1.
Lần nầy nó về trong nước mắt. Trong tiếng khóc của đám đông, người ta vẫn nghe rất rõ tiếng khóc của nó. Nhưng, đó là tiếng khóc than bên ngoài, còn tiếng khóc thét căng tràn trong lồng ngực, làm sao ai có thể nghe được. Những tiếng khóc cộng hưởng cùng nhau cứ kéo dài, dài mãi… dài như một đời người!
Khi nó về đến nhà, chị đã nằm sau lớp
áo quan rất dầy, gương mặt chỉ còn có thể nhìn thấy qua di ảnh. Gương mặt ấy rất
trẻ, tấm ảnh thờ cũng rất mới, chị rửa tấm hình đó cách đây không lâu. Chị đã
chuẩn bị sẵn cho chuyến đi của mình. Chuyến đi nầy, nó không còn có dịp thấy chị
quay trở lại.
Nó như sắp quỵ khi đặt chân tới ngạch
cửa, thấy cỗ quan tài đơn sơ, tấm hình thờ, lư hương nghi ngút khói. Đó là sự
thật. Sự thật nầy rất nhiều lần nó đã cố không tin, khi nghe người nhà gọi điện
thông báo, khi ngồi trên xe về quê, khi lê từng bước chân vào con hẻm quen thuộc.
Vậy mà ở ngạch cửa nầy, với những gì trước mắt, làm sao không tin được!
Phải chi, đây chỉ là một cơn mê sảng,
một giấc mơ. Trong chập choạng mộng mị ấy, nó thấy mình về quê khi hay tin chị
mất, thấy gia đình làm đám tang chị, nhưng rồi khi tỉnh dậy mở mắt ra… mọi thứ
hoàn toàn không có thật. Phải chi! Nó cố thử nhắm mắt rồi mở mắt, cứ ao ước rằng
khi mở mắt ra, mình sẽ thở phào nhẹ nhõm thoát khỏi cơn ác mộng. Song, có nhắm
mắt mở mắt bao nhiêu lần, đến hai mắt sưng đỏ, những gì hiện ra trước mắt nó vẫn
không thay đổi. Có chăng, hai hàng nước càng lúc càng trôi nhanh thêm.
Giờ đây, hình như nó đang loáng thoáng
nghe đâu đó vang lên bài hát Chị tôi
của Trần Tiến. Ai hát, có phải chính nó đang thầm hát, hay ký ức hát? “Mộ chị
tôi bé xinh đứng bên cầu thương nhớ mêng mông, mộ người chưa có chồng.” Lời bài
hát giáng vào nó như một ám ảnh, mãi nhức buốt, như một vết cắt dài sâu trong
da thịt, mãi không lành.
Vẫn lư hương, di ảnh, quan tài. Và, vẫn
tiếng khóc, dài như một đời người…
Trong tiếng khóc đó, có cả tiếng khóc
mà nó dành cho sự bội bạc của chính mình.
Chị nó mới phát bệnh mấy tháng thôi. Lần
trước về nhà, nó thấy chị hơi ốm và xanh xao một chút, nhưng còn khỏe và vui vẻ
lắm mà, không phải dấu hiệu của người bệnh nặng. Nó nghĩ, có lẽ gần đây công việc
vất vả quá, khiến chị hơi bơ phờ. Nó đâu ngờ rằng, chị đã biết mình bệnh, nhưng
không muốn nó lo, dẫu căn bệnh ấy là cái án tử treo lơ lửng trên đầu. Chị ơi, tận
những ngày cuối cùng, chị vẫn không màng đến cảm xúc riêng tư của bản thân sao?
Bao năm rồi, nó cứ đi và mãi đi. Đi, không
nhớ mình phải dừng lại, phải quay về. Cuộc hành trình của đôi chân và tuổi trẻ,
thôi thúc chàng trai đôi mươi đến độ khiến nó quên bẵng rằng, đôi vai của chị vẫn
hoài oằn nặng. Chị ơi, chị lấy chồng đi! Dường như có vài lần nó nói như vậy.
Nhưng nói để làm chi? Thì cũng chỉ là những câu bông đùa bâng quơ. Nó chưa bao
giờ nghĩ đến hạnh phúc của chị.
Còn chị? Chị có bao giờ nghĩ đến hạnh
phúc riêng mình?
2.
Tôi hay tin khi chị đã ra đi gần một
tháng. Có lẽ bạn bè nghĩ rằng chị chỉ là một người không quen thân mấy, không
quan trọng để phải báo tin cho nhau. Đến một hôm, trong lúc ngồi cà phê nói
chuyện trời mây gió nước, một người bạn tình cờ nhắc đến sự ra đi của chị. Tôi
không khỏi sững sờ.
Chị là người phụ nữ cần cù, chịu khó,
vất vả, nhưng lúc nào cũng rất vui vẻ, thoải mái, thân thiện với mọi người. Chị
ngoài ba mươi tuổi, chưa có chồng, bán cơm trước cổng trường trung học - ngôi
trường chúng tôi từng học trước đây. Nhà chị còn có cha mẹ đã ngoài sáu mươi và
thằng em vừa tốt nghiệp đại học. Cha mẹ chị đã yếu, chỉ phụ bán vài món ăn vặt
cho học sinh, cắt củm qua ngày. Lúc đứa em còn đi học, chị là trụ cột chính của
gia đình, vừa lo cho cha mẹ, vừa lo cho em. Có phải vì vậy mà chị không lấy chồng?
Tôi chỉ đặt một dấu chấm hỏi, không dám tự tiện giải thích theo suy nghĩ chủ
quan của cá nhân. Và một điều nữa, chị là người ăn chay trường.
Thời học sinh trung học, bọn chúng
tôi thường ăn cơm ở quán của chị. Có những buổi học chiều rồi lại học tối, những
đứa nhà xa không kịp về mà phải ở lại trường, chỉ cần dặn trước: “Chừa tụi em mấy
dĩa cơm nha!”, thì lúc nào cũng có bữa chiều no dạ. Đặc biệt, chưa thấy chị khó
chịu với ai bao giờ, mặc dầu “thực khách” phần đông là những thằng trai “chọc
trời khuấy nước”.
Ngày đó, tôi không để ý điều nầy. Vào
quán ăn, nói vài câu bông đùa, đôi lúc tâm sự chuyện nầy chuyện nọ, nhưng tôi
chưa bao giờ quan tâm nhiều đến cách cư xử của chị. Bây giờ nghĩ lại mới nhờ rằng,
chị chưa bao giờ tỏ ra khó chịu với chúng tôi, dẫu đôi khi có những đứa giỡn hớt
hay nói năng hơi quá lố. Giá một dĩa cơm chị bán vốn đã rẻ, vậy mà tụi học trò lại
hay xin thêm thứ nầy thứ kia - nửa đùa nửa thật - chị vẫn vui vẻ cho thêm. Ăn chưa
no, mua một chén cơm thêm, giá rẻ bằng ly trà đá, cơm đầy ắp cả chén. Chị vừa
bán vừa tặng, một kiểu “hỗ trợ ngầm” cho những đứa em nhỏ còn đang cắp sách.
Đối với những người bán hàng rong trước
cổng trường, chị đều rất niềm nở. Thậm chí, chị cho họ bày bán trước cửa nhà, dần
dần thành thân thiết, coi như người trong nhà. Sau khi tốt nghiệp phổ thông,
tôi có gặp lại chị một lần trong một chương trình từ thiện. Tôi khá bất ngờ khi
gặp người quen đang đứng phát quà cho đồng bào nghèo, chạy đến hỏi thăm vài
câu, chị vẫn vui vẻ như ngày nào.
Đời chị tảo tần, tấm thân mệt mỏi nhưng lòng thì sáng. Chị hy sinh bản thân để lo cho cha mẹ và em trai. Chị tiếp sức cho những đứa học trò nhỏ qua từng dĩa cơm bình dân. Chị giúp đỡ cho những người bán hàng rong có nơi tránh mưa nắng. Buôn bán cực nhọc lại còn gánh nặng gia đình, nhưng gần như không thấy chị buồn phiền, lúc nào cũng vui cười với mọi người. Có bao giờ chị nghĩ đến hạnh phúc tư riêng?
Từ lần gặp trong buổi phát quà từ thiện,
tôi không gặp lại chị thêm lần nào nữa. Khi nghe nhắc đến chị cũng là lúc tụi bạn
cho biết chị đã mất. Chị bị ung thư. Đột ngột quá! Tôi nhớ về hình ảnh chị trước
đây, đó là người phụ nữ khỏe mạnh, nhanh nhẹn, sắc mặt tươi tắn. Khi còn đi học,
tôi chưa từng nghe ai nói chị bị bệnh. Đến nay chưa đầy hai năm, vậy mà…
3.
Đây là câu chuyện có thật về một con
người có thật. Tôi chỉ là một trong vô số người tình cờ quen biết chị giữa cuộc
đời ngắn ngủi. Xin mạn phép làm công việc ghi chép đôi dòng về chị, không là cả
đời người, chỉ trong một vài lát cắt nhỏ mà tôi từng biết. Có một điều, tôi
chưa từng có cơ hội nói với chị, đó là chị và tôi cùng thọ giới chung một vị bổn
sư.
Rồi đây, chắc hẳn sẽ có người nói:
“Ăn chay trường mà cũng chết sớm, làm từ thiện mà cũng chết sớm, vậy ăn chay
làm từ thiện chi cho mắc công.” Miệng đời mà! Ở nơi nào đó, chắc chị sẽ mỉm cười.
Họ đâu biết rằng, trong nửa phần đời sau cùng, tâm hồn chị đã an lạc ra sao. Thứ
an lạc đó, nào phải ai cũng có được.
Thiên hạ có thể hy sinh tất cả để kiếm
tiền. Chị thì ngược lại, hy sinh tất cả để có được sự an lạc cho mình, và cả
cho người. Những thứ quan trọng nhứt đối mọi người, chị còn có thể buông xuống,
thì điều gì có thể ràng buộc được chị nữa đây? Trong đạo Phật, người hành Bồ-tát
hạnh là người thương yêu tất cả mọi người xung quanh, sẵn sàng ra tay giúp đỡ
khi có thể, chẳng hề giận ghét ai… Vậy, nếu tôi xem chị như một Bồ-tát đời thường,
không biết có quá lời chăng?
Vài ngày nữa, năm mới đến rồi. Lại một năm trôi tuột khỏi kiếp đời hữu hạn, níu kéo được đâu. Tôi tự nhắc nhở chính mình mà như thủ thỉ cùng chị: “Khứ lai như thị.”
Bình Thủy, khuya 1/2/2016
VĨNH THÔNG
(Tác phẩm đăng trên Báo Giác ngộ, số 848, 2016)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét