Ngày rằm tháng Bảy không chỉ là lễ Vu Lan trong Phật giáo mà còn là một ngày quen thuộc trong tín ngưỡng dân gian: cúng cô hồn, nói cho chữ nghĩa là lễ xá tội vong nhân. Ngày đó nếu dễ dàng nhìn thấy hàng Phật tử nô nức đến chùa niệm kinh lễ Phật, cúng dường trai tăng, cài hoa lên áo… thì cũng không khó để bắt gặp các bà, các mẹ xúm xít bên mâm nhang đèn trà bánh bên vệ đường để cúng cô hồn. Nếu Vu Lan là một ngày lễ thuần chất tôn giáo thì cúng
cô hồn lại là một nghi thức mang đậm tính dân gian. Có lẽ vì thế mà cúng cô hồn
bắt nhịp sâu vào đời sống cộng đồng hơn cả Vu Lan, dù là Phật tử hay không. Nói
tới rằm tháng Bảy, dân gian nhớ ngay đến ngày cúng cô hồn trước, rồi mới đến Vu
Lan. Ở một số vùng nông thôn xa xôi, có thể việc đi chùa lễ Vu Lan không dễ
dàng thì một mâm cúng cô hồn bên đường lại điều phải có.
Hiện đại hóa, tục lệ cúng cô hồn trở thành trò mê tín
dị đoan trong mắt nhiều người, bị tách ra khỏi đời sống xã hội văn minh. Song,
đâu đó dọc theo những cung đường vào ngày trăng tròn tháng Bảy, ta vẫn bắt gặp
những người phụ nữ lặng thầm bên mâm nhang đèn lâm râm cầu khấn. Dù bị xua đuổi
khỏi nhịp độ hối hả của thời đại, nhưng tục lệ dân gian đó vẫn âm thầm bám một
ít gốc rễ còn lại của mình vào tâm thức cộng đồng.
Theo quan niệm phổ biến của người Việt, cúng cô hồn là
để cầu cho những linh hồn vất vưởng không nơi nương tựa được siêu thoát, không
quấy phá cuộc sống của người trần thế. Thậm chí có người còn “đi xa” hơn: cúng
để cầu những linh hồn phù hộ mình trong làm ăn. Nhưng nếu chỉ nhìn tập tục nầy
dưới góc độ như thế thì làm sao thấy hết giá trị của một nét đẹp văn hóa dân
gian?
Thử nghĩ xem ở nơi mình đang sống, làm sao ta có thể
biết hết được những ai đã từng nằm lại. Trong đó có những người đã khai sinh ra
làng xã nầy, bảo vệ mảnh đất nầy, những người chẳng may vắn số… Dĩ nhiên cũng
có những người đến phút cuối đời vẫn không tìm được người thân, không ai nhang
khói. Thế nên, ông bà ta ngày xưa đã rất sáng tạo khi bày một mâm cúng bên đường
để cúng những linh hồn không nơi nương tựa. Vật chất đơn sơ nhưng trong đó đã ắp
đầy biết bao tình nghĩa đồng bào cao đẹp được gởi gắm, dù chỉ là gởi đến những
người mà mình chưa hề biết họ.
Khi đứng trước mâm cúng, đôi tay nâng mấy cây nhang với
lòng thành kính, người cúng đã thầm gởi cả lòng trân trọng những lớp người của
thời quá khứ. Họ gởi lời tri ân đến những người từng sống và chết ở mảnh đất mà
giờ đây mình đang sinh sống. Họ gởi lời ủi an đến những người không may vắn số
phải dừng bánh xe đời lại bên đường. Họ gởi chút lòng thơm thảo của lớp con
cháu đời sau đến những người đã khuất mà không tìm được người thân.
Trong xã hội hiện đại, gửi tình nghĩa đến những người
còn sống mà mình không quen biết, chắc hẳn là điều hiếm thấy. Vậy mà càng lạ
lùng hơn khi hàng ngàn năm trước người Việt đã âm thầm gửi tình nghĩa đến những
người đã khuất mà mình không quen biết.
Đó là gì nếu không phải là tình thương người, lòng bao
dung, đạo nhân nghĩa trong văn hóa Việt? Thương hết mọi người dù quen hay lạ,
thương cả người đang sống lẫn người đã khuất. Một mâm cúng cô hồn ít nhiều đã
thắt nên một sợi dây liên kết vô hình giữa con người hiện tại và con người quá khứ. Và, biết đâu trong số những “cô hồn
vất vưởng” theo quan niệm dân gian mà họ cúng hôm nay, có người từng có ơn giúp
đỡ mình! Biết đâu…
Đó chẳng phải là một sự sáng tạo sao? Nhưng đâu chỉ vậy,
nó còn là một sự sáng tạo rất độc đáo, rất nhân văn, và rất Việt Nam!
Cho nên tháng Bảy về, có quá nhiều nét đẹp, của Mục Kiền
Liên cứu mẹ, của Ngưu Lang - Chức Nữ gặp nhau… và hình ảnh các bà, các mẹ thành
kính bên mâm cúng cô hồn đơn sơ cũng vẫn mãi là một hình ảnh đẹp. Hình ảnh đó
không chỉ hòa vào dòng chảy tâm linh tháng Bảy của dân gian, mà còn hòa vào
dòng chảy những giá trị tinh thần của văn hóa Việt tộc, ngàn năm tỏa sáng.
VĨNH THÔNG
(Tác phẩm đăng trên Tập san Hương Pháp, số 15, 2018 &
in trong tập tùy bút Thong thả đi, Nxb Văn hóa Văn nghệ, 2017)
Tác giả giữ bản quyền, vui lòng ghi rõ nguồn khi sử dụng nội dung này.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét