Mỗi năm, cứ đến những ngày cuối tháng Chạp âm lịch - những ngày giáp Tết cổ truyền dân tộc, bao người con làm ăn xa xứ lại hối hả cùng nhau trở về quê. Dù những đoàn người về quê gây ra áp lực lớn cho giao thông, nhưng đó là điều tất yếu phải xảy ra ở một quốc gia đang phát triển. Lộ trình công nghiệp hóa và đô thị hóa đã dẫn đến làn sóng di cư từ nông thôn lên thành thị càng lúc càng tăng. Khi đó, người ta rơi vào tình cảnh làm việc ở một nơi, nhưng ngôi nhà lại ở nơi khác.
Với người phương Tây,
có thể bạn đến từ Berlin nhưng cư trú ở London, việc bạn đón năm mới ở London
là điều bình thường, không cần thiết phải về Berlin. Thế nhưng với người phương
Đông lại khác, nhiều người có nhà ở đô thị nơi mình làm việc, nhưng ngày xuân vẫn
khăn gói về lại ngôi nhà của ông bà cha mẹ. Trong tâm thức của họ, Tết không đến
một cách đủ đầy trong ngôi nhà mà mình mới mua và cư ngụ vài năm, thậm chí vài
mươi năm. Tết chỉ thật sự trọn vẹn trong ngôi nhà mà nhiều thế hệ đã trải qua,
ngôi nhà kết nối giữa quá khứ và hiện tại, ngôi nhà gắn bó với lịch sử gia đình.
Ai cũng hiểu, ngôi nhà là nơi tập cho mỗi người những bước đi đầu đời, cũng là nơi cuối cùng mà mỗi người nằm xuống. Song, lạ kỳ thay, ngôi nhà lý tưởng của ông bà ta ngày xưa không phải là công trình cao sang như chúng ta hiện nay đang mơ ước. Họ nói rằng: “Chẳng tham nhà ngói bức bàn / Trái duyên coi bẵng một gian chuồng gà / Ba gian nhà rạ lòa xòa / Phải duyên coi tợ chín tòa nhà lim” (Ca dao). Hóa ra, nhà không chỉ đơn giản là nhà! Ngôi nhà hiện lên như thế nào còn tùy thuộc vào cách nhìn của mỗi người. Thế nên sẽ không ngạc nhiên khi ngôi nhà được ông bà ta định nghĩa “giàu sang” lại có diện mạo là: “Nhà ta giàu sang / Có ngô làm vàng / Có sắn làm bạc / Có một đàn hạc / Là ổ gà ri / Nhà chạm long li / Nứa tre xanh đỏ / Lọng che ta có / Là cả vòm trời / Sướng nhứt trên đời / Là anh cày cuốc!” (Ca dao).
Ngôi nhà đơn sơ nhưng lại chứa đựng nhiều giá trị. Bởi, nó không lấy sự trau chuốt bóng bẩy làm chất liệu xây dựng nên hạnh phúc, mà luôn sẵn chứa hạnh phúc hằng ngày. Không cần tìm kiếm đâu xa, con người hoàn toàn có thể cảm nhận được hạnh phúc với ngôi nhà của mình nếu biết sống tự tại trong mối quan hệ hòa hợp với thiên nhiên xung quanh. Khi ấy, mỗi vật dù thấp kém đến mấy cũng đáng yêu trong mắt ta. Chúng ta có bao giờ thử cảm nhận: “Lọng che ta có / Là cả vòm trời”, để hiểu được thông điệp sâu sắc về triết lý sống hài hòa với tự nhiên trong văn hóa phương Đông mà ông bà ta từng dạy?
Đó là ngôi nhà về phương diện vật chất. Còn về tinh thần, ngôi nhà nuôi lớn thế tình cảm của mỗi cá nhân, bên cạnh những con người thân thuộc là ông bà, cha mẹ, anh chị em, vợ chồng, con cái… Ngộ nghĩnh lắm mà cũng dễ thương lắm, người Việt dùng từ “nhà” vừa để chỉ nơi cư trú, đồng thời mang nghĩa là “gia đình” với tập hợp những người có quan hệ huyết thống, cũng lại chỉ người vợ hoặc chồng (ông nhà, bà nhà, nhà tôi…). Như vậy, “nhà” không chỉ là nơi cư trú với ý nghĩa vật chất đơn thuần, quan trọng hơn nó còn là nơi có những con người mà ta yêu thương.
Nói đến nhà lại gắn liền với quê hương. Một người có thể bỏ ra mười năm sống ở đô thị, quen thuộc với từng ngã đường mà mình qua lại hằng ngày. Thế nhưng khi trở về quê, nhìn lại những khung cảnh mà mình đã xa cách quá lâu, lại thấy nó sống động hơn bao giờ hết và dường như nó mới thực sự thuộc về mình. Có phải vậy không mà nhạc sĩ Hoàng Hiệp từng viết những câu hát da diết: “Bao năm xa quê ấy trong mơ tôi vẫn thấy, hôm nay tôi trở về lòng chợt vui thấy sông không già.” Chắc hẳn ông đã đi qua biết bao con sông trên khắp đất nước và cả nước ngoài, nhưng làm sao có con sông nào thân thuộc bằng con sông quê hương? Chỉ có tâm thế của người thấu hiểu rõ mình thuộc về quê hương mới nhận thấy “sông không già”.
Cho nên cách nói “về quê” hay “về nhà” của người Việt gần như được hiểu giống nhau.
Tổng hòa tất cả các yếu tố, có lẽ “nhà” theo nghĩa rộng nhứt có thể, chính là tổ hợp tất cả những điều kiện vật chất và tinh thần để tạo cho mỗi người cảm giác được thuộc về. Do đó, ý nghĩ “về nhà” lúc nào cũng gợi cho mỗi người những cảm giác bâng khuâng, nôn nao, khó tả. Bởi vì, bất kỳ ai cũng hiểu rằng trở về nhà là về với nguồn cội: nguồn cội tâm linh, nguồn cội huyết thống, nguồn cội ân tình. Trở về nhà là quay về nơi ấm áp yêu thương - nơi mỗi con người được cảm thấy bình an nhứt.
Những ngày nầy, trên những chuyến xe đang hối hả ngược xuôi khắp mọi nẻo đường thiên lý Bắc Nam kia, có bao nhiêu người con đang rời nhà ra đi, và có bao nhiêu người con đang nôn nao cho một chuyến về? Còn bạn thì sao? Chần chờ gì nữa, hãy lắng lòng, bạn sẽ nghe lời nàng xuân đang thúc giục: Về nhà đi thôi!
Tháng Chạp năm Đinh Dậu
VĨNH THÔNG
(Tác phẩm đăng trên Tạp chí Văn nghệ Tiền Giang, số 96, 2020)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét