1. Dẫn nhập
Trong quá trình khai khẩn vùng đất An Giang xưa, nhiều tộc họ vốn là di dân miền Trung di cư vào Nam đã đóng góp những công lao to lớn. Có những tộc họ đã để lại tên tuổi gắn liền với một địa phương cụ thể, chẳng hạn như họ Lê Công với làng Châu Phú, nay là trung tâm thành phố Châu Đốc. Ở bài viết nầy, chúng tôi xin đóng góp thêm một số tư liệu liên quan đến quá trình tộc họ Dương đến khai phá những cù lao trên vùng đất An Giang.
Dòng họ Dương vốn có nguồn gốc từ Quảng
Ngãi, vào năm Mậu Tý 1768, một số người trong tộc họ đã di cư vào Nam tìm đất mới
lập nghiệp. Sau khi đến được đồng bằng sông Cửu Long, họ lần lượt tìm đến Mỹ
Tho đại phố (Tiền Giang), dinh Long Hồ (Vĩnh Long), miệt Cần Lố (Đồng Tháp),
sau đó đến rạch Tà Mòn ở cù lao Giêng. Bắt đầu từ đây, họ chia thành nhiều
nhánh đi khẩn hoang một số địa điểm khác, các nơi nầy đều nằm trên địa bàn tỉnh
An Giang ngày nay. Ở đâu, những người họ Dương cũng ra sức khai phá, mộ dân lập
ấp, biến những vùng đất hoang vu trở thành thôn xóm trù phú.
2. Họ Dương xã Mỹ Hiệp
Cù lao Giêng dài khoảng 12 km nằm
trên sông Tiền, còn có nhiều tên gọi khác như cù lao Đầu Nước, Dinh, Riêng,
Ven… Sử triều Nguyễn ghi tên cù lao nầy là Dinh (doanh trại đóng quân), bên
cạnh đó tên cù lao nầy trong tiếng Khmer là Teng. Như vậy, tên gọi cù lao Giêng
có thể do nói trại từ cù lao Dinh hoặc cù lao Teng.
Cù lao Giêng là nơi được khai
phá sớm vào khoảng đầu thế kỷ XVIII. Năm 1757, vùng đất Tầm Phong Long được vua
Chân Lạp là Nặc Tôn dâng cho Võ Vương Nguyễn Phước Khoát, tướng Nguyễn Cư Trinh
lập ba đạo binh trấn thủ là Đông Khẩu đạo, Tân Châu đạo, Châu Đốc đạo. Trong đó
Tân Châu đạo ban đầu được đặt ở cù lao Giêng, sau nầy mới dời lên làng Long Sơn
(thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang ngày nay). Hiện nay trên cù lao có ba xã là Tấn
Mỹ, Mỹ Hiệp, Bình Phước Xuân.
Nơi họ Dương tìm đến định cư ngày nay
thuộc xã Mỹ Hiệp và người có công đầu trong việc khai khẩn nơi nầy là ông Dương
Công Quận. Ông sanh năm Canh Thân 1740, dưới thời Võ Vương Nguyễn Phước Khoát ở
Đàng Trong, tức năm Cảnh Hưng nguyên niên vào triều vua Lê Hiển Tông ở Đàng
Ngoài. Sau khi dừng lại ở nhiều nơi ở miền Tây như Mỹ Tho, Long Hồ, Cần Lố…
cuối cùng gia đình ông Dương Công Quận đến rạch Tà Mòn ở cù lao Giêng rồi định
cư hẳn tại đây. Gia đình ông bắt tay vào việc khai phá, chiêu mộ dân cư đến
canh tác và sinh sống, lập thành xóm ấp đông đúc. Ông cùng nhân dân lập ngôi
đình làng để thờ phượng Thành Hoàng Bổn Cảnh trên vùng đất mới.
Ông Dương Công Quận qua đời ngày mùng
4 tháng 10 năm Kỷ Mão 1819, tức năm Gia Long thứ 17. Phần mộ ông hiện nay nằm
trong khuôn viên đất tộc họ Dương. Sau khi ông Dương Công Quận qua đời, con
cháu sửa sang ngôi nhà ông từng sinh sống để trở thành nơi thờ tổ tiên chung của
tộc họ, đặt tên chính thức là Dương Công
phủ, còn gọi là phủ thờ Họ Dương
hoặc miếu Tiền Hiền. Phủ thờ
hiện tọa lạc tại ấp Đông, xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.
Hằng năm lễ giỗ ông Dương Công Quận diễn ra vào ngày 3 và 4 tháng 10 âm lịch
[Bảo tàng An Giang 2013: 175-176].
Ngoài ra, nhân dân trong làng còn tôn
ông Dương Công Quận làm Tiền hiền và thờ trong đình làng. Năm 1852, làng được
vua Tự Đức ban sắc phong cho Thành Hoàng Bổn Cảnh. Đến nay, họ Dương ở xã Mỹ Hiệp
đã truyền được 12 đời.
3. Họ Dương xã Bình Thủy
Cù
lao Năng Gù nằm trên sông Hậu, ngày nay là xã Bình Thủy, huyện Châu Phú, tỉnh
An Giang. Các vị cao niên ở địa phương cho rằng địa danh Năng Gù bắt nguồn
từ Long Cù nghĩa là cù hóa
rồng [Tư liệu điền dã 2012]. Cù là con vật tưởng tượng trong văn hóa dân gian,
người ta cho rằng vùng đất nào bỗng lở thành sông là có con cù ẩn bên dưới và
nó đã “dậy” để hóa rồng. Một số ý kiến khác lại cho rằng Năng Gù nói trại từ
Snèn Kô trong tiếng Khmer nghĩa là sừng bò [Vương Hồng Sển 1999: 247].
Ông Tiền hiền thủy tổ của họ Dương xã
Bình Thủy tên thật là Dương Văn Hóa, sanh năm Quý Mão 1723, dưới thời Võ Vương
Nguyễn Phước Khoát ở Đàng Trong, tức năm Bảo Thái thứ tư vào triều vua Lê Dụ
Tông ở Đàng Ngoài. Ông cùng đoàn người tộc họ Dương vào Nam lập nghiệp vào năm
1768. Sau khi đến cù lao Giêng, ông tách ra thành một nhánh riêng và tiếp tục
tiến về phía Bắc rồi dừng chân ở cù lao Năng Gù năm 1783. Những lưu dân buổi ấy
đã hiệp lực cùng nhau khai phá rừng hoang, cải tạo thành ruộng vườn, mở ra thôn
ấp và quy tụ dân cư đến khai cơ lập nghiệp. Ông đặt tên thôn mới khai khẩn là
Bình Lâm (về sau mới đổi thành Bình Thủy đến nay).
Sau
khi vua Gia Long lên ngôi lập ra triều Nguyễn, quan Trấn thủ Vĩnh Thanh phê
chuẩn cho thôn Bình Lâm, đồng thời ông Dương Văn Hóa được giao giữ chức Trùm
tri thâu đến cuối đời. Ông
mất ngày 22 tháng Giêng năm Mậu Dần 1818, tức năm Gia Long thứ 16, được tôn làm
Tiền hiền và thờ ở bàn thờ Hội Đồng trong đình thần Bình Thủy. Năm 1957, phủ thờ Họ Dương được xây dựng bên cạnh
đình làng. Đến nay, họ Dương xã Bình Thủy đã truyền được 13 đời.
4. Họ Dương xã Vĩnh Lộc
Xã Vĩnh Lộc thuộc huyện
An Phú, tỉnh An Giang. Người có công khai phá nơi đây là ông Dương Văn Thới -
con trai út (thứ ba) của ông Dương Văn Hóa ở Bình Thủy. Ông Dương Văn Thới sanh
năm 1748 dưới thời Võ Vương Nguyễn Phước Khoát ở Đàng Trong, tức năm Cảnh Hưng
thứ tám vào triều vua Lê Hiển Tông ở Đàng Ngoài. Sau khi cùng cha đến cù lao
Năng Gù, ông Dương Văn Thới lại tiếp tục lên đường tiến về phía Tây Bắc để tìm
vùng đất mới. Cuối cùng ông chọn lập nghiệp ở một vùng đất hoang hóa ven sông Hậu,
gần biên giới Đại Việt - Cao Miên.
Bằng ý
chí và nghị lực của những di dân trên vùng đất mới, gia đình ông Dương Văn Thới
cùng những người nông dân đi khẩn hoang đã không ngại gian khó, đương đầu với
bao thử thách khắc nghiệt. Những người đầu tiên đến vùng đất ấy đã ra sức khai phá rừng
hoang, mở rộng ruộng vườn, chống chọi với thú dữ và giặc giã chốn biên thùy. Họ
lập thành thôn ấp để cùng nhau định cư và làm ăn, cùng nhau giữ làng giữ nước,
và cùng nhau vun bồi cho vùng đất mới ngày càng
phát triển.
Ông Dương Văn Thới mất
ngày 25 tháng Giêng năm Quý Tỵ 1833, tức năm Minh Mạng thứ 14. Để thờ cúng tổ
tiên, về sau con cháu họ Dương ở xã Vĩnh Lộc đã xây dựng Dương Tông từ phủ. Đến nay họ Dương ở xã Vĩnh Lộc đã trải qua 12
đời [Dương Thắng 2017].
5. Tóm kết
An Giang ngày nay là vùng
đất trù phú, nhưng mấy thế kỷ trước đây lại là nơi vô cùng khắc nghiệt, nên các
lưu dân không xem là ưu tiên hàng đầu trong quá trình tìm vùng đất mới, khiến
An Giang là một trong nơi được khai phá muộn ở Nam Bộ. Dẫu vậy, mọi người từ tứ
xứ đến đây đã cùng nhau chung lưng đấu cật để khai thác và kiến thiết đất An
Giang, trong đó có vai trò quan trọng của các tộc họ mà tộc họ Dương là một
điển hình. Với ba nhánh bắt nguồn từ một gốc để tỏa ra ba địa bàn khác nhau
theo xu hướng tiến dần về phía Tây Bắc, những xóm ấp đầu tiên đã được hình
thành dưới bàn tay của những người nông dân bình dị, để ngày nay trở thành ba
xã cù lao Mỹ Hiệp, Bình Thủy, Vĩnh Lộc xanh tươi trù phú.
VĨNH THÔNG
(Bài in trong Kỷ
yếu Hội thảo khoa học: Lịch sử 320 năm cù lao Giêng hình thành và phát triển, Hội
Khoa học Lịch sử An Giang, 2018 & sách Dấu ấn thượng châu thổ, Nxb Tổng hợp
TP.HCM, 2021)
_______________________
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Bảo tàng An Giang (2013), Di tích lịch sử văn hóa An Giang, Sở Thông tin & Truyền thông An Giang.
2. Dương Thắng (2017), “Dương Tông từ phủ tại An Giang”, Website Họ Dương Việt Nam (www.hoduongvietnam.com.vn), 4/1/2017.
3. Vương Hồng Sển (1999), Tự vị tiếng nói miền Nam, Nxb Trẻ.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét