Tân Châu là thị xã trẻ của tỉnh An Giang, nơi đầu tiên đón sông Tiền chảy vào lãnh thổ Việt Nam. Dù đang trên đà phát triển đầy năng động, nhưng thị xã cũng có bề dầy lịch sử và văn hóa đáng tự hào. Du lịch về Tân Châu, bạn có thể ghé thăm làng Chăm, các thánh đường, chùa cổ, làng nghề dệt thổ cẩm, làng nghề dệt lụa… và thưởng thức những món ăn hấp dẫn của cộng đồng Chăm.
Làng Chăm Châu Phong
Đến làng Chăm Châu
Phong, bạn sẽ bất ngờ trước khung cảnh một làng quê yên bình, mến khách, và đặc
biệt là vẻ đẹp thướt tha của các thiếu nữ Chăm. Xà rông là trang phục truyền thống
của người Chăm, bên cạnh đó nam thường đội nón trắng (người già) hoặc đen (người
trẻ), còn nữ thì choàng khăn.
Ngoài
ra, nhà sàn cũng là một điểm nổi bật ở làng Chăm. Những ngôi nhà nầy có phong
cách độc đáo, lạ mắt, nhiều ngôi nhà có tuổi đời hàng trăm năm. Tùy điều kiện từng
gia đình mà mội ngôi nhà có kết cấu và loại gỗ khác nhau.
Người Chăm ở Châu
Phong có làng nghề dệt thổ cẩm nổi tiếng và hình thành từ lâu đời. Sản phẩm dệt
chủ yếu là áo, xà rông, khăn choàng, túi xách… Các sản phẩm thổ cẩm đầy sắc màu
đó được dệt từ bàn tay tài hoa của những người phụ nữ Chăm duyên dáng. Màu sắc
thổ cẩm ở Châu Phong sắc nét và lâu phai, các hoa văn trên sản phẩm mang đậm
nét đặc trưng của người Chăm Nam Bộ. Mặc dù kỹ thuật ngày càng được đổi mới,
nhưng các sản phẩm thổ cẩm vẫn giữ được phong cách truyền thống của cộng đồng
Chăm. Hiện nay, thổ cẩm Chăm Châu Phong đã có mặt tại các thành phố lớn ở miền
Nam và các nước Đông Nam Á.
Đến làng Chăm, thực
khách thường thưởng thức nhiều đặc sản hấp dẫn, trong đó nổi tiếng là cơm nị và
tung lò mò. Cơm nị gần giống cơm trộn của người Việt, nhưng chế biến kỳ công hơn. Tung lò mò tức lạp xưởng bò, được người Chăm An
Giang xem đây là món ăn quý, dùng để đãi những
vị khách được gia đình quý mến, hoặc vào các dịp quan trọng. Ngoài ra, họ
còn có nhiều loại bánh ngọt như ha cô-âm (bánh
bò nướng), ha nam-prăn (bánh bông lan nướng), ha pá (bánh cay)…
Thánh đường Mubarak
Người Chăm ở An Giang theo đạo Islam (Hồi giáo),
gắn bó mọi sinh hoạt hằng ngày với thánh đường. Mỗi ngày năm lần, người Chăm đến
thánh đường cầu nguyện và nghe thuyết giảng vào ngày thứ Sáu hằng tuần. Ở mỗi làng Chăm đều có những thánh đường (masjid) và tiểu thánh đường tức
nhà nguyện (surao). Một trong những thánh đường cổ và có kiến trúc độc đáo được nhiều du khách đến thăm là thánh
đường Mubarak ở xã Châu Phong, thị xã Tân Châu.
Thánh đường Mubarak có kiến trúc nguy nga, tráng lệ như các công trình tôn giáo ở Trung Đông. Màu sắc
chủ đạo của thánh đường là màu trắng
và xanh nhạt - hai màu đặc trưng của
văn hóa Islam, tạo cảm giác quý phái, thanh lịch. Điểm nhấn của thánh đường
là tháp lớn hai tầng ở giữa, có hình trăng lưỡi liềm và ngôi sao - biểu tượng của
đạo Islam. Bốn góc trên nóc thánh đường cũng có bốn tháp nhỏ hình củ hành.
Bên trong thánh đường
rộng lớn và thoáng mát, tràn ngập ánh sáng vì có dãy hành lang rộng và nhiều cửa.
Tất cả cửa ra vào đều có dạng vòm nhọn. Nội thất được trang trí đơn giản, tuyệt
nhiên không có hương án hay hình tượng, mà chỉ có một lỗ thủng lõm vào gọi là hậu
tẩm. Người Islam quan niệm Allah - Đấng Tối Cao có mặt khắp mọi nơi và không hình ảnh nào có thể tượng trưng cho
ngài. Nhìn chung, Mubarak được xem là công
trình mang tính tiêu biểu, đặc trưng cho phong cách kiến trúc thánh đường
của người Chăm Nam Bộ.
Chùa Giồng Thành
Chùa Giồng Thành là ngôi cổ tự thuộc phường Long Sơn,
thị xã Tân Châu. Chùa có tên chữ là Long Hưng tự, nhưng được gọi là Giồng Thành
vì tọa lạc trên giồng đất cao vốn là Tân Châu bảo - một đồn binh của quân đội
triều Nguyễn ngày xưa. Chùa được xây dựng vào giữa thế kỷ XIX, sau đó được trùng tu
kiên cố vào năm 1927, và đến năm 1970 thì chùa được xây lại với dáng vẻ hiện nay.
Kiến trúc chùa Giồng
Thành hài hòa với phong cách Á - Âu, mang một số nét Ấn Độ với các tháp hình phễu,
các họa tiết trang trí đơn giản mà thanh lịch. Mặt tiền của chùa nổi bật với
tòa tháp ba tầng nhô ra, tầng trệt tứ giác, tầng giữa bát giác, tầng trên lục
giác. Hai bên có thêm hai tháp nhỏ hình lục giác. Trái với mặt tiền cách tân, bộ
nóc lại mang đậm tính dân tộc với hình ảnh mái ngói truyền thống.
Nội thất mang hình chữ “song hỷ”, xung quanh được
bao bọc bằng những hàng cửa vòm sang trọng, quý phái, nhìn giống như một ngôi nhà cổ Nam Bộ. Bên trong chùa chia làm
nhiều gian thờ, mỗi gian được bày trí các bức tượng mang tính thẩm mỹ cao.
Phong cách tượng thờ ở chùa Giồng Thành thể hiện rõ những đặc trưng của nghệ
thuật Phật giáo cổ truyền vào thế kỷ XIX - XX.
Chùa Giồng Thành còn là địa chỉ đỏ của phong trào
yêu nước đầu thế kỷ XX. Khoảng thập niên 1920, chùa là một trong những cơ sở hoạt động của Hội Kín chống Pháp. Các hòa
thượng của chùa cũng từng tham gia phong trào nầy.
Trong khoảng năm 1928 - 1929, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc có đến
đây truyền bá tư tưởng yêu nước.
Miếu Hội
Nam
Bộ là nơi che chở chúa Nguyễn Ánh trong những
ngày tháng gian lao và nền tảng cho sự thành công của ông trong sự
nghiệp phục quốc. Do đó, nhiều nơi có miếu thờ vua Gia Long như bãi Dâu (Vũng
Tàu), rạch Nước Xoáy (Đồng Tháp), vồ Thiên Tuế (An Giang), mũi Ông Đội (Kiên Giang)… Song, một ngôi miếu thờ tập
hợp các vị vua và công thần triều Nguyễn thì hiếm có. Miếu Hội ở Tân
Châu là trường hợp đặc biệt trên địa bàn Nam Bộ
khi thờ bốn vị vua đầu nhà Nguyễn và tám vị khai quốc công thần của
triều đại nầy.
Dân
gian kể, ngày xưa các danh tướng đi ghe ô sa dẹp giặc biên giới, trước mũi
chiếc ghe tiên phong có khánh thờ Tứ Vị Vương - Bát Vị Hầu, được thiết kế kiểu
cách như ngôi miễu nhỏ. Đó là biểu tượng thể hiện uy võ của triều đình và tăng
nhuệ khí binh sĩ. Hình ảnh đó đã đi vào tâm thức cộng đồng vùng Tân Châu. Để
ghi dấu tiền nhân đồng thời thờ phượng các bậc quân vương và danh thần, thập
niên 1850, người dân lập ngôi miếu đơn sơ hướng mặt ra sông Tiền.
Đối
tượng thờ cúng của miếu là Tứ Vị Vương (Gia Long,
Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức) và Bát Vị Hầu (Đỗ Thành Nhơn, Nguyễn Huỳnh
Đức, Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Tri Phương, Châu Văn Tiếp, Võ Tánh, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Văn Thoại), đồng thời miếu còn thờ
cúng một số đối tượng khác trong tín ngưỡng dân gian Nam Bộ. Miếu vốn
tên là miếu Tứ Vị Vương, nhưng thời Pháp thuộc, đây là nơi hội họp của những nghĩa sĩ tham gia Hội Kín chống
Pháp, nên người dân gọi là miếu Hội đến nay.
Làng nghề dệt lụa Tân Châu
Làng nghề dệt lụa
Tân Châu cũng là một làng nghề thủ công truyền
thống đem lại niềm tự hào cho An Giang, như người xưa thường nói: “Lụa Tân Châu, trâu Nhà Bàn.” Sản phẩm
lụa Tân Châu độc đáo và nổi tiếng bậc nhứt Nam Kỳ ngày xưa với tính chất mềm mại,
bền dai, được làm từ nguyên liệu tơ tằm tự nhiên.
Lụa Tân Châu cũng
được làm từ tơ tằm như lụa các nơi khác, tuy nhiên điểm đặc biệt là phẩm nhuộm lấy
từ nhựa của trái mặc nưa - loại cây có nhiều ở địa phương. Nhuộm màu là công đoạn
khó khăn nhứt, tốn nhiều thời gian. Trái mặc
nưa được giã nát rồi hòa vào nước, lụa phải được nhúng vào dung dịch nầy
cả trăm lần để từng sợi tơ có thể thấm đều màu, sau mỗi lần nhúng phải dùng tay
vắt kỹ rồi phơi khô.
Lãnh Mỹ A là một
loại lụa “độc nhứt vô nhị” với màu đen huyền
quyến rũ. Lãnh bóng loáng, không co giãn, không hút ẩm và không phai theo thời gian. Có người cho rằng, bề
mặt lãnh Mỹ A trơn bóng và mát, nên được gọi là “lãnh” chứ không gọi là “lụa”
như các loại khác. Thời Pháp thuộc, chỉ những người phụ nữ giàu có mới có thể
khoác lãnh Mỹ A lên người.
Hiện nay, lãnh Mỹ
A không chỉ có màu đen truyền thống mà còn được “khám phá” thêm nhiều màu khác
nhau. Không chỉ thế, lãnh Mỹ A càng được tôn vinh hơn khi nhiều năm được đưa
lên sàn diễn thời trang quốc tế và gây được tiếng vang lớn.
Chùa Bửu Sơn Kỳ Hương
Chùa Bửu Sơn Kỳ Hương tọa lạc tại xã Vĩnh Xương, thị
xã Tân Châu. Phía trước chùa là cánh đồng bạt ngàn chạy dài tới biên giới Việt
Nam - Campuchia, cách đó không xa là Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương. Bởi thế, chùa
không chỉ là một cơ sở tôn giáo của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, mà còn là điểm tựa
tinh thần của cư dân biên giới. Chùa được xây dựng năm 1941, đến năm
2008 thì được trùng tu khang trang và rộng lớn như hiện nay.
Chùa có diện tích
rộng lớn, chia thành nhiều gian thờ. Kiến trúc chùa mang phong cách cổ truyền
nhưng có nhiều nét cách tân khá độc đáo, lạ
mắt. Nóc cổ lầu, mái tam cấp, mặt tiền và nóc được trang trí khá thẩm mỹ.
Hai bên chánh điện có hai tòa tháp hình bát giác. Chánh điện chùa thờ trần điều với bốn chữ Hán “Bửu Sơn Kỳ
Hương” đắp nổi.
Ngoài chánh điện, chùa còn có miếu thờ Thần Nông
và điện thờ Quan Âm Bồ tát. Chùa Bửu Sơn Kỳ Hương là một di tích uy nghiêm mà thanh
thoát, được nhiều du khách trong và ngoài địa phương ghé thăm, cúng viếng. Đây
là một trong những ngôi chùa lớn và đẹp của thị xã Tân Châu, gắn liền với đời sống
tôn giáo của người dân miền biên giới Vĩnh Xương.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét