩn chỗ hoang, cấm dân ta không được quấy rối” [Quốc sử quán triều
Nguyễn 2002: 978]. Năm 1820, một vị quan người Chăm ở Chân Lạp là Seat Abubaca
bị vua Chân Lạp xử tử ở Oudong vì tội nổi loạn. Để tránh liên lụy, nhiều người
Chăm nhờ sự che chở của người Mã Lai để về cư ngụ ở Châu Đốc [Võ
Thành Phương 2004: 41].
Từ năm 1836 đến năm 1841, Đại Nam lập trấn Tây từ phần đất bảo
hộ Chân Lạp. Khi dừng việc bảo hộ, quân đội triều
Nguyễn bỏ trấn Tây rút về nước, nhiều người Chăm đã theo về định cư tại An
Giang. Năm 1858, một nhóm người Chăm và người Mã Lai và nổi dậy chống quốc
vương Chân Lạp là Ang Duong. Cuộc khởi nghĩa bị đàn áp, nhiều người chạy về An
Giang xin khai khẩn đất hoang định cư [Nguyễn Văn Luận 1974: 34-35].
Hiện
nay, người Chăm ở An Giang sống tập trung ở 10 palei (làng), theo thứ tự từ Bắc
xuống Nam bao gồm:
STT |
TÊN
CHĂM |
TÊN
VIỆT |
ĐỊA
CHỈ |
1 |
Parek Sabau |
Sa Bâu |
Khánh Bình, An Phú |
2 |
Koh Ghoi |
Ka Kôi |
Nhơn Hội, An Phú |
3 |
Koh Kaghia |
Đồng Cô Ky |
Quốc Thái, An Phú |
4 |
Plao Ba |
La Ma |
Vĩnh Trường, An Phú |
5 |
Koh Kaboak |
Hà Bao |
Đa Phước, An Phú |
6 |
Plei Kenh |
Phũm Soài |
Châu Phong, Tân Châu |
7 |
Mat Chruk |
Châu Giang |
Châu Phong, Tân Châu |
8 |
Koh Taboong |
Cỏ Tầm Bong |
Khánh Hòa, Châu Phú |
Katambong |
|||
9 |
Vĩnh Hanh |
Vĩnh Hanh, Châu Thành |
|
10 |
Mỹ Long |
Mỹ Long, Long Xuyên |
2. Tổng quan về làng Chăm Katambong
Katambong là tên một cù lao trên sông Hậu, hiện nay có diện
tích hơn 2000 ha với tên gọi hành chánh là xã Khánh Hòa, thuộc huyện Châu Phú của
tỉnh An Giang. Buổi đầu, người Chăm gọi nơi đây là Koh Taboong, trong đó
“koh” là cù lao và “taboong” là cây gậy [Dohamide & Dorohiêm 2006]. Người
Việt đọc trại thành Cỏ Tầm Bong, khi người Pháp đến lại viết thành Katambong.
Nếu
xét theo địa bàn tương ứng với huyện Châu Phú ngày nay, Gia Định thành thông chí cho biết vùng đất nầy đầu triều Nguyễn chỉ
có thôn Bình Thạnh Tây và Bình Lâm [Trịnh Hoài Đức 1999: 116]. Đến thời Minh Mạng,
qua Địa bạ tỉnh An Giang ta biết thôn
Bình Thạnh Tây trở thành Vĩnh Thạnh Trung, có thêm thôn mới Bình Mỹ và Mỹ Đức [Nguyễn
Đình Đầu 1995: 261-262], Koh Taboong bấy giờ thuộc thôn Mỹ Đức.
Về sau, cù lao tách khỏi Mỹ Đức để hình thành thôn Khánh Hòa. Đến thời Pháp thuộc, Khánh Hòa lại chia thành hai làng là Khánh Hòa dành cho người Việt và Katambong dành cho người Chăm vào năm 1882 [Nguyễn Đình Tư 2017: 200]. Pháp cũng sử dụng Katambong làm tên chính thức cho cù lao. Năm 1957, hai xã nhập lại thành Khánh Hòa, trở thành xã duy nhứt trên cù lao đến nay.
Người Chăm đến Koh Taboong
cùng thời với những chuyến di dân về An Giang của cộng đồng người Chăm ở
Cambodia. Những nhóm đến trước định cư ở các làng phía Bắc tỉnh An Giang, những
nhóm đến sau xuôi theo dòng sông Hậu xuống phía Nam, trong đó có nhóm Chăm Koh
Taboong. Hiện nay mặc dù sống gần gũi với người Việt trong cùng một đơn vị hành
chánh, nhưng người Chăm
vẫn quây quần tập trung trong những xóm ấp nhứt định trên cù lao chứ không sống
rải rác.
3. Văn hóa vật thể
Về mưu sinh,
từ năm 1902 trong Chuyên khảo về tỉnh
Châu Đốc đã đề cập: “Gần như tất cả những người Mã Lai và người Chăm đều là
những người buôn bán, nhưng không chuyên vào một thứ hàng hóa nào nhất định” [Hội
Nghiên cứu Đông Dương 2017: 79]. Sống ở vùng đất sông nước “là tiền đề phát triển
các nghề buôn bán trên sông, vận tải đường sông, nuôi cá và lưới cá trên sông”
[Lý Tùng Hiếu 2016: 168] nên trước đây nam giới người Chăm giỏi nghề đánh bắt
cá và mua bán nông sản. Bên cạnh đó, nữ giới nổi tiếng với nghề dệt vải và thêu
thùa. Ngày nay, họ mưu sinh bằng nhiều ngành nghề khác nhau như trồng trọt,
chăn nuôi, buôn bán hàng hóa và dịch vụ…
Về ẩm thực,
giới luật Islam quy định họ chỉ được ăn thịt những con vật do chính người Islam
cắt tiết, trước khi ăn phải đọc kinh. Họ không ăn thịt heo, chó, rắn… và những
con vật tự nhiên ngã ra chết hoặc bị giết bằng cách siết cổ, đập đầu, bị húc, bị
xé xác… Những loại thịt đảm bảo không phạm các quy định nầy được gọi là
“halal”. Tín đồ cũng không được phép uống rượu bia. Tuy ẩm thực bị ràng buộc bởi
giới luật, nhưng người Chăm vẫn sáng tạo nhiều món độc đáo, hiện nay nay trở
thành đặc sản như tung lò mò (lạp xưởng bò), cơm nị, cà púa…
Trang phục của một vị Haji tại
Katambong (Ảnh: Vĩnh Thông)
|
Về trang phục,
xà rông là trang phục truyền thống của người Chăm. Người Chăm An Giang nổi tiếng
khéo tay với nghề thủ công dệt thổ cẩm, bắt nguồn từ việc dệt trang phục phục vụ
mục đích sử dụng của cá nhân và gia đình, sau đó trở thành làng nghề với những
sản phẩm tinh xảo. Các loại xà rông, khăn choàng, túi xách… của người Chăm An
Giang ngày nay có mặt khắp các thành phố lớn trong nước và cả Đông Nam Á. Ngoài
ra, nam giới thường đội nón trắng (già) hoặc đen (trẻ), nữ giới phải choàng
khăn che kín mái tóc nhưng không che mặt phụ nữ Islam ở Trung Đông.
Về cư trú,
nhà sàn là hình thức truyền thống được người Chăm chọn từ khi mới đến vùng đất
nầy, nhằm thích ứng với môi trường đồng bằng thường ngập úng vào mùa nước nổi.
Những ngôi nhà sàn có phong cách độc đáo, tùy điều kiện từng gia đình mà mỗi
nhà có kết cấu và loại gỗ khác nhau, trong đó có những ngôi nhà tuổi đời hàng
trăm năm. Nhà sàn của người Chăm cũng có nhiều nét tương đồng gần gũi với nhà
sàn của người Việt ở Nam Bộ, tuy nhiên về đại thể vẫn dễ dàng nhận ra sự khác
nhau. Nhà sàn của người Chăm có mái chánh nằm xuôi theo chiều dài căn nhà, mái
phụ nằm ngang ở mặt trước và mặt sau, mặt tiền nhà hướng theo trục dọc.
Về kiến trúc,
mỗi làng Chăm ở An Giang đều có những masjid
(thánh đường) và surao (tiểu
thánh đường). Trung tâm
của làng Chăm Katambong là thánh đường Jamiul Aman. Kiến trúc thánh đường mang
phong cách Ả Rập với màu sắc chủ đạo là nền xanh non viền chỉ trắng, trên nóc
có một bán cầu nhô cao, bốn góc có bốn tháp. Khắp thánh đường có nhiều biểu tượng
trăng lưỡi liềm và ngôi sao của Islam giáo. Thánh đường thoáng sáng vì có dãy
hành lang và nhiều cửa, nội thất được trang trí đơn giản, tuyệt nhiên không có
hương án hay hình tượng mà chỉ có một lỗ thủng lõm vào gọi là hậu tẩm. Người
Islam quan niệm Allah có mặt khắp mọi nơi, không hình tượng nào có thể biểu hiện
được Allah.
Về giao thông,
miền Nam là vùng đất sông nước, người Chăm phải lựa chọn phương tiện phù hợp với
điều kiện địa hình, xuồng ghe tất yếu đóng vai trò quan trọng. Đối với
Katambong cũng thế, do địa hình cù lao và người Chăm nơi đây lại giỏi nghề đánh
bắt cá, nên phương tiện giao thông truyền thống mà họ thông thạo là ghe xuồng.
Theo Hội Nghiên cứu Đông Dương [2017: 79] cho biết vào đầu thế kỷ XX: “Họ chèo
thuyền đi khắp xứ, tự đảm nhận việc chèo thuyền để tránh tăng thêm chi phí. Số
thuyền mà những người Mã Lai và người Chăm đăng ký trong tỉnh Châu Đốc lên đến
754 chiếc.”
4. Văn hóa phi vật thể
Về tổ chức cộng đồng,
đứng đầu mỗi palei có một Hakim (giáo cả) chịu trách nhiệm về mặt tôn giáo và
người phụ tá gọi là Naep, bên cạnh đó còn có Ahli được xem như người quản lý
các xóm. Những người sau khi hành hương đến thánh địa Mecca (Arab) về sẽ được gọi
là Haji và được cộng đồng trọng vọng. Trong phạm vi gia đình, người Chăm ở An
Giang theo chế độ phụ hệ, nhưng tàn tích của chế độ mẫu hệ cổ truyền vẫn còn.
Chẳng hạn trong hôn nhân, mặc dù nam giới chủ động cưới vợ, nhưng nhà trai
không rước dâu mà sẽ đưa rể sang nhà gái để làm lễ.
Về tôn giáo, người Champa xưa ngoài tin vào các thần linh dân gian, còn có ba tôn giáo là Bàlamôn, Bàni, Islam. Phật giáo từng có thời kỳ ảnh hướng ở Champa nhưng đã sớm lụi tàn. Người Chăm ở An Giang theo Islam (Hồi giáo) dòng Sunni và xưng là người Islam. Đặc biệt, nếu ai lần đầu có dịp xem một buổi cầu nguyện của người Chăm, chắc hẳn sẽ không khỏi ngạc nhiên về sự điêu luyện của họ khi đọc kinh Qur’an. Họ gọi là đọc kinh chứ không phải hát, ngâm, diễn xướng… cũng không sử dụng nhạc cụ. Song, giọng đọc lại du dương, khi trầm lắng khi vút cao, những đoạn ngân dài uyển chuyển. Lời kinh đầy nhạc tính ấy trỗi lên giữa thánh đường chật ních nhưng vô cùng trang nghiêm và yên tĩnh, tạo nên ấn tượng mạnh với những ai có dịp chứng kiến.
Về phong tục - lễ hội,
người Chăm gắn
bó mọi sinh hoạt hằng ngày với thánh đường, các nghi lễ đa phần được tổ chức ở
đây. Theo truyền thống, mỗi ngày họ cầu nguyện năm lần. Đến trưa thứ sáu hằng
tuần, nam giới tắm rửa sạch sẽ, mặc trang phục truyền thống đến thánh đường
hành lễ (họ gọi là xem lễ), nữ giới làm lễ tại nhà. Họ có tháng nhịn ăn Ramadan vào
tháng 9 Hồi lịch (khoảng tháng 4 - 5 dương lịch). Trong tháng nầy, tín đồ sẽ
không ăn uống vào ban ngày, nhằm giúp họ thấu hiểu sự cơ cực của người nghèo
đói, đồng thời rèn luyện tiết chế bản thân trước những cám dỗ vật chất. Kết
thúc tháng nầy họ tổ chức lễ Roya rất trọng thể. Ngoài ra người Chăm còn nhiều
lễ khác trong năm, chủ yếu liên quan đến tôn giáo.
Về văn
học nghệ thuật, dù bị hạn chế vì lý do tôn giáo, nhưng người Chăm ở An
Giang vẫn bảo lưu nhiều loại hình ca múa dân gian độc đáo như hát giao duyên, hát ống, hò, vè, hát đố, hát ru, đồng dao… Có lẽ không quá lời khi nói rằng, âm
nhạc Chăm An Giang đều xoay quanh tiếng trống. Bộ
trống Rap Panà là nhạc cụ truyền thống của người Chăm Islam đứng trước nguy cơ
mai một và đang được phục hồi. Nó có nguồn gốc từ trống Paranưng của người Chăm
Trung Bộ, tuy nhiên mục đích và cách biểu diễn khác biệt. Bộ trống nầy được
trình diễn vào những ngày lễ tết và chỉ dành cho nam giới, khi đó những nhạc
công ngồi thành hình bán nguyệt, vừa chơi trống vừa đồng ca.
Tóm lại, người Chăm ở An Giang nói
chung và Katambong nói riêng là những người hiền hòa trong ứng xử, cần cù trong
lao động và tự hào về văn hóa của mình. Họ có niềm tin tôn giáo mãnh liệt, có
tinh thần tự giác và ý thức cao trong việc thực hiện các quy tắc cộng đồng.
Cuộc sống họ gắn bó hòa đồng với người Việt, Khmer, Hoa và cùng nhau đóng góp
những giá trị đặc sắc cho văn hóa địa phương.
VĨNH
THÔNG
(Bài in trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học:
Định hướng khai thác các giá trị văn hóa Chăm trong phát triển du lịch An
Giang, Trường Đại học An Giang, 2019 & sách Dấu ấn thượng châu thổ, Nxb Tổng
hợp TP.HCM, 2021)
_______________________
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Dohamide & Dorohiêm (2006), “Từ một thôn ấp Chăm khép kín”, Website Thất Sơn - Châu Đốc (www.thatsonchaudoc.com), 24/6/2006.
2. Hội Nghiên cứu Đông Đương (2017), Chuyên khảo về tỉnh Châu Đốc, Nguyễn Nghị & Nguyễn Thanh Long dịch, Nxb Trẻ.
3. Lý Tùng Hiếu (2016), Các vùng văn hóa Việt Nam, Giáo trình Trường Đại học Văn hóa TP.HCM.
4. Nguyễn Đình Đầu (1995), Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn: An Giang, Nxb TP.HCM.
5. Nguyễn Đình Tư (2017), Địa chí hành chính các tỉnh Nam Kỳ thời Pháp thuộc (1859-1954), Nxb Tổng hợp TP.HCM.
6. Nguyễn Văn Luận (1974), Người Chàm Hồi giáo miền Tây Nam phần Việt Nam, Bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh niên.
7. Quốc sử quán triều Nguyễn (2002), Đại Nam thực lục, Tập 1, Viện Sử học dịch, Nxb Giáo dục.
8. Trịnh Hoài Đức (1999), Gia Định thành thông chí, Đỗ Mộng Khương & Nguyễn Ngọc Tỉnh dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, Nxb Giáo dục.
9. Võ Thành Phương (2004), Tìm hiểu An Giang xưa, Văn nghệ An Giang.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét