Ở tỉnh An Giang từ nhiều năm nay, mọi người đã không còn xa lạ với việc xã nào cũng có xe cấp cứu miễn phí. Mỗi xã thường có một chiếc xe chuyển bệnh, xã nào khá hơn thì có hai hoặc ba chiếc, thậm chí có những xã mà mỗi ấp đều có một chiếc. Ngoại trừ những xã vùng sâu vùng xa quá khó khăn thì hai hoặc ba xã cùng sử dụng một chiếc xe. Tất cả những chiếc xe chuyển bệnh đó đều do người dân trong xã cùng nhau đóng góp tiền mua, sử dụng vì mục đích chung cho cộng đồng. Chuyện đã trở thành bình thường.
Và cũng bình thường như vậy, khi những
gia đình có người bệnh không còn phải lo tiền xe đưa người thân đi cấp cứu. Cứ
lên xe và đi. Không tốn một đồng nào. Với những gia đình khá giả, sau đó có thể
đến Hội Chữ thập đỏ để biếu tặng một ít tiền, xem như ủng hộ tiền xăng để giúp
đỡ cho những trường hợp sau nầy khó khăn hơn mình. Tuy nhiên, nếu gia đình nào
không đủ điều kiện để ủng hộ thì cũng chẳng sao. Và đặc biệt, người tài xế
không bao giờ nhận tiền công, dù bạn gọi họ vào đêm khuya mưa gió, họ vẫn lập tức
có mặt.
Bạn có thể cảm thấy xa lạ với những
chiếc xe chuyển bệnh miễn phí, tất nhiên, nhưng đâu chỉ thế. Bạn sẽ còn nhận thấy
nhiều điều lạ lùng hơn nữa, ở cái xứ nầy.
Lạ, như lúc bạn rong ruổi trên những
con đường Tây Nam, bắt gặp không biết bao nhiêu thùng nước uống có ghi hai chữ
“miễn phí”. Ngộ, đâu phải là chốn hoang sơ, những quán giải khát vẫn mọc đầy đường
kìa, vậy cần gì phải có những thùng nước uống miễn phí? Thật ra, chúng được đặt
ở những đoạn vắng, dành cho những ai lỡ độ đường, những người buôn gánh bán
bưng tiết kiệm những đồng tiền lẻ vốn đã ít ỏi, hay các em học sinh nghèo đến
trường mà trong túi trống rỗng, và còn biết bao con người…
Lạ, như lần đầu bạn gặp những quán
cơm từ thiện 2000 hay 5000 đồng. Cơm từ thiện miễn phí hoàn toàn là chuyện không
hiếm, dễ thấy ở các bệnh viện. Nhưng cơm bán với giá 2000 hoặc 5000 đồng là
sao? Số tiền quá ít ỏi, không đủ vốn cho một phần cơm, lấy làm gì? Bởi dân gian
thường nghĩ, khi ta nhận sự giúp đỡ từ ai đó thì ta đã nợ họ và họ là người ban
ơn. Vì vậy, những bán cơm sẵn lòng làm từ thiện nhưng không muốn mình là người
ban ơn, không muốn người khác nợ mình. Trả tiền 2000 hay 5000 đồng xem như sòng
phẳng, bạn không phải ái nái vì nợ họ, họ không cần bạn ghi ơn hay trả ơn. Với số
tiền đó, các bạn sinh viên hay các cô chú lao động nghèo bước vào quán sẽ bớt
ngại ngùng khi mình còn mạnh khỏe mà lại… ăn miễn phí!
Lạ, một xứ sở mà mỗi ngày có biết bao
con người tự nguyện bỏ thời gian của mình để cưa cây, đóng ván, bào chuốt thành
những chiếc quan tài. Những gia đình khó khăn khi có tang sự không phải lo lắng,
vì đã có những chiếc hòm hoàn toàn miễn phí. Chúng không chỉ đơn thuần làm bằng
gỗ, mà còn làm từ tấm lòng thơm thảo của thế hệ sau dành cho thế hệ trước, của
người còn dành cho kẻ mất, của người khá giả dành cho kẻ khó khăn… của con người
dành cho con người. “Xứ đâu mà xứ lạ lùng” - ca dao xưa như thế, ý nói về vùng
đất hoang hóa, hiểm nguy. Ngày nay xứ ấy vẫn lạ lùng, đó là lạ lùng trong cách
đối nhân xử thế, thương người đang sống đã đành, rồi đến người mất cũng lo
toan. Thương người quen là tất nhiên, nhưng người xa lạ vẫn giúp đỡ.
Ngày xưa, lưu dân ra đi hướng về
phương Nam với mong mỏi khai phá vùng đất hoang vu, tìm cuộc sống mới. Với hai
bàn tay trắng, họ có gì mang theo ngoài đạo nghĩa nhân. Giữa chốn đầy rẫy bất
trắc, những người xa lạ phải nương tựa vào nhau. Vậy rồi, đến những lúc gặp ai
kinh qua gian truân như mình từng nếm trải, làm sao họ không động lòng trắc ẩn.
Đã xa lắm rồi cái thời những đoàn người đi khẩn hoang giữa chốn rừng thiêng nước
độc, nhưng cách sống ngày ấy đã ăn sâu vào tâm hồn của bao thế hệ, tiếp tục
truyền lại đến hôm nay, và còn nữa cho bao thế hệ mai sau.
Xứ nầy, cái gì cũng sẵn lòng cho đi
như vậy sao?
Nào phải bạn là người đầu tiên hỏi
câu nầy. Cách đây mấy trăm năm, một thương nhân người Bồ Đào Nha cũng từng thắc
mắc như thế. Trong tác phẩm Xứ Đàng Trong,
Nhà nghiên cứu Li Tana thuật lại câu chuyện khá thú vị do tác giả Borri
Christofoto viết năm 1633. Chuyện là, một thương nhân Bồ Đào Nha không thích tập
quán cho đi của người Đàng Trong, do đó đã làm một phép thử. Ông xuống ghe một
người đánh cá, chỉ tay vào chiếc giỏ đầy cá và nói tiếng bản xứ: “Xin một cái!”
Người đánh cá đưa cho ông cả gió cá mang đi, để lại trong lòng ông sự ngạc
nhiên tột độ.
Tới đây, bạn sẽ thắc mắc. Ngày xưa
chim trời cá nước, bắt được một giỏ cá đem tặng hết thì lại bắt nữa, có sao
đâu. Nhưng bây giờ, làm sao có thể giữ mãi cách đối nhân xử thế như vậy, nào là
kinh tế thị trường, nào là tài nguyên suy giảm… Họ cũng biết thế, nhưng họ vẫn
giữ, như một truyền thống mà không cần phải tham gia bất cứ khóa học nào, từ đời
ông bà đến cha me, rồi con cháu. Họ sanh ra đã vậy, lớn lên vẫn vậy, và trước
khi chết đi - ngày nào còn có thể thì họ vẫn sẽ làm như vậy. Nói vui một tí, phải
chăng đây là một sự “cố chấp” ngọt ngào: Cố chấp yêu thương!
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét