Trong kho tàng nghệ thuật dân gian phong phú của người Việt ở Nam Bộ, có những loại hình được mang từ Bắc Bộ và Trung Bộ vào, cũng có những loại hình được tiếp nhận hoặc ảnh hưởng từ các tộc người cận cư, nhưng lại có những loại hình được được sáng tạo ra trên vùng đất mới. Chúng ta không khó để có thể kể đến nhạc lễ, hát bội, nói thơ Vân Tiên, nói thơ Bạc Liêu, sắc bùa Phú Lễ, đờn ca tài tử, cải lương… Tất cả đã góp phần làm giàu cho đời sống văn hóa tinh thần đa sắc màu của cư dân nơi đây. Trong đó không thể không kể đến hát múa bóng rỗi.
Bóng rỗi là tên gọi của một loại hình
nghệ thuật diễn xướng dân gian ở Nam Bộ, gắn liền với hoạt động nghi lễ trong
các hình thái tín ngưỡng Mẫu và nữ thần. Hình thức trình diễn của nghệ thuật
bóng rỗi là sự kết hợp giữa lời hát gọi là hát
rỗi và các động tác múa gọi là múa
bóng, trong đó phần múa được được xem là bộ phận chủ đạo.
Về thuật ngữ, hiện nay tên gọi “bóng rỗi” có nhiều
cách giải thích khác nhau. Từ “rỗi” thường được lý giải là tên gọi của một loại
hình ca hát trong nghi lễ theo giọng điệu mang tính chất chào mời. Từ “bóng”
dùng để chỉ những đối tượng thực hành loại hình nghệ thuật nầy trong các nghi lễ
với trạng thái thăng hoa khi tiếp xúc thế giới thần linh (đồng bóng). Tuy nhiên,
cũng có thể hiểu từ “bóng” chỉ giới tính của họ. Mặc dù có cả nữ lẫn nam tham
gia hoạt động nầy, nhưng đa phần nam giới gây được sự thích thú cho người xem
nhiều hơn, vì khi đó họ phải cải trang thành phụ nữ, người ta gọi chung là “bà
bóng”.
Về nguồn gốc, có người cho rằng hát múa bóng rỗi ở
Nam Bộ chịu ảnh hưởng sâu xa từ nghi thức hầu đồng trong tín ngưỡng Mẫu Tam phủ
và Tứ phủ ở Bắc Bộ. Tuy nhiên, với óc thực tiễn của những người khai phá phương
Nam, sự xuất hiện của thần linh trong quá trình giao tiếp thiêng - phàm đã được
giản lược, người múa bóng không còn là đại diện cho tiếng nói của thần thánh,
mà chỉ còn là người thay mặt dân chúng để dâng lễ lên thần thánh.
Sự ra đời của nghệ thuật bóng rỗi còn
là kết quả của quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa đa tộc người, trong đó nổi
bật là vai trò của văn hóa Chăm. Trong các nghi lễ của mình, người Chăm thường
có những hình thức diễn xướng hết sức điêu luyện với vai trò chủ đạo của những muk pajau (muk: bà, pajao: bóng). Thành
phố Nha Trang ngày nay vẫn còn địa danh Xóm Bóng với câu ca dao: “Ai về Xóm
Bóng thăm nhà / Hỏi xem điệu múa dâng Bà còn chăng?”
Trong nghi lễ của cộng đồng Chăm, bà
bóng đội lễ vật trên đầu trước khi dâng lên thần linh, họ nhảy múa một cách
khéo léo và giữ chúng được thăng bằng mà không cần vịn hay nâng đỡ. Các lễ vật ấy
là tô bông, mâm đồng, tháp vàng… Những hình ảnh nầy dễ dàng khiến chúng ta liên
hệ đến các bà bóng trong diễn xướng bóng rỗi, họ đội những chén bông hoặc tháp
vàng trên đầu, múa theo nhịp trống và giữ chúng thăng bằng.
Nguồn gốc sâu xa của các nghi thức nầy lại bắt nguồn từ Ấn giáo, với lễ cúng nữ thần Kali - vợ thần Shiva. Những người phụ nữ đội những chiếc nồi đất trên đầu, trong nồi là thức ăn mà họ dâng cúng thần linh, đôi khi họ còn vẽ hình khuôn mặt vị thần ở bên ngoài chiếc nồi. Trong khi đội lễ vật mang đến đền thờ, những người tín đồ ấy vừa đi vừa nhảy múa. Ở các nghi lễ nầy, thottelu là lễ vật có dạng tháp, được trang trí bằng giấy nhiều màu sắc. Chúng khá giống với những chiếc tháp vàng trong bóng rỗi, nhưng kích thước lớn hơn rất nhiều.
Về tính chất, hát múa bóng rỗi không phải là loại hình nghệ thuật giải trí mua vui, mà mang tính “thiêng” - gắn liền với tín ngưỡng dân gian và là một bộ phận cấu thành hoạt động nghi lễ. Những đền miễu thờ Mẫu và nữ thần ở Nam Bộ thường diễn ra bóng rỗi như Bà Chúa Xứ, Bà Ngũ Hành, Bà Cố Hỷ, Diêu Trì Kim Mẫu, Linh Sơn Thánh Mẫu… thậm chí đôi khi có cả Bà Thiên Hậu của người Hoa. Như vậy, xét về mặt không gian, bóng rỗi được thực hiện trước bàn thờ thần linh, tức không gian thiêng. Thời gian diễn ra bóng rỗi cũng là thời gian thiêng, đó là một thời điểm cố định được từng ngôi miễu lựa chọn tùy theo lịch trình diễn tiến nghi lễ, không phải có thể trình diễn tùy ý.
Đối tượng thực hành tín ngưỡng là những
người hết sức đặc biệt. Họ được xem là những người được thần thánh giao phó trọng
trách, có nhiệm vụ thay mặt cho bá tánh để giao cảm với cõi thiêng. Dân gian gọi
họ là những người “có căn”, có thể hiểu là những người “được chọn”. Không dừng
lại ở vai trò “thiêng”, họ còn mang vai trò “phàm” - đó là vai trò của người
nghệ sĩ múa thuần thục. Tuy vậy, mặc dù những điệu múa đẹp được nhân dân tán
thưởng vì chúng đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của quần chúng, nhưng nên
hiểu là vai trò “phàm” không tách khỏi vai trò “thiêng”, bởi điệu múa đẹp còn
thể hiện sự thành tâm cung kính của người múa bóng dâng lên thần thánh.
Về nội dung, diễn xướng bóng rỗi thường trải qua
các nghi thức như hát mời chào, ca tụng thần thánh, múa bông, múa mâm vàng,
trình diễn các kỹ năng khác… Múa bông là hình thức các nghệ nhân đội chén bông
trên đầu, vận dụng các động tác uyển chuyển để dâng chén bông đến bàn thờ.
Tương tự như thế, múa mâm vàng, mâm bạc, mâm ngũ sắc… là chiếc mâm có đặt một
cái tháp làm bằng khung tre và được trang trí bằng giấy màu sặc sỡ, nghệ nhân đội
mâm trên đầu, di chuyển xuống trán, tay, lưng…
Các trò tạp kỹ thường được tích hợp
vào múa bóng rỗi như múa đao, múa trống, phun lửa, tung hứng… là những nội dung
được khán giả thích thú hơn cả. Khi ấy, người múa bóng rỗi như những nghệ sĩ xiếc
tài ba. Họ dùng nhiều bộ phận trên cơ thể để giữ những vật nặng (trống, lu, ghế…)
hoặc những vật khó giữ thăng bằng (nhánh huệ, lông công, cọng dừa…) và đồng thời
phải di chuyển một cách khéo léo. Các thao tác đó vừa mang tính giải trí gần
gũi, nhưng cũng không kém phần “bí ẩn” trong mắt người bình dân.
Bên cạnh các động tác múa là phần âm
nhạc, điệu hát rỗi thường vận dụng các điệu lý, hò, vè, nói thơ… quen thuộc
trong dân gian. Phối hợp cho lời hát thêm bay bổng là vai trò của các nhạc cụ
dân tộc, mà chủ đạo là cây đờn cò, bên cạnh còn có trống lệnh, ngoài ra để tăng
thêm phần phong phú còn có thể có thêm đờn kìm, mõ,
sênh, phách, song lang… Lời hát rỗi thường có nội dung ca ngợi và chúc tụng thần
linh, cầu mong những điều tốt lành cho dân chúng.
Sau thời gian dài
vắng bóng, hát múa bóng rỗi giờ đây đang được hồi sinh. Nhằm góp phần “thắp lửa” cho loại
hình nghệ thuật dân gian độc đáo nầy, ngày 27 - 28/5/2007, Liên hoan múa bóng rỗi Nam Bộ lần đầu tiên được tổ chức tại thành
phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Tuy nhiên, mãi đến tận mười năm sau, vào ngày
22/5/2017, Liên hoan nghệ thuật diễn xướng
dân gian Bóng rỗi - Địa Nàng mới được tổ chức lần thứ hai tại thành phố
Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Tóm lại, hát múa bóng rỗi là loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian gắn liền với tín ngưỡng Mẫu và nữ thần ở Nam Bộ. Trước tiên, bóng rỗi đáp ứng nhu cầu tâm linh của cư dân và mang giá trị thẩm mỹ. Bên cạnh đó, bóng rỗi còn thể hiện xu hướng thế tục khi đáp ứng nhu cầu giải trí trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, những buổi trình diễn ấy còn là dịp để cộng đồng gắn kết với nhau hơn và trao truyền những thông điệp sống tốt đẹp. Đặc biệt, loại hình nghệ thuật nầy là cầu nối cho sự giao lưu và tiếp biến văn hóa đa tộc người trên vùng đất mới phương Nam.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét